Đến dự Lễ khai mạc Ngày hội có bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện; ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cùng đại diện các cơ quan, ban, ngành ...
Trước giờ diễn ra lễ khai mạc, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đi tham quan khu triển lãm các dân tộc vùng Đông bắc nằm trong khuôn khổ của ngày hội
Phát biểu Khai mạc ngày hội, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện bày tỏ tin tưởng rằng Ngày hội sẽ làm gần hơn về không gian địa lý, thấu hiểu hơn tình cảm, gắn chặt hơn tình đoàn kết của đồng bào dân tộc vùng Đông Bắc nói riêng, đồng bào các dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc anh em nói chung....
Tại Lễ khai mạc Ngày hội, ông Michael Croft và Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã trao bằng UNESCO công nhận Nghi lễ và trò chơi kéo co là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho đại diện Sở VHTTDL và nghệ nhân các tỉnh, thành phố Vĩnh Phúc, Lào Cai, Bắc Ninh, thành phố Hà Nội. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy và đồng chí Vũ Việt Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc tặng Cờ lưu niệm và hoa cho các đoàn, đơn vị tham gia Ngày hội.
Ngay sau phần lễ là chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ X, năm 2018
Với mục đích tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vùng Đông Bắc, chương trình nghệ thuật có sự tham gia của hơn 700 diễn viên sân khấu, múa chuyên nghiệp, các nghệ nhân hát dân ca, ca sĩ nổi tiếng. Phần 1 của chương trình có nội dung "Vĩnh Phúc nối vòng tay bè bạn", trong đó, có các ca khúc sáng tác riêng cho lễ hội - "Ngày hội Đông Bắc".
Chương trình nghệ thuật còn có các ca khúc đặc sắc thể hiện nét đẹp của từng địa phương như: "Bắc Giang một bức tranh quê", "Bắc Kạn mình đây", "Nước non Cao Bằng", "Những người con của núi", "Theo em về xứ Lạng", "Đêm trăng Hạ Long", "Huyền thoại hồ Núi Cốc", "Về Tuyên Quang đi em", "Hò sông Mã", "Vĩnh Phúc âm vang ngàn đời"… Cùng với đó là hình ảnh di tích lịch sử văn hóa và lễ hội đặc trưng của nhân dân các dân tộc…
Những bài hát: "Vũ điệu của những loài hoa" , "Vĩnh Phúc ơi non nước nghĩa tình", "Xuân về trên thành phố quê hương", "Chiều Đại Lải", "Sen hồng", "Non xanh Tam Đảo", "Đêm mơ tháp bay về", "Vĩnh Phúc tuổi 20"... làm nổi bật nét sinh hoạt văn hóa của các dân tộc vùng Đông Bắc.
Chương trình nghệ thuật cũng làm nổi bật vẻ đẹp của vùng đất Vĩnh Phúc, trong đó, có giá trị văn hóa của Tam Đảo - "linh khí núi sông đất Việt", Tây Thiên - "cõi trời Tây đệ nhất danh lam", Tháp Bình Sơn…