Cảnh sát cơ động đặc nhiệm là lực lượng chủ lực của Bộ Tư lệnh CSCĐ, thực hiện những nhiệm vụ phức tạp, có độ khó cao, những chuyên án nghiêm trọng, nguy hiểm...
Lực lượng này được thành lập năm 1997 và được coi là quả đấm thép của Bộ Công an. Để hoàn thành được những nhiệm vụ khó khăn, cảnh sát đặc nhiệm cũng được huấn luyện đặc biệt với những bài tập như đu dây, bắn súng, tấn công tội phạm từ trên cao.
Mỗi chiến sĩ cảnh sát đặc nhiệm phải rèn luyện phản ứng nhanh nhạy và tinh thần thép. Mọi thao tác phải chính xác, nhịp nhàng, dứt khoát.
Cảnh sát đặc nhiệm đều được học sử dụng nhiều loại súng trong các tư thế khác nhau như đứng, nằm, quỳ, thậm chí là vừa đu dây vừa bắn súng, nằm ngửa bắn súng.
Để thực chiến tối, mỗi cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát đặc nhiệm được huấn luyện thành thục các môn võ công an nhân dân, các môn võ cổ truyền như Vovinam. Thành thục các màn bay người cùng lúc đá 4 mục tiêu.
Hay rèn luyện sự săn chắc, cảnh sát đặc nhiệm còn học khí công. Họ có thể biểu diễn các bài có độ khó cao như dùng cổ bẻ cong thanh sắt, dùng răng kéo ô tô, cõng nhau đi qua đống mảnh chai hay cho lưỡi lê thả rơi vào bụng...
Lực lượng cảnh sát đặc nhiệm có nhiều đơn vị nhỏ để thực hiện các nhiệm vụ chuyên biệt như chống không tặc, giải cứu con tin... Trong ảnh là các chiến sĩ trung đoàn Dự bị Đặc nhiệm, Học viện Cảnh sát Nhân dân diễn tập giải cứu con tin trên máy bay.
Sau khi khống chế máy bay, bắt cóc con tin, không tặc phát loa đòi tiền chuộc. Chúng liên tục thủ tiêu con tin để uy hiếp. Lực lượng cảnh sát đặc nhiệm bí mật tiếp cận máy bay trong mưa và bất ngờ nổ súng khống chế tội phạm.
Tốc độ, bất ngờ, hiệu quả, cảnh sát đặc nhiệm luôn là lực lượng mũi nhọn, khiến tội phạm sừng sỏ phải khiếp vía.
Được trang bị vũ khí, trang thiết bị, phương tiện hiện đại và huấn luyện kỹ năng thành thục, lực lượng CSCĐ Đặc nhiệm từng là lá chắn thép, tham gia nhiều cuộc truy bắt tội phạm, đánh phá các chuyên án lớn nhất của Bộ Công an và các địa phương. Cụ thể, năm 2018, lực lượng cảnh sát đặc nhiệm đã sử dụng xe bọc thép để tấn công vào hang ổ ma tuý ở Lóong Luông (Vân Hồ, Sơn La). Trận đấu súng diễn ra quyết liệt khi băng nhóm ma tuý sở hữu nhiều súng, lựu đạn và kiên quyết chống trả đến cùng.
Nhưng với hoả lực vượt trội từ 300 chiến sĩ cùng nhiều xe bọc thép, lực lượng cảnh sát đặc nhiệm đã tiêu diệt 2 tên trùm ma tuý, bắt giữ nhiều đồng bọn, thu 49 khẩu súng quân dụng...chiến công này đã mang lại sự bình yên cho người dân ở thung lũng Lóong Luông nói riêng và người dân ở tỉnh Sơn La nói chung.
Cảnh sát cơ động dùng xe bọc thép tấn công trùm ma tuý ở Lóong Luông, Vân Hồ, Sơn La năm 2018. Video: Dựng, biên tập: Thiên Sơn
CSCĐ Kỵ binh là một trong những lực lượng mới của Bộ Tư Lệnh CSCĐ, Bộ Công an, được thành lập từ tháng 1/2020. Hiện đoàn có 120 cán bộ, chiến sĩ cùng 115 con ngựa.
Ban đầu, Cảnh sát cơ động Kỵ binh tập trung vào nhiệm vụ thuần hoá ngựa hoang. Khi đã có thể điều khiển, đi, đứng theo đội hình, các chiến sĩ bắt đầu tập các bài có độ khó cao hơn như phi nước đại, cưỡi ngựa bắn súng...
Sau gần 2 năm, những chú ngựa hoang ngày nào đã ngoan ngoãn phối hợp cùng các chiến sĩ để nhặt vật khi phi nước đại, lội nước, thồ hàng ...
Một kỹ thuật khó khác mà các chiến sĩ đã chinh phục là điều khiển ngựa nằm né đạn và tấn công tội phạm bằng súng tiểu liên. Để làm được việc này, thượng sĩ Nguyễn Bửu Pháp phải hiểu được tính ngựa, thường xuyên nói chuyện, vỗ về và "nịnh nọt" chú ngựa mang tên "Cà phê".
Gần đây, cảnh sát cơ động kỵ binh tập luyện bài tuần tra, đánh bắt tội phạm trong rừng, kết hợp sử dụng ngựa và võ công an nhân dân. Đây là một trong những bài tập có tính ứng dụng cao vào chiến đấu.
Trong thời gian tới, những chú ngựa sẽ được cấp chứng chỉ và tham gia vào nhiệm vụ thực tế. Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh hiện đang đóng tại Thái Nguyên và trong thời gian ngắn lực lượng này từng tham gia nhiều kỳ cuộc quan trong, các sự kiện lớn như bảo vệ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 hồi đầu năm, các cuộc thi nghiệp vụ động vật nghiệp vụ trên toàn quốc...
Với truyền thống hơn 60 năm, lực lượng chó nghiệp vụ đã tham gia vào công tác ở hầu hết công an địa phương với các nhiệm vụ như: Truy vết, tấn công tội phạm; phát hiện ma tuý, thuốc nổ; tìm kiếm cứu nạn..
Chó nghiệp vụ phải trải qua khoá huấn luyện 6 tháng và thường được sử dụng trong khoảng 6-7 năm. Hiện có khoảng gần 1000 chiến sĩ và chó nghiệp vụ đang được sử dụng trong toàn bộ lực lượng công an nhân dân.
Giống chó được sử dụng rộng rãi nhất là becgie Đức và Becgie Bỉ. Chúng có lợi thế về sức khoẻ tốt, tốc độ cao, thần kinh vững vàng.
Lực lượng chó nghiệp vụ đã được sử dụng trong hàng chục nghìn cuộc tuần tra, hỗ trợ nhiều chuyên án lớn. Ngoài án hình sự, chó nghiệp vụ cũng tham gia nhiều chuyên án triệt phá đường dây buôn bán vận chuyển ma túy lớn. Trong chuyên án đặc biệt ở Sơn La vào năm 2014 thu 148 bánh heroin cùng nhiều vũ khí, một chú chó đã bị kẻ vận chuyển ma túy dùng súng bắn chết khi đang tấn công nghi phạm bỏ chạy mang theo hơn 25 bánh heroin.
Tháng 10 vừa qua, Bộ Công an thành lập Trung đoàn Không quân Công an Nhân dân. Đây là đơn vị có trách nhiệm tham mưu thực hiện các nhiệm vụ quản lý, điều hành hoạt động bay theo quy định phục vụ công tác huấn luyện và đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, phòng chống, khắc phục thảm họa, thiên tai...
Lực lượng CSCĐ này thường xuyên biên chế và tham gia các kỳ cuộc quan trọng của Đảng và nhà nước, tham gia bảo vệ, trấn áp tội phạm và dẹp bạo loạn, đảm bảo an ninh trật tự...
Dự kiến trong tương lai, Bộ tư lệnh cảnh sát cơ động sẽ có thêm lực lượng sử dụng tàu thuỷ để tăng cường khả năng trấn áp tội phạm cả dưới đất, trên trời, trên biển.
Sáng 25/10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Cảnh sát cơ động. Liên quan đến dự thảo Luật quy định nhiều điểm mới như: Cảnh sát cơ động được trang bị máy bay, tàu thủy và bổ sung một số quyền mang vũ khí lên máy bay thương mại; ngăn chặn vô hiệu hóa máy bay không người lái...
Bộ trưởng Công an - Đại tướng Tô Lâm cho biết cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ thiếp thu đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật. Trong đó rà soát chỉnh lý vị trí, chức năng, nhiệm vụ, huy động người và phương tiện, hợp tác quốc tế... để tránh chồng chéo với các lực lượng khác cũng như đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Bài: Việt Hùng-Thiên Sơn