Hẹn gặp bà Lê Hoàng Diệp Thảo vào một ngày đông cuối năm, những chia sẻ từ người phụ nữ tràn đầy nguồn năng lượng ấy khiến không khí như ấm dần lên. Chẳng thế mà dù bận rộn đến mấy, bà vẫn quyết tâm cùng TNI King Coffee khởi động dự án "Women Can Do" với mong muốn hỗ trợ 100.000 phụ nữ Việt khởi nghiệp thành công.

Nữ doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo: Tạo nguồn cảm hứng cho phụ nữ trên con đường lập nghiệp - Ảnh 1.

Thưa bà, năm 2020 dịch Covid-19 đã ảnh hưởng như thế nào đến kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam? Tình hình chung của các doanh nghiệp kinh doanh cà phê tại thời điểm này ra sao?

Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid - 19 đã tác động rất lớn tới các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê do các đối tác tiêu thụ chính đều đang gặp khó khăn, thị trường tiêu thụ giảm, sức mua yếu. Đến những tháng cuối năm, các vùng nguyên liệu lớn lại phải đối mặt với tình trạng hạn hán, bão lũ… khiến nguồn cung bị thiếu hụt. Bên cạnh đó, đa số doanh nghiệp vẫn chỉ dừng ở việc xuất khẩu nhân thô là phân khúc có giá trị thấp nhất trong chuỗi giá trị cà phê toàn cầu… Tất cả những yếu tố này đã kéo thấp giá trị thực tế của cà phê Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, mới đây hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) đã có dự báo đầy khả quan về triển vọng thị trường xuất khẩu cà phê 2 tháng cuối năm và những tháng đầu năm mới. Nguyên nhân không chỉ bởi sản lượng thu hoạch tại nhiều nước bị sụt giảm mà đáng chú ý là Hiệp định EVFTA đang được hiệp hội kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu cà phê tăng trong thời gian tới.

Việt Nam chính thức bước vào mùa thu hoạch cà phê niên vụ 2020-2021 từ cuối tháng 10/2020 nhưng khi các cơn bão số 9 và số 10 đổ bộ vào vùng nguyên liệu đã ảnh hưởng như thế nào đến nguồn cung trên thị trường?

Cơn bão số 9 (Molave) đã gây thiệt hại khá nặng nề tại Gia Lai và Kon Tum là hai vùng nguyên liệu chiếm khoảng 25% diện tích cà phê cả nước. Tiếp theo đó, cơn bão số 10 (Goni) cũng khiến vùng trồng cà phê tại Đắk Lắk và Gia Lai lao đao. Nhiều diện tích cà phê bị gãy đổ, ngập úng, trái rụng nhiều nên đến cuối tháng 10/2020, nhiều nơi tại Tây Nguyên vẫn chưa thu hái được cà phê bởi thời tiết thiếu nắng và ẩm ướt nên trái chậm chín. Việc này đang đẩy giá cà phê Robusta tăng mạnh trong những ngày gần đây.

Các số liệu của niên vụ cuối năm hiện chưa có thống kê cuối cùng từ Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam. Tuy nhiên việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu cà phê có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng trên thị trường quốc tế, đây là rủi ro rất cao đã được dự báo trước.

Nữ doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo: Tạo nguồn cảm hứng cho phụ nữ trên con đường lập nghiệp - Ảnh 3.

Từ trước đến nay ngành cà phê thường có nhiều biến động về giá. Câu chuyện Robusta tăng giá, Arabica lại giảm giá trong mùa dịch là minh chứng gần nhất. TNI King Coffee đã làm gì để giảm thiểu tác động này đến hoạt động kinh doanh sản xuất và đảm bảo hỗ trợ hiệu quả cho các nhà sản xuất khác?

Trong tháng 10/2020, giá cà phê thế giới trên các sàn phái sinh đều giảm. So với tháng 9/2020, giá cà phê Robusta tại sàn London giảm 34 USD/tấn xuống còn 1.271 USD/tấn. Tại thị trường New York, giá cà phê Arabica giảm 1,5% xuống còn 2.344 USD/tấn. Tuy nhiên, từ tuần cuối tháng 10/2020 đến giữa tháng 11/2020, giá cà phê trên các sàn thế giới đã đảo chiều, giá Robusta tăng do nguồn cung sụt giảm, trong khi đó giá Arabica tiếp tục giảm do nhiều nước EU thực hiện giãn cách xã hội, một số nước hạn chế tối đa các chuyến bay đến đầu năm 2021. Đây cũng là những yếu tố dự báo lượng tiêu thụ Arabica sẽ giảm trong thời gian dài.

Là một nhà sản xuất cà phê nhân và cà phê rang xay, mặc dù giá nguyên liệu đầu vào ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất của TNI King Coffee, nhưng chúng tôi cũng đã có những kế hoạch dự phòng từ đầu năm để ổn định nguồn cung và giá cung Arabica và Robusta. Đây cũng là cách để chúng tôi hỗ trợ với bà con các vùng nguyên liệu và các nhà cung ứng trong giai đoạn khó khăn vừa rồi.

Cung - cầu có nhiều biến động như vậy, trong vai trò là một doanh nghiệp lớn trong ngành, TNI King Coffee đã thực hiện những chính sách nào để duy trì hoạt động trong mùa dịch, thưa bà?

Năm nay, dịch bệnh Covid đã vẽ nên một bức tranh kinh tế buồn. Việc xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường lớn gặp nhiều biến động buộc chúng tôi phải tìm các kế sách mới để đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, phân phối sản phẩm của mình trên toàn thế giới. Chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu để giới thiệu những dòng sản phẩm thức uống cà phê tốt cho sức khỏe, đáp ứng nhu cầu của khách hàng tại thị trường mới. Ngoài ra, chúng tôi cũng đồng thời thu gọn lại những mô hình quán hoạt động chưa hiệu quả và mở mới ở những vị trí phù hợp.

Tại TNI King Coffee, tôi đảm bảo rằng mọi nhân viên vẫn giữ được việc làm, tôi không chọn phương án cắt giảm nhân sự nhưng kêu gọi sự chung tay, thấu hiểu để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn. TNI King Coffee chọn cách bảo toàn nội lực để giữ vững nền tảng trước những cơ hội và thách thức sắp tới. Bất chấp rất nhiều khó khăn về kinh tế, chúng tôi vẫn khởi động dự án "Women Can Do", một dự án kết hợp cùng Hội liên hiệp phụ nữ, để giúp 100.000 phụ nữ khởi nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi đang dự kiến sẽ tham gia vào 1 dự án với Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam nhằm xây dựng các chiến lược quốc gia, góp phần gia tăng những lợi thế xứng tầm cho cà phê Việt Nam.

Nữ doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo: Tạo nguồn cảm hứng cho phụ nữ trên con đường lập nghiệp - Ảnh 5.

Quyết tâm khởi động dự án hỗ trợ 100.000 phụ nữ khởi nghiệp ngay trong thời điểm dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, bà muốn gửi gắm thông điệp gì thông qua hoạt động của dự án này?

Women Can Do (WCD) là một hệ sinh thái 4.0 mà ở đó những người phụ nữ chúng tôi sẽ giúp nhau chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và học tập từ nhau. Thông qua việc hợp tác với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, WCD sẽ giúp kết nối 16 triệu phụ nữ và hỗ trợ 100.000 người khởi nghiệp. Khi người phụ nữ có việc làm và độc lập về tài chính thì họ sẽ làm chủ cuộc đời mình. Tôi muốn hướng tới mục tiêu xây dựng 100.000 mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và xem đây là giải pháp hiệu quả để tạo việc làm mới, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

WCD được triển khai ngay trong thời điểm nền kinh tế và ngành cà phê còn gặp nhiều khó khăn, những yếu tố nào khiến bà tin tưởng dự án này sẽ thành công?

Yếu tố đầu tiên nằm ở ý tưởng và mô hình dự án. Mô hình đối tác phân phối (Đại lý WE) và mô hình nhượng quyền quán cà phê nhỏ (WEhome café) được thiết kế dành riêng cho "phái yếu" một cách vô cùng đơn giản, không cần nhiều vốn và hoàn toàn tự chủ được tài chính. Chị em có thể lựa chọn các mô hình kinh doanh dựa trên hoàn cảnh, năng lực và mong muốn của bản thân. Khi đăng ký làm thành viên chương trình WCD qua ứng dụng điện thoại WE 4.0 với mức phí đăng ký 500.000 đồng chỉ đóng một lần duy nhất, sau đó họ có thể đặt hàng qua ứng dụng và được miễn phí hoàn toàn chi phí giao hàng với hóa đơn trên 1 triệu đồng.

Yếu tố thứ 2 chính là người dẫn dắt và truyền cảm hứng. Tôi đã có kinh nghiệm 25 năm làm việc trong ngành cà phê, tôi đã từng khởi nghiệp nhiều lần và đưa Trung Nguyên từ những ngày đầu chập chững làm nhà bán lẻ cà phê đến mở cửa hàng cà phê. Tôi với Trung Nguyên cùng anh Vũ hay Tôi của hiện tại đều đang xây một giấc mơ chung. Đó là nâng tầm giá trị cà phê Việt, là hỗ trợ cho cộng đồng và quê hương cùng khởi nghiệp. Tôi đã đi lên từ những bước đầu tiên nhỏ bé đó nên tôi tin câu chuyện của mình sẽ là nguồn cảm hứng để động viên cho nhiều chị em để họ mạnh dạn bước ra khỏi vòng an toàn, để họ dũng cảm bắt đầu chặng đường mới của mình.

Yếu tố thứ 3 WCD không chỉ là một chương trình kinh doanh đơn thuần mà là một cộng đồng lớn. Nơi đây có hơn 18 triệu chị em trong Hội Phụ nữ Việt Nam được chào đón, là nơi mọi người có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, kinh nghiệm bán hàng. Chúng tôi đã hợp tác với Hội Liên hiệp Phụ nữ ở từng địa phương tổ chức các hoạt động tập huấn, chia sẻ kiến thức, để giúp các thành viên chủ động sản xuất kinh doanh, gia tăng thu nhập, nâng cao năng lực quản lý tài chính, phát triển kỹ năng giao tiếp. Các thành viên WE sẽ được cùng nhau thiết lập mạng lưới cung ứng, tiêu thụ sản phẩm an toàn cho cộng đồng, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Trong các giai đoạn kế tiếp, dự án cũng sẽ phối hợp với nhiều đơn vị khác để đưa các hàng hóa là nông sản Việt Nam vào trong hệ sinh thái này để các chị cùng mua bán và phát triển mô hình của mình.

Với 3 yếu tố này, bằng tất cả tâm huyết và nguồn lực của mình, tôi và TNI King Coffee hy vọng đánh thức được khát khao làm chủ, đánh thức những tiềm năng "TÔI CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC" của mỗi người phụ nữ. Không những thế, đối tượng sinh viên muốn học tập mô hình khởi nghiệp với chi phí ban đầu thấp cũng có thể tham gia dự án để được chúng tôi hướng dẫn, hỗ trợ các kiến thức và kinh doanh bước đầu.

Nữ doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo: Tạo nguồn cảm hứng cho phụ nữ trên con đường lập nghiệp - Ảnh 8.

Trong bối cảnh cuộc sống số ngày càng phát triển và có tác động rất lớn đến hành vi tiêu dùng trên thị trường, theo bà yếu tố công nghệ cao sẽ hỗ trợ được những gì cho những cá nhân tham gia dự án?

Công nghệ ngày nay được ví như một trợ lý đắc lực khi bạn kinh doanh. Nếu như trước đây bạn phải lo đi tìm mối hàng, tìm mặt bằng, tìm đối tác thanh toán, bị giới hạn chỉ thanh toán tiền mặt… thì công nghệ có thể giúp bạn kết nối với những nhà sản xuất lớn, được đăt hàng ngay lập tức, được hỗ trợ về hệ thống quản lý bán hàng CRM, được hỗ trợ freeship vận chuyển, được hỗ trợ máy POS thanh toán… Đây là những điều cơ bản nhưng lại vô cùng thiết thực, hiệu quả để giúp chúng ta khởi nghiệp dù ở qui mô nhỏ. Việc áp dụng công nghệ giúp chị em khởi nghiệp là lời hứa mà chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ hết sức để giúp chị em ở bất cứ đâu cũng có khởi đầu thuận lợi.

Một năm kinh doanh nhiều khó khăn nhưng với việc được vinh dự nhận giải thưởng Nữ doanh nhân truyền cảm hứng toàn cầu năm 2020 trong lĩnh vực Food & Beverage từ Tạp chí Global Brands Magazine (GBM) và vị trí Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam, cảm nghĩ của bà hiện tại là gì? Những thách thức nào đang chờ đợi bà phía trước?

Tôi rất vinh dự khi nhận giải thưởng Nhà lãnh đạo truyền cảm hứng toàn cầu năm 2020 trong lĩnh vực Food & Beverage từ Tạp chí Global Brands Magazine (GBM), cạnh những nhà lãnh đạo từ các thương hiệu lớn trên thế giới và đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam. Tuy nhiên điều này cũng đặt ra cho tôi những áp lực nhất định.

TNI King Coffee dù không phải là thương hiệu lâu đời tại thị trường Việt Nam nhưng lại một cái tên trẻ đầy tiềm năng được kiểm chứng với hàng loạt giải thưởng thương hiệu uy tín. Đối thủ cạnh tranh trong ngành cà phê chưa bao giờ dừng ở số ít, bởi vậy chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong một thị trường đầy màu sắc. Thách thức có thể là việc tìm lời giải cho bài toán làm thế nào để sản xuất được sản phẩm cà phê cao cấp, được chuẩn hóa ở quy mô lớn để phục vụ tầng lớp tiêu dùng trung lưu tại thị trường Việt Nam và thế giới. Thách thức có thể là làm thế nào để cung cấp cho khách hàng được loại sản phẩm đáp ứng được các yếu tố về sự tiện lợi, hương vị hảo hạng, các giá trị độc đáo khác…

Nữ doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo: Tạo nguồn cảm hứng cho phụ nữ trên con đường lập nghiệp - Ảnh 10.

Do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19 tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 78.000 doanh nghiệp đóng cửa, số người thất nghiệp là gần 1,2 triệu người… Đây là những con số khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Trong vai trò mới mà Hiệp hội Cà phê -Ca cao Việt Nam giao phó, tôi sẽ cùng Hiệp hội đưa ra những phương thức tối ưu nhằm nâng cao năng lực sản xuất cùng nền tảng quản trị hiệu quả để xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam vươn tầm toàn cầu. Không có lý gì mà Việt Nam là thị trường xuất khẩu cà phê thô lớn thứ hai thế giới mà chúng ta không gia tăng được sản lượng xuất khẩu cà phê thành phẩm trong thời gian tới cả!

Xin cảm ơn bà!

Linh Trần
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ