Quốc gia hứng chịu nắng nóng khủng khiếp nhất hiện nay: Trẻ con kêu khóc không chịu nổi, cha mẹ lao ra đường mưu sinh giữa "chảo lửa"

Diệp Lục | 23-05-2022 - 10:45 AM

(Tổ Quốc) - Nắng nóng không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân mà còn gây ra những hệ lụy cho nền kinh tế.

Trong vài tuần qua, Nazeer Ahmed đang phải sống ở một trong những nơi nóng nhất hiện nay. Một đợt nắng nóng gay gắt đã càn quét qua Ấn Độ và giờ là Pakistan.

Nhà của ông Nazeer Ahmed ở Turbat, thuộc vùng Balochistan của Pakistan, đã nhiều ngày qua phải hứng chịu bầu không khí nóng bức lên tới gần 50 độ C, đây là điều chưa từng xảy ra vào cùng thời điểm năm ngoái.

Quốc gia hứng chịu nắng nóng khủng khiếp nhất hiện nay: Trẻ con kêu khóc không chịu đựng nổi, cha mẹ vẫn lao ra đường mưu sinh giữa "chảo lửa" - Ảnh 1.

Một người đàn ông tạt nước vào mặt để giải nhiệt ở Islamabad, Pakistan.

Cuộc sống như địa ngục

Turbat, một thành phố với khoảng 200.000 cư dân hiện luôn trong tình trạng mất điện và thiếu nước sạch trầm trọng. Ahmed nói: "Chúng tôi đang sống trong địa ngục".

Tại Lahore, thủ phủ tỉnh Punjab và là thành phố đông dân thứ hai ở Pakistan cũng trong tình trạng tương tự. Người dân cho hay họ "không thể chịu đựng nổi" khi ở trong nhà với thời tiết nóng nực thế này.

"Gia đình chúng tôi có 8 người sống trong 3 căn phòng. Những đứa trẻ thường xuyên kêu khóc vì cái nóng kết hợp cùng với việc thường xuyên bị mất điện", người dân tên Junaid nói với Al Jazeera.

Kể từ tháng 4 cho đến nay, các quốc gia Nam Á đã phải trải qua đợt nắng nóng bất thường khiến một số khu vực chạm mức 50 độ C. Các nhà khoa học cho hay đây chính là hệ lụy của cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn bao gồm lũ lụt, hạn hán và nắng nóng.

Quốc gia hứng chịu nắng nóng khủng khiếp nhất hiện nay: Trẻ con kêu khóc không chịu đựng nổi, cha mẹ vẫn lao ra đường mưu sinh giữa "chảo lửa" - Ảnh 2.

Người dân tìm mọi cách để làm dịu đi cái nóng oi bức.

Những hệ lụy đi kèm

Các chuyên gia cảnh báo rằng đợt nắng nóng này đang ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp Pakistan. Amanullah Khan, người đứng đầu đơn vị môi trường và biến đổi khí hậu tại Chương trình Phát triển Liên hợp quốc ở Pakistan, nói với Al Jazeera rằng trong khi cây trồng của nước này đã quen với nhiệt độ cao thì vấn đề nằm ở chỗ đợt nắng nóng hiện nay diễn ra sớm hơn so với dự kiến.

"Nắng nóng đến sớm hơn bình thường sẽ dẫn đến việc người nông dân không thể sản xuất ra những loại cây trồng chất lượng tốt ví dụ như lúa mì", Amanullah Khan phân tích.

Biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính khiến Pakistan phải nhập khẩu lúa mì vào năm ngoài mặc dù họ từng xuất khẩu nông sản này trong nhiều năm về trước. Ngoài ra, sản lượng xoài thu hoạch được ở Pakistan, theo một số chuyên gia, đã giảm gần 60%.

Waheed Ahmed, người bảo trợ của Hiệp hội các nhà xuất khẩu, nhập khẩu và buôn bán rau quả của Pakistan cho biết dự kiến các mặt hàng khác như rau xanh, mía cùng một số cây trồng cũng suy giảm sản lượng vào cuối năm nay.

Quốc gia hứng chịu nắng nóng khủng khiếp nhất hiện nay: Trẻ con kêu khóc không chịu đựng nổi, cha mẹ vẫn lao ra đường mưu sinh giữa "chảo lửa" - Ảnh 3.

Nắng nóng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp.

Đặc biệt, Ahmed nhấn mạnh rằng tình trạng thiếu nước liên tục sẽ làm gia tăng mối lo ngại về vấn đề an ninh lương thực ở Pakistan. Hồi đầu tháng, Pakistan đã được Liên hợp quốc xếp hạng nằm trong số 23 quốc gia hàng đầu thế giới phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp về hạn hán trong 2 năm qua.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, hạn hán chính là hệ quả của việc nắng nóng kéo dài cùng với lượng mưa thấp. Đây chính là nguyên nhân chính gây ra biến động về năng suất cây trồng, làm thiệt hại tài chính đáng kể.

Không có sự lựa chọn nào khác

Anh Junaid, làm nghề thợ may cho biết, không giống như những người giàu có, gia đình anh thiếu tài chính để đối phó với đợt nắng nóng đỉnh điểm này.

"Chúng tôi không có tiền để mua điều hòa. Gia đình tôi chỉ dựa vào chiếc quạt và máy làm mát giá rẻ. Tuy nhiên, khi mất điện hàng tiếng đồng hồ, chúng tôi không có gì để làm mát. Giờ chỉ còn cách sống chung với nó. Chúng tôi không thể đủ tiền mua máy phát điện dự phòng", anh Junaid chia sẻ.

Còn với những người lao động có thu nhập thấp ở Pakistan phải làm việc ngoài trời, đợt nắng nóng này dù gay gắt thế nào họ cũng phải tìm cách chống đỡ.

"Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục làm việc nhiều giờ đồng hồ như trước đây cho dù trời có nắng nóng thế nào đi nữa. Ai cũng phải nuôi sống gia đình mình", Muhammad Zubair, một người bán trà phải làm việc 10 - 12 tiếng ngoài trời, nói với Al Jazeera.

Quốc gia hứng chịu nắng nóng khủng khiếp nhất hiện nay: Trẻ con kêu khóc không chịu đựng nổi, cha mẹ vẫn lao ra đường mưu sinh giữa "chảo lửa" - Ảnh 4.

Người dân Pakistan vẫn phải ra đường mưu sinh bất chấp nắng nóng gay gắt.

Arshad, một người lao động chân tay mỗi ngày kiến từ 500 - 1.200 rupee (148.000 - 357.000 đồng) nói với truyền thông rằng anh hy vọng sẽ có chính sách hỗ trợ cho những người lao động tạm thời như mình.

Người đàn ông này phải nuôi cả gia đình với 3 đứa trẻ, đã không tìm được việc làm cố định từ tháng 4 vừa qua. Hiện anh phải ngồi ngoài đường 8 - 9 tiếng đồng hồ ở một ngã tư đông đúc với hy vọng ai đó sẽ thuê mình.

"Nắng nóng rất khủng khiếp nhưng chúng tôi không thể thay đổi được gì. Chúng tôi chỉ có thể cố gắng hết mình để không bị đói", người cha 3 con chia sẻ.

Nguồn: Aljazeera

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Ngại đường xa, nắng nóng, nhiều người chọn vui hè tại gia với bầu không khí không khác gì Đà Lạt

Cuối tháng 3, người người, nhà nhà bắt đầu lên "plan" cho những chuyến đi chơi xa. Thế nhưng, ngán cảnh nắng nóng gay gắt kéo dài ở miền Nam hay thất thường "sáng nắng, chiều mưa" ở miền Bắc, năm nay, thay vì Đà Lạt, nhiều gia đình quyết định chọn địa điểm quen thuộc này làm điểm đến, vừa tiện nghi, mát mẻ, lại thoải mái bên nhau.