Một chiều tháng 12, Sóc (6 tuổi) đang đẩy xe đồ chơi trong căn phòng trọ thì nghe tiếng xe của ba. Cậu bé đứng dậy, vỗ tay rồi reo lên: "A! Ba về, ba về…". Trong nhà, chị Hoàng Thị Hường (31 tuổi) bắt đầu mang mớ bí đỏ, rau muống, thịt gà… trong tủ lạnh ra sơ chế.
Đồng hồ điểm 18h là lúc chồng chị, anh Đỗ Thành Hoa (36 tuổi) tắm xong. Anh xắn tay áo phụ vợ vo gạo, thái rau củ rồi lại trở ra quét nhà. Vợ ở nhà nội trợ, trông hai con nhỏ, anh Thành Hoa là trụ cột kinh tế chính của gia đình. Tuy nhiên, người đàn ông 36 tuổi vẫn phụ vợ làm việc lặt vặt như giặt đồ, rửa chén… "Ở nhà tôi, không có việc của đàn ông và việc của phụ nữ. Chúng tôi san sẻ với nhau bằng tình thương và trách nhiệm", anh chia sẻ.
Năm 2016, cặp đôi kết hôn sau 10 năm hẹn hò. Anh Thành Hoa quê gốc Quảng Ngãi, vào TP.HCM học tập và trở thành nhân viên văn phòng. Một năm sau, chị Hường có tin vui. Suốt 9 tháng mang thai Sóc, anh Hoa làm hết việc nhà, "cày" thêm nhiều đầu việc để có thể trang trải kinh tế.
Khi chị Hường cận kề ngày lâm bồn, cả hai vợ chồng lại lo lắng nhiều hơn. Anh Hoa nhớ lại: "Vợ chồng tôi vào miền Nam lập nghiệp, không hề có họ hàng, bà con quen biết ở TP.HCM. Tôi còn nhớ ngày Sóc chào đời, vợ tôi phải nằm trong phòng hậu phẫu. Tôi đón lấy con bé xíu mà tay chân lóng ngóng vô cùng, không biết phải chăm sóc thế nào. Ông bà vào được một thời gian rồi cũng phải về quê, vợ chồng tôi phải tự xoay sở với em bé. Con ọc sữa, con sốt… chúng tôi "căng" vô cùng.
"Có những lúc ôm con trên ngực, tôi ngủ quên lúc nào không hay, sáng lại phải chạy vào cơ quan làm việc. Vợ tôi ngưng công việc kế toán để ở nhà chăm sóc con. Tôi luôn trở về nhà sớm nhất có thể để pha sữa, thay tã… cho con", anh Hoa chia sẻ.
Mùa hè năm 2019, khi con đang ở quê chơi thì bị sốt cao, dẫn đến co giật. Vợ chồng anh Hoa lo lắng liền đưa con vào TP.HCM nhập viện. Phải di chuyển quãng đường hàng trăm cây số, cậu bé đuối sức dần. 9 ngày ở bệnh viện cùng con, cả hai đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, buồn bã xen lẫn xót xa. Trong hành trình đó, anh Hoa vẫn luôn nắm chặt tay vợ, động viên. Thấy vợ mệt lả người, anh là người "giành việc", giặt khăn, chườm nước cho con lẫn cáng đáng về kinh tế.
"Biết san sẻ bình đẳng, biết nghĩ cho nhau là cách mà chúng tôi giữ gìn hạnh phúc", anh Hoa nói. Cũng chính vì quan điểm này, chị Hường luôn được tôn trọng trong mọi quyết định. Ví dụ khi chọn trường cho con học, chuyển nhà… anh Hoa đều trao đổi với vợ.
Anh Hoa cho biết, bố mẹ là tấm gương để giáo dục con cái. Anh nói: "Chúng còn quá nhỏ để ba mẹ có thể nói về quan điểm sống. Tôi nghĩ, con sẽ nhìn cách chúng tôi đối xử với nhau sẽ góp phần hình thành nên ý thức".
Đồng thời, điều này còn thể hiện qua cách cư xử với con. Cặp đôi có một bé trai, một bé gái. Cả hai đều được nuôi dạy, tạo điều kiện như nhau để phát triển, học tập, vui chơi. Vì thế, ngôi nhà 4 thành viên của anh Hoa luôn tràn ngập tiếng cười.
Buổi họp báo bắt đầu lúc 20 giờ nhưng chị Hồng Ngọc Yến (39 tuổi) đã có mặt tại hội trường trước đó 30 phút. Chị lấy giấy viết ghi chú hàng loạt câu hỏi phỏng vấn, chụp ảnh, trò chuyện… Công việc kéo dài đến 22 giờ, chị lấy xe máy và chạy quãng đường hơn 15km để về nhà.
Đẩy cửa nhẹ vào phòng, thấy hai con trai đã say ngủ trên nệm, chị đặt nụ hôn nhẹ lên má con, ngửi thấy mùi da thịt thơm sữa. Chồng chị, một kĩ sư xây dựng 39 tuổi, đã cho con ăn tối, tắm rửa, học bài và dỗ chúng ngủ. "Suốt 11 năm kết hôn, anh luôn tạo điều kiện để tôi làm việc, phát triển sự nghiệp", chị Yến hạnh phúc chia sẻ.
Chị Yến, quê Tiền Giang, hiện là phóng viên của một tờ báo tại TP.HCM. Chị quen chồng từ khi cả hai còn là sinh viên. "Chúng tôi yêu nhau khi chưa có gì trong tay. Tôi tốt nghiệp Đại học, quyết học thêm văn bằng 2, đi công tác tỉnh liên tục nhưng anh không bao giờ ý kiến gì. Anh tôn trọng và tạo điều kiện để tôi phát triển trong công việc. Đây là điều khiến tôi tin rằng mình có thể gắn bó với người đàn ông này", chị Yến nói.
Năm 2011, cặp đôi kết hôn, hai con trai lần lượt ra đời trong niềm hạnh phúc. Chị nghỉ thai sản trong 6 tháng. Không có họ hàng ở thành phố, cả hai phải tự xoay sở mỗi khi con ốm đau.
Chị Yến nhớ lại: "Có lần, con bệnh phải nhập viện lúc 21 giờ, gia đình phải xếp đồ rồng rắn vào chăm. Cả đêm con không ngủ được, cả hai vợ chồng thay nhau vác trên vai. Tôi ẵm, chồng ngủ và ngược lại, cứ như thế kéo dài đến khi trời tờ mờ sáng. Tôi may mắn vì có ông xã hiểu và chủ động san sẻ được các nỗi lo trong cuộc sống. Anh chưa bao giờ xem việc chăm con, bếp núc… là việc của phụ nữ. Cả hai vợ chồng đều có trách nhiệm như nhau, san sẻ cũng là một hạnh phúc. Có lúc, tôi ở nhà với con mệt mỏi, ông xã về nhà liền bảo tôi đi nghỉ để anh ấy thay thế".
Sau thời gian thai sản, chính chồng là người tạo điều kiện hết mức để chị có thể phát triển sự nghiệp. Trở lại với công việc, chị Yến nhanh chóng "bắt nhịp" với nhiều sự kiện giải trí trong nước. Khi những buổi họp báo thường kéo dài đến tận khuya, lịch phỏng vấn cũng dày đặc, chồng chị sẽ chủ động đón con, chăm sóc chúng.
Lúc chị Yến gõ bài, chồng chủ động đưa các con ra ngoài chơi để không làm phiền mẹ. Chị chia sẻ: "Không ai bảo ai, chúng tôi luôn có sự tương trợ nhau cụ thể. Chồng đi công tác, tôi lo cho hai em bé. Tôi rửa chén, anh quét nhà, tôi bỏ quần áo vào máy giặt, anh sẽ là người phơi. Bố dạy Toán, các môn khoa học, mẹ sẽ là người dạy Văn. Bình đẳng trong gia đình không phải là sự phân chia "việc của anh" hay "việc của em", mà là cùng nhau làm, chủ động san sẻ. Tôi cũng có thể làm việc ở ngoài xã hội, cả hai hỗ trợ để phát triển sự nghiệp như nhau".
Có lần, chị Yến đang nấu ăn thì nhận được tin "phải nhập bài gấp", chồng chị là người tiếp tục làm bữa tối cho các con. Những vấn đề lớn nhỏ như mua chung cư, bảo hiểm nhân thọ, đăng ký chỗ học tiếng Anh, cả hai đều ngồi lại thảo luận với nhau.
Câu chuyện của gia đình anh Hoa hay chị Yến không phải là hiếm trong xã hội ngày nay. Những năm qua, nhận thức về vấn đề bình đẳng giới đã được nâng cao, len lỏi vào trong nếp sống, nếp nghĩ của mỗi gia đình.
Việc nhà giờ đây được các cặp đôi san sẻ bình đẳng, những khu chợ, siêu thị luôn có bóng dáng những người đàn ông, vị trí lãnh đạo tại các công ty vẫn được trao cho phụ nữ…
Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các chương trình có mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.
Điều này thể hiện qua vị trí của những lãnh đạo nữ từng bước tăng dần. Theo số liệu thống kê, Việt Nam đứng thứ 60 trên thế giới, đứng thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỷ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử; đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 47/187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính và trong công tác quản lý.
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu thiên niên kỷ số 3 (MDG3) về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Bình đẳng giới đã trở thành một trong những vấn đề mang tính toàn cầu, nói đến bình đẳng giới là nói đến sự bình đẳng về vị thế cơ hội và các quyền của phụ nữ với nam giới.
Tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng đối thoại với Phụ nữ Việt Nam, chủ đề "Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội" diễn ra vào giữa tháng 10/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: "Cần tiếp tục nhận thức đúng về vai trò, vị trí của phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Chúng ta còn nhiều việc phải làm để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người phụ nữ, để phụ nữ có cơ hội, điều kiện đóng góp cho xã hội, cho đất nước, không để ai bị bỏ lại phía sau".
*Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện