(Tổ Quốc) - Bên cạnh đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, một trong những vấn đề then chốt đó là phải làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ Đảng từ "nguy cơ bên trong", đó là những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa, suy thoái về mặt tư tưởng, đạo đức, chính trị… ở chính bên trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra ngày càng quyết liệt, ngày càng mạnh mẽ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực càng được đẩy mạnh thì càng có nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo cấp cao bị xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự. Điều này một mặt cũng cho thấy sự suy thoái tư tưởng, đạo đức chính trị ở một bộ phận cán bộ, đảng viên đang diễn ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng.
Thông tin từ phiên họp thứ 25 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (diễn ra ngày 1/2/2024) cho biết, trong năm 2023, Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức, 24.162 đảng viên (tăng 12% về số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022). Trong đó, kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng, 8.863 đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm.
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó, lần đầu tiên có 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập.
Tính rộng ra, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 2/2024, đã kỷ luật 105 cán bộ diện trung ương quản lý, trong đó 2/3 đảng viên bị xử lý kỷ luật do sai phạm từ những nhiệm kỳ trước đó. Trong 105 cán bộ này có 22 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng…
Theo ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, chưa bao giờ công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng lại diễn ra mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, quyết liệt và có kết quả rõ rệt như thời điểm hiện nay.
Qua những vụ án tham nhũng lớn được phát hiện gần đây gần đây, có thể thấy sự suy thoái không còn diễn ra riêng lẻ, cá biệt mà có lúc diễn ra với tính chất tập thể, số đông, có tổ chức với cả những người giữ chức vụ cao của Đảng, Nhà nước.
Theo ông Nguyễn Túc, trước đây, khi nói về phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng lo ngại, phát triển kinh tế nhiều thành phần nếu không có giáo dục thì các doanh nhân sẽ dễ trở thành những nhà tư sản, không có giáo dục thì những quan chức dễ trở thành những "ông quan cách mạng". Và những "quan cách mạng" mà móc ngoặc với những nhà tư sản thì vô cùng nguy hại.
Hoan nghênh sự quyết liệt của Trung ương trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, song ông Nguyễn Túc cũng bày tỏ trăn trở khi ngày càng có nhiều cán bộ chủ chốt bị kỷ luật, vướng vào vòng lao lý. Điều này càng chứng tỏ vấn đề bức thiết hiện nay là phải không ngừng xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao hơn nữa bản lĩnh, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, ngăn ngừa triệt để tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch tổ chức.
"Chỉ có như vậy mới đưa đất nước phát triển, đồng thời dẹp bỏ luận điệu của các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá chúng ta", ông Nguyễn Túc nhấn mạnh.
Nói về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, coi đây là gốc của mọi vấn đề.
Trong tác phẩm "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", đề cập đến các phẩm chất đạo đức cách mạng mà mỗi cán bộ, đảng viên cần có, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ:
Cán bộ, đảng viên phải có tinh thần yêu nước sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia, dân tộc. Có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm, gắn bó mật thiết với nhân dân, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động.
Cán bộ, đảng viên phải có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm. Có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, tận tụy với công việc; bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng; không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi.
Có ý thức giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, gương mẫu chấp hành sự phân công và nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; công minh, công bằng trong đánh giá, sử dụng cán bộ.
Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương; người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong Đảng và trong bộ máy chính quyền lại càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, nhân dân noi theo, như lời Bác dạy: "một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền".
Ngoài ra, cán bộ, đảng viên phải có trí tuệ, tầm nhìn và kiến thức tương đối toàn diện để tham gia hoạch định đường lối, chính sách. Có năng lực cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới tại lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công; qua thực tiễn tỏ rõ là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, có năng lực sáng tạo, nhiệt huyết, làm việc có hiệu quả, có "sản phẩm" cụ thể, rõ rệt; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đoàn kết, quy tụ, phát huy được đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực, địa bàn được phân công. "Nói tóm lại là phải vừa có Đức vừa có Tài, trong đó Đức là gốc"…
Theo ông Nguyễn Túc, những phẩm chất đạo đức cách mạng được Tổng Bí thư nêu ra là yêu cầu bắt buộc, là "kim chỉ nam" đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hình ảnh người cán bộ, đảng viên chân chính, trung thành, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
Để có được những phẩm chất ấy, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, tu dưỡng, "rèn luyện đạo đức như chúng ta rửa mặt hằng ngày", tránh xa mọi sự cám dỗ, có "sức đề kháng" trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Mỗi cán bộ, đảng viên cũng như tổ chức đảng phải thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc học tập, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên phải thực hiện thường xuyên và đi vào thực chất.
Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh công tác giám sát. Đặc biệt, huy động sức mạnh của nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên. Đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, vừa tạo các thiết chế để kiểm tra, kiểm soát, tránh lạm dụng quyền lực của người đứng đầu và người có trách nhiệm có liên quan./.