PV: Năm 2018 là một năm rất thành công đối với riêng cá nhân Tuyết Dung, vậy theo Dung, điểm nhấn một năm vừa qua đối với mình là gì?
Tuyết Dung: Trong năm vừa qua, theo mình điểm nhấn phải nói là chức vô địch của CLB bóng đá nữ Phong Phú Hà Nam (PPHN) là một cái để lại ý nghĩa nhất. Bên cạnh đó là giải thưởng Quả Bóng Vàng (QBV) nữ mà mình nhận được. Năm 2017 ĐT nữ Việt nam giành được chức vô địch sau 8 năm chờ đợi nhưng bản thân Dung năm ấy chỉ giành được Qủa Bóng Bạc. Năm nay, mình giành QBV và PPHN giành được chức Vô địch giải Nữ là những điều ý nghĩa rất lớn với bản thân mình và cả đội.
Những năm trước, nhiều người từ ban lãnh đạo, cầu thủ, rất nhiều người đặt câu hỏi là tại sao PPHN mạnh như vậy mà trong nhiều năm ở những trận đấu quan trọng đều bị hụt hơi đáng tiếc dẫn đến mất chức vô địch trong tầm tay và chỉ giành được Á quân. Do vậy, giải thưởng năm nay có ý nghĩa rất lớn.
PV: Cảm xúc của Tuyết Dung khi nhận được giải thưởng QBV như thế nào và Dung nghĩ đến ai đầu tiên?
Tuyết Dung: QBV lần này là thứ 2 mình nhận được trong sự nghiệp và là lần thứ 4 mình đứng trên bục giải thưởng nhưng vẫn rất run. Nhưng năm nay việc nhận QBV ý nghĩa hơn so với những lần trước.
Mỗi khi bước lên bục nhận giải thưởng, mình luôn luôn nghĩ đến bố mẹ đầu tiên. Khi mình vào TP.HCM nhận thưởng thì bố mẹ cũng muốn đi cùng để chia vui với con gái nhưng chương trình tổ chức quá cận Tết trong khi mình lại bận việc học nên không thể đưa bố mẹ đi cùng. Mình cũng hứa năm sau sẽ cố gắng tập luyện, thi đấu thật tốt để có cơ hội đưa bố mẹ đi chơi, mang lại niềm vui cho bố mẹ.
PV: Nói về ĐTQG nữ một chút, là một cầu thủ đã gắn bó với ĐTQG nữ lâu năm, Tuyết Dung nghĩ thế nào về HLV Mai Đức Chung?
Tuyết Dung: Mọi người ít khi gọi bằng thầy mà hay dùng từ "bố". Khác với các HLV nước ngoài, bố Chung không chỉ như một người thầy mà còn giống như một người cha chăm lo tất cả về ăn uống sinh hoạt tập luyện từ những thứ nhỏ nhất đều được bố quan tâm. Ngay cả khi ra sân, bố cũng luôn để ý quan tâm hỏi han từng người một. Với bố tất cả chị em trong đội đều giành sự tôn trọng.
Nhưng có điều khó một chút là môi trường tập thể nên bố không thể quá quan tâm một vài người được nên bố lúc nào cũng có sự hài hòa. Nếu một ai đó thực sự gặp vấn đề thì bố sẽ gọi riêng ra để hỏi chuyện và giúp đỡ. Ngay như chuyện học hành của mình, nhiều lần bố cũng gọi điện để xin giúp cho mình đi thi đấu.
Sự quan tâm của bố Chung không khác gì bố để mình nên mỗi lần tập trung bọn em cảm giác như ở nhà vậy.
PV: Kỉ niệm nào khiến Tuyết Dung ấn tượng nhất về HLV Mai Đức Chung?
Tuyết Dung: Mình còn nhớ, thời điểm bố quay lại dẫn dắt đội bóng là năm 2014, khi đội vừa thua đội tuyển nữ Thái Lan. Khi ấy, tất cả mọi người đều suy sụp và bố đã làm một cuộc cách mạng, cải tổ lại nhân sự đội bóng, triệu tập rất nhiều cầu thủ trẻ lên tham dự, chỉ giữ lại một số ít cầu thủ cũ. Và đó là lần đầu tiên đội lọt vào đến vòng bán kết, trở thành một trong bốn đội mạnh nhất giải.
PV: So với bóng đá nam, bóng đá nữ có khó khăn gì hơn?
Tuyết Dung: So với bóng đá nam thì môi trường của bóng đá nữ khắc nghiệt hơn. Các cầu thủ nữ phải theo đuổi khó khăn hơn rất nhiều, chưa kể đến vật chất cũng thua kém hơn. Ví dụ như bản thân em đi học hay đi dâu cũng thế đều cần tiền để trang trải.
Bóng đá nữ luôn có phần thua thiệt hơn so với bóng đá nam (Ảnh: VFF)
Ai cũng biết là sự quan tâm của mọi người đến bóng đá nữ và nam khác nhau. Mọi người đều mong sao thi đấu thật tốt để mỗi giải có thành tích sẽ có sự quan tâm của Liên đoàn và nhà tài trợ. Bản thân mình mong là sự quan tâm của các nhà tài trợ sẽ chú ý hơn một chút để cả bóng đá nam và nữ ngày càng phát triển, giúp cho lứa cầu thủ kế cận của ĐTQG được dồi dào. Những năm gần đây, hai đối thủ của mình là Myanmar và Thái Lan đều phát triển rất mạnh. Do vậy, mình rất mong sự quan tâm để nhà tài trợ dầu tư cho lứa cầu thủ trẻ để đạt kết quả tốt.
PV: Theo Tuyết Dung, trong sự nghiệp cầu thủ đáng sợ nhất là gì?
Tuyết Dung: Đời cầu thủ và các VĐV theo nghiệp thể thao thì đều khó khăn nhất là phải đối diện với chấn thương. Bản thân mình cũng đã từng bị chấn thương và hiểu cảm giác đấy. Khi cơ thể mình không thể đáp ứng được yêu cầu của lí trí, không thể đá bóng hay đi lại thì cầu thủ hay VĐV không thể vượt qua được thì sẽ mất nghiệp.
Tuyết Dung mong rằng, trong năm 2019, SEA Games sẽ có nội dung bóng đá nữ và CLB PPHN sẽ giữ vững ngôi vô địch (Ảnh: Minh Dân)
PV: Nếu để dùng một cụm từ để nói về năm 2018 và một cụm từ để kỳ vọng trong năm 2019, Tuyết Dung sẽ dùng những từ nào?
Tuyết Dung: Nhìn lại 1 năm 2018 mình sẽ dùng từ "trọn vẹn" khi CLB PPHN lần đầu tiên giành chức vô địch và lần thứ 2 mình giành QBV. Còn nếu sang năm 2019 thì mình hy vọng "sẽ tuyệt vời hơn". Mình mong rằng SEA Games cuối năm nay sẽ có nội dung bóng đá nữ bởi như mọi người đã biết, năm 2011 và 2015, nước chủ nhà không đưa bóng đá nữ vào danh sách các môn thi đấu, rất đáng tiếc.
Bản thân mình có mục tiêu rất nhiều, từ các trận đấu ở CLB cho đến các trận đấu ở ĐTQG. Khi mình đặt ra và đạt được thì mình muốn phải hơn nữa. Các cầu thủ nam thi đấu mạnh mẽ cháy bỏng bao nhiêu thì các cầu thủ nữ cũng vậy. Khi ra sân, các cầu thủ nữ thi đấu đều quyết tâm, đặt mục tiêu làm sao trước hết phải giành chiến thắng và có được thành tích tốt nhất. Hy vọng rằng, ĐTQG nữ Việt Nam sẽ có thể giành được tấm HCV tại SEA Games cuối năm nay và CLB PPHN sẽ tiếp tục giành ngôi vô địch.
Cám ơn Tuyết Dung về cuộc trò chuyện!