Giữ vai trò kết nối, vận động cộng đồng gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, các nghệ nhân người dân tộc thiểu số ở các thôn, bản vừa tận tâm cống hiến, vừa nhiệt huyết dẫn dắt, truyền dạy các giá trị nghệ thuật diễn xướng truyền thống cho người trẻ thông qua các lớp học, phong trào văn nghệ quần chúng, từ đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng.
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Lai Châu, NNƯT Sìn Văn Doi là người năng nổ, tích cực, dành nhiều thời gian, tâm sức cho công tác bảo tồn bản sắc và nét đẹp truyền thống của dân tộc Mảng. Song song việc lên lớp truyền dạy những kiến thức về nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống cho 30 học viên là học sinh, bà con trong bản,... NNƯT Sìn Văn Doi còn phối hợp Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Nậm Nhùn biên soạn tài liệu hướng dẫn lớp truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống của dân tộc Mảng. Tài liệu này vô cùng giá trị, không chỉ hướng dẫn những người theo học biết các bài hát cơ bản, hiểu ý nghĩa từng bài hát, điệu múa mà còn được trang bị kiến thức, kỹ thuật cơ bản để lấy hơi, bước đi, động tác tay chân… trong khi hát, múa, thổi sáo.
Bên cạnh đó, NNƯT Sìn Văn Doi còn phối hợp với các nghệ nhân khác dịch lời bài hát tiếng Mảng sang tiếng phổ thông, tạo điều kiện cho lớp trẻ tiếp cận nhanh và đơn giản với văn hóa truyền thống, dần dần nâng cao ý thức lưu giữ bản sắc và nét đẹp văn hóa mình.
Cũng giống như NNƯT Sìn Văn Doi, với mong muốn bảo tồn giá trị văn hóa bản địa câu hát Soọng Cô đang có nguy cơ bị phai nhạt trong nhịp sống hiện đại, NNƯT Trần Thị Nam (dân tộc Sán Dìu, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết: "Hát Soọng Cô là nét văn hóa đặc trưng, độc đáo của dân tộc Sán Dìu, mang lại niềm vui, sự hăng say trong lao động sản xuất, tạo nên tình cảm gắn bó với quê hương, làng bản và đồng bào người Sán Dìu. Năm 2018, văn hóa dân ca Soọng Cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu được Nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Chính vì thế, trân trọng và tự hào về giá trị, bản sắc của văn hóa dân tộc mình, để bảo tồn, lưu giữ giá trị độc đáo, tôi đã đứng ra thành lập Câu lạc bộ hát Soọng Cô thôn Trung Mầu. Với 60 hội viên, câu lạc bộ được tổ chức sinh hoạt đều đặn. Các hội viên tích cực tập luyện, thường xuyên tham gia các hội diễn, giao lưu văn hóa, văn nghệ với các địa phương khác, tạo phong trào hát Soọng Cô sôi nổi và rộng rãi, đồng thời lưu giữ nét đặc trưng trong văn hóa bản địa của người Sán Dìu, từ trang phục truyền thống, điệu hát ru, hát kể chuyện thơ, giao duyên cho đến các điệu múa".
Bên cạnh việc truyền dạy, năm 2014, NNƯT Trần Thị Nam cùng câu lạc bộ hát dân ca Soọng Cô thôn Trung Mầu biên soạn, xuất bản 200 quyển truyền dạy về văn hóa dân tộc Sán Dìu; năm 2019 xuất bản 120 quyển truyền dạy văn hóa, tiếng nói và hát dân ca Soọng Cô. Từ năm 2023 đến nay, câu lạc bộ mở rộng tổ chức lớp truyền dạy tiếng nói và hát dân ca cho thanh thiếu nhi dân tộc Sán Dìu.
Coi việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc là việc quan trọng góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, trong những năm qua, NNƯT Y Sim Ê Ban (dân tộc Ê đê, tỉnh Đắk Nông) đã trực tiếp sáng tác nhiều bài chiêng, chế tác nhạc cụ dân tộc truyền thống; tham gia truyền dạy 4 lớp cồng chiêng cho thế hệ trẻ với 220 học viên theo học. Qua đó, đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc của đồng bào Êđê.
Tuy nhiên, dù có sự nỗ lực tích cực của các nghệ nhân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số, nhưng trong xu hướng hội nhập và phát triển hiện nay, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vẫn đang đứng trước nguy cơ bị mai một.
NNƯT Y Sim Ê Ban (dân tộc Ê đê, tỉnh Đắk Nông) cho biết, với địa bàn dân tộc thiểu số, trình độ dân trí và kinh tế thấp, lạc hậu đã gây trở ngại lớn trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngoài ra, bên cạnh việc thiếu chính sách hỗ trợ kinh phí, việc sưu tầm, dàn dựng, khai thác, bảo tồn và phát huy vốn văn hóa dân tộc chưa thật sự được quan tâm, đầu tư đúng mức. Việc tổ chức các lễ hội truyền thống còn chưa đáp ứng được nhu cầu hiện tại của người dân.
Qua đó, NNƯT Y Sim Ê Ban kiến nghị, cần sớm có hướng dẫn cụ thể về biện pháp quản lý, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong các lễ hội truyền thống, phong tục, tập quán, ẩm thực của người Ê đê nói riêng và các dân tộc Việt Nam nói chung. Hơn nữa, cần tăng cường tiến hành điều tra, khảo sát, phân loại các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống để triển khai các giải pháp bảo tồn, phục dựng, phát huy giá trị cụ thể.
Đồng quan điểm trên, NNƯT Sìn Văn Doi mong muốn, Đảng và Nhà nước sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ để khôi phục, phục dựng các nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Đầu tư đồng bộ các thiết chế văn hóa cơ sở. Đặc biệt, cần có có thêm chính sách đãi ngộ, khuyến khích về tinh thần và vật chất đối với các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín, cán bộ làm công tác văn hóa ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào các dân tộc. Từ đó, góp phần khơi dậy khả năng sáng tạo của từng cá nhân.
Còn theo NNƯT Trần Thị Nam, Trong thời gian tới, để giữ gìn những nét đẹp trong đời sống văn hóa của đồng bào Sán Dìu, Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn nữa để đồng bào dân tộc Sán Dìu, tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và cả nước nói chung tiếp tục duy trì và phát triển bản sắc văn hóa. Ban hành các chủ trương, có những cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng các trung tâm bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Sán Dìu. Đặc biệt, cần có kinh phí hỗ trợ cho các câu lạc bộ, nghệ nhân truyền dạy hát Soọng Cô. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến phát triển du lịch cộng đồng kết hợp phát triển du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái../.
Hạnh Trang