Rút quân là "mất trắng": Liệu binh sĩ Mỹ có rời khỏi Iraq?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai | 18-06-2020 - 19:31 PM

(Tổ Quốc) - Dù sự hiện diện của Mỹ tại Trung Đông giảm, Tổng thống Donald Trump không muốn rút toàn bộ quân đội khỏi Iraq.

Ngày 10-11/6/2020 cuộc "Đối thoại chiến lược" trực tuyến giữa Mỹ và Iraq đã diễn ra. Đại diện phía Mỹ có Thứ trưởng Ngoại giao David Maclain Hale, phía Iraq có Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Abdul Karim Hashim Mustafa.

Các cuộc thảo luận được tiến hành trên cơ sở Thỏa thuận khung chiến lược ký năm 2008 về quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Mỹ và Iraq trong lĩnh vực an ninh và chống khủng bố, kinh tế năng lượng, các vấn đề chính trị và văn hóa.

Bối cảnh đối thoại

Mặc dù hai nước công bố cuộc đối thoại chiến lược lần này là thảo luận về quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực, nhưng quan trọng nhất là lịch trình rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Iraq.

Các cuộc thương lượng về vấn đề này được tổ chức sau khi Quốc hội Iraq ngày 5/1/2020 thông qua nghị quyết về sự cần thiết phải rút toàn bộ quân đội nước ngoài khỏi Iraq. Nghị quyết này được thông qua sau khi tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh Các lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bị Mỹ ám sát ngày 3/1/2020 tại khu vực gần sân bay quốc tế Baghdad.

Lý do Quốc hội Iraq thông qua nghị quyết này là việc quân Mỹ giết tướng Qassem Soleimani trên lãnh thổ Iraq đã vi phạm các thỏa thuận quy định sự có mặt của các lực lượng nước ngoài tại Iraq. Thủ tướng mới của Iraq Al-Kazemi đã nhiều lần khẳng định vấn đề chủ quyền của Iraq và sự cần thiết phải triệt thoái tất cả các lực lượng nước ngoài khỏi Iraq.

Tiếp sau đó, ngày 24/1/2020, tại Thủ đô Baghdad, hàng ngàn người đã tham gia các cuộc biểu tình phản đối sự có mặt của Mỹ tại Iraq. Nhà hoạt động chính trị Hồi giáo, Thủ lĩnh cộng đồng người Shiite có thế lực lớn nhất tại Iraq, Muqtadr Al-Sadr đã kêu gọi dân chúng xuống đường biểu tình đòi rút quân Mỹ. Thời báo New York ước tính số người tham gia các cuộc biểu tình này lên tới 200-250 nghìn.

Cùng với các cuộc biểu tình chống Mỹ rầm rộ trên khắp đất nước Iraq, thời gian gần đây, các căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq, trong đó có căn cứ Ain Al-Assad, Taji và Erbil liên tiếp bị tấn công bằng tên lửa, gây thiệt hại đáng kể về người và vật chất. Đại sứ quán Mỹ tại vùng Xanh thuộc trung tâm Thủ đô Baghdad được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt cũng không được an toàn. Nhìn chung, sự có mặt quân sự của Mỹ tại Iraq không được chính phủ và người dân Iraq hoan nghênh.

Việc giảm bớt sự hiện diện quân sự tại Iraq nằm trong chiến lược chung của Tổng thống Trump nhằm giảm can dự vào các cuộc xung đột tại nước ngoài, trong đó có khu vực Trung Đông.

Ngày 13/6/2020, phát biểu trước các sinh viên tốt nghiệp học viện quân sự West Point, Tổng thống D. Trump tuyên bố: "Chúng ta đang chấm dứt kỷ nguyên của các cuộc chiến tranh không có hồi kết và sẽ không tham gia giải quyết xung đột ở các quốc gia khác. Chúng ta không phải cảnh sát của thế giới. Tuy nhiên, kẻ thù của chúng ta cần phải biết rằng nếu người dân của chúng ta gặp nguy hiểm, chúng ta sẽ không bao giờ, sẽ không bao giờ do dự."

Rút quân là mất trắng: Liệu binh sĩ Mỹ có rời khỏi Iraq? - Ảnh 3.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang của Mỹ không phải là bước vào giải quyết các cuộc xung đột cổ xưa ở những vùng đất xa xôi mà thậm chí nhiều người chưa từng nghe đến. Hướng ưu tiên phải là phòng thủ và bảo vệ nước Mỹ khỏi các kẻ thù bên ngoài.

Trước đó, ngày 29/2/2020, tại Qatar, các quan chức Mỹ và đại diện Taliban đã ký một Hiệp định hòa bình lịch sử, theo đó Washington sẽ giảm số lượng quân nhân của mình tại Afghanistan từ 14.000 xuống 8.600 người, tiến tới chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài gần hai thập kỷ tại Afghanistan.

Cuối năm 2019, Tổng thống Trump đã tuyên bố rút quân khỏi các căn cứ ở miền Bắc Syria. Mới đây nhất, ngày 7/5/2020 Mỹ quyết định rút 4 đơn vị lá chắn tên lửa Patriot cùng hàng loạt nhân viên quân sự khỏi Ả Rập Saudi. Hai phi đội chiến cơ phản lực của Mỹ cũng rời khu vực này và các quan chức Mỹ đang xem xét giảm bớt sự hiện diện của hải quân Mỹ ở Vùng Vịnh.

Nội bộ nước Mỹ đang phải đối phó với rất nhiều vấn đề, trong đó có hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra, làn sóng biểu tình chống chính quyền bùng nổ tại nhiều bang sau vụ công dân da đen George Floyd bị giết...., cuộc bầu cử Tổng thống đang đến gần, ông Trump muốn giảm bớt sự can dự vào các cuộc xung đột bên ngoài, rút về giải quyết các vấn đề trong nước, tập trung vận động tranh cử để tranh thủ sự ủng hộ của cử tri Mỹ.

Tuyên bố chung Mỹ-Iraq nói gì?

Kết thúc các cuộc thương lượng, hai bên đã ra một bản Tuyên bố chung. Tuyên bố này đề cập tới quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Iraq trong nhiều lĩnh vực an ninh, chống khủng bố, kinh tế, năng lượng, chính trị và văn hóa. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất được nêu ra trong tuyên bố chung là việc rút quân Mỹ khỏi Iraq.

Bản tuyên bố viết, trước những kết quả quan trọng trong cuộc chiến loại bỏ mối đe dọa của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), những tháng tới Mỹ sẽ tiếp tục cắt giảm số quân của mình tại Iraq và tiến hành đối thoại với chính phủ Iraq về quy chế của các lực lượng còn lại. Hai nước sẽ chuyển hướng sang phát triển quan hệ hợp tác an ninh bình thường trên cơ sở lợi ích chung.

Mỹ khẳng định không tìm cách thiết lập các căn cứ quân sự thường trực hoặc duy trì sự có mặt quân sự lâu dài ở Iraq như đã thỏa thuận trước đây trong Hiệp định khung chiến lược ký năm 2008. Chính phủ Iraq cam kết bảo vệ các lực lượng quân sự của Liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu và các cơ sở của Iraq nơi các lực lượng này đóng quân, phù hợp với luật pháp quốc tế và các thủ tục liên quan về sự hiện diện của các lực lượng đó và theo thỏa thuận giữa hai nước.

Rút quân là mất trắng: Liệu binh sĩ Mỹ có rời khỏi Iraq? - Ảnh 5.

Binh sĩ Mỹ tập bắn súng cối tại căn cứ không quân Al Asad, Iraq, ngày 27/5. Ảnh: US Army.

"Thiệt đơn thiệt kép", Mỹ không dễ rời Iraq

Mặc dù tình hình Iraq đã có nhiều cải thiện, nhưng vẫn bất ổn và hết sức phức tạp. Các lực lượng của Tổ chức khủng bố IS về cơ bản đã bị đánh bại, nhưng chưa bị tiêu diệt hoàn toàn, đang khôi phục lại hoạt động của chúng tại nhiều vùng trên lãnh thổ Iraq. Ảnh hưởng của Iran ngày càng lan rộng, các lực lượng thân Iran tăng cường hoạt động đe dọa sự an toàn của Đại sứ quán và các căn cứ quân sự của Mỹ.

Rút quân là mất trắng: Liệu binh sĩ Mỹ có rời khỏi Iraq? - Ảnh 7.

Trong tình hình như vậy, mặc dù sau khi kết thúc phiên họp đầu tiên của cuộc đối thoại chiến lược giữa Baghdad và Washington hôm 11/6, Thủ tướng Iraq Mustafa Al-Kadhimi tuyên bố các lực lượng Mỹ sẽ rút khỏi nước này và đóng cửa tất cả các căn cứ theo một thời gian biểu cụ thể, nhưng trên thực tế cả Mỹ và Iraq đều không muốn tiến trình này diễn ra sớm. Trước sức ép của Quốc hội và người dân Iraq, cùng với việc muốn tỏ ra tôn trọng chủ quyền của Iraq, Mỹ sẽ buộc phải bố trí lại các lực lượng của mình theo thỏa thuận giữa hai nước.

Một cuộc chiến kéo dài 18 năm với chi phí lên tới 2,2 nghìn tỷ USD và 4.487 binh sĩ Mỹ bị thiệt mạng, Washington không dễ gì rời bỏ Iraq. Người Mỹ hiểu rằng, việc rút quân khỏi Iraq coi như mất trắng. Mỹ sẽ mất đầu cầu chiến lược hết sức quan trọng để kiểm soát khu vực Trung Đông, Iraq sẽ rơi vào vòng ảnh hưởng của Nga, Trung Quốc và Iran. Trong ngắn hạn, bất kỳ việc rút quân nào của Mỹ khỏi Iraq cũng sẽ có lợi cho Tehran, tạo ra một khoảng trống cho các lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hoặc Lực lượng Hashd Sha’abi thân Iran.

Rút quân là mất trắng: Liệu binh sĩ Mỹ có rời khỏi Iraq? - Ảnh 9.

Tổng thống D. Trump tuyên bố Mỹ sẽ không rút quân khỏi Iraq nếu Baghdad không chịu thanh toán các khoản chi phí cho việc xây dựng các căn cứ quân sự ở Iraq, trong đó có căn cứ Balad mới được bàn giao cho Iraq. Ông cũng nói, nếu việc rút quân diễn ra trong bầu không khí không mấy thân thiện, Washington sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt khốc liệt Iraq chưa từng thấy từ trước tới nay. Ông cho biết thêm rằng, hiện nay Iraq có 35 tỷ USD đang nằm trong tài khoản tại các ngân hàng Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo họ có thể ngăn chặn Ngân hàng Trung ương Iraq rút khoản tiền này khỏi các ngân hàng Mỹ nếu Baghdad khăng khăng đòi rút quân đội Mỹ khỏi nước này.

Hiện nay Mỹ có khoảng 5.200 quân tại Iraq. Người đứng đầu Lầu năm góc, Mark Esper đã phủ nhận việc rút quân Mỹ. Ông nói, Washington sẽ không rời khỏi Iraq với bất cứ giá nào. Các cuộc đối thoại chiến lược sẽ được tiếp tục để đạt được thỏa thuận về các vấn đề trong quan hệ giữa hai nước, đảm bảo lợi ích của cả Mỹ và Iraq. Hai bên thỏa thuận cuộc họp của Ủy ban điều phối cấp cao về đối thoại chiến lược sẽ được nối lại vào tháng 7 tới tại Washington, DC.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Larue hỗ trợ mang nước sinh hoạt cho người dân Tiền Giang

(Tổ Quốc) - Dưới tiết trời nắng gắt được dự đoán kéo dài trong mùa khô năm nay cùng ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang đã quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai và kêu gọi các biện pháp ứng phó, khắc phục và hạn chế hậu quả.