Siết cho vay đặt cọc dự án hình thành trong tương lai, nhà đầu tư có gặp khó?

(Tổ Quốc) - "Các doanh nghiệp bất động sản làm ăn đàng hoàng, tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật thì không bị ảnh hưởng bởi lẽ các dự án kinh doanh bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai hội đủ các điều kiện huy động vốn thì khách hàng vẫn được vay tín dụng để thanh toán tiền đặt cọc".

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Theo đó, NHNN dự kiến bổ sung một loạt nhu cầu vốn mà các ngân hàng không được phép cho vay. Đáng chú ý là nội dung cấm tổ chức tín dụng cho vay để thanh toán tiền đặt cọc nhằm thực hiện các giao dịch trong tương lai mà tại thời điểm đặt cọc chưa đủ điều kiện theo quy định.

Theo lý giải của NHNN, các nhà băng cấp tín dụng cho khách hàng để đặt cọc mua dự án bất động sản hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, hầu hết dự án bất động sản sẽ chuyển nhượng chưa đủ điều kiện theo quy định như chưa có giấy phép xây dựng, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Sau khi ngân hàng cấp tín dụng, khách hàng và chủ đầu tư hủy hợp đồng đặt cọc do không hoàn thiện được thủ tục pháp lý để ký hợp đồng chuyển nhượng. Điều này dẫn đến ngân hàng sẽ khó khăn trong việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn, tiềm ẩn rủi ro.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá mục tiêu của dự thảo Thông tư 39 sửa đổi là nhằm kiểm soát chặt chẽ mục đích sử dụng vốn của khách hàng vay và kiểm soát rủi ro tín dụng.

Ông cho rằng đây là điều cần thiết. Vì tổ chức tín dụng chỉ không được cho vay với mục đích thanh toán tiền đặt cọc để thực hiện giao dịch trong tương lai với các trường hợp: phân lô bán nền trái phép, các dự án nhà chung cư chưa xây dựng xong phần móng, chưa hội đủ điều kiện được ngân hàng bảo lãnh nghĩa vụ tài chính để được huy động vốn theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2014. Với các dự án đã hội đủ điều kiện mở bán, việc cho vay đặt cọc vẫn diễn ra và được pháp luật bảo vệ.

Ông Châu nhấn mạnh, Dự thảo Thông tư vẫn cho phép tổ chức tín dụng cho vay thanh toán tiền đặt cọc để thực hiện các giao dịch trong tương lai mà tại thời điểm đặt cọc có đủ điều kiện để thực hiện theo quy định của pháp luật. Do đó, các doanh nghiệp bất động sản làm ăn đàng hoàng, tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật thì không bị ảnh hưởng bởi lẽ các dự án kinh doanh bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai hội đủ các điều kiện huy động vốn thì khách hàng vẫn được vay tín dụng để thanh toán tiền đặt cọc.

"Dự thảo Thông tư này vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng mua nhà ở hình thành trong tương lai, vừa góp phần xây dựng thị trường bất động sản lành mạnh", Chủ tịch HoREA nói.

Trước dự thảo này, một nhà đầu tư lâu năm đồng tình cho rằng điều này sẽ giúp thanh lọc thị trường, giảm rủi ro cho cả ngân hàng và người vay. Vị này chia sẻ thêm, chủ đầu tư chưa đủ pháp lý để bán hàng thì mới phải huy động qua kênh đặt cọc. Do đó, siết cho vay sẽ giúp loại bỏ chủ đầu tư có tài chính yếu kèm.

Còn với khách hàng vay ngay từ khâu đặt cọc cũng chứng tỏ tiềm lực tài chính mỏng, là những nhà đầu cơ "tay không bắt giặc". Việc siết cho vay thanh toán tiền đặt cọc có thể làm giảm nhóm người mua đầu cơ, lướt sóng và không có nhu cầu ở thực, từ đó giúp người mua nhà có nhu cầu thực đến gần với cơ hội sở hữu nhà hơn.

Cũng mới đây, HoREA kiến nghị bổ sung quy định về "đặt cọc" trong các Hợp đồng kinh doanh bất động sản để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người mua, thuê, thuê mua bất động sản.

HoREA cho rằng công tác quản lý nhà nước đối với hành vi "đặt cọc" trong kinh doanh bất động sản hiện hành có nhiều bất cập.

Chẳng hạn, Luật Kinh doanh BĐS 2014 không quy định điều chỉnh, quản lý hành vi giao kết "đặt cọc" trong kinh doanh bất động sản, huy động vốn bán bất động sản hình thành trong tương lai xảy ra trước thời điểm ký Hợp đồng kinh doanh bất động sản. Mà hành vi "đặt cọc" chỉ được quy định tại khoản 1 Điều 328 Bộ Luật Dân sự 2015, nhưng lại không giới hạn giá trị đặt cọc.

Hai điều bất cập này dẫn đến trường hợp bên bán, bên huy động vốn có thể lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho khách hàng, nhà đầu tư làm ảnh hưởng xấu đến thị trường bất động sản và trật tự, an toàn xã hội.

Do đó, HoREA kiến nghị bổ sung quy định về đặt cọc, thanh toán trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. HoREA cho rằng, trước khi ký kết hợp đồng với khách hàng, chủ đầu tư dự án bất động sản có thể nhận đặt cọc của khách hàng để bảo đảm giao kết Hợp đồng kinh doanh bất động sản.

Giá trị đặt cọc do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 30% giá trị bất động sản; Hình thức văn bản đặt cọc do các bên thỏa thuận theo quy định của pháp luật về dân sự.

Phong Linh

Tin mới