Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Tham nhũng không phải là hiện tượng mới xuất hiện, nó ra đời và gắn liền với sự tồn tại, phát triển của xã hội, là hiện tượng xã hội tiêu cực mà chế độ nào, quốc gia nào cũng có; nó là sản phẩm của tất cả các thể chế chính trị từ khi có nhà nước, không phải của riêng chế độ xã hội chủ nghĩa. Bất kỳ quốc gia nào cũng quan tâm đến phòng, chống tham nhũng, tùy vào đặc điểm và các mức độ khác nhau.

LTS: Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay được xem là vấn đề "nóng", đã "trở thành xu thế không thể đảo ngược, được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá cao, bạn bè quốc tế ghi nhận". Tuy nhiên, đây cũng là một trong những mục tiêu mà các thế lực thù địch, phản động nhắm vào để xuyên tạc, gây chia rẽ nội bộ, chống phá cách mạng Việt Nam.

Chính vì vậy, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói chung và quan điểm sai trái về công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng là một nội dung quan trọng, có ý nghĩa sống còn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Phản bác quan điểm sai trái về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Bài 1): Nhận diện rõ âm mưu để không “dính bẫy” - Ảnh 1.

Thực tế đã minh chứng, những quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực tiếp là tư tưởng "không dừng, không nghỉ, không kể đó là ai, không có vùng cấm", "Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm", quyết tâm "Kiên quyết loại khỏi bộ máy những cán bộ hư hỏng, tham nhũng", "cắt một vài cành sâu để cứu cả cây" được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhiều lần nhấn mạnh là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp.

Cần phải khẳng định rằng, tham nhũng không phải là hiện tượng mới xuất hiện, nó ra đời và gắn liền với sự tồn tại, phát triển của xã hội, là hiện tượng xã hội tiêu cực mà chế độ nào, quốc gia nào cũng có; nó là sản phẩm của tất cả các thể chế chính trị từ khi có nhà nước, không phải của riêng chế độ xã hội chủ nghĩa. Bất kỳ quốc gia nào cũng quan tâm đến phòng, chống tham nhũng, tùy vào đặc điểm và các mức độ khác nhau.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định, tham nhũng là "giặc nội xâm", "giặc ở trong lòng", nếu tự thân không tu dưỡng đạo đức cá nhân thật tốt thì bất kỳ ai cũng có thể phạm vào tham nhũng, tiêu cực.

Người nhấn mạnh, nguyên nhân sâu xa, gốc rễ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực chính là chủ nghĩa cá nhân, bởi vì "cá nhân chủ nghĩa nên đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích chung, rồi sinh ra vô kỷ luật, vô tổ chức, tham địa vị, tham danh vọng, bè phái, tham ô, lãng phí, quan liêu".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng "tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực và là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ; thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa bỏ tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn".

Phản bác quan điểm sai trái về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Bài 1): Nhận diện rõ âm mưu để không “dính bẫy” - Ảnh 2.

Để làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư nhấn mạnh "yếu tố cơ bản, nền tảng, có tác dụng ngăn chặn từ gốc hành vi tham nhũng là phải "nhốt" quyền lực trong "lồng" thể chế"; "phải từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để bảo đảm "không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng".

Bàn về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: "Tham nhũng là thể hiện rõ nhất của sự suy thoái về đạo đức; những người vướng vào tham nhũng, tiêu cực nghĩa là làm những việc trái với chuẩn mực đạo đức và vi phạm pháp luật.

Tham nhũng rất nguy hại, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng rất khó khăn, phức tạp, lâu dài và đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao".

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, thời gian qua, với sự vào cuộc mạnh mẽ, rộng khắp của mọi cấp, mọi ngành và toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, cũng như của mỗi người dân, công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng đã đạt nhiều thành tựu to lớn, được người dân đồng tình ủng hộ, được các quốc gia trên thế giới đánh giá cao.

Qua đó đã góp phần từng bước làm trong sạch các tổ chức của Đảng, bộ máy của Nhà nước, củng cố thêm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa. Những kết quả đó là không thể phủ nhận.

Cùng bàn về vấn đề này, PGS.TS Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, không phải bây giờ mới có tham nhũng, tiêu cực. Tham nhũng tồn tại ở bất cứ quốc gia, chế độ nào, ở bất kỳ vị trí địa lý nào, tham nhũng tồn tại và phải chấp nhận đây là sự thật. Vấn đề ở đây là chúng ta nhìn nhận và đối diện với sự thật này để giải quyết như thế nào.

Theo PGS.TS Lê Văn Cường, tham nhũng, tiêu cực xuất hiện suy cho cùng là do sự suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống. Cái gốc của tham nhũng là sự xuống cấp về đạo đức. Vì vậy, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực còn khó khăn hơn đấu tranh chống ngoại xâm vì ta phải "tự đánh vào ta" và nó có ở trong bản thân từng con người.

Phản bác quan điểm sai trái về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Bài 1): Nhận diện rõ âm mưu để không “dính bẫy” - Ảnh 3.

Theo thống kê sơ bộ đến cuối năm 2023, Việt Nam hiện có hơn 77 triệu người dùng Internet, tương đương 79% dân số. Số người dùng mạng xã hội khoảng 70 triệu, tương đương 71% dân số. Từ đó có thể thấy, Việt Nam là quốc gia có số lượng người dùng Internet và mạng xã hội cao so với các nước trong khu vực và thế giới.

Bên cạnh mặt tích cực của mạng xã hội, không gian số cũng là mảnh đất màu mỡ, là công cụ để các thế lực thù địch, phản động, cơ hội, bất mãn chính trị lợi dụng khai thác, gia tăng các hoạt động chống phá, đặc biệt là chống phá công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng ta.

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều giải pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn, xử lý các thông tin giả, thông tin xấu, độc trên các nền tảng xuyên biên giới vào Việt Nam. Tính riêng năm 2023, đã có 14.552 nội dung vi phạm trên các nền tảng xuyên biên giới bị ngăn chặn. Không ít những thông tin xấu độc đó nhằm xuyên tạc, về công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng ta.

Chúng rêu rao rằng, "đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên là "thanh trừng phe phái", "đấu đá nội bộ, phe cánh", "tranh giành quyền lực; xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên sai phạm chỉ là "trò đánh trống, khua chiêng nhằm che mắt thế gian", là chính "ta đánh ta"; gần đây chúng còn đưa ra những quan điểm xuyên tạc, kích động dư luận rằng không ai có thể tin rằng ở Việt Nam: "Chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ".

Để thực hiện những âm mưu, thủ đoạn nham hiểm đó, chúng tận dụng triệt để internet, mạng xã hội để tuyên truyền, phát tán những Clip, bài viết tập trung vào những vụ việc vi phạm kỷ luật của một số cán bộ, đảng viên, bình luận về nguyên nhân dẫn đến thoái hóa, biến chất, nguyên nhân dẫn đến sai phạm, nguyên nhân "thanh trừng" trong nội bộ.

Từ đó hướng lái tư tưởng, gieo rắc các quan điểm sai trái, xuyên tạc, bóp méo, thổi phồng các vụ việc trên; gây hoài nghi trong dư luận nhân dân; nhằm phủ nhận những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân ta và kết quả của công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.`

Thế nhưng, có một điều rất đáng buồn, khi tham gia mạng xã hội, một số cán bộ, Đảng viên non kém về bản lĩnh chính trị, một bộ phận quần chúng nhân dân thiếu tỉnh táo đã nhẹ dạ cả tin về những luận điệu sai trái thế lực phản động, thù địch nhằm mục đích phá hoại công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng ta bằng nhiều hình thức thông qua các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Và thật đáng tiếc, không ít người đã phải trả giả nặng nề trước pháp luật chỉ vì tin lời những thế lực đó.

Phản bác quan điểm sai trái về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Bài 1): Nhận diện rõ âm mưu để không “dính bẫy” - Ảnh 4.

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, trước đây khi chưa có internet, mạng xã hội, những thông tin thất thiệt, sai trái về kết quả của Đảng chưa xuất hiện nhiều.

"Tuy nhiên, khi công nghệ thông tin phát triển rộng rãi, các thông tin về chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, công tác cán bộ cũng được cập nhật công khai, minh bạch cũng chính là cơ hội cho các thế lực thù địch xuyên tạc, bịa đặt nhằm mục đích chia rẽ khối đại đoàn kết trong nội bộ Đảng ta, giữa Đảng và nhân dân.

Đặc biệt, khi công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng ta ngày càng đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả, các phần tử này lại càng điên cuồng chống phá bằng nhiều hình thức, hướng lái dư luận xã hội. Và nếu không tỉnh táo, bất kỳ ai cũng có thể "dính bẫy" của các đối tượng này" – ông Nguyễn Trọng Phúc nói.

Cũng theo ông Nguyễn Trọng Phúc, điều quan trọng nhất đó là chính mỗi Đảng viên, người dân cần phải nhận diện rõ các luận điệu sai trái mà các thế lực thù địch đã cố tình "giăng bẫy", từ đó có thể phân biệt được đâu là thông tin đúng, đâu là thông tin xuyên tạc trên các nền tảng mạng xã hội.

Cần là người sử dụng mạng xã hội thông minh, hiểu biết pháp luật để niềm tin vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng, xây dựng đất nước nói chung của Đảng không bị lay chuyển.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cũng cho rằng, cần phải phát huy vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí, xem đây là một trong những lực lượng tiên phong, nòng cốt trong việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng.

Qua đó sẽ góp phần rất hiệu quả giúp nhân dân trang bị đầy đủ kiến thức, nhận diện một các chính xác về những luận điệu sai trái. Khi mỗi người dân là một "chiến sĩ" trong đấu tranh, phản bác lại các quan điểm sai trái thì chắc chắn, những thông tin "độc hại" mà các thế lực thù địch, phản động tự dựng lên để chống phá công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng ta sẽ tự khắc bị triệt tiêu từ trứng nước./.


Thế Công - Xuân Trường