Phát triển toàn diện trẻ em dưới 6 tuổi: Giải pháp nền tảng nhưng còn nhiều thách thức
(Tổ Quốc) - Hội thảo "Phát triển toàn diện trẻ em dưới 6 tuổi" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức ngày 18/8. Hội thảo nhấn mạnh việc phát triển toàn diện trẻ em dưới 6 tuổi là giải pháp nền tảng cho sự phát triển của con người các giai đoạn tiếp sau, nhưng cũng đang còn nhiều thách thức.
Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm, ưu tiên cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đặc biệt là những chính sách ưu tiên, tạo điều kiện để trẻ em phát triển một cách toàn diện. Phát triển toàn diện trẻ em - là chủ nhân tương lai luôn là giải pháp nền tảng, quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước trong tương lai.
Cho đến nay, hệ thống pháp luật, chính sách của Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện để trẻ em phát triển toàn diện cả về trí, thể, mỹ. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ, tạo điều kiện phát triển cho trẻ em trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục cho trẻ em, hệ thống pháp luật, chính sách của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, Quốc hội đã thông qua Luật Trẻ em; ban hành một số luật liên quan như: Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Hình sự, Luật Giáo dục, Luật Khám bệnh, chữa bệnh… có những quy định thể chế hóa quan điểm ưu tiên thực hiện quyền trẻ em. Chính phủ đã ban hành và thực hiện đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018 - 2025; phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030...
Ảnh minh họa
Theo UNICEF, những năm đầu đời là "giai đoạn vàng" trong cuộc đời của trẻ em, tạo nền tảng cho quá trình học tập và phát triển sau này. Nghiên cứu về thần kinh cho thấy 90% các kết nối thần kinh trong não sẽ diễn ra tới khi trẻ lên 6, trong đó 1.000 ngày đầu tiên (khoảng 3 năm đầu) sẽ là lúc mà não bộ phát triển nhanh nhất.
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em (CRC) vào năm 1990. Cùng với hệ thống luật pháp, chính phủ Việt Nam đã phê duyệt nhiều chương trình, kế hoạch hành động thực hiện trên toàn quốc để bảo vệ và giải quyết các vấn đề tồn tại, phát sinh liên quan đến trẻ em. Vì vậy, sau 33 năm thực thi CRC, quyền sống của trẻ em Việt Nam ngày càng được đảm bảo tốt hơn trên thực tế. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi/1.000 ca đẻ sống đã giảm còn 20,5‰ vào năm ngoái. Trẻ em của các gia đình nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Quyền được phát triển của trẻ em cũng được nâng cao. Tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi ở cấp trung học cơ sở của Việt Nam đạt 98,5% vào năm 2022. Bình đẳng trong giáo dục được quan tâm thông qua việc ban hành các chính sách và vận động xã hội hỗ trợ trẻ em gái, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em sống trong các gia đình nghèo đi học.
Hệ thống bảo vệ trẻ em đã được triển khai rộng khắp trên toàn quốc. Các hình thức chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đa dạng và phù hợp hơn với nhu cầu của từng nhóm đối tượng đã góp phần đưa tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (so với tổng số trẻ em) được bảo vệ, chăm sóc đạt 96%; giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống còn 1,3% trong năm ngoái. Trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thuộc các gia đình nghèo, dân tộc thiểu số sống ở vùng đặc biệt khó khăn của Việt Nam được miễn giảm học phí và được trợ giúp pháp lý miễn phí khi có nhu cầu...
Sự phát triển toàn diện của trẻ thơ về dinh dưỡng, giáo dục, phòng chống tai nạn thương tích... trong những năm đầu đời rất quan trọng với tất cả trẻ em. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức để thực hiện các mục tiêu phát triển toàn diện trẻ em dưới 6 tuổi.
Hiện nay, trẻ em Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức liên quan đến vấn đề chăm sóc dinh dưỡng. Theo thống kê, mỗi năm có hơn 200.000 trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng. Điều đáng lo ngại hơn là 90% số trẻ em này không nhận được dịch vụ điều trị.
Theo số liệu của UNICEF, cứ trong 2 trẻ từ 0-5 tháng tuổi thì có hơn 1 trẻ không được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Ngoài ra, hơn một nửa số trẻ em từ 6-23 tháng tuổi (54,6%) không có chế độ ăn tối thiểu đạt yêu cầu. Tỷ lệ này còn cao hơn nhiều ở một số nhóm dân tộc thiểu số tham gia điều tra (93% ở trẻ em dân tộc Mông và 81% ở trẻ em dân tộc Khmer).
Về giáo dục cũng có sự chênh lệch giữa các khu vực, các dân tộc, chỉ có 37,8% trẻ em Khmer và 47,6% trẻ em ở đồng bằng sông Cửu Long được đi học mầm non, trong khi tỷ lệ này ở trẻ em người Kinh là 80,2%. Số trẻ em tuổi từ 2-4 trên toàn quốc không đạt chỉ số phát triển trẻ thơ toàn diện là 22%. Trong số trẻ từ 2-4 tuổi có tham gia giáo dục sớm, 21% trẻ không đạt mức phát triển, còn tỷ lệ này ở nhóm không tham gia giáo dục sớm là 36%.
Việt Nam đã có Đề án quốc gia về phát triển trẻ em, tạo môi trường thuận lợi hướng đến các mục tiêu phát triển toàn diện trẻ em trên toàn quốc. Do đó các cơ quan, đơn vị, tổ chức sẽ phát triển, củng cố mối quan hệ hợp tác chặt chẽ để đảm bảo sự phát triển toàn diện từ sớm cho trẻ em, qua đó tạo nền tảng cho phát triển kinh tế và gia tăng sự gắn kết xã hội.
Bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng chúng ta đang có những khó khăn trong công tác phát triển toàn diện cho trẻ em. Trong đó Việt Nam chưa đạt được tiến độ trong Chỉ số phát triển trẻ thơ theo Mục tiêu phát triển bền vững số 4. Vì thế, Việt Nam cần nỗ lực gấp đôi để đảo ngược tình hình và đạt được các mục tiêu này. Đồng thời, Việt Nam là quốc gia tiên phong trong khu vực và trên toàn cầu về phát triển toàn diện trẻ em; sớm phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em và thực hiện công ước này với những giải pháp tiến bộ.
Cùng với đó Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam mong muốn chúng ta có những chỉ đạo sâu sát các chương trình phát triển trẻ em và điều phối các nỗ lực hiệu quả hơn giữa các ngành, lĩnh vực; tăng cường cơ cấu, điều phối ở tất cả các cấp để cải thiện sự tích hợp dịch vụ; cải thiện hệ thống dữ liệu với các chỉ số thiết yếu về sự phát triển của trẻ nhỏ để theo dõi tiến trình và cung cấp thông tin cho việc hoạch định và thực hiện chính sách về quyền trẻ em, đặc biệt việc phân bổ và sử dụng ngân sách, thực hiện chính sách phát triển trẻ thơ toàn diện...
Hạ Yên
*Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện