(Tổ Quốc) - Những kết quả nổi bật và chiến lược sắc bén trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta thời gian qua là sự công phá mạnh mẽ vào các luận điệu xuyên tạc, sai trái hòng thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam của các thế lực thù địch. Đồng thời, tạo cơ sở vững chắc củng cố niềm tin thắng lợi của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong công cuộc đầy gian khó, thử thách, qua đó góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Trong hơn 10 năm trở lại đây, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thực sự "trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược". Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XIII đến nay, dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức nhưng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn được Đảng chỉ đạo triển khai quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, "phơi bày" ra ánh sáng nhiều vụ án tham nhũng kinh tế, chức vụ đặc biệt nghiêm trọng.
Nhiều vụ án, vụ việc được khởi tố mới, mở rộng điều tra, kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm kể cả trong khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước, cả trong lĩnh vực được coi là bí mật, khép kín, cả các vụ, việc tồn đọng, kéo dài, đúng phương châm "chọn vụ trọng điểm, xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực".
Riêng trong năm 2023, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó lần đầu tiên có 06 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến cuối năm 2023, đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng.
Không dừng lại ở đó, theo Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, trong 6 tháng đầu năm 2024, đã khởi tố 468 vụ về tội phạm tham nhũng, chức vụ (tăng 2%). Các cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án lớn, tính chất tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp.
Nhiều vụ liên quan đến các bộ, ngành, địa phương, có sự cấu kết chặt chẽ, tinh vi giữa cán bộ nhà nước với các công ty, doanh nghiệp tư nhân, trong các lĩnh vực quản lý đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản, kinh doanh xăng dầu.
Điển hình như: vụ vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; vụ Tập đoàn Phúc Sơn và các đơn vị liên quan; vụ án Tập đoàn Thuận án; vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành; vụ Công ty Xuyên Việt Oil…Mở rộng điều tra, nhiều lãnh đạo cấp cao ở các bộ ngành, địa phương cũng đã bị khởi tố, bắt giữ.
Đánh giá về công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng ta trong thời gian qua, từ góc độ đại biểu dân cử, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng: "Hiện nay, với sự quyết tâm chính trị rất cao cùng sự chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, liên tục của Đảng, nhất là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan tố tụng đã liên tiếp phanh phui nhiều vụ việc, không chỉ những vụ án, vụ việc mới, mà cả với những vụ việc cũ từ những năm trước đó. Có thể khẳng định, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện đã trở thành xu thế, thành phong trào. Điều này góp phần củng cố niềm tin của nhân dân và đội ngũ cán bộ về quy trình, quy chuẩn trong công tác cán bộ của Đảng".
Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh, việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm là "gương tày liếp" để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự tu dưỡng, rèn luyện trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao, thực sự xứng đáng với niềm tin của cử tri và nhân dân. Điều này cũng một lần nữa khẳng định quan điểm không dừng, không nghỉ, không kể đó là ai, không có vùng cấm như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhiều lần nhấn mạnh.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: "Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư làm Trưởng ban đã chỉ đạo nhiều vụ việc lớn, rất bài bản, có hiệu quả, đánh đúng và trúng. Cuộc đấu tranh này đã chuyển động ở cả Trung ương và địa phương, không còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".
"Chúng ta không ai muốn xử lý cán bộ cả nhưng không thể không làm. Để cơ thể khỏe lên, tốt lên thì buộc phải cắt đi những ung nhọt. Việc xử lý quyết liệt các vụ tham nhũng lớn đã có tác dụng rất lớn tới việc củng cố niềm tin của Nhân dân đối với cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần của Nhân dân, của cán bộ, đảng viên để góp sức cùng Trung ương chống những biểu hiện tiêu cực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước", PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nêu quan điểm.
Có thể khẳng định, công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta thời gian qua không chỉ góp phần làm trong sạch Đảng, giúp ổn định chính trị, xây dựng một đội ngũ cán bộ toàn tâm, toàn ý vì nhân dân, qua đó cũng thể hiện cho bạn bè quốc tế thấy được quyết tâm chính trị cao của Đảng nhằm làm trong sạch bộ máy nhà nước, giúp ổn định môi trường đầu tư để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm hơn khi đến Việt Nam. Tính đến nay, Việt Nam là đối tác chiến lược toàn diện của 6 quốc gia là: Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay". Nhận định của Tổng Bí thư hoàn toàn có căn cứ và được đúc kết, chứng minh và lượng hóa bằng các kết quả cụ thể.
Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, dù tình hình thế giới có nhiều biến động với những lò lửa chiến tranh, xung đột, căng thẳng địa chính trị giữa các nước trên thế giới... gây e ngại cho nhà đầu tư thì Việt Nam có sức hút lớn nhờ luôn giữ được ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, có chính sách ngoại giao đúng đắn, mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong quý I/2024, có hơn 6,17 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt hơn 4,77 tỷ USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý là thời gian gần đây, nhiều CEO của các Tập đoàn lớn trên thế giới đã đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư như: Ensen Huang - Tập đoàn Nvidia (hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới); Timcook của Appple. Điều đó cho thấy Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng, là điểm đến đầy hứa hẹn và tin cậy trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Các con số biết nói này đã phản biện mạnh mẽ những nhận định vô căn cứ mà thế lực thù địch, phản động rêu rao về cuộc chiến phòng, chống tham nhũng tiêu cực ở Đảng thời gian qua chính là "đấu đá nội bộ, phe phái" gây ra sự mất ổn định chính trị, khiến nhà đầu tư nước ngoài mất niềm tin, e ngại khi đến Việt Nam.
"Chống tham nhũng đâu phải chỉ ở riêng Việt Nam, trên thế giới nước nào cũng phải chống tham nhũng để làm trong sạch môi trường đầu tư, làm cho kinh tế xã hội tốt hơn. Chính nhà đầu tư họ nhìn vào công cuộc phòng, chống tham nhũng tiêu cực của Đảng ta được thực hiện nghiêm minh, quyết liệt, không có vùng cấm như vậy họ lại càng có niềm tin hơn chứ sao lại mất niềm tin được. Tôi cho rằng đó hoàn toàn là nhận định vô căn cứ" – PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc khẳng định.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc chia sẻ thêm: "Kể cả quan điểm cho rằng việc phòng, chống tham nhũng khiến chúng ta làm nhụt chí cán bộ, không còn ai làm việc cũng là sai hoàn toàn. Chúng ta cần những cán bộ vừa có tài vừa có đức, còn những cán bộ có tài mà không có đức, hành động không vì lợi ích chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân mà chỉ vì lợi ích cục bộ ích kỷ của bộ, ngành, cơ quan của mình và cá nhân mình thì cũng không giúp ích gì được cho sự phát triển của đất nước".
Trao đổi về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) cho rằng, điều quan trọng nhất đó là bên cạnh với công cuộc phòng, chống tham nhũng tiêu cực được đẩy mạnh thì tăng trưởng kinh tế nước ta vẫn được duy trì mức cao so với khu vực và thế giới, ngay cả trong bối cảnh đại dịch khó khăn, đó là tín hiệu cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng.