Kết thúc quý 1/2023, ACB công bố kết quả kinh doanh khả quan với lợi nhuận tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, đạt 5.156 tỷ đồng, dù tín dụng giảm 0,6%. Lãnh đạo nhà băng này tự tin tuyên bố sẽ hoàn thành các kế hoạch đặt ra trong năm 2023 dù nền kinh tế nói chung được dự báo tiếp tục còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nợ xấu của nhà băng này vẫn được giữ ở mức dưới 1% và nằm trong số những ngân hàng có tỷ lệ này thấp nhất toàn hệ thống.

Trong dịp đại hội cổ đông thường niên diễn ra giữa tháng 4/2023, ban lãnh đạo ACB chia sẻ sự tự tin với cổ đông khi không gặp rắc rối nào với cả 3 điểm nóng trên thị trường: tín dụng bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư.

Đầu tháng 6/2023, vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, nhà băng này còn công bố hàng loạt sự đổi mới trong các mô hình kinh doanh và công nghệ với quyết tâm đẩy mạnh tăng trưởng, tạo ra bước ngoặt mới cho ACB. Đây là một động thái lạ và có thể coi là "ngược dòng" với cả bối cảnh hiện tại của thị trường cũng như triết lý vốn trở thành thương hiệu của nhà băng này nhiều năm nay – cẩn trọng.

Sự lựa chọn ‘ngược dòng’ của ACB vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm - Ảnh 1.

Sự lựa chọn ‘ngược dòng’ của ACB vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm - Ảnh 2.

Cách đây khoàng 3 năm, khi thảo luận về định hướng chiến lược, đặc biệt là hoạt động đầu tư, ban lãnh đạo ACB đã cân nhắc việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Sau khi đánh giá thận trọng về hiệu quả cũng như rủi ro, nhà băng này quyết định chưa tham gia. Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho biết: "Chúng tôi đánh giá thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam mới phát triển, rất tiềm năng nhưng thị trường còn rủi ro và cần thêm thời gian để hoàn thiện pháp lý. Vì thế, ngoài việc không tham gia đầu tư, chúng tôi cũng không tham gia môi giới hay giới thiệu".

Sự lựa chọn ‘ngược dòng’ của ACB vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm - Ảnh 3.

ACB cũng là ngân hàng tư nhân thuộc Top 5 duy nhất ở Việt Nam có quan điểm rất thận trọng với tín dụng cho các dự án bất động sản. Dư nợ cho vay các nhà phát triển dự án chiếm chưa đến 1% danh mục cho vay của ACB. Việc chọn lựa cho vay hay liên kết cho vay đối với ngưới mua nhà dự án đều được ACB chọn lựa và quản lý chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi của các nhà phát triển dự án, ngân hàng và người mua nhà nên đến nay chưa phát sinh các trường hợp nợ xấu hay tranh chấp trong quá trình cho vay.

Trong lĩnh vực liên kết bảo hiểm, ACB cũng hết sức cẩn trọng trong việc triển khai mô hình kinh doanh, tách biệt giữa vai trò giới thiệu và tư vấn. ACB hiện có hơn 600 nhân sự tư vấn chuyên nghiệp luôn đảm bảo tính minh bạch, "đúng, đủ" trong tư vấn. ACB cũng chọn lựa kỹ các sản phẩm triển khai cho từng phân khúc khách hàng riêng biệt như hạn chế triển khai sản phẩm nhân thọ liên kết đầu tư với phân khúc đại trà.

Sự lựa chọn ‘ngược dòng’ của ACB vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm - Ảnh 4.

Trở thành một nhà băng đứng ngoài 3 sự kiện lớn của thị trường (trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư), sự lựa chọn riêng của ACB cũng đồng nghĩa với việc hạn chế những cơ hội tăng trưởng nhanh, thu nhập lớn và phải tìm những hướng đi khác. Thế nhưng, với ban lãnh đạo nhà băng này, việc quyết định đi theo kim chỉ nam của 5 giá trị cốt lõi ACB là điều cần thiết.

Ông Từ Tiến Phát, CEO ACB cho biết: "Cẩn trọng và chính trực là 2 trong số 5 giá trị cốt lõi của ACB. Đó là điều mà ban lãnh đạo ngân hàng luôn cân nhắc khi đưa ra các quyết định mang tính chiến lược. Vì thế, chúng tôi chưa làm trái phiếu doanh nghiệp và cũng không giới thiệu cho khách hàng, hạn chế bán bảo hiểm liên kết đầu tư và tín dụng bất động sản. Vào dịp kỷ niệm 30 năm, khi liên hệ với thông điệp ‘Tiếp nối giá trị cho mai sau’, tôi cảm thấy rất tâm đắc vì chính nhờ vẫn đi theo kim chỉ nam của những giá trị cốt lõi mà ACB không gặp khủng hoảng, giữ được sự ổn định và tiềm lực để tiếp tục phát triển".

Vị lãnh đạo tự nhận là "thế hệ thứ 2,5" tại ACB nói thêm: "Những quyết định đi ngược với xu hướng chung trên thị trường mà chúng tôi từng đưa ra đều có dấu ấn rất lớn của việc chuyển giao thế hệ rất đặc biệt ở ACB".

Vị CEO mới nắm quyền được hơn 1 năm tại nhà băng này giải thích: "Dù đã trải qua 30 năm nhưng trong cả hội đồng quản trị, các ủy ban…sự hiện diện của thế hệ tiền bối sáng lập ACB còn đó và vẫn đóng vai trò quan trọng trong một số hoạt động, đặc biệt là quản lý rủi ro. Đây là một giá trị cốt lõi rất quan trọng ở ACB mà rất ít ngân hàng tại Việt Nam có được: cẩn trọng, chính trực giúp đảm bảo tính bền vững và hiệu quả về dài hạn".

Sự lựa chọn ‘ngược dòng’ của ACB vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm - Ảnh 5.

Chia sẻ với chúng tôi về quyết định đẩy mạnh tăng trưởng với mô hình kinh doanh mới vào dịp kỷ niệm 30 năm thành lập mà không ngại tình hình kinh tế khó khăn, ông Từ Tiến Phát cho rằng, nhà băng này không hề "ngược dòng" với triết lý cẩn trọng đã theo đuổi nhiều năm qua. "Chúng tôi nhìn thấy cơ hội thị trường từ việc xây dựng được 3 nền tảng vững chắc về khách hàng, nhân sự cũng như công nghệ trong nhiều năm gần đây", ông Phát nói.

Vị CEO này tiết lộ, nền tảng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp của ACB được xây dựng dựa trên nền tảng của sự cẩn trọng khi lựa chọn và đánh giá, với tỷ lệ nợ xấu luôn ở mức dưới 1%, nằm trong số ít ngân hàng có tỷ lệ này thấp nhất hệ thống. "Đây là nhân tố giúp chúng tôi tự tin hơn khi thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay. Nền tảng khách hàng tốt là yếu tố quan trọng cho mở rộng", ông Phát nhận định.

Sự lựa chọn ‘ngược dòng’ của ACB vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm - Ảnh 6.

ACB lite là chuỗi kiosk ngân hàng ứng dụng công nghệ hướng đến cuộc sống gọn nhẹ

Điểm thứ 2 là nền tảng công nghệ. Nhờ việc đẩy mạnh đầu tư cho hệ thống công nghệ, ACB đã có hệ thống hỗ trợ kinh doanh với công cụ mạnh. Hiện tại, khoảng 20% các khoản vay ở ngân hàng này được phê duyệt tự động hoàn toàn, không có sự can thiệp của con người và 50% quyết định cho vay khác sẽ phụ thuộc vào dữ liệu phân tích và công nghệ nhận dạng rủi ro gian lận.

"Trước đây, con người gần như ra quyết định 100% và kinh nghiệm là nhân tố quan trọng nhất. Còn bây giờ, dữ liệu phân tích và công nghệ với các mô hình đánh giá sẽ đóng vai trò quan trọng, giúp đẩy nhanh tốc độ xử lý mà vẫn đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, các mô hình dự đoán, mô hình quản trị rủi ro nhờ công nghệ đã thay đổi giúp cho ACB kiểm soát rủi ro tốt hơn. Kết hợp với triết lý cẩn trọng, chúng tôi luôn kiểm soát được nợ xấu ở mức thấp", ông Phát chia sẻ.

Sự lựa chọn ‘ngược dòng’ của ACB vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm - Ảnh 7.

Giao diện mới website của ACB với công nghệ AI

Thực tế, nhờ đầu tư cho công nghệ mà sau 10 năm, quy mô tín dụng của ACB tăng hơn 4 lần, nhưng nhân sự tại ACB chỉ tăng 30%, còn lợi nhuận của nhà băng này tăng 17 lần. Trong 3 năm gần đây, tín dụng của nhà băng này tăng khoảng 50% nhưng nhân sự gần như không tăng.

Điểm thứ 3 cũng là điều ACB thường tự hào nhất: nền tảng về con người. Trong 3 năm gần đây, ngoài việc quy hoạch rất kỹ nhân sự lãnh đạo kế cận ở các cấp với sự hỗ trợ của công nghệ và dữ liệu, nhà băng này còn rất tích cực cầu hiền – đặc biệt là trong 2 năm 2021-2022. ACB đã mời thành công một số nhân sự cấp cao tài năng về công nghệ và dịch vụ tài chính từ các tập đoàn lớn, ngân hàng nước ngoài, trong nước… để bổ sung cho bộ khung lãnh đạo mới.

Sự lựa chọn ‘ngược dòng’ của ACB vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm - Ảnh 8.

"Chúng tôi đang có một thế hệ lãnh đạo trẻ trung, tràn đầy năng lượng nhưng vẫn có sự tiếp nối với thế hệ lãnh đạo đi trước, để luôn có sự kết hợp giữa sức trẻ và kinh nghiệm trong đội ngũ. Điều này đảm bảo cho nhân sự ACB luôn phát triển, nâng cấp nhưng vẫn đảm bảo sự hài hoà", ông Từ Tiến Phát khẳng định.

Trong buổi trò chuyện với chúng tôi, ông Phát cười rất tươi khi được hỏi về việc nhậm chức CEO vào đúng thời điểm thị trường khó khăn. "Tôi thấy mình may mắn vì được điều hành một ngân hàng có 3 nền tảng vững chắc như vậy nên có được sự tự tin. Khi có được những nền tảng vững chắc, ACB nhìn thấy cơ hội phát triển tốt hơn. Sau nữa, do không phải giải quyết những thứ đau đầu trên thị trường nên chúng tôi có nhiều thời gian và công sức hơn để khai thác các cơ hội cho phát triển".

"Hiện tại, ACB đã nhìn rõ đường đi của mình. Cùng với 3 nền tảng cũng như điều kiện thuận lợi hội tụ nữa thì thời điểm 30 năm thành lập là một dấu mốc quan trọng để ACB bứt phá", ông Phát tự tin.

Sự lựa chọn ‘ngược dòng’ của ACB vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm - Ảnh 9.

Sự lựa chọn ‘ngược dòng’ của ACB vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm - Ảnh 10.

Trong dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, ACB cũng chính thức công bố định hướng là một ngân hàng ESG, viết tắt của Environmental – Social – Governance (Môi trường – Xã hội – Quản trị): bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. Hiện nay, ACB là nhà băng trong nước đầu tiên thực hiện bộ tiêu chuẩn ESG, đưa nhà băng này thành người tiên phong trong hệ thống ngân hàng thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam.

Chia sẻ thêm về chiến lược ESG, ông Trần Hùng Huy – Chủ tịch HĐQT ACB nói: "Tại ACB, chúng tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng, mỗi sản phẩm, dịch vụ hoặc sáng kiến mà chúng tôi tạo ra ngày hôm nay sẽ để lại một giá trị nhất định và là nền tảng phát triển cho mai sau".

Trên thực tế, không chỉ vài năm gần đây ESG mới được ACB quan tâm. Kể từ khi thành lập, nhà băng này luôn không ngừng đầu tư và nâng cấp bộ tiêu chuẩn liên quan đến G (tiêu chuẩn về quản trị) và S (tiêu chuẩn về xã hội); điều này được minh chứng qua sự thừa nhận của các cơ quan quản lý, sự hài lòng của nhân viên, cũng như quá trình tăng trưởng và phát triển bền vững của ACB qua thời gian. Tuy nhiên, nhân tố E (tiêu chuẩn về môi trường) chỉ mới xuất hiện khoảng hơn 10 năm trở lại đây kể từ khi ông Trần Hùng Huy trở thành Chủ tịch HĐQT.

Sự lựa chọn ‘ngược dòng’ của ACB vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm - Ảnh 11.

Ban đầu, ý tưởng về bảo vệ môi trường của vị chủ tịch trẻ tuổi không được nhiều người trong ACB ủng hộ bởi nó… phiền, có vẻ không cần thiết và không mang lại lợi ích gì. Thế nhưng, sự chân thành, kiên trì của ông Huy đã dần tạo nên thay đổi. Chỉ trong năm 2022, ACB tiết kiệm được hơn 200 tấn giấy, 32 tấn nhựa được giảm, hơn 300 tấn CO2 đã giảm nhờ tiết kiệm điện và giấy, khoảng 182 tấn CO2 tương đương cũng đã được ACB đền bù thông qua sử dụng thảm tái chế và các chương trình Gần lại O (Theo báo cáo phát triển bền vững của ACB).

Theo 1 kết quả khảo sát nội bộ ACB gần đây, hơn 93% nhân viên cam kết thực hiện ESG cùng ngân hàng so với con số chỉ 5% quan tâm tới môi trường 10 năm về trước. Tất cả cho thấy sự thay đổi về tư duy bảo vệ môi trường tại ACB đã được hình thành bền vững, thực chất và không theo kiểu phong trào nhất thời.

Tại Việt Nam, ACB là ngân hàng nội địa đầu tiên theo đuổi ESG một cách bài bản và có báo cáo phát triển bền vững với những chỉ tiêu được đánh giá cụ thể hằng năm. Tuy nhiên, tham vọng của Ban lãnh đạo ACB không dừng lại ở việc thực hiện ESG trong nội bộ ngân hàng.

"Trong 10 năm qua, chúng tôi đã lan tỏa được tư tưởng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường tới toàn bộ nhân viên của ACB. Bây giờ, vào dịp kỷ niệm 30 năm, chúng tôi đặt cho mình tham vọng tiếp tục phát triển và lan tỏa điều đó tới hệ sinh thái của ACB tới hàng triệu khách hàng cá nhân và hàng trăm nghìn khách hàng doanh nghiệp và cộng đồng. Để làm được điều này có thể mất thêm 10 – 20 hoặc 30 năm nữa, nhưng sẽ là một món quà rất ý nghĩa mà ACB để lại cho mai sau", ông Trần Hùng Huy cho biết.

Sự lựa chọn ‘ngược dòng’ của ACB vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm - Ảnh 12.

Người đứng đầu ACB tiết lộ thêm, nhà băng này đang tích cực làm việc với các tổ chức quốc tế hàng đầu để dùng lợi thế là một kênh huy động vốn vững chắc nhất của thị trường, dẫn dắt những nguồn vốn xanh, giá rẻ trên thế giới về Việt Nam để tài trợ cho những dự án xanh, những chương trình xã hội bền vững, hoặc quan trọng hơn: giúp những doanh nghiệp chưa xanh trở nên xanh hơn.  Và trong hành trình này, ACB mong sự tiên phong của mình sẽ tạo được cảm hứng và sự cộng hưởng của cả cộng đồng ngân hàng, góp phần để mục tiêu Net Zero Việt Nam cam kết tại COP 26 sớm trở thành hiện thực.

Hằng Kim - Hoàng Ly
Hương Xuân