Kết nối không đồng nghĩa với việc chỉ “biết” - chúng ta mong muốn có thể thấu hiểu, trò chuyện, cùng nhau chia sẻ nhiều điều, ngồi bên ly cà phê trong một ngày đẹp trời không chìm trong những lo toan thường nhật. Thế lưỡng nan của người trẻ chỉ xoay quanh câu chuyện kết nối: Họ có đủ công cụ để kết nối với thế giới này, nhưng vẫn luôn cảm thấy lạc lõng trong những mối quan hệ mà mình cố công tạo dựng. Họ khao khát có được kết nối thật nhưng rồi vẫn mắc kẹt trong cái tôi khác biệt của mình.

Đó là một cậu con trai đam mê ca hát không muốn nối nghiệp bác sĩ từ gia đình. Đó là một cặp đôi yêu xa vì số kilomet hay khác biệt múi giờ mà cảm thấy quan hệ của họ sẽ không có kết quả. Đó là cuộc sống công sở mỗi ngày vì cách biệt thế hệ mà sếp Gen Y và nhân viên Gen Z chẳng thể nào tìm được tiếng nói chung. Những khác biệt này dễ dàng xảy ra trong cuộc sống và vô tình đẩy người trẻ ra xa khỏi những kết nối họ mong mỏi kiếm tìm.

Dẫu khó khăn, hành trình đi tìm kết nối thật chưa bao giờ bớt thôi thúc người trẻ. Cuộc sống trở lại “bình thường mới” cũng là lúc họ tiếp tục hành trình. Nhìn nhận khác biệt như sự ngăn cách, chúng ta sẽ không hiểu được nhau. Nhưng nếu coi những khác biệt là cơ hội để mở lòng và sống thật, người trẻ sẽ tìm ra cách để khuấy tan những khoảng cách và kết nối với những người xung quanh.

Gói cà phê PhinDeli cuối cùng vừa hết trong hộp cũng là lúc Hoài Nhân nhận ra mình đã ở nhà được 4 tháng. Đã thành thói quen, sáng nào cậu thiết kế 27 tuổi cũng phải pha cho mình một ly cà phê PhinDeli trước khi bắt đầu công việc. Những ngày trước, Nhân sẽ dành thời gian cà phê sáng với đồng nghiệp trước khi bắt đầu “chạy deadline”. Đó là khoảng thời gian thảnh thơi hiếm có mà cuộc nói chuyện của cậu với đồng nghiệp không chỉ xoay quanh công việc.

Với Hoài Nhân, vấn đề không nằm ở kết nối “ảo” qua màn hình máy tính hay những cuộc trò chuyện Facetime. Công nghệ là ảo nhưng vẫn là những con người thật, công việc và cuộc trò chuyện thật. Một tuần, một tháng rồi vài tháng, Nhân nhận ra khoảng cách về địa lý thật ra cũng chỉ là qua một chiếc màn hình. Chúng ta vẫn có thể cà phê cùng nhau, nói với nhau những câu chuyện rất thật, nghe được giọng, nhìn được biểu cảm, tương tác trên từng mẩu chuyện giúp những cách biệt dần xoá nhoà. Kết nối thật được hình thành từ đó.

“Ngày bình thường, chúng ta chẳng buồn gọi tên những buổi cà phê, những buổi trò chuyện với bạn bè là dịp để kết nối hay gì cả. Chẳng phải điều ấy quá đỗi bình thường sao? Chỉ đến khi những trở ngại hiện hữu và các mối quan hệ phai dần, mình bắt đầu nhận ra rằng mình khát khao kết nối thật đến nhường nào,” Nhân tự nhủ. “Chúng ta có thể tồn tại một mình, nhưng con người phải sống cùng con người, phải kết nối với nhau chứ!”

Ngày Sài Gòn cho phép mọi người có thể ra đường, dần dần đưa cuộc sống trở lại bình thường mới, Nhân đã thật sự dành nhiều thời gian hơn để vun đắp những kết nối của mình. Cậu lên lịch hẹn bạn bè, dành nhiều thời gian chuyện trò hơn khi có dịp tụ tập ở văn phòng. Cậu nhớ mùi cà phê PhinDeli thơm nồng mỗi buổi sớm bên góc phòng làm việc, vừa túm tụm với đồng nghiệp vừa nhâm nhi hương vị đậm đà. Những kết nối dần trở lại, cuộc sống thực sự cũng trở lại với Hoài Nhân.

30 tuổi, Linh Phương rẽ ngang với sự nghiệp, quyết định nghỉ công việc nhân viên văn phòng ổn định, mở một cửa hàng bán hoa ở Sài Gòn. Ngày Phương thông báo với cả gia đình về lựa chọn công việc mới của mình, cô biết rằng sẽ mất rất nhiều thời gian để ba mẹ có thể hiểu. Đầu năm 2021, khi Phương quyết định chuyển hẳn lên Đà Lạt, những tưởng vài cuộc cãi vã liên miên khiến cô không thể trò chuyện với ba mẹ. Nhưng một sáng nọ, ba gọi cô vào nói chuyện trước khi Phương rời đi.

“Sáng nào mình cũng pha cà phê cho ba rồi mới đi làm. Ba bảo pha cho ba ly cà phê cuối, con gái lên Đà Lạt, đâu có dễ qua thăm như ở Sài Gòn. Mấy tháng nay, ba rất thích hương vị đậm đà của cà phê PhinDeli. Ba ngồi cả buổi không nói gì nhiều. Cuối cùng, ông nói: “Dù con làm gì, ba cũng tin con.” Lúc đó mình nhận ra rằng, dù giữa các thành viên trong gia đình có khác biệt về tính cách, thế hệ, những kết nối với gia đình vẫn luôn là những điều thật nhất. Có những kết nối không vồn vã, không phải cứ nói hết lời sẽ hết ý. Như với ba mình, mọi thứ đến từ từ. Giữa ba và con gái, những buổi sáng cà phê bên nhau ấy đã là một kết nối thật mà mình không nhận ra, để rồi lỡ vội trách ba không hiểu mình.”

Vậy đó, kết nối thật đôi khi không đến từ những ngôn từ hoa mỹ hay những điều gì lớn lao. Một buổi sáng bình thường, ta nhận ra hành trình đi tìm kết nối thật lại quay về với những điều đơn giản.

Vài tháng ở trong nhà, cửa hàng hoa không mở được, Phương nhớ gia đình nhiều. Cũng như Hoài Nhân, ngày thành phố cho phép đi lại giữa các tỉnh thành dễ dàng hơn, cô vội chạy xe về nhà thăm ba mẹ. Bình yên là thấy mọi người vẫn khỏe mạnh. Bình yên là khi lại được cùng ngồi uống cà phê với ba như ngày nào, để nhận ra cuộc sống này có bao điều cũng không quan trọng bằng kết nối thật với gia đình.

Bên ly cà phê PhinDeli, Hoài Nhân tìm thấy năng lượng để kết nối lại với cuộc sống, đồng nghiệp và những niềm hứng khởi khi công việc trở lại bình thường. Cũng nhờ ly cà phê, Linh Phương nhận ra sợi dây bền chặt gắn kết mình cùng gia đình bấy lâu nay. Những kết nối chân thành và thật lòng nhất được khởi phát, vun đắp, duy trì để dần dần trở nên sâu đậm, một phần đến từ hương vị nguyên bản của cà phê thật PhinDeli. Hành trình khuấy tan khoảng cách, tìm được những kết nối thật thì muôn hình vạn trạng, nhưng điểm chạm vẫn chính là ly cà phê PhinDeli nguyên chất, đậm đà. Để dù cách nhau vài kilomet hay một thế hệ, chất thật vẫn giữ những con người lại bên nhau, gắn kết họ trong một kết nối bền bỉ, lâu phai như chính vị ngon một lần nhớ mãi của cà phê PhinDeli vậy.

Kỳ công và tâm huyết như cách chúng ta xây dựng và vun đắp cho những kết nối, mỗi sản phẩm cà phê PhinDeli gói trọn sự tỉ mỉ, chắt lọc những tinh tuý của thiên nhiên, con người; trải qua quy trình xử lý nghiêm ngặt, hiện đại để những ly cà phê thật, làm từ 100% hạt cà phê nguyên chất đến tay người tiêu dùng.

PhinDeli khởi nguồn từ nông trại Cầu Đất, vùng đất lý tưởng ở độ cao 1650m so với mực nước biển, có thổ nhưỡng màu mỡ và khí hậu ôn đới quanh năm, là thiên đường nuôi trồng các giống cây cà phê với chất lượng hảo hạng. Đã hàng trăm năm trôi qua kể từ khi người Pháp mang cây cà phê tới đây, Cầu Đất vẫn là một trong những thủ phủ cà phê chất lượng hàng đầu ở Việt Nam. Cà phê PhinDeli được nuôi dưỡng tự nhiên, chăm sóc, chọn lọc bởi sự tận tâm, nâng niu và tỉ mỉ trong từng công đoạn nhằm đảm bảo giữ trọn vẹn hương vị nguyên bản khi đến tay người tiêu dùng. Chính hương vị đậm sâu và ngon nguyên chất từ hạt cà phê thật là cầu nối giúp mọi người tạo nên kết nối thật.

Phải lắng nghe những người trồng cà phê, những con người đứng đằng sau sản phẩm cà phê PhinDeli mới hiểu sự kỳ công của việc sản xuất cà phê để cho ra đời những sản phẩm thật nhất, chất lượng nhất. Người trồng cà phê tại Cầu Đất không hái quả ồ ạt, chỉ chọn những quả chín để đảm bảo chất lượng trước khi bước vào những giai đoạn chế biến tiếp theo. Từng quy trình nối tiếp quy trình được giám sát cẩn thận, tỉ mỉ, đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng là sản phẩm chất lượng nhất.

Mang tâm huyết của người nông dân chất phác nơi Cầu Đất, của thương hiệu luôn tôn vinh chất thật trong từng sản phẩm, PhinDeli muốn gửi gắm thông điệp về sự kết nối, là người bạn đồng hành cùng người trẻ trên hành trình tạo dựng, thắt chặt thêm những mối quan hệ xung quanh.

Khoảng cách thì luôn có ở đó, từ cách xa địa lý, đến khác biệt tính cách, không cùng đam mê hay khoảng cách thế hệ, nhưng chúng ta vẫn có thể ngồi cùng nhau một bàn, bên ly PhinDeli đậm đà. Đó là khi câu chuyện bắt đầu được khơi gợi, tấm lòng được cởi mở và ta dần dần hiểu nhau hơn. Tiếng khuấy ly cà phê lách cách ban đầu làm không khí bớt ngượng ngùng, tiếng khuấy mạnh tanh tách lúc về sau cho thấy cuộc chuyện trò dường như đang sôi nổi. Thật kỳ lạ khi chỉ nghe tiếng khuấy cũng đủ để cho thấy mức độ gắn kết của những người đang cùng ngồi cà phê.

Và khi những ly PhinDeli đã cạn mà cuộc chuyện trò vẫn chưa ngơi, ta hiểu được chính dư vị đậm đà còn đọng lại của cà phê đã giữ họ ở lại cùng nhau lâu hơn, nói thêm vài ba câu nữa, chia sẻ thêm đôi điều thú vị về nhau. Để kết nối từ đó thêm thật lòng, gắn kết cũng nhờ vậy mà bền chặt.

Một sớm thức dậy, gọi Facetime rồi phì cười khi thấy nửa kia đầu bù tóc rối, mặt ngái ngủ trong khi tay đã cầm sẵn ly PhinDeli, chợt thấy địa lý chỉ là một môn nhàm chán thời trung học. Một đêm tối mặt, chưa kịp than khóc vì deadline, bỗng bừng tỉnh bởi mùi thơm dịu dàng từ ly PhinDeli anh bạn đồng nghiệp pha giúp, tự dưng thấy quý những khoảnh khắc đồng cam cộng khổ thế này. Và, giữa bao vất vả thường nhật, giữa hai làn đường đam mê và ổn định, giữa những tranh cãi "muốn tốt cho nhau” chẳng bao giờ chấm dứt, mỗi sáng được ngồi uống cà phê với ba, kịp ăn bữa sáng với mẹ là đủ thấy rằng có những giềng mối chân thành không thể nào đứt gãy được.

Có ai đó từng cho rằng, trưởng thành là một hành trình đầy những đứt gãy và mỗi ngày là một lời tạm biệt với những con người ta gặp gỡ. Nhưng thật ra con người vẫn luôn cần có nhau và sống vẫn là một hành trình không ngừng tìm kiếm những kết nối chất lượng, bền lâu. Mỗi khi thấy bản thân bơ vơ, trơ trọi; mỗi khi thấy những mối quan hệ quanh mình sao dần nhạt nhoà, lỏng lẻo, sao bạn không thử mời họ uống cùng một ly PhinDeli. Khi hương vị đánh động những giác quan, khi tiếng khuấy quen thuộc đưa câu chuyện đến những góc sâu hơn, là lúc ta tìm được chính mình và nhìn thấy nhau trong những kết nối thật.

Khám phá câu chuyện Cà phê Thật - Kết nối thật của PhinDeli ngay!

  • Writer: Bùi Minh Đức
  • Interactive: Lê Sơn