Những tỉnh thành nào có khả năng sẽ sáp nhập theo đề xuất của Bộ Nội vụ?

(Tổ Quốc) - Bộ Nội vụ đang dự thảo Báo cáo, Tờ trình và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính để lấy ý kiến Nhân dân.

Theo đó, Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn của ĐVHC phù hợp với từng loại hình ĐVHC, đặc biệt là các ĐVHC đô thị và các ĐVHC có yếu tố đặc thù về an ninh, quốc phòng, miền núi, vùng cao; trên cơ sở đó quy định điều khoản áp dụng đối với việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới ĐVHC, làm căn cứ tiếp tục sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã và thí điểm ở cấp tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030. 

Đồng thời, khắc phục các hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 để việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới ĐVHC phù hợp hơn với thực tế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đô thị của đất nước. 

Đặc biệt, về chủ trương sáp nhập các tỉnh, theo dự thảo, Bộ Nội vụ đặt mục tiêu từ năm 2022 đến năm 2026 sẽ thí điểm sắp xếp một số ĐVHC cấp tỉnh chưa đạt 50% một trong hai tiêu chuẩn (tiêu chuẩn còn lại cũng chưa đạt 100%) về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định. 

Về thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, ngày 17/7, người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh thông tin, Bộ đề xuất sửa đổi Nghị quyết theo hướng, mỗi tỉnh vùng cao phải đảm bảo tiêu chuẩn 900.000 người và diện tích tự nhiên từ 8.000 km2 trở lên.

Trường hợp tỉnh có diện tích tự nhiên rộng hơn 150% trở lên so với mức tiêu chuẩn chung (hơn 12.000 km2) thì quy mô dân số được giảm 25% (trên 700.000 người).

Các tỉnh không phải miền núi cần đạt quy mô dân số từ 1,4 triệu người và diện tích tự nhiên từ 5.000 km2 trở lên.

Để đến năm 2030, hoàn thành việc sắp xếp ĐVHC các cấp phù hợp với tiêu chuẩn ĐVHC đã được sửa đổi, bổ sung và phù hợp với quy hoạch tổng thể ĐVHC của cả nước.

Việc thí điểm sẽ được thực hiện với một số tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ, mật độ dân số đông, có khó khăn về quỹ đất dành cho không gian phát triển hoặc theo yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Các tỉnh trong diện thí điểm sắp xếp lại sẽ trình Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét cụ thể từng trường hợp.

Nếu xét theo các tiêu chuẩn trên, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có diện tích tự nhiên nhỏ, thấp hơn 50% tiêu chuẩn diện tích tự nhiên (dưới 2.500 km²), và dân số cũng chưa đạt 1,4 triệu bao gồm: 

Bắc Ninh (dân số 1,368 triệu) 822,7 km²; Hà Nam (dân số 852.800) 860,5 km², Hưng Yên (dân số 1,252 triệu) 926 km², Vĩnh Phúc (dân số 1,151 triệu) 1.238,6 km², Đà Nẵng (dân số 1,134 triệu) 1.285,4 km², Ninh Bình (dân số 982.487) 1.378,1 km², Cần Thơ (dân số 1,235 triệu) 1.409 km², Vĩnh Long (dân số 1,022 triệu) 1.475 km², Bà Rịa - Vũng Tàu (dân số 1,148 triệu) 1.987 km², Bến Tre (dân số 1,288 triệu) 2.322 km², Trà Vinh (dân số 1,009 triệu) 2.215 km².

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố có dân số thấp hơn 50% tiêu chuẩn (dưới 700.000 người) (số liệu 2019), và diện tích cũng không đạt chuẩn, cũng có thể thuộc diện sáp nhập gồm: 

Bắc Kạn (diện tích 4.860 km²) 313.905 người, Ninh Thuận (diện tích 3.358 km²) 590.467 người, Quảng Trị (diện tích 4.746 km²) 632.375 người.

Thái Quỳnh

Tin mới