Chia sẻ 2
(Tổ Quốc) - Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch bước vào nhiệm kỳ 2021-2025 trong bối cảnh vô cùng đặc biệt khi các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đang nỗ lực để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, vừa quyết liệt triển khai "mục tiêu kép", vừa phát triển kinh tế xã hội, vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19.

(Tổ Quốc) - Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch bước vào nhiệm kỳ 2021-2025 trong bối cảnh vô cùng đặc biệt khi các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đang nỗ lực để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, vừa quyết liệt triển khai "mục tiêu kép", vừa phát triển kinh tế xã hội, vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Không phụ lại lòng mong mỏi, tin tưởng được thể hiện bằng sự quan tâm "đặc biệt" của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự đồng tình ủng hộ từ các địa phương và nhân dân, trong nửa nhiệm kỳ qua, toàn ngành VHTTDL đã vào cuộc mạnh mẽ với quyết tâm cao độ bằng một phương châm xuyên suốt "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến" để đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực, tiếp tục khẳng định mình trên con đường cùng Dân tộc phát triển, với khát vọng hùng cường.

Tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII diễn ra ngày 17/5/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, "Trong khó khăn, các lĩnh vực văn hoá, xã hội vẫn tiếp tục được đầu tư phát triển và đạt nhiều kết quả rõ rệt, đúng tinh thần: Phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế và xã hội; kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng chính sách, từng bước đi".        

Nửa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ của ngành VHTTDL với phương châm "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến" (Bài 1): Thắp "ngọn lửa" nhiệt huyết để vượt qua "nghịch cảnh" - Ảnh 1.

Thời điểm giữa năm 2021, ông Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng được Đảng, Nhà nước giao phó đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ VHTTDL. Vị "tư lệnh" ngành đã có những ngày tháng khởi đầu không thể nào quên.

Tân Bộ trưởng đảm nhận nhiệm vụ trong bối cảnh khi đất nước đang ở trong những ngày tháng gian khó nhất do tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19. Còn nhớ, từ ngày 24/7-21/9/2021, UBND TP Hà Nội đã có 4 lần giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố để phòng chống dịch COVID-19.

Những ngày đó, nội dung cuộc họp của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương gần như chỉ xoay quanh công tác phòng chống dịch, tập trung đảm bảo an toàn tính mạng, đời sống người dân.

Ảnh hưởng từ 4 đợt dịch COVID-19 bùng phát khiến các hoạt động văn hóa, thể thao tập trung đông người hầu như không được tổ chức, du lịch ngừng đón khách quốc tế. Các cuộc họp tại trụ sở Bộ VHTTDL những ngày đó cũng được triển khai rất nhanh gọn để đảm bảo cho công tác phòng chống dịch.  

Khó khăn là vậy nhưng toàn ngành VHTTDL đã từng bước khắc phục để đưa ra các giải pháp linh hoạt, kịp thời nhằm triển khai các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó.

Trước hết là nhiệm vụ cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về lĩnh vực VHTTDL. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà ngay từ những ngày đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhậm chức đã tích cực chỉ đạo.  

Thời điểm Thành phố Hà Nội dừng giãn cách xã hội thì cũng chính là lúc chỉ còn 2 tháng nữa, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ VHTTDL phối hợp tổ chức chính thức diễn ra

Tại Hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dự và có bài phát biểu chỉ đạo, định hướng nhằm đánh giá về vai trò, vị trí cũng như chỉ ra mục tiêu, phương hướng cho toàn ngành Văn hóa trong thời gian tới.

Nửa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ của ngành VHTTDL với phương châm "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến" (Bài 1): Thắp "ngọn lửa" nhiệt huyết để vượt qua "nghịch cảnh" - Ảnh 2.

Đây được đánh giá là một "Hội nghị Diên Hồng", một sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng, bước ngoặt lớn đối với toàn ngành Văn hóa. Bởi, tính đến thời điểm năm 2021, đây là lần thứ 3 Hội nghị Văn hóa toàn quốc được Đảng, Nhà nước tổ chức sau 75 năm kể từ lần thứ nhất và 73 năm kể từ lần thứ hai.

Xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, trong khi thời gian chuẩn bị chỉ còn hơn 2 tháng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ vào cuộc một cách tích cực, đồng bộ với tinh thần "làm hết việc chứ không làm hết giờ" để rà soát toàn bộ các nội dung, kịp thời tham mưu để Hội nghị được triển khai thành công theo đúng kế hoạch.

Lĩnh vực Du lịch thời điểm đó là một trong những ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19. Việt Nam từng đón 18 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2019, doanh thu từ lĩnh vực du lịch đạt 720.000 tỷ đồng. Năm 2020, kế hoạch mà chúng ta đặt ra là đón 20,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu từ du lịch đạt 850.000 tỷ đồng.

Thế nhưng, chỉ sau 2 năm đại dịch COVID-19 ập đến, Du lịch đang từ một ngành đóng góp 9,2% GDP cả nước bỗng quay trở về "con số 0 tròn trĩnh". Trong tình thế đó, buộc cơ quan quản lý nhà nước phải khẩn trương vào cuộc để đánh giá lại tình hình, cập nhật xu hướng để đưa ra các giải pháp nhằm kịp thời tham mưu phục hồi ngành du lịch. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề và khó khăn.   

Cuối năm 2021 cũng là thời điểm Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31) theo kế hoạch. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam vẫn chưa thể kiểm soát được dịch bệnh, Bộ VHTTDL đã tham mưu cho Chính phủ trình xin ý kiến Bộ Chính trị để lùi thời điểm tổ chức SEA Games 31 sang quý II của năm 2022.

Khó khăn nhất của việc chuẩn bị cho SEA Games 31 thời điểm đó chính là chúng ta không lường trước được diễn biến của dịch bệnh thế giới cũng như trong nước. Lúc đó, nhiều quốc gia trong khu vực và cả Việt Nam chúng ta vẫn đang "căng mình" với dịch bệnh, SEA Games vẫn chỉ là kế hoạch nằm trên giấy, không ai dám nói trước điều gì.

Nhắc lại những điều đó để thấy rằng, toàn ngành VHTTDL đã có những ngày khởi đầu của nhiệm kỳ đầy gian nan, thử thách như vậy. Các nhiệm vụ đặt đều rất quan trọng, nặng nề trong khi bối cảnh dịch bệnh hết sức bất lợi khiến các cơ quan chức năng thiếu đi tính chủ động. Một số nhiệm vụ thậm chí còn không dám khẳng định là có thể hoàn thành hay không.      

Nửa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ của ngành VHTTDL với phương châm "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến" (Bài 1): Thắp "ngọn lửa" nhiệt huyết để vượt qua "nghịch cảnh" - Ảnh 3.

Đối diện với bức tranh "ảm đạm" như vậy, tâm trạng của nhiều cán bộ trong ngành VHTTDL những ngày đó chắc chắn khó ai có thể nở nụ cười. Thế nhưng, với một tư duy lạc quan, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng lại có một cách nhìn khác về tình hình của ngành.        

"Trong khó khăn luôn có cơ hội, càng khó khăn càng phải cố gắng" - ông đã nhiều lần động viên các cán bộ của ngành VHTTDL như vậy trong những cuộc họp những ngày đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng nhằm tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn của ngành ở thời điểm khó khăn đó.

Trong bài phát biểu tại phiên họp toàn thể đầu tiên của Chính phủ đầu nhiệm kỳ, tân Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh: "Nhận thức rõ những khó khăn đang hiện hữu trước mắt và ngày càng nhiều thách thức, Bộ VHTTDL sẽ siết chặt đội ngũ, nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực với quyết tâm, khát vọng xây dựng ngành ngày càng phát triển để xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như các thế hệ lãnh đạo Bộ".

Để hiện thực hóa những cam kết của mình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã đề ra phương châm hành động xuyên suốt cho cả nhiệm kỳ đó là "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến". Khi ví von VHTTDL là "cỗ xe tam mã", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã xác định văn hóa chính là "dây cương". Chính vì vậy, một trong những quyết tâm mà ông đặt ra ngay từ đầu nhiệm kỳ đó chính là chuyển từ tư duy "làm" văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa.

"Ngọn lửa" nhiệt huyết về sự khát vọng cống hiến cùng tư duy quản lý đổi mới của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã nhận được sự đồng lòng trong tập thể lãnh đạo Bộ VHTTDL và các cơ quan đơn vị, qua đó khơi dậy sức mạnh tập thể để cùng nhau nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, mang lại một bức tranh đầy hy vọng cho toàn ngành trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ.

Năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, với chủ đề công tác năm của toàn ngành VHTTDL là "Năm xây dựng thể chế, chính sách", sau khi rà soát các điểm nghẽn để hoàn thiện thể chế về ngành, Bộ VHTTDL đã trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược Văn hóa đến năm 2030 với các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện; Ban hành Chương trình hành động phát triển Du lịch giai đoạn 2021 - 2025, tham mưu để ban hành Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050…và nhiều Nghị định, Thông tư về ngành.

Cũng trong năm đó, lần đầu tiên dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Đây là dự án Luật có ý nghĩa quan trọng giúp phát triển công nghiệp văn hóa của đất nước trong giai đoạn tới với quan điểm nhìn nhận mới trên cả hai phương diện là nghệ thuật và kinh tế. Dự án Luật này đã nhận được sự quan tâm, cho ý kiến và nhiều đánh giá tích cực từ các đại biểu Quốc hội trong lần trình đầu tiên.

Nửa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ của ngành VHTTDL với phương châm "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến" (Bài 1): Thắp "ngọn lửa" nhiệt huyết để vượt qua "nghịch cảnh" - Ảnh 4.

Nhiều giải pháp được Bộ VHTTDL triển khai trong thời điểm dịch bệnh COVID-19

Năm 2021, lần đầu tiên những "Nhà hát online" với các chương trình nghệ thuật chất lượng được lan tỏa mạnh mẽ đến nhân dân thông qua mạng xã hội; hay như những bài tập thể dục cơ bản cũng lần đầu tiên được Tổng cục Thể dục thể thao lan tỏa qua các phương tiện thông tin đại chúng giúp nhân dân nâng cao thể lực trong những ngày giãn cách xã hội… Đây chính là những liều "vắc xin tinh thần" giúp nhân dân tự tin vượt qua đại dịch COVID-19. 

Với phương châm "không tô hồng" nhưng cũng "không bôi đen" thực trạng và tinh thần "nhìn lại để tiến xa hơn", trong năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cùng các lãnh đạo Bộ VHTTDL đã nhiều lần chủ trì các hội nghị, hội thảo, cuộc làm việc nhằm tham vấn các chuyên gia trong lĩnh vực Du lịch để từ đó có cách nhìn đúng đắn, toàn diện nhằm tham mưu cho Chính phủ ban hành những cơ chế, chính sách hỗ trợ giúp ngành Du lịch có điều kiện phục hồi sau đại dịch.

Nhờ đó, ngay sau khi Chính phủ có Nghị quyết 128 về việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, được sự cho phép của Chính phủ,tháng 11/2021, ngành Du lịch đã thí điểm đón khách quốc tế có "hộ chiếu vắc xin" tại Phú Quốc (Kiên Giang).

Từ khi thực hiện chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế (tháng 11/2021) tính đến ngày 8/2/2022, Việt Nam đã đón được hơn 8.900 khách du lịch quốc tế. Khách du lịch chủ yếu từ Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada…Đây là những con số đáng khích lệ, đặt nền móng, niềm hy vọng cho Du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước sớm phục hồi.

Với việc triển khai chương trình thí điểm, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực cũng như trên thế giới mở cửa trở lại đón khách du lịch quốc tế một cách chủ động, qua đó thể hiện uy tín và năng lực phòng chống dịch COVID-19 của đất nước thời gian qua, khẳng định chủ trương đúng đắn về "chiến lược vắc xin" của Đảng, Chính phủ.

Kết thúc năm 2021 với biết bao nhiêu thử thách nhưng cũng nhiều nhiệm vụ vinh quang, cao cả được hoàn thành, toàn ngành VHTTDL đã một lần nữa chứng minh cho ý chí không khuất phục, đầu hàng trước khó khăn, nghịch cảnh.

Những kết quả của năm 2021 dù còn hạn chế nhưng cũng đủ để tiếp thêm niềm tin, niềm hy vọng cho toàn ngành VHTTDL sẵn sàng bước vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của những năm tiếp theo với một tinh thần "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến"./.

Bài 2: Nửa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ của ngành VHTTDL với phương châm “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến”: Kiến tạo chính sách để Văn hóa thực sự “soi đường”

Thế Công
Thu Mai
Nam Nguyễn và CTV

 

 

Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!