"Tôi đi ngủ sớm nên cũng hay dậy sớm. Buổi sáng có hôm thì dậy đi chạy, hôm thì tập yoga. Thời gian trong ngày đội không tập thì tôi tự tập thêm những thứ mà bản thân còn thiếu để hoàn thiện hơn", Tuấn Hải giải thích.
Lần đầu tiên trong suốt hơn bốn năm làm phóng viên tôi có một cuộc hẹn phỏng vấn cầu thủ lúc 6h00 sáng. Điều này làm tôi khá băn khoăn vì sáng sớm liệu nhân vật có thoải mái để giãi bày những tâm tư của mình. Nhưng tôi đồng ý, bởi hy vọng ở những thời điểm đặc biệt nhất sẽ có những câu chuyện đặc biệt và tiền đạo Phạm Tuấn Hải đã kể một câu chuyện như thế. Tuấn Hải từ lúc bắt đầu đam mê bóng đá đến khi trở thành một tuyển thủ quốc gia, tham dự vòng loại World Cup 2022 - một hành trình lịch sử của bóng đá Việt Nam.
Từ nhỏ tôi đã thích bóng đá rồi, cứ đi học về là tôi đi đá bóng cùng bạn bè. Hồi nhỏ, tôi rất hâm mộ anh Văn Quyến, xem ti vi nhiều nên tôi rất thích lối chơi của anh.
Tình cờ một buổi trưa khi cả nhà đang ăn cơm, chú của tôi có gọi về và hỏi có muốn theo bóng đá không thì chú xin cho lên Hà Nội để học. Nhưng mà lúc ấy tôi đang học lớp 4, tôi cũng đang học tập tốt nên bố mẹ muốn tôi tập trung vào học tập và không đồng ý cho đi.
Mẹ có hỏi tôi: "Con có thực sự thích bóng đá không?"
Tôi đã thuyết phục mẹ, đến khi mẹ đồng ý rồi mà bố và mọi người còn đắn đo nên tôi và chú đã phải nói dối là lên nhà chú chơi nhưng thật ra là đi thi tuyển vào trung tâm bóng đá trẻ Hà Nội.
Các thầy đã yêu cầu tôi thực hiện một vài động tác và đá thử, rất may mắn tôi được nhận. Mãi sau cả nhà thấy tôi đam mê quá nên đã đồng ý cho tôi theo bóng đá.
Những ngày đầu khi bước chân vào trung tâm, các bạn cùng lứa với tôi đang thi đấu giải trẻ U11 nên tôi đã phải tập luyện cùng các anh sinh năm 95, 96.
Lúc mới, thực ra bản thân tôi chưa tâng nổi 2 quả bóng, cả một tuần các thầy chỉ cho tôi tập tâng bóng, dần dần 5 quả, 10 quả rồi nhiều hơn. Sau dần thì tôi được học chuyền bóng, đỡ bóng. Với nhiều bạn những thời gian đầu tập sẽ thấy nhàm chán nhưng với cá nhân tôi lại rất hào hứng, thích thú khi được theo đam mê của mình.
Tôi có giải đấu chính thức là giải U11 và nhận được thành tích đầu tiên là huy chương đồng năm 2013 tổ chức ở Thái Bình.
Nhà tôi ở Hà Nam, tập luyện và thi đấu xa nhà nên bố mẹ lúc nào cũng gọi điện động viên tôi cố gắng.
Có thời điểm bố mẹ đã không cho tôi theo bóng đá nữa vì tôi nghịch ngợm. Tôi đã phải thuyết phục và xin mẹ rất nhiều lần.
Tôi nói với mẹ: "Mẹ để con ở lại, con hứa sẽ không làm cho bố mẹ phải buồn nữa".
Năm 14 tuổi bị các thầy cho về nhà, nhưng rất may mắn tôi được một thầy bảo lãnh và cho tôi cơ hội. Thời điểm đó tôi đã bị các thầy phạt và không cho tập luyện cùng với đội. Tuổi trẻ ai cũng có khoảng thời gian nông nổi, tôi đã nghịch ngợm, rồi trốn đi chơi. Nhớ về thời gian đó, tôi nghĩ cái tuổi mới lớn nghịch ngợm không tránh được, tôi đã nghĩ rằng bản thân mình vấp ngã sớm, mình có thể trưởng thành và hiểu hơn rất nhiều.
Phạm Tuấn Hải chia sẻ về mẹ và khoảng thời gian "nổi loạn"
Hình thức kỷ luật mà cậu phải nhận là gì thế?
Tôi đã bị kỷ luật rất nhiều, gần một năm không được tập cùng đội, chỉ chạy bên ngoài sân. Tôi nghĩ đó là là điều kinh khủng nhất với một cầu thủ đấy.
Vậy cậu đã làm gì để được quay trở lại tập luyện?
Tôi đã xin các thầy cho tôi vào tập luyện và hứa sẽ thay đổi, nếu không đạt được điều đó các thầy sẽ cho tôi về.
Từ thời điểm đến hiện tại tôi đã thay đổi rất nhiều. Thay đổi lớn nhất là tôi đã toàn tâm toàn ý với công việc của mình.
Ngay kể cả thời điểm tôi được gọi lên tập luyện U19 Việt Nam tôi chưa tập trung hết vào chuyên môn. Ra sân tập luyện nhưng chỉ tập, không có mục tiêu rõ ràng nên tôi đã bị loại.
Với cá nhân tôi những gì đã qua đều là bài học, bản thân tôi luôn nhìn lại để tốt hơn. Tính của tôi rất kiên trì dù có khó khăn cũng sẽ quyết tâm để vượt qua.
Khoảng thời gian tôi thay đổi hoàn toàn phải đến năm 2018 khi tôi gãy chân. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều xem bản thân cần thay đổi như thế nào. Trước đấy tập luyện hay ăn uống tôi không chú trọng. Khi bị gãy chân tôi mới tìm hiểu về dinh dưỡng và trao đổi với những người có chuyên môn để phục vụ cho sức khỏe.
Tôi có một thắc mắc, tại sao cậu và rất nhiều cầu thủ khác gọi HLV Phạm Minh Đức là chú thay vì gọi là thầy?
Khi sang Hà Nội B, tôi thấy các đồng đội gọi là chú nên cũng gọi theo. Với cá nhân tôi chú Đức đã giúp đỡ tôi rất nhiều từ chuyên môn đến sinh hoạt, tính cách của tôi nóng nảy, chú là người giúp tôi kiềm chế hơn. Tất cả mọi thứ HLV làm, đều muốn tốt cho mình nên tôi luôn lắng nghe.
Ở Hà Tĩnh đang ổn định, có đồng đội lâu năm. Vì sao bạn vẫn quyết định đến Hà Nội FC?
Mọi thứ tốt nhưng tôi muốn bản thân thoát khỏi vùng an toàn. Quay về Hà Nội, tôi không gặp quá nhiều khó khăn. Trước đó tôi cũng đã tập với các anh nên hòa nhập dễ dàng hơn.
Trận đầu tiên với Hà Nội tôi rất hào hứng. Tuy nhiên, khi quyết định về Hà Nội tôi đã xác định cạnh tranh sẽ là thử thách để tôi phát triển hơn.
Mục tiêu của tôi rất rõ ràng, nỗ lực từng ngày, trước mắt tôi đặt quyết tâm thi đấu tốt cùng CLB Hà Nội từng trận một, được đá chính và giành chức vô địch vào cuối mùa giải.
Lần đầu tiên bao giờ cũng đem lại cảm xúc khó tả, với Tuấn Hải lần đầu tiên khi nghe tin được gọi lên đội tuyển quốc gia cảm xúc của Hải ra sao?
Lần đầu được gọi lên đội tuyển quốc gia tôi rất vui. Khi đội tuyển thi đấu tại Vòng loại 2 World Cup, tôi đã không có tên ở trong danh sách. Vì vậy, khi nghe thông tin được triệu tập lên đội tuyển Việt Nam chuẩn bị cho Vòng loại thứ 3 tôi cảm thấy rất vui và bất ngờ.
Trước đó vài ngày một số cầu thủ của đội được thông báo đi tiêm để lên đội tuyển nhưng tôi không có tên.
Lúc đó tôi đang ở nhà vì CLB cho nghỉ, nhận được tin tôi đã giấu bố mẹ, chờ có danh sách chính thức mới thông báo cho bố mẹ bất ngờ. Bố mẹ tôi đã rất hạnh phúc khi biết tôi có tên trong danh sách triệu tập.
Bố mẹ lúc nào cũng dặn tôi khi lên tuyển phải có đạo đức, chuyên môn chưa đặt lên hàng đầu, phải có đạo đức sau đó mới nỗ lực tập luyện.
Mới đầu tập tôi có chút khó khăn, tập với các anh đẳng cấp nên tôi chưa tự tin cho lắm.
Tôi ở cùng anh Văn Toàn, anh đã chia sẻ để tôi tự tin khi tập luyện. Anh chia sẻ về việc sinh hoạt, bài tập để giúp tôi tốt lên.
Anh Quế Ngọc Hải ở đội luôn muốn xin ở cùng phòng với tôi, bởi tôi sinh hoạt khá khoa học, ngủ sớm. Anh muốn ở cùng để 2 anh em cùng ngủ sớm, sáng hôm sau còn tập luyện.
Trận đầu tiên tôi được thi đấu là trận với đội tuyển Oman, dù vào thi đấu có 10 phút và rất đông khán giả nhưng tôi hào hứng, rất sung.
Quay trở về AFF Cup không có tên trong danh sách khiến tôi khá hụt hẫng. Tôi đã nghĩ sẽ có lần đầu tiên tham dự AFF Cup trong sự nghiệp. Nhưng tôi chỉ buồn một đêm hôm đấy thôi, mình phải mạnh mẽ hơn để đạt mục tiêu tiếp theo.
Dù AFF Cup không có tên nhưng sau đó trận đấu với đội tuyển Australia tôi được ra sân ngay từ đầu. Đến trận Trung Quốc tôi cũng được thi đấu.
Tuấn Hải trong màu áo ĐTQG. Ảnh: Hiếu Lương
Cảm xúc rất tự hào, lần đầu tiên thi đấu dịp đặc biệt là Tết, trận đấu khiến tất cả mọi người đều nhớ, đó niềm tự hào với mỗi cầu thủ.
Tôi đang cố gắng, nỗ lực hơn, tôi mong muốn cuối năm nay sẽ có lần đầu tiên tham dự AFF Cup cùng đội tuyển Việt Nam.
Này Hải, tôi thấy cậu mang theo cả hoa lan khi đi thi đấu, vì sao thế?
Bình thường ở đội tôi ít khi đi chơi nên có sở thích chơi chăm hoa. Tôi sợ đi lâu ngày để ở đội không ai chăm hoa sẽ chết mất.
Với cá nhân tôi, cậu là một trong những cầu thủ “dị” đấy. Cậu ở trong sân và ngoài đời có khác biệt gì không?
Tính cách của tôi ít nói, chỉ muốn giữ trong lòng. Khi được phỏng vấn tôi rất ngại, tôi không muốn nói nhiều, chỉ muốn hành động cho mọi người thấy.
Khi trên sân tôi hoàn toàn khác, tôi thi đấu mạnh mẽ nhưng ngoài ít nói, nhiều khi ít nói quá bố mẹ còn mắng. Nhưng tôi sống rất tình cảm, gần gũi chỉ là không thể hiện ra bên ngoài được.
Tôi thấy nhiều cầu thủ sau trận đấu vui vẫn uống vài ly bia, rượu. Điều ấy không tránh được. Cậu kể là đang tìm hiểu về dinh dưỡng, tôi tò mò cậu có uống bia không?
Từ khi tìm hiểu về dinh dưỡng tôi hạn chế tối đa nhất không uống đồ có cồn, kể cả nước ngọt.
Tôi cũng không đi ra ngoài ăn sáng, ít khi lắm. Bình thường tôi sẽ ăn ngũ cốc vào buổi sáng. Lâu dần cũng thành quen.
Khi lên tập trung đội tuyển tôi vẫn giữ thói quen như vậy. Tôi còn nhờ đầu bếp làm ức gà riêng cho mình.
Từ thời điểm bị gãy chân tôi chú trọng đến sức khỏe nhiều hơn, ăn uống theo chế độ sức khỏe cũng tốt lên nhiều.
Hiện tại tôi thuê giáo viên dạy riêng tiếng anh, các buổi tối tôi ít khi đi chơi, tranh thủ thời gian học để có thể giao tiếp trong bóng đá dễ hơn.
Phạm Tuấn Hải: "Anh Văn Toàn đã giúp tôi rất nhiều"