Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Tết Nguyên Đán từ xưa đến nay không chỉ là dịp đoàn tụ gia đình, sum vầy cháu con chào đón xuân mới, mà còn là dịp để người Việt thể hiện những phong tục tốt đẹp trong văn hóa ngày xuân của mình.

Điều thú vị là Tết Nguyên Đán không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với người Việt mà còn hấp dẫn với cả những người nước ngoài, đặc biệt là với những sinh viên nước ngoài đang học tập tại Việt Nam. Tết để lại cho họ những ấn tượng khá đặc biệt.

Hầu hết các bạn sinh viên quốc tế lựa chọn du lịch khám phá các điểm đến của Hà Nội, của Việt Nam là cách để tận hưởng kỳ nghỉ lễ dài. Trong đó, cũng có rất nhiều bạn lựa chọn khám phá trải nghiệm nét đẹp văn hóa ngày Tết của người Việt. Hành trình khám phá của họ bắt đầu từ rất sớm từ những tuyến đường, những chợ hoa mang đậm không khí Tết, có người lại lựa chọn tìm về những giai điệu âm nhạc truyền thống được tái hiện nơi phố thị, có bạn lại lựa chọn tìm hiểu không gian sinh hoạt Tết truyền thống của các gia đình Hà Nội xưa… Họ có nhiều lựa chọn cho một hành trình khám phá và cảm nhận.

Sinh viên quốc tế thích thú với Tết cổ truyền Việt Nam - Ảnh 1.

không gian sinh hoạt Tết truyền thống của các gia đình Hà Nội xưa được tái hiện tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây. Ảnh: Gia Linh

Hà Nội tấp nập ngày trước Tết

Với những người chưa từng đón năm mới âm lịch ở Việt Nam, thứ khiến họ cảm thấy một chút lạ lẫm xen lẫn thú vị chính là không khí náo nhiệt của những con phố, những chợ hoa Tết.

Thăm chợ hoa Hàng Lược vào những ngày cận Tết, Gerdasova Arina (sinh năm 1999) quốc tịch Nga lần đầu tiên trải nghiệm Tết Việt Nam chia sẻ "Tôi rất vui và háo hức khi được tham gia hành trình khám phá phong tục Tết của người Việt. Văn hóa Việt rất thú vị, lâu đời và tôi luôn tìm thấy sự ngạc nhiên khi hòa mình vào văn hóa của các bạn, đặc biệt là trải nghiệm Tết Việt tại phố cổ Hà Nội rất thú vị, chợ hoa Tết rất tập nập với nhiều mặt hàng được buôn bán. Đây cũng là lần đầu tiên tôi dành thời gian để thưởng thức trọn vẹn không khí Tết Việt.Tôi thích tham gia các hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống của Việt Nam." Trong dịp Tết, Arina cũng dự định đi du lịch và thăm các điểm đến tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Sinh viên quốc tế thích thú với Tết cổ truyền Việt Nam - Ảnh 2.

Nghe hát Xẩm tại phố bích họa Phùng Hưng. Ảnh: Gia Linh

Tết quả thực là dịp hiếm hoi các sinh viên nước ngoài có dịp tận hưởng bầu không khí lễ hội truyền thống của người Việt. Cùng với phố phường được trang hoàng lộng lẫy, nhiều bạn trẻ lựa chọn tản bộ ở khu phố cổ để ngắm nhìn đường phố và sự hối hả của người Việt. Trong hành trình đó, nhiều bạn lựa chọn ra phố bích họa Phùng Hưng để tìm hiểu về về một số nghề thủ công phục vụ Tết, để nghe hát Xẩm hay đơn giản chỉ là tụ tập ghi lại những kỷ niệm đẹp dịp Tết tại Việt Nam.


Sinh viên quốc tế thích thú với Tết cổ truyền Việt Nam - Ảnh 3.

Các bạn sinh viên nước ngoài tụ tập ghi lại những kỷ niệm đẹp dịp Tết tại Việt Nam. Ảnh: Gia Linh

Tết Việt là khác biệt, là thú vị

Mỗi sinh viên đến từ một quốc gia nhưng họ có chung một mong muốn là tìm hiểu về phong tục dịp Tết của Việt Nam. Có lẽ chính sự khác biệt về địa lý, về văn hóa khiến họ cảm thấy Tết Việt khá lạ lẫm.

Anh Noel – Quốc tịch Cuba/Sinh viên khoa Tiếng Việt Đại học Hà Nội cho biết đây đã là lần thứ hai anh ở lại Việt Nam ăn Tết. "Tôi thích đồ ăn Việt, và cảm thấy rất thích Tết Việt, nó rất khác biệt và mang đậm bản sắc văn hóa Châu Á điều mà không thể tìm thấy ở Cuba" – anh chia sẻ.

Trong khi đó, Mahmoud Deeb Mahmoud Nemer (sinh năm 2000), quốc tịch Palestine mới sang Việt Nam được ba tháng và cũng là lần đầu tiên được hòa mình vào không khí Tết tại Việt Nam. "Được gặp gỡ nhiều người bạn Việt Nam, tôi thấy các bạn rất đáng yêu và tốt bụng. Tết là phong tục văn hóa truyền thống của Việt Nam và tôi thấy rất thú vị và khác biệt" – Nemer cho biết.

Không chỉ lần đầu tiên đón Tết Việt, Nemer cũng giành thời gian dịp nghỉ lễ dài ngày để đi du lịch cùng bạn bè. Anh bật mí đang cùng các bạn lên kế hoạch đi Sapa và Vịnh Hạ Long dịp này.

Sinh viên quốc tế thích thú với Tết cổ truyền Việt Nam - Ảnh 4.

Nureeya (sinh năm 1994, quốc tịch Thái Lan) lần đầu đón Tết tại Việt Nam. Ảnh: Gia Linh

Nhiều bạn trẻ nước ngoài như Nureeya (sinh năm 1994, quốc tịch Thái Lan) lại thấy hấp dẫn với ẩm thực Việt ngày Tết. Cô mới sang Việt Nam được 1 tháng và theo học tại Đại học Hà Nội. Nureeya chia sẻ: "Tôi thấy Việt Nam rất tuyệt, người dân Việt Nam rất tốt bụng nhưng văn hóa Việt rất khác biêt so với văn hóa Thái Lan, đặc biệt là phong tục Tết cổ truyền. Khám phá Tết cổ truyền Việt tôi thấy rất thú vị. Tôi đã ăn phở, bún Việt nhưng chưa từng thử món ăn cổ truyền dịp Tết Việt Nam. Tôi sẽ thử cảm nhận ẩm thực Tết Việt trong năm đầu tiên đón Tết tại đây".

Khác với Nureeya, Hồ Điệp và Chu Tiêu đến từ Trung Quốc, một quốc gia cũng có văn hóa đón Tết Nguyên đán như người Việt. Hai cô bạn lựa chọn ăn Tết tại Việt Nam vì háo hức khám phá Tết cổ truyền Việt Nam, một phần cũng vì kinh phí. Mới ở Việt Nam 4 tháng nhưng dường như hai cô bạn khá quen thuộc với văn hóa Việt. Để cầu mong một năm mới tràn đầy sức khỏe, Hồ Điệp và Chu Tiêu đi xin chữ "Khang Kiện". "Tôi cho sức khỏe là điều quý giá nhất của con người cho nên tôi xin chữ này" – Hồ Điệp chia sẻ.

Sinh viên quốc tế thích thú với Tết cổ truyền Việt Nam - Ảnh 5.

Hồ Điệp và Chu Tiêu đi xin chữ tại đình Kim Ngân. Ảnh: Gia Linh

Hồ Điệp cho biết: "Tôi rất quan tâm đến văn hóa Việt. Cũng có nhiều bạn mời tôi về nhà ăn cơm tết để cảm nhận văn hóa ẩm thực của người Việt dịp Tết. Tôi thấy món ăn Việt ít mỡ, ít muối, ít cay, trong khi sở thích của tôi là ngược lại nên tôi vẫn thích món ăn Trung Quốc hơn".

Nếu Hồ Điệp hứng thú nói chuyện về ẩm thực Việt thì Chu Tiêu lại chia sẻ một cảm nhận khác. Tết là đoàn viên nhưng tại quê hương của Chu Tiêu rất nhiều người trong dịp Tết vẫn phải vất vả mưu sinh. "Tết năm nay, tôi lưu lại Việt Nam để cảm nhận sự náo nhiệt của Tết Việt, đặc biệt tôi muốn đi du xuân. Trước đó, tôi đã vào TP..Hồ Chí Minh, Tết này tôi muốn thăm Bảo tàng Dân tộc học và trải nghiệm, tham quan một số danh thắng tại Hà Nội" – Chu Tiêu cho biết.