Nước Mỹ và nỗ lực "cai nghiện" những thứ lấp lánh của người Nga

(Tổ Quốc) - Bất chấp việc áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow, nước Mỹ vẫn không thể ngăn chặn được dòng chảy của đá quý và kim loại quý từ Nga vào Mỹ.
Nước Mỹ và nỗ lực cai nghiện những thứ lấp lánh của người Nga - Ảnh 1.

Các nhà lập pháp và những người trong ngành công nghiệp trang sức Mỹ xác nhận kim cương và vàng của Nga có thể vẫn được bán ở Mỹ ngay cả khi các công ty và chính phủ thắt chặt kiểm soát.

Về lý thuyết, các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu khiến việc bán vàng và kim cương từ Nga là bất hợp pháp. Tuy nhiên, thông qua một mạng lưới trung gian toàn cầu vô cùng khó giám sát, vàng và kim cương Nga vẫn có thể vào nước Mỹ với một thân phận mà người ta rất khó để có thể kiểm chứng.

Khi xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có hồi kết, người Mỹ muốn chặn tất cả nguồn thu nhập của Nga với lý do hạn chế Moscow có tiềm lực tài chính để thực hiện các động thái quân sự ở quốc gia láng giềng. Vàng và kim cương cũng nằm trong số đó. Moscow được cho là đang dự trữ một lượng vàng khổng lồ.

Tuy nhiên, những nỗ lực ngăn chặn có vẻ không dễ. Phần lớn kim cương đã qua xử lý cùng với vàng đã qua chế tác được Nga xuất khẩu sang Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Điều đó có nghĩa là chúng có thể được đưa vào Mỹ một cách hoàn toàn hợp pháp ngay cả khi nguyên liệu thô tới từ Nga.

Nước Mỹ và nỗ lực cai nghiện những thứ lấp lánh của người Nga - Ảnh 2.

Quốc gia rộng nhất hành tinh đáp ứng khoảng 1/10 nhu cầu càng toàn cầu và 30% nguồn cung kim cương. Hội đồng vàng thế giới cho rằng Nga đang có kho vàng 140 tỷ USD. Kho kim cương của Nga không được biết tới nhưng người ta ước tính nó cũng có giá trị tương tự kho vàng.

Trong khi đó, nguồn gốc của vàng và kim cương thường rất khó phân biệt. Ví dụ, vàng của Nga có thể được sử dụng trong đồ trang sức mà Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Kim cương Nga cũng có thể được đánh bóng ở Ấn Độ trước khi tái xuất. Tuy nhiên, nếu các nhà kim hoàn và người tiêu dùng Mỹ thực sự muốn biết nguồn gốc vật phẩm, họ hoàn toàn có thể làm được.

Trừng phạt kim cương đã được đánh bóng của Nga trở thành một phần trong nỗ lực của Mỹ sau Chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine. Hồi tháng 4, Washington đã đưa Alrosa, nhà sản xuất kim cương khổng lồ của Nga – đóng góp 90% tổng nguồn cung của quốc gia này, vào danh sách trùng phạt.

Cùng với đó, một nhóm Nghị sĩ lưỡng đảng đã gửi thư cho Chính quyền Tổng thống Joe Biden để chỉ ra những sơ hở trong việc kiểm soát dòng chảy trang sức, đặc biệt là việc dễ nhập khẩu kim cương của Nga qua nước thứ 3. Họ kêu gọi Bộ Tài chính Mỹ thay đổi xác định nguồn gốc xuất xứ và làm việc với các quốc gia như Ấn Độ để ngăn chặn dòng chảy của kim cương Nga.

Tuy nhiên, dự thảo luật có tên "Đạo luật Ngăn chặn vàng Nga" được đưa ra Quốc hội Mỹ vào tháng 3, theo đó sẽ cấm công dân Mỹ giao dịch mua bán vàng của Nga với công dân nước ngoài, lại chưa được thông qua.

Nước Mỹ và nỗ lực cai nghiện những thứ lấp lánh của người Nga - Ảnh 3.

Christina Miller, một chuyên gia của dự án Sáng kiếm minh bạch vàng toàn cầu (GGTI), cho biết: "Trong một ngành công nghiệp mà chủ yếu bao gồm các doanh nghiệp nhỏ và mạng lưới trung gian rộng lớn, có quá nhiều sự mờ mịt ở giữa chuỗi cung ứng".

GGTI cũng đang kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tăng cường các biện pháp trừng phạt bằng cách bịt các lỗ hổng và coi việc xử lý nguyên liệu của Nga ngay cả khi nó được lấy từ nước thứ 3 là bất hợp pháp. Trong khi đó, một tổ chức khác nói rằng khi bị trừng phạt, nhiều doanh nghiệp và cá nhân Nga có khả năng đã bán vàng trên thị trường chợ đen bằng cách chuyển nguồn cung của chúng sang 1 nước thứ 3.

Nước Mỹ và nỗ lực cai nghiện những thứ lấp lánh của người Nga - Ảnh 4.

Hiện tại, các công ty kim hoàn lớn đã có động thái với đá quý và vàng của Nga. Chủ sở hữu của Tiffany & Co., LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton SE, cho biết họ đang nỗ lực loại bỏ kim cương Nga khỏi chuỗi cung ứng của mình. Trong khi nhà điều hành Signet Jewelers Ltd. khẳng định họ ngừng mua kim cương Nga….

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp kim hoàn nhỏ hơn lại không đồng quan điểm. Họ coi vàng và kim cương Nga tới từ một nguồn xung đột, giống như vàng và kim cương tới từ các vùng chiến sự khác tại châu Phi, châu Á và châu Mỹ - Latin.

Trong một diễn biến khác, nhiều chủ doanh nghiệp cũng cam kết nói không với vàng và kim cương Nga. Tuy nhiên, loại kim loại và đá quý có thể truy xuất nguồn gốc đầy đủ thường có giá cao hơn 20% so với của Nga. Điều này khiến nhiều nhà kim hoàn Mỹ lo ngại cho tỷ suất lợi nhuận của họ hơn là nguy cơ xung đột cách họ cả nghìn cây số.

Về phương diện khách hàng, chưa rõ có bao nhiêu người sẵn sàng mua trang sức, kim loại quý biết rõ nguồn gốc với giá cao hơn 20% so với loại khác khi chúng có cùng chất lượng.

"Tôi nghe rất nhiều thợ kim hoàn nói rằng họ không muốn quan tâm gì tới nguồn cung đá quý hay kim loại quý của mình. Điều đó thật đáng quan ngại", Bob Goodman, một nhà kim hoàn ở Indiana, Mỹ, cho hay.

Linh Anh

Tin mới