Những kỳ vọng của KIDO khi quay lại ngành bánh Trung thu sau 6 năm vắng bóng

(Tổ Quốc) - Tham gia trở lại ngành bánh kẹo, KIDO đã rất tâm huyết và kỳ vọng vào mùa Trung thu năm nay. "Mục tiêu của chúng tôi sẽ là vị trí số 1 của thị trường với chiến lược chú trọng vào chất lượng và khác biệt, đáp ứng nhu cầu ngày nay", CEO khẳng định.

Quyết định bán thương hiệu bánh mảng bánh kẹo cho đối tác ngoại vào năm 2014 với giá trị 10.000 tỷ đồng, Tập đoàn KIDO lúc đó xoay trục sang phát triển ngành dầu ăn và kem với những thương hiệu như Tường An, Marvela, Merino, Celano…

Động thái này được thực hiện tại thời điểm KIDO có tham vọng trở thành doanh nghiệp tỷ đô nhưng tăng trưởng ngành kinh doanh chính là bánh kẹo lúc đó chỉ đạt 5-6%/năm. Chiến lược tập trung đã giúp KIDO hái quả ngọt: Hiện đã dẫn đầu thị phần dầu ăn (39%), kem (44,5%) và bơ thực vật (74,9%); đồng thời đã mở rộng hệ thống điểm bán gấp 4 lần.

Và hôm nay, KIDO tiếp tục tham chiến tại thị trường bánh, mà chính xác là quay lại sau 6 năm tạm dang dở, với một tâm thế mới mẻ trong xu hướng cũng rất mới mẻ. "Không như trước đây, chúng ta làm ngành bánh kẹo nhiều khi là vài chục sản phẩm nhưng không phải sản phẩm nào cũng bán được. Sự thay đổi là hiện giờ là chúng ta phải làm những sản phẩm có giá trị. Sản phẩm mang được cái giá trị là vừa chất lượng, vừa tiện lợi, có thể đi xa được", CEO Trần Lệ Nguyên cho biết.

Trở lại và lợi hại hơn xưa?

Có thể nói, sự thành công trước đây của KIDO đến từ chất lượng sản phẩm đi đôi với giá hợp lí, đó cũng là nền tảng Công ty khẳng định sẽ tiếp tục. "Các bạn có thể an tâm vì dù thương hiệu có khác nhưng nguyên tắc này không bao giờ thay đổi", người cầm cương nói.

Không ngừng theo dõi sự chuyển biến của thị trường cũng như cập nhật những xu thế mới, KIDO năm nay sẽ chính thức quay trở lại thị trường bánh trung thu với tên thương hiệu KIDO’s Bakery, mong muốn thiết lập tiêu chuẩn thưởng thức mới cho người tiêu dùng. Điều này được thể hiện qua hình dạng hoàn toàn khác biệt cả bên trong chiếc bánh lẫn bên ngoài chiếc hộp quà biếu.

Cụ thể, dự "đổi" trong lần quay lại ngành bánh này cũng như ở thương hiệu mới KIDO’s, đó chính là việc cập nhật và dẫn dắt xu hướng. 6 năm qua, thị trường bánh kẹo hầu như không có những sản phẩm mới đột phá, nhưng với lần quay trở lại của KIDO, người tiêu dùng sẽ nhận được những sản phẩm không những chất lượng mà còn đột phá.

Đơn cử, công thức mới dựa trên những cái đã "đổi" có thể kể đến việc bánh tươi KIDO’s Bakery theo ý tưởng mang chuẩn ‘bakery’ đến mọi người, không còn là những sản phẩm ăn no cho đối tượng công nhân sinh viên, mà dành cho tất cả đối tượng có nhu cầu thị hiếu thưởng thức bánh.

Công ty cũng sáng tạo hàng loạt sản phẩm bánh tươi như bánh chà bông xốt Singapore, bánh phomai Castella, bánh gà nướng xốt Hongkong, bánh Takoyaki xốt Nhật Bản, bánh trân châu lava trứng muối, bánh mì hoa cúc… Bởi, "tất cả chỉ là mong muốn nếu chúng ta không thật sự hiểu khách hàng, đó mới là kết quả thực tế".

Cũng cần nhấn mạnh, ông Nguyên được ví như linh hồn của KIDO cho dự án F&B bao gồm chuỗi trà, cà phê Chuk Tea & Coffee đến sản phẩm KIDO’s Bakery lần này. Bởi, không chỉ đảm nhận vai trò CEO ông còn kiêm cả khâu R&D, sáng tạo hương vị sản phẩm… KIDO theo đó đang lên chiến lược "trở lại và lợi hại hơn xưa".

Những kỳ vọng của KIDO khi quay lại ngành bánh Trung thu sau 6 năm vắng bóng - Ảnh 1.

Sản phẩm bánh trung thu KIDO’s Bakery được sản xuất trên dây chuyền tự động.

Theo kế hoạch, bánh trung thu KIDO’s Bakery sẽ có mặt trên thị trường từ đầu tháng 8/2022 và được phân phối trên các kênh GT; Kênh KA; Cơ quan – Xí nghiệp; Các kênh mua sắm trực tuyến lớn như Lazada, Tiki, Shopee...

KIDO cũng sẽ tận dụng các kênh phân phối hiện tại của Tập đoàn gồm 450.000 điểm bán để phân phối sản phẩm trong mùa trung thu này. Đặc biệt, bánh trung thu KIDO’s Bakery còn được trưng bày và bán tại tất cả các cửa hàng của chuỗi F&B Chuk Tea & Coffee tại Tp.HCM và Thủ đô Hà Nội.

Mới đây, KIDO còn đưa vào hoạt động Nhà máy bánh kẹo KIDO’s Bakery với diện tích 12.735m², công suất hoạt động 19.044 tấn/năm từ ngày 17/4/2022.

Dĩ nhiên việc quay lại và xưng vương là rất khó, nhưng "không có nghĩa là chúng tôi không tham vọng"

Tham gia trở lại ngành bánh kẹo, KIDO đã rất tâm huyết và kỳ vọng vào mùa Trung thu năm nay. "Mục tiêu của chúng tôi sẽ là vị trí số 1 của thị trường với chiến lược chú trọng vào chất lượng và khác biệt, đáp ứng nhu cầu ngày nay", CEO khẳng định.

Dĩ nhiên việc quay lại và xưng vương là rất khó, KIDO cũng đồng ý với điều này, nhưng "không có nghĩa là chúng tôi không tham vọng", ông Nguyên tự tin nói: "Chắc chắn mục tiêu chúng tôi sẽ số 1 ngành bánh kẹo, và cần phải có lộ trình và những chiến thuật phù hợp.

Ở đây tôi sẽ không thể chia sẻ cụ thể vì đó là bí mật kinh doanh, tuy nhiên tôi sẽ đưa ra những thay đổi nền tảng để đạt mục tiêu, bao gồm:

(1) Tính hệ thống: KIDO ý thức được với sự lớn mạnh của tổ chức thì nền tảng hệ thống càng phải chắc, do đó trong suốt 10 năm qua, chúng tôi liên tục cho xây dựng quy trình, cải tiến qui trình, nâng cao phối hợp… Tất cả tạo nền một guồng máy vận hành trơn tru và mang đến năng suất cao;

(2) Tính ứng dụng công nghệ trong quản lí chung và chức năng phòng ban riêng;

(3) Hệ thống phân phối liên tục được nâng cấp và được xem như xương sống kinh doanh tất cả mặt hàng của KIDO;

(4) Năng lực Marketing bám sát thị hiếu và nhu cầu người tiêu dùng trong việc lên ý tưởng, thiết kế, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dung;

(5) Tính đòn bẩy và tích hợp trong hệ sinh thái thực phẩm sẽ hỗ trợ lẫn nhau".

Ngoài những nghiệp vụ trên, để hiểu người tiêu dùng, KIDO còn xây dựng hệ thống phân phối với quan niệm anh em bán hàng sẽ là "tai mắt" của Công ty để quan sát thị trường.

"Chúng tôi trang bị cho đội bán hàng các công cụ cần thiết để thu thập dữ liệu, hình ảnh và thông tin về các đối tượng trên thị trường theo từng khu vực địa lý. Đó là nền tảng và phương pháp hiệu quả nhất.

Minh chứng là trong Covid-19, chúng tôi hiểu thị trường, rằng người tiêu dùng đang dịch chuyển về nhà, theo đó KIDO đã dịch chuyển cả hệ thống kênh phân phối đi cùng.

Rồi sau dịch, người tiêu dùng lại dịch chuyển nên chúng tôi cũng thích ứng theo. Và một điều thú vị, chúng tôi phát hiện rằng, đặc biệt đối với bánh kẹo và thực phẩm nói chung, có lẽ do dịch ở nhà nên người tiêu dùng có vẻ ăn vặt nhiều hơn (cười), thưởng thức hơn, chia nhỏ từng bữa khẩu phần so với trước kia, ăn no và nhiều", ông Nguyên chia sẻ.

Trong đó, tham vọng tỷ đô của KIDO bên cạnh thị hiếu còn song hành với câu chuyện cạnh tranh trên thị trường. Ông Nguyên cũng cho biết nhận thấy sản phẩm của KIDO vẫn chưa đủ đa dạng trong bối cảnh các kênh bán hàng trực tuyến đang đem đến rất nhiều loại sản phẩm.

Tuy nhiên, theo ông mô hình điểm bán truyền thống mà KIDO đang nắm giữ vẫn là lợi thế. Việc chuyển sang kênh thương mại điện tử là tất yếu xong chưa thể quá nhanh chóng bởi văn hóa sinh hoạt của người dân các nước ASEAN vẫn chuộng mua sắm tại điểm bán tại khu dân cư. Do đó, chiến lược của Công ty là tạo những ứng dụng và dữ liệu khách hàng thân thiết để phục vụ với chất lượng tốt hơn và nhanh hơn, tiện dụng hơn là ưu tiên hàng đầu.

Những kỳ vọng của KIDO khi quay lại ngành bánh Trung thu sau 6 năm vắng bóng - Ảnh 2.

Thực tế các công ty quốc tế muốn xâm nhập vào thị trường Việt Nam cũng phải kết hợp với doanh nghiệp trong nước có sẵn hệ thống, để có thể mở rộng bởi người tiêu dùng Việt rất ưu tiên dùng hàng thiết yếu của Việt Nam. Đó cũng là lý do vì sao dầu ăn Tường An sau khi được KIDO mua lại đã phát triển doanh thu từ 1.500 tỷ lên 5.000 tỷ trong chưa đầy 5 năm.

"Nhìn chung, chúng tôi khẳng định cơ hội là rất lớn, vì theo quan điểm của KIDO, bánh kẹo bây giờ khác xa hồi trước nếu chúng ta biết cách khai thác, mở rộng thị trường. Chúng tôi nhìn thấy sự tăng trưởng chậm lại trong quá khứ do đó KIDO chuyển sang ngành hàng thiết yếu, khi nền tảng thực phẩm thiết yếu vững mạnh và cơ hội ngành hàng bánh kẹo rộng mở, chúng tôi đã tích hợp hai yếu tố này vào để quay trở lại thị trường. Tức là, nôm na bánh kẹo là cánh tay nối dài trên nền tảng thực phẩm thiết yếu, sẽ ăn hàng ngày hơn, sẽ nhiều điểm bán hơn, sẽ đa dạng chủng loại hơn…", CEO chốt lời.

Tri Túc

Tin mới