Phú Thọ: Thiết thực triển khai chủ đề năm công tác của ngành VHTTDL "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác cán bộ"
(Tổ Quốc) - Năm 2022, Bộ VHTTDL đặt ra chủ đề của năm công tác cho toàn ngành VHTTDL đó là "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác cán bộ". Thực hiện chủ đề này, trong thời gian qua tất cả các địa phương trên cả nước đã xây dựng các kế hoạch hành động dựa trên tiềm năng, thế mạnh đặc thù. Phú Thọ là một trong những địa phương sớm ban hành kế hoạch thực hiện chủ đề mà Bộ đã phát động. Để hiểu rõ thêm về việc xây dựng môi trường văn hóa cơ sở cũng như công tác cán bộ tại địa phương này, phóng viên Báo điện tử Tổ quốc đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ.
- Xin ông cho biết, thời gian qua, việc xây dựng môi trường văn hóa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được triển khai như thế nào?
+ Phú Thọ là vùng đất có những giá trị văn hóa đặc thù, riêng biệt với những dấu ấn đậm nét, gắn liền với lịch sử của dân tộc. Hệ thống di sản phi vật thể và vật thể phong phú, đa dạng gắn với thời đại Hùng Vương dựng nước luôn được giữ gìn và phát triển. Nhiều lễ hội truyền thống đã trở thành biểu tượng tâm linh của dân tộc Việt Nam như lễ hội Đền Hùng, lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ… Trong những năm qua, công tác xây dựng môi trường văn hóa tỉnh Phú Thọ luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo; ban hành nhiều chủ trương, chính sách cụ thể hóa đường lối văn hóa của Đảng và phát huy tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, con người trên quê hương Đất Tổ. Kế hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã đề ra mục tiêu: "Xây dựng nền văn hóa trên địa bàn tỉnh đậm đà bản sắc vùng Đất Tổ, chú trọng bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc; xây dựng, phát triển văn hóa tỉnh Phú Thọ thành trung tâm văn hóa về cội nguồn của cả nước".
Để xây dựng môi trường văn hóa tiến bộ, bền vững, hiện thực hóa mục tiêu phát triển sự nghiệp văn hóa của tỉnh, trước hết tỉnh Phú Thọ quan tâm chú trọng xây dựng con người văn hóa phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, hướng con người tới những giá trị chân, thiện, mỹ theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Trên nền tảng truyền thống tốt đẹp của quê hương Đất Tổ, tỉnh đã đẩy mạnh phong trào xây dựng nếp sống văn hóa mới, tăng cường chỉ đạo việc giáo dục, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc nhằm phát triển con người một cách toàn diện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị "về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên; tạo những chuyển biến tích cực về ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tôn vinh ở các cấp, các ngành đã có tác dụng nêu gương, có sức lan tỏa trong xã hội, góp phần động viên cộng đồng hướng tới những gi trị nhân văn tốt đẹp.
Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" được triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ cơ sở. Tính đến nay đã có 2.292/2.328 (đạt tỷ lệ 98.5%) khu dân cư trên địa bàn tỉnh đã xây dựng quy ước văn hóa, góp phần giữ gìn và phát huy các chuẩn mực đạo đức truyền thống, xây dựng nông thôn mới, giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự; quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố và tăng cường.
Nhiều tiêu chí văn hóa đã được đưa vào quy ước khu dân cư như: nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; văn hóa giao thông; văn hóa ứng xử; bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình…., trở thành tiêu chí trong bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã công nhận được 118 xã, 237 khu dân cư nông thôn mới; 1.290 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá; 88,5% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 87,7% khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa; 95% số đám cưới, 96,2% số đám tang thực hiện tốt nếp sống văn minh theo quy định của Nhà nước và quy ước văn hóa ở khu dân cư.
Di sản văn hóa trên quê hương Đất Tổ luôn được bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị, góp phần quảng bá hình ảnh về văn hóa, con người Phú Thọ đến với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Hiện nay, tỉnh Phú Thọ có 324 di tích được nhà nước xếp hạng, trong đó 01 di tích quốc gia đặc biệt (Khu di tích lịch sử Đền Hùng), 73 di tích cấp quốc gia và 250 di tích cấp tỉnh. Giai đoạn 2018 – 2022, kinh phí đầu tư cho việc tu bổ di tích trên địa bàn tỉnh là 344.450 triệu đồng, trong đó vốn xã hội hóa là 325.231 triệu đồng.
Hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ở Phú Thọ được UNESCO ghi danh là "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" và "Hát Xoan Phú Thọ" được bảo tồn và phát huy giá trị hiệu quả. Công tác đầu tư bảo quản, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, nhằm gìn giữ không gian văn hóa để thực hành, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2017-2021 tỉnh Phú Thọ có 03 di sản của vùng đồng bào dân tộc thiểu số được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập; Lễ cấp Sắc của người Dao Tiền, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn ; Lễ Tết nhảy của người Dao Quần Chẹt, huyện Yên Lập.
Trong thời gian qua, tỉnh Phú Thọ luôn quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn; phát triển phong trào văn nghệ, thể thao quần chúng ở cơ sở. Chỉ đạo các địa phương trong tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện việc cải tạo, nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao, đặc biệt đối với nhà văn hóa khu dân cư. Đổi mới nội dung và phương thức tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phù hợp với đặc điểm văn hóa của các dân tộc, tạo điều kiện để mọi người dân được tham gia sáng tạo, phổ biến và hưởng thụ các sản phẩm văn hoá, trao truyền và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, góp phần phát huy nhân tố con người, thu hút mọi tầng lớp nhân dân, tạo nên sự gắn kết hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Từ năm 2018 đến nay, các địa phương trong tỉnh đã sửa chữa, xây mới hơn 330 công trình thể thao với tổng kinh phí trên 5,4 tỷ đồng; sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất các thiết chế thể thao của tỉnh đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ các sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế. Năm 2022, Phú Thọ đã đăng cai tổ chức thành công một bảng và trận bán kết môn bóng đá nam SEA Games 31; khởi công xây dựng công trình Nhà văn hóa nghệ thuật tỉnh Phú Thọ tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng. Hiện toàn tỉnh có 100% các khu dân cư có nhà văn hóa, trên 4.760 công trình thể thao gồm 11 sân vận động có khán đài, 22 sân vận động không có khán đài, 65 sân bóng đá 11 người, 432 sân bóng đá mini, 1.659 sân cầu lông, 1.752 sân bóng chuyền, 600 điểm vui chơi thể thao công cộng... Các hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư khá đồng bộ và từng bước phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cũng như nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo. Thường xuyên nắm chắc tình hình và giải quyết kịp thời các nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của các tổ chức tôn giáo, phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn của các tôn giáo, tín ngưỡng, phê phán, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín, dị đoan và lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi; hạn chế những tác động xấu đến đời sống tinh thần của nhân dân.
- Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng môi trường văn hóa ở tỉnh Phú Thọ còn gặp những khó khăn, vướng mắc gì thưa ông?
+ Phú Thọ là tỉnh miền núi, có xuất phát điểm là tỉnh nghèo, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nhận thức của người dân chưa đồng đều. Một số cấp ủy, chính quyền và nhân dân chưa nhận thức sâu sắc việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Một số nét đẹp văn hóa trong lối sống, phong tục, lễ hội truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một; còn nhiều di tích lịch sử văn hóa, không gian văn hóa bị xuống cấp.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội dù đã được quan tâm đầu tư song vẫn còn bất cập so với yêu cầu hiện nay của đất nước và khu vực. Xã hội hóa để huy động các nguồn lực đầu tư tài trợ còn thấp; chưa phát huy tiềm năng, lợi thế các di sản lịch sử, văn hóa với việc phát triển du lịch. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng sử dụng cán bộ lĩnh vực văn hóa chưa được coi trọng đúng mức.
Cùng với đó, những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường dẫn đến nguy cơ mai một giá trị truyền thống, ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục và chuẩn mực đạo đức xã hội, đặt ra thách thức không nhỏ đối với sự phát triển chung của tỉnh, đặc biệt là trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh tại địa phương.
- Năm 2022, Bộ VHTTDL xác định chủ đề năm công tác là "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và tổ chức cán bộ", vậy tỉnh đặt ra kế hoạch như thế nào để hưởng ứng chủ đề này, thưa ông?
+ Nhằm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo chủ đề công tác năm 2022 của Bộ VHTTDL, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Kế hoạch số 40 /KH-SVHTTDL ngày 11tháng 5 năm 2022 triển khai chủ đề công tác năm 2022 của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ" trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Kế hoạch được xây dựng nhằm mục đích triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và phát triển nguồn nhân lực theo chủ đề năm 2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 76/KL/TW ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.
- Đối với công tác tổ chức cán bộ, tỉnh Phú Thọ có kế hoạch cụ thể nào để xây dựng đội ngũ làm công tác văn hóa thực sự đáp ứng được với yêu cầu phát triển của thực tiễn, thưa ông?
+ Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/BCSĐ ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về "Tiếp tục xây dựng đội ngũ công chức, viên chức Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới"; Nghị quyết số 63-NQ/TU ngày 15/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phương án sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị, Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ đã tập trung rà soát, hoàn thiện tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Quản lý và sử dụng biên chế theo quy định của Đảng và Nhà nước, trong đó quan tâm, chú trọng đến số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động văn hóa, nghệ thuật và thể thao. Thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng đội ngũ công chức, viên chức.
Giai đoạn 2018 - 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, giảm từ 11 phòng chuyên môn nghiệp vụ xuống còn 08 phòng (tỷ lệ giảm 27,27%); giảm từ 12 đơn vị sự nghiệp còn 08 đơn vị (tỷ lệ giảm 33,33%); giảm 07 lãnh đạo phòng chuyên môn nghiệp vụ (tỷ lệ giảm 28%); giảm 10 lãnh đạo đơn vị sự nghiệp (tỷ lệ giảm 33,33%). Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, quyết tâm chính trị của cán bộ, đảng viên đối với nhiệm vụ được giao; đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; đổi mới phương pháp làm việc khoa học, sáng tạo, trách nhiệm; phát huy dân chủ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phát huy vai trò dám nghĩ, dám làm, đi đôi với tạo môi trường đổi mới sáng tạo đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Được biết, tỉnh Phú Thọ là địa phương được Bộ VHTTDL lựa chọn đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV, công tác chuẩn bị đang được triển khai như thế nào thưa ông?
+ Triển khai thực hiện Kế hoạch số 2045/KH-BVHTTDL ngày 13/6/2022 của Bộ VHTTDL về việc tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV tại tỉnh Phú Thọ, năm 2022. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã xây dựng Kế hoạch phối hợp tổ chức Ngày hội; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Họp báo; thực hiện công tác tuyên truyền, cổ động cho Ngày hội tại địa phương.
Tỉnh đang khẩn trương chuẩn bị cơ sở vật chất, các điều kiện để tổ chức Ngày hội: phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức truyền hình, truyền thanh trực tiếp chương trình Lễ khai mạc Ngày hội; lắp đặt khung, gian trại và phương tiện liên quan đến không gian trưng bày văn hóa, triển lãm "Ảnh đẹp Du lịch Tây Bắc". Tỉnh Phú Thọ đã xây dựng Quy chế hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng trong khuôn khổ Ngày hội; xây dựng kịch bản chương trình khai mạc, bế mạc; chuẩn bị các nội dung đón tiếp, bố trí ăn, nghỉ cho đại biểu, khách mời Trung ương, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Ban Trọng tài, Hội đồng nghệ thuật, khách mời các tỉnh và phóng viên báo chí tham dự Ngày hội.
Công tác chuẩn bị tổ chức Ngày hội đang được triển khai tích cực và đúng kế hoạch, sẵn sàng để tổ chức Ngày hội đạt hiệu quả tốt nhất.
- Xin cảm ơn ông!