• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Niềm tự hào Ấn Độ" trên vỉa hè Hà Nội

Thế giới 28/06/2021 06:55

(Tổ Quốc) - Những cái cây chỉ yêu cầu chúng ta tạo điều kiện để chúng (và cả chúng ta) có thể phát triển. Thiên nhiên sẽ lo phần còn lại.

Niềm tự hào Ấn Độ trên vỉa hè Hà Nội - Ảnh 1.

Một trong những điều khiến tôi thích thú khi sống ở Việt Nam là sự hiện diện gần như quanh năm của màu xanh lá với nhiều sắc độ, vốn trái ngược với 3 màu chính thường thấy ở vùng khí hậu lục địa trong phần lớn thời gian của mùa thu, đông và đầu xuân như trắng (tuyết), xanh lam (bầu trời), và xám (mây và cây khi rụng lá).

Mỗi tháng ở vùng khí hậu nhiệt đới như Hà Nội là một mùa để một vài loại cây hay hoa khoe sắc với những gam màu rực rỡ, làm cho thế giới trở nên tươi đẹp hơn.

Một trong những loại cây mà tôi yêu thích ở Hà Nội là bằng lăng, còn được biết đến bằng tiếng Anh là Pride of India (Niềm tự hào của Ấn Độ), như cách để ghi nhận nguồn gốc của loài cây này.

Niềm tự hào Ấn Độ trên vỉa hè Hà Nội - Ảnh 2.

Ngay cả khi không có lịch bên cạnh, bạn sẽ biết khi nào tháng 5 bắt đầu và mùa hè đến, không chỉ bởi độ ẩm thấp, nhiệt độ cao hơn, hay bầu trời trong xanh hơn, mà còn bởi những con phố của Hà Nội bắt đầu tràn ngập sắc tím, vốn là sự kết hợp của "sự dịu dàng của màu xanh lam và năng lượng dữ dội của màu đỏ". Tím là màu thường được nhắc đến với đặc tính hoàng gia, quý tộc và tham vọng.

Sắc tím tự nhiên lộng lẫy này, kèm theo đó là nhuỵ hoa màu vàng - màu sắc gắn liền với Lễ Phục sinh, là một trong những kỉ niệm khó quên về Hà Nội của tôi trong chuyến đi thứ hai cách đây 25 năm và là cảnh tượng mà tôi mong đợi hàng năm.

Thật may mắn cho tôi khi có tới 3 cây bằng lăng ngả bóng trên vỉa hè phía trước văn phòng của tôi ở Hà Nội. Mỗi khi đi dưới vỉa hè ngước lên hay từ phòng làm việc nhìn xuống, sắc tím bằng lăng đều tràn ngập trong tầm mắt tôi. Sự biến đổi của những cái cây này trong khoảng thời gian từ đầu tháng 3 tới cuối tháng 4 thật kì diệu.

Ban đầu, đó là hình ảnh của mùa thu vào xuân, khi những cây bằng lăng bắt đầu rụng lá cho đến khi trở nên cằn cỗi. Trải qua những thách thức của tự nhiên, chúng vẫn đối mặt một cách mạnh mẽ đến nỗi đôi lúc khiến tôi tự hỏi rằng liệu những cây này có còn sống, để rồi từ đó nhắc nhở bản thân về giá trị của lòng tin, hi vọng trước những khó khăn phía trước.

Chậm rãi nhưng chắc chắn, giống như một người chạy bộ sau quãng đường dài lấy lại được sức lực, chúng bắt đầu biến đổi từ cái chết (ở vẻ bề ngoài) và giấc ngủ đông, đến sự hồi sinh và tràn trề nhựa sống với tốc độ ngày một nhanh. Đây là cách mà loài cây này tồn tại kể từ khi còn là những cây non cho đến hiện tại, sự mạnh mẽ đã luôn nằm trong DNA của chúng. Có thể thấy rõ sự chuyển biến kỳ diệu của loài cây này qua từng ngày.

Ban đầu là những chiếc lá to màu xanh đậm, những cành mới vươn ra, và sau đó là những nụ hoa. Bầy ong trở lại trong cuộc kiếm tìm mật hoa không ngừng nghỉ. Và những bóng râm quý giá xuất hiện đúng vào thời điểm nắng hè bắt đầu chói chang, oi bức.

Giống như những loài cây khác ở Hà Nội hay nhiều thành phố Việt Nam, những cây bằng lăng này không chỉ đẹp về mặt mỹ quan mà còn rất mạnh mẽ. Trong môi trường đô thị, chúng phải vươn lên khỏi các toà nhà để đón ánh nắng, đồng thời chống chọi với tình trạng ô nhiễm không khí, hay bị người dân đóng đinh để treo biển hiệu, và thỉnh thoảng còn phải trải qua thời gian dài khô hạn, nhưng rồi chúng vẫn sống sót và phát triển.

Về khía cạnh nào đó, chúng giống như rất nhiều người trong xã hội, những người sống đầy kiên cường.

Niềm tự hào Ấn Độ trên vỉa hè Hà Nội - Ảnh 3.

Một loài cây nhiệt đới ưa thích khác của tôi là cây gạo (Red silk cotton). Tôi vẫn nhớ cây gạo gần Nhà khách Quân đội trên đường Phạm Ngũ Lão, nơi tôi hay đỗ xe rồi thả bộ nốt quãng đường đến văn phòng. Điều này tương tự như việc chào hỏi một người bạn cũ vào mỗi sáng. Đứng thẳng tắp và kiêu hãnh, cây gạo này chắc phải đã hơn một trăm năm tuổi, nó có thể là một cái cây non khi Hà Nội còn là một ngôi làng chứ không phải là một thành phố 5 triệu dân như ngày nay.

Niềm tự hào Ấn Độ trên vỉa hè Hà Nội - Ảnh 4.

Tôi nghĩ rằng, nếu cây gạo mà biết nói, nó sẽ kể câu chuyện về một phần lịch sử đã qua của thành phố, từ những ngày đầu dưới thời thuộc địa của thực dân Pháp, qua hai cuộc chiến tranh, trải qua bom đạn, đến ngày thống nhất, và sau đó là thời kỳ hòa bình nhưng vẫn nghèo đói và cuối cùng, thời kỳ hậu Đổi Mới tương đối khá giả.

Mỗi mùa xuân, những bông hoa với 5 cánh lớn nở bung trước tán lá như những chiếc đèn lồng đỏ rực trên nền trời xanh. Khi tàn, các sợi trắng như được gió mang đi, vì vậy, trong tiếng Anh cây này còn có tên là Red Silk Cotton.

Cây cối tạo ra oxy, nguồn sống mà chúng ta và tất cả các sinh vật khác cần để tồn tại. Nhưng không chỉ có vậy, hoa, lá của chúng cũng mang lại vẻ đẹp cho chúng ta chiêm ngưỡng. Tất cả những gì một cái cây yêu cầu là chúng ta tạo ra điều kiện để chúng (và cả chúng ta) có thể phát triển. Thiên nhiên sẽ lo phần còn lại. Mỗi cái cây chết hoặc đổ xuống phải được thay thế. Sự tồn tại lâu dài của chúng ta gắn bó chặt chẽ với những cái cây.

Có rất nhiều điều kỳ diệu ở xung quanh chúng ta chỉ cần ta dành thời gian và để mắt đến chúng. Vòng đời và sự biến đổi hàng năm của các loại cây của Hà Nội, như cây bằng lăng và cây gạo, chắc chắn là một trong số đó.


Niềm tự hào Ấn Độ trên vỉa hè Hà Nội - Ảnh 6.

* Tít chính và các tít phụ trong bài do tòa soạn đặt.

Mark A. Ashwill (Đoàn Lan Hương chuyển ngữ)

NỔI BẬT TRANG CHỦ