Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Trải qua 4 đợt bùng phát dịch trên nhiều tỉnh thành của cả nước, nhiều sân khấu nghệ thuật đóng cửa, khi mở lại chỉ hoạt động cầm chừng.

Sân khấu trực tuyến - Tương lai "mới" của nghệ thuật

(Tổ Quốc) - Trải qua 4 đợt bùng phát dịch trên nhiều tỉnh thành của cả nước, nhiều sân khấu nghệ thuật đóng cửa, khi mở lại chỉ hoạt động cầm chừng.

Chưa bao giờ chúng ta phải chứng kiến các sân khấu, các khán phòng tĩnh lặng như bây giờ. Đã lâu rồi, không còn thấy nụ cười trên những gương mặt của các nghệ sĩ và cũng đã lâu rồi không còn vang lên những tiếng vỗ tay của khán giả trong những khán phòng.

Hai năm với những khó khăn chồng chất.

Sân khấu trực tuyến - tương lai "mới" của nghệ thuật - Ảnh 1.

Sân khấu trực tuyến - tương lai "mới" của nghệ thuật - Ảnh 2.

Dịch Covid-19 kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay đã khiến cho các nhà hát chưa kịp "hồi" lại đã tiếp tục chới với. Sân khấu "đóng băng", các đơn vị nghệ thuật trên cả nước không thế tổ chức biểu diễn, do đó các chương văn hóa nghệ thuật có quy mô, có chất lượng cao trên sân khấu, trên truyền hình hầu như không còn, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân cũng bị ảnh hưởng.

Việc này đồng nghĩa với nguồn thu không ổn định hoặc không có, ngừng ký hợp đồng với lao động, không có giải pháp tăng lương… Những vấn đề này khiến cho nguồn nhân lực của các nhà hát, bằng cách này hay cách khác, đã giảm đi đáng kể.

Sân khấu trực tuyến - tương lai "mới" của nghệ thuật - Ảnh 2.

Gần hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, các đơn vị nghệ thuật không thể tổ chức biểu diễn, các diễn viên không có việc làm, nhà hát đóng cửa, các sự kiện văn hoá nghệ thuật không thể tổ chức. Bài toán đó đặt ra yêu cầu bức bách cho những người làm công tác quản lý các đơn vị nghệ thuật, phải làm sao tìm cho ra những hướng đi mới, để nghệ sĩ duy trì tiếp cận, tương tác với khán giả, truyền tải những thông điệp, xây dựng các chương trình để tuyên truyền cổ vũ tinh thần toàn dân chống dịch.

Ngay từ cuối năm 2020, Bộ VHTTDL đã xây dựng kênh Nghệ thuật Biểu diễn Việt Nam trên YouTube và Facebook để phát trực tuyến một số cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Đây là những bước đi đầu tiên để thử nghiệm. Hình thức phát trực tuyến này đã giúp nghệ sĩ và khán giả cả nước cùng cập nhật mọi thông tin về các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp mà không cần phải tới xem trực tiếp trong thời gian đó.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông

Trên nền tảng trực tuyến đó, chuỗi chương trình nghệ thuật online với tên gọi "Cháy lên" số đầu tiên vào tối ngày 1/8/2021, bao gồm các phần biểu diễn do các nghệ sĩ tự mình chuẩn bị, và được phát livestream trên đa dạng nền tảng mạng xã hội như kênh Youtube Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam, Fanpage Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD), trang Facebook cá nhân NSƯT Xuân Bắc, YouTube cá nhân NSƯT Xuân Bắc hay Báo điện tử Tổ quốc. 

Sân khấu trực tuyến - tương lai "mới" của nghệ thuật - Ảnh 4.

Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, NSƯT Xuân Bắc chia sẻ: "Khi biểu diễn tại sân khấu có khán giả đến xem sẽ cho chúng tôi thêm hào hứng, sáng tạo. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh như thế này, tôi nghĩ rằng, chúng ta nên tạm thời quên đi cái cảm giác ấy mà phải làm nghệ thuật trong tình hình mới một cách tốt nhất.

Livestream chương trình nghệ thuật cho các quý vị khán giả xem, chúng tôi lại được biểu diễn, được sống trong cảm xúc sáng tạo của mình, tất nhiên trong điều kiện không thoải mái đầy đủ như khi không có dịch bệnh. Nhưng chỉ cần chúng tôi được sống trong cảm giác của người nghệ sĩ, được biểu diễn trên sân khấu thì dòng máu hăng hái được cống hiến lại sôi sục lên".

Bước ra khỏi khuôn mẫu truyền thống trước đây, chương trình giao lưu nghệ thuật trực tuyến "Cháy lên" không mang tính chất sân khấu hoá như các chương trình nghệ thuật thông thường mà hướng tới sự giao lưu nghệ thuật mang tính cộng đồng. Các nghệ sĩ không chỉ hát, chỉ diễn mà còn chia sẻ trao đổi những tâm tư, những quan điểm về chung tay phòng chống dịch cũng như làm nghề. Họ có thể biểu diễn tại phòng thu, tại nhà và dẫu ở khung cảnh nào thì vẫn tuân thủ yêu cầu phòng chống dịch.

Chương trình cũng quy tụ nhiều gương mặt văn nghệ sĩ nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn có những người đang hoạt động ở nước ngoài trong các lĩnh vực nghệ thuật cổ điển, truyền thống và cả đương đại…

Điểm độc đáo trong chuỗi chương trình nghệ thuật online này là mỗi chương trình đều được diễn ra tại 5 điểm cầu, với sự dẫn dắt, kết nối của NSƯT Xuân Bắc. Mỗi điểm cầu mang đến một tiết mục đại diện cho loại hình nghệ thuật đặc trưng. Tại mỗi điểm cầu, chỉ có một đến hai nghệ sĩ tham gia, đảm bảo quy định không tập trung đông người.

Đến nay, chương trình đã "lên sóng" 4 số trong chuỗi chương trình nghệ thuật online, và mỗi chương trình, Ban tổ chức luôn cố gắng chọn lựa, chắt lọc những tiết mục đặc sắc, đồng thời gần gũi, hấp dẫn tới cho công chúng. Đó là những ca khúc nổi tiếng thể hiện tình yêu tha thiết với quê hương đất nước, những sáng tác mới về đề tài phòng, chống Covid-19, về những "thiên thần áo trắng" nơi tuyến đầu chống dịch và nhiều lực lượng khác đang ngày đêm chạy đua với thời gian để cố giành chiến thắng trong cuộc chiến chống Covid-19. Chương trình cũng mang đến trích đoạn chèo đặc sắc như"Thị Mầu lên chùa"trích đoạn tuồng "Ông già cõng vợ trẻ đi xem hội", xiếc "Tạo hình trên dây"... nhằm đa dạng hóa những "món ăn tinh thần" mang đến cho khán giả trong bối cảnh đại dịch. 

Ngoài ra, với chương trình trực tuyến, nhằm thu hút đông đảo người xem hơn, khán giả còn được tham gia vào những mini game trực tuyến để có cơ hội nhận được những phần quà thiết thực trong mùa dịch như dụng cụ tập thể dục, khẩu trang hay nước rửa tay…

Sân khấu trực tuyến - tương lai "mới" của nghệ thuật - Ảnh 5.


Sân khấu trực tuyến - tương lai "mới" của nghệ thuật - Ảnh 3.

Từ khi dịch Covid-19 khởi phát trên thế giới, ở rất nhiều nơi phải thực hiện "cách ly xã hội" hay bị phong tỏa đã có những chương trình được thực hiện hoàn toàn không có khán giả trực tiếp, chỉ phát trên các nền tảng kỹ thuật số khác nhau, từ Youtube, Facebook đến truyền hình. Đây là cách thức duy nhất để có thể mang các chương trình đến tận nhà khán giả, khi họ không thể đến rạp hát để thưởng thức. Đồng thời đó cũng là một phong trào thể hiện sự kết nối của các nghệ sĩ khi muốn đưa nghệ thuật đồng hành với công chúng trong cuộc chiến chống Covid-19.

Không nằm ngoài xu thế, tại Việt Nam, các nhà hát cũng đưa hình thức trực tuyến vào áp dụng, tạo cầu nối giữa nghệ thuật và khán giả đã được triển khai và bước đầu thu hút được hiệu quả nhất định. 

Trước khi chuỗi chương trình "Cháy lên" diễn ra, tối 28/7, chương trình nghệ thuật trực tuyến "Tổ quốc trong tim" do Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam thực hiện đã diễn ra tại 5 điểm cầu Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Bình Thuận và Paris (Pháp). Với sự tham gia của các gương mặt nghệ sỹ tiêu biểu ba miền Bắc - Trung - Nam, chương trình đã thu hút sự chú ý của nhiều khán giả.

Tối 27/7, chương trình nghệ thuật đặc biệt "Những ngôi sao bất tử" do các nghệ sỹ Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc (Thái Nguyên) thực hiện, nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2021) đã được tường thuật trên kênh VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam.

Đó là những chương trình nghệ thuật đầu tiên do Cục NTBD (Bộ VHTTDL) chỉ đạo các nhà hát xây dựng và biểu diễn phục vụ khán giả.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết: "Đây là cách thức, hướng đi mới để khắc phục khó khăn trong điều kiện phòng chống dịch bệnh nên cần quãng thời gian thử nghiệm và xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và tới tháng 6/2021, Bộ VHTTDL tiếp tục chỉ đạo triển khai hình thức thu phát hoặc ghi hình trực tiếp các chương trình nghệ thuật đặc sắc để phát online và trên các kênh truyền hình.

Việc xây dựng nhà hát trực tuyến trên truyền hình và online không chỉ là giải pháp tình thế khi sân khấu trực tiếp "đóng băng", mà là xu thế của thời đại mới để nghệ thuật biểu diễn được quảng bá rộng rãi tới mọi đối tượng khán giả."

Sân khấu trực tuyến được kỳ vọng sẽ tạo điểm nhấn, đồng thời thể hiện tính chuyên nghiệp và sự lan tỏa mạnh hơn tới nhiều tầng lớp khán giả và là một thức quảng bá hiệu quả. Hình thức Sân khấu trực tuyến, Nhà hát truyền hình hay Nhà hát online cũng sẽ không loại trừ hình thức nhà hát truyền thống trình diễn trước khán giả mà sẽ tồn tại song song, phục vụ có hiệu quả đồng thời khán giả trực tiếp đến sân khấu, khán giả qua màn ảnh nhỏ hoặc trên các phương tiện thu phát số khác.

Sân khấu trực tuyến - tương lai "mới" của nghệ thuật - Ảnh 7.

Sân khấu trực tuyến - tương lai "mới" của nghệ thuật - Ảnh 4.

Hiệu ứng từ chương trình nghệ thuật trực tuyến "Cháy lên" do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với các đơn vị nghệ thuật công lập tổ chức (thu hút gần 50.000 lượt khán giả theo dõi cùng hàng trăm ngàn lượt người xem trên trang cá nhân của nhiều nghệ sĩ trong số đầu tiên) cho thấy chương trình nhà hát online thật sự đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật trong đợt giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19.

Đây là tín hiệu vui, niềm vui chung của các nghệ sĩ tham gia là sự hưởng ứng tích cực, sự phản hồi tốt đẹp mà khán giả dành cho nỗ lực của nhà hát online. 

Đã lâu rồi không được biểu diễn, không được đứng trên sân khấu nên khi được tham gia chương trình nghệ thuật online của Bộ VHTTDL tôi thấy vô cùng tự hào khi được đại diện cho các nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam đóng góp cho chương trình. Chương trình cũng rất ý nghĩa và kịp thời trong tình hình diễn biến dịch căng thẳng như hiện nay. Đó cũng là một món ăn tinh thần mà các nghệ sĩ muốn gửi tới khán giả trong thời điểm này.

Nghệ sĩ chèo Lệ Thu - Nhà hát Chèo Việt Nam

Nghệ thuật truyền thống vốn rất kén khán giả, trong thời điểm dịch bệnh như thế này, chúng tôi không được biểu diễn ngoài cộng đồng. Do vậy, sự ra đời của chuỗi chương trình này rất ý nghĩa, tạo cơ hội cho chúng tôi được biểu diễn, giúp chúng tôi kết nối tới khán giả. Tôi tin chắc rằng với nỗ lực này, khán giả sẽ không quên nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là môn nghệ thuật chèo.

Diễn viên Trang Nhung - Nhà hát Chèo Việt Nam


Dự kiến sân khấu trực tuyến sẽ giới thiệu 24 chương trình, vở diễn cho tới cuối năm 2021. Với thế mạnh của 12 nhà hát trực thuộc Bộ và lực lượng nghệ sỹ diễn viên tài năng nhất trong cả nước, các chương trình nghệ thuật này sẽ là những chương trình, vở diễn tiêu biểu với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau từ kịch nói, nghệ thuật sân khấu truyền thống (tuồng, chèo, cải lương), múa rối, xiếc, cho đến các thể loại âm nhạc, múa đương đại, dân gian, dân tộc hay cổ điển châu Âu như giao hưởng, nhạc kịch, ballet... 

Chia sẻ thêm về "sân khấu mới" này NSƯT Xuân Bắc cho hay: "Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ VHTTDL và Cục NTBD, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật cùng các nghệ sĩ khi biết tin rất hào hứng. Sự hào hứng ấy đã đẩy lùi đi tất cả những khó khăn. Thậm chí các nhà hát còn mong chờ đến lượt được tham gia chương trình, mong muốn thể hiện, biểu diễn. Có thể nói đó là những tín hiệu tốt, dấu hiệu đáng mừng cho tất cả những người làm chương trình. Với sự khát khao biểu diễn, mong muốn cháy lên ngọn lửa nhiệt huyết của nghệ thuật, của các nghệ sĩ, chúng tôi tin rằng quý vị sẽ đón nhận chương trình và chương trình sẽ thành công".

Mô hình sân khấu trực tuyến vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện. Dù dịch Covid- 19 còn kéo dài hay sẽ sớm được kiểm soát thì việc đưa các tác phẩm sân khấu lên môi trường kỹ thuật số (bằng cách phát trực tiếp từ Nhà hát hay chỉ là đăng tải các video tác phẩm) để tiếp cận khán giả là xu hướng tất yếu.

Sân khấu trực tuyến - tương lai "mới" của nghệ thuật - Ảnh 9.



Thu Mai
Minh Khánh - Việt Hùng
Linh Trang
11/09/2021 00:00