Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Đến nay tình huống lây nhiễm Covid-19 ở TP.HCM cơ bản được kiểm soát"

(Tổ Quốc) - Đã 6 ngày liên tiếp TP.HCM không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng; tất cả F1, F2 của 4 ca bệnh đều đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SAR-CoV-2. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng dù cần tiếp tục theo dõi nhưng có thể nói đến nay tình huống lây nhiễm Covid-19 ở TP.HCM cơ bản được kiểm soát.

Chiều 7/12, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 đã họp triển khai công tác phòng chống dịch.

Nhận định về tình hình dịch trong nước, Bộ Y tế cho biết, đã 6 ngày liên tiếp TP.HCM không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Tất cả F1, F2 của 4 ca bệnh đều đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SAR-CoV-2.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng dù cần tiếp tục theo dõi nhưng có thể nói đến nay tình huống lây nhiễm Covid-19 ở TP.HCM cơ bản được kiểm soát.

"Chúng ta đã xác định các nguy cơ nguồn bệnh chủ yếu từ người nhập cảnh (hợp pháp, trái phép), cộng đồng, thực phẩm nhập khẩu từ nước có dịch. Để thực hiện mục tiêu kép chúng ta vừa chống dịch, vừa đón chuyên gia, lao động, kỹ thuật, bà con người Việt ở các vùng dịch, vì vậy nguồn bệnh từ người nhập cảnh hợp pháp là nguy hiểm nhất", Phó Thủ tướng nói.

Qua vụ việc lần này, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục siết chặt các quy định phòng chống dịch trên các chuyến bay đón chuyên gia, công dân Việt Nam về nước. "Trên chuyến bay giải cứu, chúng ta không biết chắc có người nhiễm Covid-19 hay không, nên các biện pháp phòng chống dịch phải thực hiện như trong bệnh viện. Mọi vi phạm phải xử lý nghiêm".

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đến nay tình huống lây nhiễm Covid-19 ở TP.HCM cơ bản được kiểm soát - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (Ảnh: VGP/Đình Nam)

Ngoài những ca nhiễm mới trên các chuyến bay giải cứu và đón chuyên gia, Bộ Y tế nhận định, tại các tỉnh biên giới vẫn phát hiện các trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp không thực hiện cách ly, phòng chống dịch theo quy định. Trong khi đó, thời điểm cuối năm, dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại, về nước của người dân rất lớn.

Các địa phương, lực lượng phòng chống dịch cần triển khai các biện pháp quản lý chặt chẽ cửa khẩu, biên giới, người nhập cảnh, công tác cách ly, không được lơ là, mất cảnh giác; tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước đảm bảo an toàn;… đồng thời cần làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân; rà soát lại toàn bộ các quy định, quy trình, có chế tài mạnh, xử lý nghiêm tất cả các trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch Covid-19 để bảo đảm răn đe.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ lo ngại, "nếu không làm chặt chẽ, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Tất cả các bộ, ngành phải tăng cường kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực quản lý của mình. Đây là thời kỳ cao điểm".

Các thành viên BCĐ, chuyên gia cũng nhấn mạnh yêu cầu thực hiện nghiêm quy định cách ly tập trung 14 ngày đối với người nhập cảnh. Các cơ sở cách ly dân sự phải được chính quyền địa phương quyết định chấp thuận trên cơ sở tham mưu của ngành y tế.

Về cách ly tại nhà riêng, các quy định của BCĐ chỉ cho phép thực hiện những nơi đảm bảo đủ điều kiện y tế, và về cơ bản không được cách ly ở khu chung cư. Những cơ sở cách ly dân sự, cách ly tại nhà riêng phải có biển báo, thông báo cho người dân sinh sống lân cận.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thông tin thêm trong lần kiểm tra đầu tiên, Khu cách ly đoàn tiếp viên của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam tại TP.HCM thực hiện tốt các quy trình cách ly nhưng sau đó đã có sự lơi lỏng. Qua đó cho thấy sự cần thiết phải kiểm tra định kỳ các cơ sở cách ly tập trung, nhất là cơ sở cách ly dân sự, ràng buộc trách nhiệm cụ thể của chủ cơ sở cách ly, chính quyền, công an, y tế địa phương.

"Vụ việc lây nhiễm ở TP.HCM hoàn toàn có thể xảy ra ở nơi khác nếu chúng ta lơ là. Chỉ một ca nhiễm có thể khiến hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên phải nghỉ học, hàng nghìn doanh nghiệp bị thiệt hại kinh tế", BCĐ nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đến nay tình huống lây nhiễm Covid-19 ở TP.HCM cơ bản được kiểm soát - Ảnh 2.

Toàn cảnh buổi họp (Ảnh: VGP/Đình Nam)

Ban Chỉ đạo yêu cầu rà soát việc tuân thủ các quy định liên quan đến cách ly của chính quyền các cấp. Trưởng Ban Chỉ đạo các tỉnh có kế hoạch đôn đốc, tăng cường kiểm tra trên địa bàn. Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ VHTTDL, Bộ Công thương… tổ chức đoàn kiểm tra và có văn bản đôn đốc các sở ngành trong hệ thống quản lý ở địa phương.

Đảm bảo thực hiện thật tốt các quy định hiện nay trong khu cách ly, giám sát y tế tại cộng đồng, phòng chống dịch trong các cơ sở y tế, giáo dục, cơ sở lưu trú, các cơ sở liên quan đến du lịch, cơ sở sản xuất…

Thông báo về tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng chống Covid-19 trong nước, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết hiện các đơn vị đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ. Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu, thử nghiệm, đảm bảo đúng yêu cầu đề ra về tiến độ, chất lượng, an toàn… Song song với hướng đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất trong nước, Bộ Y tế cũng đang triển khai đàm phán với các đối tác nước ngoài.

Các thành viên BCĐ cũng thống nhất đề nghị các bộ ngành liên quan, ủng hộ, tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục để tạo điều kiện tốt nhất để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vaccine trong nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đến nay tình huống lây nhiễm Covid-19 ở TP.HCM cơ bản được kiểm soát - Ảnh 3.

Minh Nhân

Tin mới