Rời Hà Nội về với rừng, cô gái 9x phủ xanh đất trống đồi núi trọc

Nhật Vũ | 05-12-2022 - 11:19 AM

(Tổ Quốc) - Nặng lòng với đất mẹ, Linh đã từ bỏ công việc chốn thị thành để về quê xây dựng mô hình kinh tế sinh thái vườn rừng mang tính tuần hoàn.

Nguyễn Lê Ngọc Linh, cô gái dân tộc Thổ với dáng người nhỏ nhắn, sinh ra và lớn lên tại xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân (Thanh Hóa). Năm 2013, Linh tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, sau đó cô sớm có công việc ổn định cho thu nhập tốt để duy trì, phát triển bản thân ở Thủ đô.

Dù có một công việc thu nhập ổn định, là niềm mơ ước trong mắt bao bạn bè nhưng mỗi lần về quê, Linh lại chứng kiến ngày càng nhiều những quả đồi sau khi khai thác keo, bị đốt nhẵn, trơ trụi. Những ngọn đồi ấy sẽ tiếp tục được trồng lứa keo mới nhưng rồi 4 - 5 năm sau, chúng lại bị khai thác trơ trọi.

Không chỉ cây cỏ bị hủy diệt, thảm thực vật bị bào mòn, đất đai ngày càng cằn cỗi. Những dòng nước từ trên núi cao cũng dần khô kiệt. Những thảm cỏ cứ khô khốc, không còn xanh mướt mát như trong hoài niệm tuổi thơ.

Năm 2017, cô hào hứng nói với chồng về mô hình "vườn rừng bản Thổ" khi đã có nhà, có sự nghiệp ở thành phố. "Chưa dứt lời, chồng bảo mình bị hâm!", Linh nhớ lại.

Cô gái 9x xứ Thanh cũng không nhận được sự ủng hộ của bố mẹ hai bên khi muốn trở về rừng để lập nghiệp. Tuy nhiên, Linh vẫn âm thầm hành động và hiểu rằng, bố mẹ đã khổ vì cảnh "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nên không muốn con vất vả như mình.

Cô gái bỏ phố về rừng

Cuối năm 2018, Linh quyết quyết bỏ bao mộng ước nơi thị thành xa xôi để về quê lập nghiệp. Đó là một quyết định khó khăn và cũng chẳng ai ngờ tới. Bố mẹ, người thân, bạn bè ngỡ ngàng đã đành, bản thân Linh nhiều lúc tự hỏi, liệu đó có phải là một quyết định đúng đắn?

Rời phố về rừng, Linh mang hết số tiền tiết kiệm (khoảng 1 tỷ đồng) của 2 vợ chồng về quê khởi nghiệp và bị mọi người xung quanh gắn mác "hâm". Vượt qua mọi định kiến, ngày ngày, cô gái trẻ vẫn tràn đầy năng lượng đi qua con đường "vừa đi vừa phải phát cỏ", thêm chiếc balo đựng quần áo, cơm trưa để men vào rừng từ 6h sáng rồi trở về khi trời đã tối.

Những bước chân nhanh nhẹn, dứt khoát cùng bóng dáng nhỏ bé giữa rừng, Linh vừa đi, vừa nghĩ đến câu nói: "Nếu không còn rừng, thế giới của chúng ta sẽ không còn gì nữa" để tự tiếp thêm động lực.

Ban ngày vào rừng, tối về Linh ăn cơm vội để dành thời gian đọc tài liệu đến 3,4h sáng. Cô cũng có mặt trong các hội nhóm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thuận tự nhiên để tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm. Riêng cuối tuần, Linh dành thời gian để thăm các mô hình trang trại và đi học thêm về chế biến thực phẩm, vi sinh, thiết kế cây trồng.

Những ngày đầu tiên, 3ha đất đồi Linh mượn của bố mẹ để xây dựng mô hình vườn rừng bản Thổ chỉ là một quả đồi trọc, không đường, không điện, không nước.

Trong khi đó, mục tiêu của cô là khôi phục nguồn gen thực vật bản địa, tái sinh rừng và phủ xanh núi đồi, phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái.

Tính đến tháng 10/2021, vườn rừng bản Thổ đã phủ xanh được 3ha đồi trọc với hơn 100 loài cây, bao gồm: một số cây rừng bản địa như (lim, trám, dẻ, sả sịa, mắc khén, dổi nếp). Xen vào đó, Linh trồng các cây ăn quả có giá trị kinh tế cao (bưởi, ổi, mít, hồng xiêm, na, xoài, dứa, chuối, đu đủ, đào)

Linh trồng cây lương thực để chủ động làm thức ăn chăn nuôi như ngô, sắn, củ từ, khoai lang. Dưới tán cây và các khu đất trống, linh trồng các loài cây cải tạo đất và lấy sinh khối phủ đất như đậu đen, vừng, đậu tương, lạc, chùm ngây…

Khát vọng "phủ xanh" đồi núi cho thế hệ sau này

Linh cho rằng, 3ha đất đồi mượn của bố mẹ chính là số vốn quan trọng nhất để cô vững tâm thực hiện, nuôi dưỡng mô hình vườn rừng bản Thổ lớn lên từng ngày.

Ban đầu, Linh đi tìm các nguồn gen thực vật bản địa nhưng không có kết quả vì số lượng ngày càng khan hiếm. Dần dần, cô chủ động kết nối được nhiều người nên đã được gửi tặng giống để trồng.

Khi thấy những tín hiệu tích cực từ dự án vườn rừng bản Thổ của Linh, hợp tác xã Bản Thổ đã được thành lập để liên kết với bà con nuôi ong tại các bìa rừng.

Cô bạn dựa trên điều kiện tự nhiên (vùng đồi núi thuận lợi nuôi ong, trồng cây thảo dược) và khảo sát thị trường (miền xuôi khó cạnh tranh) để cùng cộng sự xây dựng xưởng chế biến mật ong lên men. Sau khi đưa sản phẩm chính ra thị trường, Linh đem về doanh thu 1.5 tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho 15 lao động địa phương.

Linh tự làm được phân bón từ vật liệu cây cỏ xung quanh như thân đậu, thân chuối, cá tạp, cỏ lau; tự làm thuốc trừ sâu từ cây cỏ bằng việc ứng dụng vi sinh vật bản địa có lợi IMO, đồng thời chủ động hoàn toàn nguồn phân bón cho cây trồng, thức ăn cho vật nuôi.

Để mở rộng sản xuất, vừa qua, Linh đã được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay thêm từ nguồn vốn khởi nghiệp 95 triệu đồng để mở một xưởng chế biến nông sản lớn trên địa bàn và thực hiện trồng thêm 4 ha vườn rừng bản Thổ tại huyện Ngọc Lặc trong thời gian tới. Qua đó, các dược liệu, nông sản, đặc sản của địa phương được nâng cao giá trị, góp phần giảm nghèo tại khu vực miền núi khó khăn.

"Từ một đồi rừng lau lách, không điện, không đường, 1 khung nhà sàn dựng lên - trơ trọi, mọi thứ đều tự thân vận động, mọi thứ đều gom góp từng ngày từng ngày một để được như bây giờ", Linh chia sẻ.