Sự khác biệt của nhà đầu tư dài hạn và ngắn hạn trong quyết định xuống tiền mua BĐS

(Tổ Quốc) - Trong cuộc chơi của thị trường luôn có các nhóm những nhà đầu tư khác nhau. Họ là những NĐT có tầm nhìn ngắn hạn hoặc dài hạn.

Khi đưa ra lời khuyên về đầu tư, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, cuộc chơi của thị trường địa ốc sẽ nghiêng về với nhóm những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn. Bởi họ là nhóm được đánh giá là có tiềm lực kinh tế, sẵn sàng chờ đợi. Và nhìn trong khoảng thời gian dài, giá đất luôn tăng nhờ sự phát triển của thị trường địa ốc và lợi thế cộng hưởng từ sự đổi thay của cơ sở hạ tầng xung quanh đó. 

Các chuyên gia cũng thường khuyến nghị, nhất là trong bối cảnh biến động như hiện nay, những nhà đầu tư không nên xuống tiền với cái nhìn ngắn hạn vì rủi ro rất lớn. 

So sánh về lợi nhuận và ưu thế đầu tư, các chuyên gia nghiêng về phía những nhà đầu tư dài hạn vì bài toán kinh doanh của họ luôn đảm bảo nhờ vốn lớn và tiềm năng chắc chắn tăng giá sản phẩm trong khoảng thời gian kéo dài.

Tuy nhiên, trên một góc độ nhìn nhận khác, ông Trần.M (lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội) lại cho rằng, những quan điểm về đầu tư khác nhau sẽ dẫn tới chiến thuật bỏ vốn khác nhau. Thế nên, rất khó so sánh lợi nhuận và ưu thế đầu tư của các nhóm "buôn" bất động sản. 

Bàn về đặc tính của 2 nhóm nhà đầu tư này, ông Trần M. cho hay, những NĐT ngắn hạn có xu hướng thích lướt thị trường. Họ thường ra quyết định nhanh chóng khi xuống tiền nếu nhìn thấy mảnh đất đẹp. Họ cứ đi, khảo sát thị trường rồi ưng mảnh đất nào là chốt. Ở đâu có sốt đất hoặc chuẩn bị có thông tin tốt, họ lại tới. Bởi quan điểm của họ là vào hàng nhanh, thoát kiếm lời tốt. 

Nhưng với NĐT dài hạn, họ lại lựa chọn chiến thuật đầu tư khác. Họ dành thời gian để nghiên cứu tổng quan về nền kinh tế về chu kỳ chuyển động của thị trường bất động sản. "Họ phải hiểu được các chính sách kinh tế sẽ tác động như thế nào đến thị trường bất động sản. Hay như thời điểm như hiện tại, NĐT dài hạn cũng phải phân tích được tác động của việc hoạt động đẩy mạnh đầu tư công, chỉ số lạm phát, nợ xấu ngân hàng… trên cơ sở đó, họ đánh giá dòng tiền  chảy theo hướng nào? Và thị trường bất động sản bước vào giai đoạn nào của chu kỳ".

Cũng theo ông M., khi có đánh giá tổng quan, NĐT lựa chọn sản phẩm đều có sự suy tính, đánh giá kỹ lưỡng. Họ không đơn thuần chỉ thấy mảnh đất đẹp, vuông vắn mà họ còn nhìn vào thị trường khu vực. 

Liên quan đến lợi nhuận của 2 nhóm NĐT này, ông M. cho rằng, những nhà đầu tư ngắn hạn chỉ quan tâm tới công thức, lợi nhuận bằng doanh thu trừ chi phí. Họ bỏ qua chi phí của thời gian tìm hiểu, mối quan hệ. 

Nhưng với NĐT dài hạn, lợi nhuận của họ phải tính bằng doanh thu trừ đi chi phí và các khoản chi phí như công sức tìm hiểu, thời gian chờ đợi, chi phí cơ hội, mối quan hệ. 

"Thực tế, mỗi quan điểm đầu tư có cách tính lợi nhuận khác nhau. Thế nên không thể so sánh lợi nhuận nhiều hay ít đối với 2 nhóm NĐT này", ông M. nói.

Đồng quan điểm đó, ông Nguyễn Hoà (Hà Nội) cho rằng: "Thị trường bất động sản luôn có nhiều "trường phái" đầu tư khác nhau. Ranh giới của NĐT dài hạn và ngắn hạn cũng mỏng manh". 

Lý giải nhận định này, ông Hoà phân tích, mục đích cuối cùng của NĐT là lợi nhuận. Họ chỉ quan tâm tới lời bao nhiêu. Với NĐT chuyên nghiệp, họ thường phân định giỏ hàng thành 2 nhóm, sản phẩm lướt và một số hàng dành cho đầu tư dài hạn. 

Hoặc có thể anh là NĐT dài hạn nhưng lúc xuất hiện cơ hội lợi nhuận chỉ trong 1 -2 tháng, họ sẵn sàng xuống tiền. 

Tuy nhiên, theo ông Hoà, thị trường thực tế đang ghi nhận 2 nhóm NĐT có quan điểm khác nhau. Đó là nhóm NĐT không cần kiến thức về thị trường, chỉ quan tâm tới giá đang lên hay xuống, và có thể chốt lời ngay không. Nhóm thứ 2 đó là NĐT cẩn trọng trong đánh giá các biến số liên quan đến thị trường. 

"Nếu nói về rủi ro, những NĐT có kiến thức am hiểu chắc chắn sẽ thực hiện các phi vụ thành công tốt hơn với nhóm NĐT ưa lướt sóng ngắn", ông Hoà cho hay. 

Việt Khoa

Tin Cùng Chuyên Mục
Cực tăng trưởng của vùng thủ đô hướng đến thành phố trực thuộc Trung ương

Cực tăng trưởng của vùng thủ đô hướng đến thành phố trực thuộc Trung ương

Mục tiêu đến năm 2030 tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc; một trong những cực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội; là thành phố xanh, thông minh, hiện đại, nơi đáng đến và đáng sống....
Tin mới