Nghệ sĩ nhân dân là danh hiệu cao quý nhất mà nhà nước Việt Nam trao tặng cho nghệ sĩ, tương tự như các danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân…
Để đạt được danh hiệu này, người nghệ sĩ phải thực sự tài năng và có cống hiến, tầm ảnh hưởng tới nền nghệ thuật dân tộc. Đây cũng là danh hiệu được nhiều nghệ sĩ khát khao vươn tới.
Thời gian gần đây, việc xét duyệt danh hiệu nghệ sĩ nhân dân đang được công chúng quan tâm, với nhiều ý kiến.
Tuy nhiên, đa số công chúng vẫn tin tưởng vào giá trị của danh hiệu nghệ sĩ nhân dân. Niềm tin này được gầy dựng từ những nghệ sĩ nhân dân đích thực – những người tài năng và có cống hiến to lớn, khiến ai cũng phải nể phục. Sự tồn tại của họ là bảo chứng cho giá trị danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, hễ nhắc tới là khán giả đều gọi tên.
Một trong những nghệ sĩ nhân dân đích thực đó là Lê Dung, người được mệnh danh là "cánh chim đầu đàn của nền nhạc cổ điển, thính phòng Việt Nam". Sau hơn 20 năm qua đời, NSND Lê Dung đã thực sự trở thành một huyền thoại âm nhạc về giọng hát hiếm hoi của nhạc Việt. Sự nghiệp và tài năng của bà có ảnh hưởng sâu rộng đến khán giả Việt, luôn là tấm gương để mọi thế hệ đàn em noi theo.
Ca sĩ Mỹ Linh khi được hỏi về danh xưng Diva đã trả lời một cách chắc nịch: "Ở Việt Nam, nếu có Diva thì chỉ hai người xứng đáng. Đó là NSND Lê Dung và Thanh Lam".
Nhận định của Mỹ Linh hoàn toàn có cơ sở và nhận được nhiều đồng tình từ giới mộ điệu âm nhạc. Nếu Thanh Lam là giọng nữ trung có tầm ảnh hưởng lớn tới nhạc nhẹ thì NSND Lê Dung là giọng nữ cao đứng đầu nền nhạc cổ điển, thính phòng Việt Nam.
Ở một khía cạnh khác, cũng chỉ duy nhất NSND Lê Dung đủ sức nặng, kỹ thuật, tầm ảnh hưởng để cùng đệ nhất danh ca Thái Thanh tạo thế song hành về hai giọng nữ cao huyền thoại – một cổ điển, một tân nhạc.
Lê Dung sinh ra và lớn lên tại Hạ Long, mảnh đất được cho là có thổ nhưỡng, khí hậu đặc biệt khi sản sinh ra rất nhiều giọng hát chất lượng cho nền âm nhạc Việt Nam.
Gia đình không khá giả, Lê Dung chỉ đi học nửa ngày, còn nửa ngày phụ mẹ làm ruộng, gánh rau ra chợ bán. Dù mới học lớp 8, Lê Dung đã gánh được những gánh rau rất nặng. Những năm tháng gánh rau thời thơ ấu giúp Lê Dung rèn luyện thể lực tốt, thích hợp để luyện hơi dài, giọng khỏe, hát cổ điển sau này.
Lê Dung từ nhỏ đã mê ca hát và bộc lộ rõ năng khiếu. Nhạc sĩ Bùi Đức Huyên khi còn làm công tác Đoàn ở Quảng Ninh đã đến lớp học của Lê Dung và phát hiện ra tài năng của bà.
Quá thán phục chất giọng ấy, ông lập tức đưa Lê Dung vào CLB Thiếu nhi Hạ Long, đưa đi diễn, thu thanh tại Đài Tiếng nói Việt Nam, đi hát phục vụ các đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước mỗi khi đến Hạ Long. Ông nhận xét:
"Trong dàn hợp xướng vài trăm em khi ấy, Lê Dung là người diễn xướng có giọng hát đơn nổi trội. Giọng Lê Dung rất khỏe. Nhờ có tiếng hát Lê Dung mà nâng cao chất lượng câu lạc bộ lên".
Lê Dung từng được hát trước Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Cả hai sau khi nghe cô bé gầy nhỏ hát xong đều đến xoa đầu và khen hát hay.
Năm 17 tuổi, Lê Dung đầu quân vào Đoàn Văn công Quân khu Tả Ngạn và đi hát khắp các chiến trường, hầm mỏ. Tiếng hát át tiếng bom, Lê Dung đã thực sự trở thành người chiến sĩ với vũ khí là giọng hát. Bà không ngại gian nan, hiểm nguy, sẵn sàng lao vào chốn bom đạn, rừng núi để hát phục vụ công nhân, bộ đội, dân quân, cổ vũ tinh thần, sức chiến đấu cho đồng đội.
Rất nhiều chiến sĩ những năm tháng đó sống và chiến đấu cùng giọng hát Lê Dung. Họ lấy tiếng hát ấy làm nguồn động lực để quên đi vất vả, có thêm ý chí chiến đấu.
Con trai Lê Dung là Nguyễn Anh Tuấn từng hé lộ kỷ niệm về những chiến sĩ bộ đội chiến đấu bên sông Vàm Cỏ mong được gặp Lê Dung một lần. Họ yêu thương tới mức gửi từ phương xa một chiếc khăn kèm một lá thư tới, dặn Lê dung đeo khăn vào cổ cho ấm, giữ gìn giọng hát. Họ muốn một ngày nào đó được nghe Lê Dung trực tiếp ở ngoài. Anh nói:
"Trong lá thư, các chiến sĩ tỏ ra rất xúc động vì tiếng hát mẹ tôi đã đi theo họ suốt những năm tháng chiến trường. Họ còn mời mẹ tôi tới chiến trường hát để họ được nghe trực tiếp".
Nhưng rồi, khi Lê Dung đi tìm những chiến sĩ đó thì hay tin họ đã ngã xuống. Bà bật khóc nức nở và buồn lắm. Nhưng niềm hạnh phúc lớn nhất với Lê Dung là những chiến sĩ ấy đã mang theo tiếng hát của bà để hi sinh vì Tổ quốc.
Năm 1976, Lê Dung về Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị và sau đó một năm, bà theo học thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội.
Suốt thời gian học tại Nhạc viện, Lê Dung vô cùng chăm chỉ rèn luyện các kỹ thuật, mài dũa giọng hát để ngày một điêu luyện hơn. NSND – giáo sư Trung Kiên, người thầy của Lê Dung nhớ về cô học trò xuất sắc:
"Trong 5 năm học tại Nhạc viện Hà Nội, Lê Dung đã có bước trưởng thành rất lớn, thể hiện bước đi của một ca sĩ lớn trong tương lai".
Năm 1982, Lê Dung tốt nghiệp thủ khoa Nhạc viện và tiến bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp. Với tâm hồn nghệ sĩ bay bổng, rộng mở, lãng mạn và trẻ trung, Lê Dung tạm rời nhạc cách mạng để bén duyên với nhạc nhẹ. Bà hát rất nhiều nhạc của những nhạc sĩ danh tiếng như Văn Cao, Phạm Duy, Phú Quang, Dương Thụ…
Nhờ những năm tháng hát nhạc nhẹ, Lê Dung đã tự nâng cao khả năng cảm thụ, thẩm mỹ âm nhạc và cách xử lý ca khúc đầy tinh tế, điêu luyện, không bị cứng nhắc, một màu. Có một điều đặc biệt ít ai biết, Lê Dung cũng là NSND đầu tiên thu âm cho trung tâm băng nhạc tại hải ngoại. Điều đó cho thấy, tiếng hát của bà đã sớm vươn khỏi nhạc cách mạng để đi xa hơn tới tân nhạc, nhạc trữ tình, khác hẳn nhiều đồng nghiệp cùng thời.
Nhưng Lê Dung chưa bao giờ ngừng học hỏi và khát khao vươn lên những tầm cao mới. Dù đã nổi tiếng, nhưng Lê Dung vẫn quyết định tạm gác lại sự nghiệp để theo học cao học thanh nhạc tại Nhạc viện Tchaikovsky, Nga.
Tại đây, bà được tiếp xúc với nền nhạc cổ điển đồ sộ của phương Tây, học hỏi những danh ca lớn và được những giảng viên có kinh nghiệm rèn dũa. Nhờ đó, Lê Dung tiếp thu nền học thuật thanh nhạc cổ điển và dần ngấm vào máu lúc nào không hay, khiến bà quyết tâm theo đuổi con đường âm nhạc đầy chông gai, kén người nghe này.
Sau 4 năm du học, năm 1990, Lê Dung về nước và trở thành nghệ sĩ solo của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Kể từ đây, sự nghiệp Lê Dung đã bước sang một trang mới, gắn liền với nhạc cổ điển và tạo nên những kỳ tích cho nền âm nhạc thính phòng Việt Nam, giúp bà trở thành huyền thoại không thể thay thế.
Trước Lê Dung, nhạc cổ điển đã được du nhập vào Việt Nam nhờ người Pháp và những trí thức Tây học, nhưng chưa thực sự phát triển. Nhạc cổ điển chỉ tồn tại trong một bộ phận nhỏ giới tri thức, ít tiếp cận được công chúng bình dân. Người Việt có biết tới nhạc cổ điển nhưng không nhiều, cũng không quen với cách hát bằng head voice thuần phương Tây.
Lê Dung trong suốt thập niên 90 đã đi diễn ở khắp các sân khấu lớn nhỏ. Không chỉ trên sân khấu lớn, sang trọng như Nhà hát Lớn hay các dinh, tòa đại sứ, bà còn diễn ở nhiều sân khấu bình dân và lên sóng phát thanh, truyền hình, phủ khắp mọi ngõ ngách.
Đặc biệt, Lê Dung không chỉ hát nhạc cổ điển mà còn dùng lối hát cổ điển để hát những bài nhạc dân ca, cách mạng vốn đã quen thuộc với công chúng. Nhờ Lê Dung, lần đầu tiên khán giả Việt được nghe những bài nhạc cách mạng qua một lối hát mới đầy học thuật (trình diễn trên head voice dựng tiếng) nhưng cũng dung dị, mộc mạc, không quá phô diễn.
Từ đó, Lê Dung đã phổ biến nhạc cổ điển đến khắp khán giả trong nước, ở mọi tầng lớp. Những ca khúc cách mạng bán cổ điển như Mẹ yêu con, Người Hà Nội, Bài ca hy vọng… qua giọng hát Lê Dung đã chiếm trọn trái tim nhân dân, khiến ai cũng xao xuyến, không thể quên. Nói như nhà văn Trần Thị Trường là:
"Người Việt Nam tiếp nhận âm nhạc thế giới đã từ rất lâu. Tuy nhiên, Lê Dung xuất hiện đem một đường dẫn để người Việt tiếp nhận, cảm thụ nó một cách dễ dàng, thú vị hơn.
Lê Dung đã mở ra cho Trần Tiến, Ngọc Tân sau này, làm thế nào để mở ra một đêm hòa nhạc mà không nhàm chán, phải là công của Lê Dung".
Về công lao của NSND Lê Dung với nhạc cổ điển Việt Nam, NSND Phạm Ngọc Khôi nhận định:
"Chị Lê Dung là một trường hợp vô cùng đặc biệt của nền ca hát Việt Nam. Đã lâu lắm rồi chúng ta mới có một nghệ sĩ như vậy.
Chị Lê Dung là người có công rất lớn trong việc đem giá trị của nên văn hóa, âm nhạc thế giới đến với Việt Nam. Chị hát rất nhiều, ở rất nhiều sân khấu trên thế giới và Việt Nam. Chị hát một cách chọn lọc để đưa dòng âm nhạc cổ điển thế giới đến với công chúng Việt Nam".
Không chỉ có công lớn về mặt trình diễn, NSND Lê Dung còn đóng góp nhiều trên công tác giảng dạy. Bà là giáo viên thỉnh giảng bậc cao học thanh nhạc của các trường âm nhạc, nhạc viện ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Quân đội.
Trong quá trình giảng dạy, NSND Lê Dung đã đào tạo được nhiều ca sĩ, giọng hát tài năng, xuất sắc như Ngọc Anh, Tạ Minh Tâm, Thái Bảo, Ngọc Hoàn… NSND Tạ Minh Tâm tâm sự:
"Tôi được học trực tiếp NSND Lê Dung. Những kinh nghiệm quý báu, năng lượng tích cực và kỹ thuật điêu luyện của tôi đã giúp nghệ thuật thanh nhạc, ca hát của tôi tăng lên. Tôi luôn dành lòng tôn kính cho Lê Dung và thực hiện hoài bão của cô trong công việc tôi làm".
Với những đóng góp to lớn với nền âm nhạc Việt Nam, năm 1991, Lê Dung được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Ngoài ra, bà cũng đạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước như: Giải tư cuộc thi quốc tế những nghệ sĩ hát opera trẻ, tổ chức tại Sofia (Bulgaria); Giải thưởng Toulouse (Pháp); Giải Mùa xuân tại Bình Nhưỡng (Triều Tiên); Giải Người hát dân ca hay nhất trong cuộc thi âm nhạc quốc tế tại Liên Xô (cũ)…
Rất nhiều ca sĩ cổ điển, bán cổ điển ngày nay đều thần tượng, ngưỡng mộ Lê Dung. Với những thành tích và tầm ảnh hưởng lớn như vậy, NSND Lê Dung xứng đáng là Diva nhạc cổ điển duy nhất tại Việt Nam tính đến hiện tại.
NSND Lê Dung bẩm sinh thuộc loại giọng light lirico soprano (nữ cao trữ tình sáng mảnh). Loại giọng này khá phổ biến tại Việt Nam, nhưng Lê Dung đã đưa nó lên một tầm cao khác nhờ sự khổ luyện kỹ thuật của mình.
Cần nhìn nhận đúng đắn rằng, Lê Dung dù là một giọng hát trời phú nhưng không được ban cho quá nhiều năng lực tự nhiên. Những gì bà có được là kết quả của sự khổ luyện. Thời mới đi hát nhạc nhẹ, Lê Dung từng bị chê nhiều vì hát thiếu cảm xúc, chông chênh. Nhưng Lê Dung đã lấy chính những lời chê đó làm động lực để rèn luyện ngày một tinh xảo, điêu luyện hơn.
Giọng hát Lê Dung có âm sắc đẹp, sáng lanh lảnh nhưng không chua chói. Con trai bà từng kể lại:
"Có một kỷ niệm tôi không thể quên về mẹ. Khi ấy tôi mới 4 tuổi, thường được mẹ dắt đi tập nhạc. Trừ những đêm biểu diễn, không đêm nào mẹ không dắt tôi đi tập.
Ngày đó piano rất hiếm, mẹ chưa có đàn riêng nên phải lên phòng tập của đoàn mỗi tối để tranh thủ tập riêng cho tôi, ở tận tầng 4. Hồi ấy hay mất điện, hai mẹ con tôi cầm đèn dầu dắt nhau lên tầng 4 tập suốt hai tiếng đồng hồ mỗi buổi. Giọng mẹ tôi cứ lanh lảnh trong đêm.
Tôi phải thừa nhận, mẹ tôi là một nghệ sĩ đích thực, phải khổ luyện mới có được thành tựu sau này".
Lê Dung có một quãng giọng khá rộng, trải dài từ F3 tới C#6, phù hợp với quãng giọng của một giọng nữ trữ tình cổ điển. Hơn nữa, quãng giọng này cũng chính là quãng support của Lê Dung. Với nền tảng kỹ thuật cổ điển bài bản, Lê Dung hát tới note nào là đẹp và support note đó, không có sự căng thẳng, cao thanh quản hay mắc lỗi.
C#6 dù là một note khá cao, nhưng Lê Dung kiểm soát nó khá tốt và thể hiện được nhiều kỹ thuật, sắc thái. Trong bài Cô gái vót chông, Lê Dung chạy staccato trên C#6 linh hoạt nhưng tới aria Caro Nome, bà lại đẩy lên cressendo âm lượng lớn full voice một cách chắc chắn.
Và dù là giọng trữ tình, nhưng nhờ rèn luyện hơi thở và đặt đúng vị trí âm thanh, cộng hưởng tốt, Lê Dung có thể tạo ra những luồng âm lượng lớn, to, vang đầy bão táp trên head voice quãng cao.
Trong một lần song ca cùng NSND Quang Thọ ca khúc Đường chúng ta đi, Lê Dung đã tung một cú head voice Bb5 to tới rè cả loa, át toàn bộ tiếng Quang Thọ. Hay, khi hát aria Pace Pace Mio Dio, Lê Dung cũng tung ra một cú head voice kết Fortissimo Bb5 bùng cháy dữ dội. Gần như chưa có ca sĩ Việt nào dám hát aria này sau Lê Dung.
Nội lực trong giọng hát Lê Dung rất lớn, khiến nhạc sĩ Phú Quang phải thốt lên: "Ngay từ những ngày đầu tiên anh em chúng tôi hợp tác làm âm nhạc với nhau, tôi đã nhận xét: "Vấn đề lớn nhất đối với giọng hát của em khi trình bày bất kỳ một ca khúc nào không phải chuyện "thêm vào" mà là "bớt đi". Em giống như một người con gái đẹp đeo quá nhiều dây chuyền. Em phải bỏ bớt đi hoặc là em đeo lần lượt thì tốt hơn".
Dù vậy, Lê Dung rất ít khi phô diễn giọng hát. Trừ những aria cổ điển và ca khúc bán cổ điển đòi hỏi sự hùng tráng, dữ dội, Lê Dung thường chọn lối hát mềm mại, trữ tình để phát huy tối đa vẻ đẹp giọng hát được đào tạo theo chuẩn Bel Canto (trường phái hát đẹp của Opera Ý).
Lê Dung hát legato rất đẹp, mịn màng và trôi như một dòng suối. Các đoạn piano, pianissimo, mezza di voce được cô áp dụng vào câu hát một cách điêu luyện, thoải mái. Khả năng điều khiển âm lượng của Lê Dung rất tốt, hát lúc to lúc nhỏ, lúc bùng cháy, lúc mềm mại, đem lại biết bao sắc thái cảm xúc trong một câu hát, diễn đạt trọn vẹn tinh thần, nội dung bài hát. Làn hơi của bà rất dài, cột hơi vững vàng, có thể chạy vibrato đều và tròn trịa đến bất tận.
Tuy vậy, điều đáng khâm phục ở Lê Dung không nằm ở những kỹ thuật điêu luyện, phức tạp mà nằm ở cách nhả chữ, luyến láy, xử lý ca khúc.
Ở đa số các ca khúc cách mạng bán cổ điển, Lê Dung dù hát theo lối thính phòng nhưng vẫn thổi vào những nhả chữ luyến mang màu sắc dân ca truyền thống, tạo cho bài hát sự ngọt ngào, mềm mại, dễ chịu và lay động từng tế vi cảm xúc.
Cách Lê Dung nhả chữ vô cùng nắn nót, nâng niu, chứa đựng biết bao tâm sự, nỗi niềm. Có thể nói, biệt tài nhả chữ, phát âm, nhấn nhá, xử lý giai điệu trên head voice của Lê Dung mới là cái khiến cô trở nên độc nhất vô nhị, không ai bắt chước được, chứ không chỉ đơn giản là kỹ thuật hát. Ca sĩ Phương Nga nhận định:
"Mỗi khi hát, cô luôn dành hết sự say đắm, tình cảm cho bài hát. Đặc biệt, từng nhả chữ trong lời bài hát đều rất rõ, rất tình cảm, chuẩn mực vô cùng.
Để làm được như cô thì khó lắm, khó vô cùng. Nghe qua thì thấy rất tự nhiên, nhưng để hát được như cô thì trời ơi, luyện mãi cũng không được. Tôi phải tập luyện cực kỳ nghiêm khắc với chính bản thân mình mới đạt yêu cầu của cô".
Nhạc sĩ Phú Quang cũng đưa ra ý kiến rất chuẩn xác: "Ngay thời điểm Lê Dung vĩnh biệt chúng ta, tôi đã nói, 10 năm sau chúng ta cũng khó mà có thể tìm thấy được người thay thế vị trí của Lê Dung.
Vì ở Lê Dung hội tụ quá nhiều điểm hoàn hảo: là người phát âm Tiếng Việt cực chuẩn, chất giọng đẹp và kỹ thuật tốt. Lê Dung là ca sĩ có học nhất Việt Nam, theo quan điểm của tôi.
Nay đã qua 10 năm, đúng là chưa có ca sĩ nào làm được như Lê Dung, bằng giọng hát tuyệt vời của mình, chinh phục trái tim hàng triệu khán giả mọi lứa tuổi".
Phần thể hiện của Lê Dung là sự hòa quyện tuyệt vời giữa kỹ thuật và cảm xúc. Các ca sĩ sau này khi hát lại ca khúc bà từng thể hiện hầu như chỉ đạt được một trong hai yếu tố, có cảm xúc thì thiếu hụt kỹ thuật hoặc phô diễn kỹ thuật thì đánh rơi cảm xúc.
Không những vậy, Lê Dung còn có một khả năng cảm nhạc rất tốt, cùng bản năng nữ giới đậm đặc, thiết tha, nên truyền đạt cảm xúc rất tình, đầy đam mê, cháy bỏng. Nhạc sĩ Lê Khắc Thanh Hoài nói:
"Sự nhạy cảm, sự hiểu biết, kỹ thuật đến độ hoàn hảo, với một làn hơi tuyệt vời mà trời phú cho Lê Dung đã thực sự thổi hồn cho những ca khúc của tôi, mà dường như gần 20 năm chỉ để chờ đợi giọng hát điêu luyện của chị.
Đẳng cấp của Lê Dung thể hiện rõ khi chị có thể biểu diễn thể loại thanh nhạc với nhiều cung bậc tình cảm và truyền được những rung cảm mãnh liệt, sự say mê, xúc động của tâm hồn đến người nghe".
Tài năng của Lê Dung là rất lớn, có thể tổng kết lại trong một câu nói của nhạc sĩ Phú Quang: "Lê Dung đúng là một tài năng hiếm thấy trong đời sống âm nhạc".
Thật đáng tiếc khi Lê Dung ra đi quá sớm, ở độ tuổi còn sung sức và nhiệt huyết nhất. Ngày Lê Dung mất, ai ai cũng thương xót, tiếc nuối. Không nhiều nghệ sĩ nhận được nhiều tình cảm của khán giả như bà, một nghệ sĩ nhân dân đích thực.