Sự cố Eriksen phơi bày bản chất của UEFA

(Tổ Quốc) - Eriksen đã thoát khỏi nguy hiểm nhưng cách làm của UEFA hay FIFA chắc chắn sẽ còn tạo ra những thảm kịch tương tự.

Nguyên nhân khiến tim của Eriksen ngừng đập ở phút 43 trận đấu giữa Đan Mạch và Phần Lan vẫn chưa được xác định. Theo nhiều chuyên gia y tế và các giáo sư đầu ngành về tim mạch, chỉ khi tìm ra nguyên nhân chính xác mới biết ngôi sao 29 tuổi có thể tiếp tục sự nghiệp hay không.

Lưỡi hái thần chết đã rất gần với Eriksen nhưng bằng một cách may mắn nào đó, tuyển thủ Đan Mạch đã trở về trong vòng tay các bác sĩ và đồng đội. Và phải chăng vì lẽ đó, các nhà điều hành bóng đá ở UEFA lại xếp nó sang một xó, để rồi guồng quay của bóng đá tiếp tục lăn bánh như chưa từng có điều gì xảy ra?

Guồng quay vẫn tiếp diễn

24 giờ sau sự cố lớn nhất tại một kỳ Euro, 5 trận đấu đã được diễn ra và kết thúc tốt đẹp, trong đó bao gồm cả chính sự kiện suýt lấy mạng Eriksen. Kỳ Euro ở năm 2021, với tên gọi Euro 2020, vẫn diễn ra một cách bất chấp, trong sự cạn kiệt về cả thể chất lẫn tinh thần của BHL, cầu thủ các ĐTQG sau một mùa giải vốn có lịch thi đấu khắc nghiệt nhất từ trước nay.

Christian Eriksen chỉ mới là bắt đầu cho chuỗi domino sụp đổ của các cầu thủ - Ảnh 1.

Các cầu thủ Đan Mạch vẫn quyết định hoàn tất trận đấu vì Eriksen

Nhưng điều đó chẳng làm cho những cơ quan đứng đầu như UEFA phải bận tâm, bởi đơn giản trong mắt họ, mỗi giải đấu đều là những đồng tiền béo bở.

Nguyên nhân khiến Eriksen gục ngã không chỉ đơn giản là vì kiệt sức. Thực tế, trong màu áo Inter Milan mùa này, Eriksen chỉ phải thi đấu khoảng hơn 2.000 phút, với số trận đấu ít nhất kể từ mùa giải 2009-10 ra mắt trong màu áo Ajax.

Tuy nhiên, cảnh tiền vệ 29 tuổi loạng choạng bước về phía trước, ngã xuống sân, thật sự phải khiến thế giới bóng đá dừng lại để suy nghĩ.

Christian Eriksen chỉ mới là bắt đầu cho chuỗi domino sụp đổ của các cầu thủ - Ảnh 2.

Eriksen gục ngã không chỉ đơn giản là vì kiệt sức

Đến một người trẻ, khỏe, không có tiền sử tim mạch, luôn tiến hành các kiểm tra y tế cho kết quả bình thường đến năm 2019 (theo lời giáo sư Sanjay Sharma) còn gục xuống như thế, lấy gì để đảm bảo cho những đồng đội có số phút thi đấu khủng khiếp như Hojbjerg (hơn 4.000 phút) hay Kjaer (hơn 3.500 phút) không đi vào vết xe đổ ấy?

Thêm nhiều trận đấu, với sự tham gia của càng nhiều đội bóng, SVĐ và cả lịch trình di chuyển dày đặc, thì sẽ có càng nhiều người trẻ tuổi như Eriksen bị đẩy đến bên bờ vực của sự kiệt sức.

"UEFA và FIFA đang giết chết cầu thủ vì mật độ trận đấu quá dày. Từ khi mùa giải bắt đầu, chúng tôi chưa được nghỉ giữa tuần. Tất nhiên, các cầu thủ có thể thi đấu. Họ có tinh thần tuyệt vời, nhưng cũng cần nghỉ ngơi", HLV Pep Guardiola từng nói như vậy sau trận thắng Leicester hồi tháng 4.

Hơn hai tháng sau, chiến lược gia người Tây Ban Nha có lẽ không thể ngờ rằng nó sẽ trở thành sự thật sớm như vậy. Có thể lúc đó, Pep chỉ đang nói một cách ẩn dụ, nhưng bây giờ nó như thể Pep đã "tiên tri" về thảm kịch này vậy.

Christian Eriksen chỉ mới là bắt đầu cho chuỗi domino sụp đổ của các cầu thủ - Ảnh 3.

Phải chăng HLV Pep Guardiola đã "tiên tri" trước thảm kịch này? Bìa báo viết: "Họ đang cố giết cầu thủ của chúng tôi"

Không chỉ Pep Guardiola, một người đồng nghiệp khác của ông là HLV Jurgen Klopp đã từng rất nhiều lần tranh cãi với giới truyền thông về lịch thi đấu dày đặc một cách khủng khiếp. Đáp lại ông là gì? Đó là những lời dè bỉu, cho rằng ông chỉ đang tìm lý do để đổ lỗi khi Liverpool sa sút. Các nhà chức trách đã được cảnh báo, từ chính những người trong cuộc, nhưng họ chỉ làm ngơ, trong nỗ lực tìm cách tối đa hóa nguồn doanh thu bằng mọi cách có thể.

Sự vô cảm từ những người tổ chức

Cách xử lý của UEFA trong thảm kịch này là gì? Họ ngồi từ bàn giấy, "trao" quyết định liệu có tiếp tục trận đấu cho những người vẫn còn chưa hoàn hồn khi chứng kiến một cầu thủ trên sân phải chiến đấu giành lại sự sống.

Quyền phán xét đáng lẽ không bao giờ được dành cho các cầu thủ Đan Mạch hay cả Phần Lan. Tất nhiên họ sẽ cố gắng tiếp tục, vì sự động viên của Eriksen đang còn nằm trong bệnh viện.

Tuy nhiên, kết quả là thủ môn Kasper Schmeichel mất tập trung trong bàn thắng ấn định chiến thắng của Phần Lan, và quả phạt đền bị bỏ lỡ của Pierre-Emerick Hojbjerg. Họ gắng gượng ra sân, để hoàn thành một trận đấu, dưới cái áp lực mà không ai có thể chịu đựng được.

Hojbjerg gục ngã sau khi thực hiện quả phạt đền không thành công

Hãy tưởng tượng những gì đang diễn ra trong tâm trí của Hojbjerg khi anh bước lên chấm phạt đền và thất bại? UEFA có quyền, hay nói đúng hơn, nếu họ có "tình người" hơn, lẽ ra phải trút bỏ gánh nặng đó cho Hojbjerg.

Thế giới bóng đá cũng sẽ vậy, tiếp tục đẩy cầu thủ đến tận cùng của giới hạn thể chất bằng những ý kiến tưởng chừng "vô lý" nhưng bằng cách nào đó vẫn được thông qua.

FIFA đã mở rộng World Cup lên 48 đội từ 16 cái tên ban đầu, với ý tưởng mới nhất là cứ mỗi 2 năm một lần tổ chức. UEFA cũng thế, từ 4 đội ban đầu tham dự Euro, con số này đã lên tới 24 đội, trong đó có 16 đội sẽ đi tiếp. Cứ như vậy, mỗi mùa giải sẽ có nhiều trận đấu hơn, kéo dài và ít thời gian để nghỉ ngơi hơn.

Christian Eriksen chỉ mới là bắt đầu cho chuỗi domino sụp đổ của các cầu thủ - Ảnh 5.

FIFA sẽ thẩm định ý tưởng mỗi 2 năm một lần tổ chức World Cup

Nói đâu xa, chính Inter Milan của Eriksen cũng đang thúc đẩy thành lập Super League. Thật trùng hợp, sự quá tải này luôn rơi vào cùng một nhóm những đội bóng ưu tú nhất, vì đó là cách mà FIFA và UEFA muốn.

Họ không muốn nhắm đến những đội bóng tí hơn như Norwich hay Nottingham Forest, và kể cả Villarreal hay Leicester. Đích ngắm cuối cùng, là sự góp mặt của nhóm CLB mạnh, với những cầu thủ hay nhất từ Inter Milan, Tottenham, Ajax - nơi luôn thu hút được tài năng của Eriksen và các đồng đội ưu tú.

Một năm chỉ có khoảng 365 ngày. Càng nhiều giải đấu và trận đấu sẽ là thứ thuốc "kịch độc" giết chết tinh hoa vốn có của bóng đá. Một món đặc sản, phải là kết hợp của sự hiếm có cùng những nguyên liệu tinh hoa làm nên nó.

Christian Eriksen chỉ mới là bắt đầu cho chuỗi domino sụp đổ của các cầu thủ - Ảnh 6.

Số lượng trận đấu ngày càng nhiều hơn, trong khi các cầu thủ lại ngày ngày kiệt sức về cả thể chất lẫn tinh thần

Nhưng giờ đây, những "nguyên liệu" (các cầu thủ) đã không còn nhiều "tinh hoa" như vốn dĩ đã từng, còn "món ăn" (các trận đấu) thì lại quá đại trà. Giá trị của bóng đá vì thế, dần dần chỉ có thể đi xuống và không cách nào có thể quay lại.

Tuấn Hoàng

Tin mới