Những người mẹ bản lĩnh kể chuyện cho con du học xứ người

Quang Vũ | 29-07-2021 - 19:57 PM

(Tổ Quốc) - Cho con đi học xa, đồng nghĩa với việc bố mẹ cũng chính thức bước vào lớp học "để con được tự là chính mình".

Ngày càng có nhiều bố mẹ Việt cho con đi du học sớm, ngay từ bậc trung học. Việc thừa hưởng một nền giáo dục tiên tiến có nhiều ưu thế, không chỉ giúp trẻ phát triển tố chất, được trang bị kiến thức vững vàng, mà cánh cửa tương lai cũng rộng mở hơn khi trẻ sớm hội nhập với môi trường quốc tế.

Câu chuyện của ba người mẹ, chị Minh Nguyệt, chị Hoàng Yến, chị Thúy Liên đang có con theo học tại New Zealand là những góc nhìn khác nhau về chuyện đưa con theo học tại xứ người.

Đồng thuận ngay từ những bước đầu tiên

Chị Minh Nguyệt (Tp.HCM) có hai bé thì cả hai đều đi du học từ cấp 2, cấp 3. Chị kể ngay từ ban đầu, anh chị đã luôn hỏi ý kiến để xem con có thật sự sẵn sàng sống và học tập ở một đất nước xa lạ không? Điều này phụ thuộc vào độ tuổi, tâm lý cũng như thể chất của trẻ. Cũng nhờ trước đây, chị đã cho các con tham gia những khoá du học hè ngắn ngày, nên trẻ thích nghi nhanh hơn, củng cố thêm quyết định đi học xa nhà.

"Bạn bè, người thân đều khuyên tôi cho con theo học tại Mỹ hay Canada… vì đây là những điểm đến quen thuộc. Tuy nhiên tôi cũng tham khảo thêm rất nhiều nơi và nhận thấy môi trường ở New Zealand cực kỳ an toàn, lành mạnh và chương trình học cũng phù hợp. Đây là những tiêu chí ưu tiên hàng đầu của gia đình. Tôi đưa ra nhiều phương án để phân tích, chọn lựa nhưng quyết định cuối cùng vẫn là ở con", chị Minh Nguyệt cho biết. Sau này con trai thứ hai của chị cũng tiếp bước anh lớn, chọn New Zealand làm điểm đến học tập.

Những người mẹ bản lĩnh kể chuyện cho con du học xứ người - Ảnh 1.

New Zealand là quốc gia an toàn thứ 2 thế giới (Theo Global Peace Index 2021) và đứng đầu trong khối quốc gia nói tiếng Anh về chuẩn bị kỹ năng tương lai (Theo The Economist Intelligence Unit 2020)

Với chị Hoàng Yến (Nghiên cứu sinh bậc Tiến sĩ tại ĐH Otago, New Zealand) thì là một câu chuyện khác. Thời điểm ấy, chị quyết định mang con trai đang học lớp 7 tại Việt Nam sang New Zealand cùng mình. "Tôi biết rằng chất lượng đào tạo của các trường ở New Zealand khá đồng điều, thế nên tôi chọn trường Logan Park High School theo đúng nguyện vọng của cháu là ngôi trường có hoạt động ngoại khóa về âm nhạc nổi trội". Chị kể, từ khi chọn được trường phù hợp sở thích, con chị mong đợi đến trường mỗi ngày, thậm chí không thích những ngày nghỉ vì không được đến lớp.

Việc để con cùng tham gia vào quyết định chọn điểm đến, chọn trường sẽ giúp con có cái nhìn rõ ràng hơn về việc bản thân mình sẽ phải đối mặt với vấn đề nào khi đến một môi trường mới và có sẵn sàng cho việc thay đổi hay không. "Vì vậy, đồng thuận ngay từ những bước đầu tiên rất quan trọng", chị Hoàng Yến nhấn mạnh.

Sẵn sàng thích nghi với những chuyển biến bất ngờ

Dù con trai học xa nhà nhưng gia đình chị Nguyệt vẫn thường xuyên trao đổi, hỏi han chuyện trường lớp của con. Sát sao là thế nhưng chị vẫn không khỏi bất ngờ trước những quyết định…táo bạo như chọn nghề. "Con trai lớn đi học năm lớp 12 (New Zealand học theo hệ 13 năm, tương đương lớp 11 ở Việt Nam), khi đi con nói con sẽ theo học kỹ sư hàng không, rất quyết tâm, lúc đó con không hề thích hay có khái niệm về học y khoa. Vậy mà chỉ qua một kỳ học, tôi hết sức ngạc nhiên khi con chia sẻ việc muốn chọn theo học ngành Y", chị Nguyệt kể lại. Tìm hiểu ra mới biết, chính những bài giảng trên lớp sinh học của cô giáo đã truyền cảm hứng để con chị đưa ra hướng đi mới này. Chị Nguyệt đặc biệt ấn tượng về khả năng truyền đạt và tạo cảm hứng của giáo viên, đã giúp con chị khám phá ra những tiềm năng của bản thân mình. Chính nhờ nguồn cảm hứng đó, đến nay con trai của chị đang theo học năm thứ 5 Y khoa tại trường Đại học Auckland (New Zealand).

Dõi theo hành trình trưởng thành của con, chị Hoàng Yến tâm sự: "Tôi khá ngạc nhiên về tư duy phản biện cũng như khả năng lắng nghe của cháu hiện nay. Không còn kiểu ương bướng, nghĩ mình luôn đúng và "cãi chày cãi cối" nữa. Cháu lập luận chặt chẽ hơn, biết cách phản biện để bảo vệ ý kiến của mình. Điều này một phần là nhờ cháu thường xuyên phải đọc tài liệu, viết luận trên lớp". Chị cũng chia sẻ về việc bản thân mình cũng phải học cách để xoá bỏ tư duy cũ khi thấy con "chơi" nhiều hơn là "học". Con chị tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa, nhưng nhờ những buổi đi rừng, chèo thuyền, leo vách đá… dạy cho trẻ nhiều kỹ năng sống khi ở bên ngoài thiên nhiên, giúp trẻ tự tin hơn, kết nối đa văn hoá. Những lớp học nhạc, hoạ, thể chất… không được xem là môn phụ, ngược lại được đầu tư để giúp trẻ phát triển được khả năng sáng tạo. Đây là những kỹ năng cần thiết cho tương lai nghề nghiệp trong một thế giới với nhiều thay đổi nhanh chóng hiện nay. "Các thầy cô thật sự đã khơi gợi được cho cháu hiểu được mình là ai, giá trị của mình ở đâu và mục tiêu mình cần phấn đấu là gì."

Những người mẹ bản lĩnh kể chuyện cho con du học xứ người - Ảnh 2.

Gia đình chị Hoàng Yến trong một chuyến du lịch khám phá New Zealand

Còn chị Thuý Liên (Giảng viên ĐH VinUni, Hà Nội) lại chọn cách tự mình gieo mầm cho con ở rất nhiều lĩnh vực như âm nhạc, thể thao, văn, võ, học thuật… Chị quan niệm: "Hạt mầm nào phát triển tốt, chúng tôi sẽ nuôi dưỡng tiếp, những hạt mầm nào không phù hợp, chúng tôi không tiếc nuối". Con trai chị, Jayden Trịnh (17 tuổi, đang học lớp 13 ở New Zealand) vốn được biết đến là một tài năng âm nhạc khi biết chơi 14 loại nhạc cụ, biết hát, sáng tác từ nhỏ. Những tưởng con sẽ theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp, nhưng gần đây Jayden tâm sự với mẹ là muốn tập trung vào đại học chuyên ngành Khoa học Sức khoẻ vì muốn thử sức với lĩnh vực này.

Những người mẹ bản lĩnh kể chuyện cho con du học xứ người - Ảnh 3.

Jayden Trịnh tham gia cuộc thi âm nhạc do các trường trung học New Zealand tổ chức và giành giải Nhất về hạng mục Saxophone Solo

Dù khá bất ngờ, nhưng chị tin rằng con mình đang được thừa hưởng một nền giáo dục tự do, trẻ được học cách để khám phá khả năng của mình nên chị hoàn toàn đồng thuận. Chị chỉ phân tích thêm cho con hiểu về những điều phải đối mặt phía trước vì con đường Y khá dài và vất vả, còn lại chị sẽ luôn ủng hộ mọi quyết định của con. "Ngẫm lại, bản thân mình cũng đã từng đẩy xe nôi đến giảng đường khi đến đất nước này theo học thạc sĩ đấy thôi", chị cười chia sẻ.

Cho con đi du học là trải nghiệm mang tính bước ngoặt đối với trẻ, nhưng đối với bố mẹ đó cũng là một hành trình rất đặc biệt. Từ những lo lắng ban đầu, cho đến niềm vui khi thấy con thay đổi và trưởng thành, cho đến những chuyển biến đột ngột… mà bố mẹ cần học cách thích nghi. Sự quan tâm, tình thương, chuẩn bị cho mình một tâm thế cởi mở, định hướng một cách khéo léo là những cách để giúp đồng hành cùng con trên bước đường chuẩn bị cho tương lai.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

25 năm - Khát vọng đổi thay bắt đầu bước chân từ FPT Aptech

25 năm, hành trình đủ dài để làm thước đo cho sự thành công của một đơn vị đào tạo, và FPT Aptech may mắn có được sự bền bỉ ấy. Hàng ngàn sinh viên ra trường, hàng ngàn nhân sự trong ngành Lập trình đang hiện diện khắp bản đồ Việt Nam & thế giới, là “quả ngọt” minh chứng cho những cố gắng đổi thay để phát triển.