Quy hoạch đô thị nay giãn, mai nở đang "bóp nghẹt" người dân Hà Nội
(Tổ Quốc) - Căn bệnh "phình to, nhô cao" của quy hoạch đô thị Hà Nội đang ngày một tiến triển, như một khối u chỉ chực vỡ ra và khi đó hậu quả thế nào thì ai cũng rõ.
Hà Nội hiện tại đang ẩn chứa quá nhiều bất an về các vấn đề: môi trường, tai nạn giao thông...Có hàng trăm lý do có thể gây mất an toàn cho người dân mỗi sáng bước chân ra khỏi nhà để đi làm mà nguyên nhân là do quy hoạch vô tổ chức, vô kỷ luật gây ra.
Những năm gần đây, Thủ đô Hà Nội không có thêm nhiều đường xây mới nhưng lại có hàng trăm tòa cao ốc, chung cư cao tầng mọc lên. Và thế là người cứ thế ùn ùn đổ vào nội đô.
Dọc tuyến đường Hoàng Đạo Thúy, Lê Văn Lương, Hoàng Minh Giám, Minh Khai.... những tòa chung cư cao tầng với quy mô vài trăm căn hộ mọc lên như nấm trong năm năm trở lại đây. Ví như đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chỉ dài hơn 1 km nhưng đang bị quá tải do có hơn 20 tòa nhà chung cư cao tầng "đua nhau" mọc lên, trong đó có thể điểm danh tên các dự án: Goldseason 47 Nguyễn Tuân do Công ty cổ phần bất động sản Mùa Đông – VID làm chủ đầu tư với tổng diện tích quy hoạch 22.000 m2; dự án Thống Nhất Complex tọa lạc tại số 82 Nguyễn Tuân do Công ty TNHH Thống Nhất – Bắc Việt với diện tích xây dựng khoảng 13.178 m; chung cư The Legend 109 Nguyễn Tuân, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đại Việt Trí Tuệ với diện tích xây dựng 2.997 m2...
Ngoài ra, còn nhiều dự án khác phân bố rải rác quanh khu vực đường Nguyễn Tuân như dự án Golden Land; chung cư 63 Nguyễn Huy Tưởng; dự án Imperia Garden; dự án Việt Đức Tower ...
Nhiều khu vực tại Hà Nội, trong khi đường còn chưa được mở rộng thì các chung cư cao tầng đã mọc lên dày đặc dọc hai bên tuyến đường và khu vực lân cận. Đơn cử như phố Minh Khai (mạn ngay gần cầu Vĩnh Tuy) dù chưa làm xong nhưng nhiều khu chung cư cao tầng hoàn thiện như khu đô thị Imperia Sky Garden, Hinode City, Green Pearl, Sunshine Gardens... Chắc chắn, khi tất cả những khu chung cư này hoàn thiện thì số lượng người dân đến ở sẽ vô cùng lớn, và có ai chắc rằng, đường phố Minh Khai dù được mở rộng nhưng sẽ không bị quá tải?
Tình trạng người dân đô thị đang phải sống trong cảnh ngột ngạt như hiện nay còn do quy hoạch bị băm nát theo ý đồ của nhà đầu tư để trục lợi.
Theo kết quả giám sát của Quốc hội, cả nước có gần 1.400 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 đến 6 lần. Rất nhiều dự án được điều chỉnh luôn theo xu hướng tăng tối đa lợi ích cho nhà đầu tư, giảm tối đa các diện tích công cộng, lợi ích của người sử dụng, gồm tăng mật độ xây dựng, số tầng, tăng diện tích sàn, giảm diện tích khuôn viên cây xanh, vỉa hè, khu vực vui chơi, phòng sinh hoạt cộng đồng…
Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính do Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm chủ đầu tư được đưa vào hoạt động từ năm 2006, từng được coi là khu đô thị kiểu mẫu. Nhiều người dân mong muốn được sở hữu một căn hộ nơi đây. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm hoạt động, với sự gia tăng nhanh chóng của dân số và các tòa chung cư cao tầng đã khiến khu đô thị này trở nên chật chội, bí bách.
Đáng nói là chủ đầu tư mới đây đề xuất muốn xây thêm công trình Tòa nhà gara cao tầng, văn phòng kết hợp thương mại dịch vụ với quy mô 18 tầng nổi và 3 tầng hầm trong Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính khiến người dân phản đối quyết liệt.
Trước đó, Khu đô thị mới Trung Hoà - Nhân Chính đã từng được điều chỉnh. Theo Quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt năm 1998, Khu đô thị mới Trung Hoà - Nhân Chính có mật độ xây dựng 34,88% dự án có 8 tòa nhà cao trung bình 6,7 đến 7,5 tầng. Ba năm sau đó, quy hoạch đã điều chỉnh tăng gấp đôi về số toà nhà lên 16 tòa cao tầng. Chiều cao mỗi toà cũng tăng lên gấp đôi, dao động từ 9 đến 21 tầng.
Khu đô thị Ciputra (Khu đô thị Nam Thăng Long) - một trong những khu đô thị đẹp, đắt đỏ và sang chảnh nhất nhì Hà Nội cũng từng bị người dân kiến nghị khẩn cấp về điều chỉnh quy hoạch kiến trúc một số lô đất thương mại, sân, vườn và đường nội bộ nay chuyển thành đất hỗn hợp thương mại, văn phòng, khách sạn và nhà ở cao tầng.
Hay ngay trung tâm Thủ đô, Toà nhà 8B, phố Lê Trực, chỉ cách nhà Quốc hội mấy trăm mét đường chim bay. Theo Giấy phép xây dựng, chiều cao công trình là 53m. Nhưng chủ đầu tư tăng chiều cao các tầng và xây thêm tầng 19, tổng chiều cao tòa nhà sau khi điều chỉnh là 69m (vượt thiết kế 16m, tương đương 5 tầng).
Quy hoạch đô thị bị "băm nát" như vậy đã khiến người dân Hà Nội bị "bóp nghẹt". Sáng ra khỏi nhà đến công sở, trường học, nơi làm việc để mưu sinh… buổi chiều trở về nhà, người dân thường xuyên phải vật lộn trên đường giữa dòng người cuồn cuộn và đậm đặc khí thải của ô tô, xe máy, giữa bầu không khí quánh đặc bụi bặm do những tòa nhà cao tầng đang xây dựng, do thiếu cây xanh...
Người viết bài này từng "trải nghiệm" đi từ cơ quan về nhà mà không đeo kính, khẩu trang. Đoạn đường chỉ 3km nhưng đã phải dừng lại nhiều lần dọc đường vì bụi quất vào mặt, chui vào mắt...
Trời mùa Hè có hôm nắng nóng lên tới 40 độ C, không ít người bị say nắng khi đang tham gia giao thông trên đường bằng xe máy, xe đạp... Còn khi trời mưa, đường phố ngập lụt do cống không kịp thoát nước người dân vô cùng khổ sở vì phải "bơi" trong nước ...
Cuộc sống mưu sinh vốn đã nhiều khó khăn nay càng thêm stress gấp bội. Ước mơ một không gian với những vỉa hè rộng, nhiều cây xanh, bầu không khí trong khi trong lành, thoáng đãng quả là quá xa vời...đối với Thủ đô Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói: "Trẻ con, người dân cần nhiều công viên, vườn hoa, không gian công cộng… mà cứ xây chung cư cao tầng trong nội đô thì không ai ra các khu ven đô, khu đô thị vệ tinh?".
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội xem xét, xử lý phản ánh của báo chí về tình trạng phá vỡ quy hoạch tại hàng loạt khu đô thị được coi là kiểu mẫu, nơi đáng sống nhất thủ đô.
Số liệu điều tra gần đây cho thấy mỗi năm dân số Hà Nội tăng thêm khoảng 200.000 người - tương đương một huyện lớn.
Mặc dù Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đặt mục tiêu đến năm 2020 dân số tăng khoảng từ 7,3 - 7,9 triệu người nhưng đến năm 2017, theo báo cáo của Chính phủ, dân số Hà Nội đã trên 9,6 triệu người (lớn hơn dân số dự báo đến năm 2030). Với tốc độ tăng trung bình 3%/năm thì đến năm 2020 dân số ước tính sẽ là: 10.489.772 người (gần bằng dân số dự báo đến năm 2050), vượt quá xa so với dự kiến.
Hà Giang
Ảnh: Nam Nguyễn