Sự thật bất ngờ về nguồn gốc vaccine đầu tiên của loài người: Đây là cách những con bò trở thành cứu cánh cho cả nhân loại trước đại dịch kinh hoàng

(Tổ Quốc) - Cả thế giới đang chạy đua cho những liều vaccine phòng Covid-19 với hàng loạt công nghệ tối tân nhất được đưa vào áp dụng. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng thứ vaccine đầu tiên không phải do loài người tạo ra mà được thiên nhiên ban tặng trên cơ thể những con bò.

"Món quà" trong lúc tuyệt vọng

Loại vaccine đầu tiên mà con người tìm ra được dùng chữa trị bệnh đậu mùa, vốn reo rắc nỗi kinh hoàng trong suốt nhiều thiên niên kỷ. Thậm chí, các nhà khoa học còn phát hiện ra dấu vết của bệnh đậu mùa trên xác ướp một vị pharaon Ai Cập khoảng 10.000 năm tuổi. Vào thế kỷ 18, căn bệnh này bùng phát mạnh ở châu Âu và reo rắc cái chết khủng khiếp kéo dài suốt nhiều thập kỷ.

Thời điểm đó, mắc bệnh đậu mùa gần như là ký giao kèo với tử thần. Tỷ lệ tử vong trên trẻ em mắc bệnh rất cao. Người ta không thể biết nguyên nhân của bệnh mà chỉ biết rằng nó lây lan rất nhanh từ người này sang người khác. Tuy nhiên, con người cũng đã phát hiện ra một loại vaccine trời ban giúp chống lại căn bệnh này.

Năm 1796, bác sĩ người Anh Edward Jenner đã chứng minh rằng virus đậu mùa không thể xâm nhập vào cơ thể một người nếu trước đó họ lâu bệnh đậu mùa trên bò (đậu bò). Thử nghiệm gây tranh cãi của Jenner được tiến hành trên một đứa trẻ đã chứng minh được điều đó. Nghiên cứu này sau đó nhanh chóng được công nhận.

Sự thật bất ngờ về nguồn gốc vaccine đầu tiên của loài người: Đây là cách những con bò trở thành cứu cánh cho cả nhân loại trước đại dịch kinh hoàng - Ảnh 1.

Bác sĩ Edward Jenner.

Thử nghiệm của bác sĩ Jenner diễn ra sau khi người ta phát hiện một ngôi làng không hề có ai mắc bệnh đậu mùa. Ở ngôi làng này, có những con bò bị mắc bệnh đậu bò. Căn bệnh này có thể lây sang người nhưng may mắn, nó không gây ra những tổn thương nghiêm trọng. Nhờ vậy, tử thần đã tránh xa nơi đây trên hành trình càn quét khắp châu Âu.

Khi đó, kháng thể hay miễn dịch có lẽ là thuật ngữ quá xa lạ với mọi người, bao gồm cả giới y khoa. Chính vì vậy, người ta gọi phương pháp chữa trị này theo cách gần gũi nhất mà mọi người có thể nhớ đó là vaccine. Theo tiếng Latin, vaccine có nghĩa là con bò. Dịch mù từ vết loét trên người những con bò đã cứu sống rất nhiều người mắc bệnh.

Jenner coi phát hiện của ông là vì lợi ích toàn cầu và tìm mọi cách để vaccine được cung cấp miễn phí trên toàn thế giới thay vì thu tiền bản quyền. Trong khi bệnh đậu bò hiếm khi xảy ra ở Anh, người ta đã phải nghĩ ra cách "tiêm chủng" để đưa virus vào cơ thể. Sau đó, các bác sĩ sử dụng chính mầm bệnh đó truyền cho những đứa trẻ khác hoặc làm khô để sử dụng trong tương lai hoặc chuyển tới những nơi khác.

Sự phổ biến của vaccine và cơ hội giúp con người chống lại những đại dịch

Sau năm 1800, loại vaccine này được gửi đi khắp thế giới, trong đó có Ấn Độ. Tuy nhiên, điểm yếu của chúng là thời hạn sử dụng ngắn, đặc biệt là trong các vùng khí hậu nóng. Sau đó, người ta cải tiến bao bì để giúp chúng có thể bảo quản lâu hơn trong quá trình vận chuyển xuyên lục địa.

Ngoài ra, ở nhiều nơi, người ta cũng sử dụng "vaccine sống". Theo đó, họ sử dụng những đứa trẻ được tiêm vaccine để lấy mầm bệnh và truyền sang những đứa trẻ khác. Tại Ấn Độ, tất cả vaccine đậu mùa được dùng trong khoảng 20 năm đều có nguồn gốc từ một cô gái ở Bombay. Tuy nhiên, để duy trì nguồn cung vaccine, người ta thường phải lôi kéo các bậc cha mẹ nghèo để họ đồng ý cho con cái tham gia tiến trình này.

Sự thật bất ngờ về nguồn gốc vaccine đầu tiên của loài người: Đây là cách những con bò trở thành cứu cánh cho cả nhân loại trước đại dịch kinh hoàng - Ảnh 2.

Tuy nhiên, nguồn gốc của loại vaccine đầu tiên trên thế giới trở nên phai nhạt dần theo thời gian, đặc biệt là sau khi Louis Pasteur phát triển các kỹ thuật trong phòng thí nghiệm để tạo ra vaccine vào thế kỷ 19 (năm 1885). Đến năm 1939, Allan Watt Downie chứng minh rằng vaccine đậu mùa hiện đại khác biệt nhiều so với phương thức chữa trị của 2 thế kỷ trước đó.

Trong buổi bình minh của vi khuẩn học, các chuyên gia đã phát triển rất nhiều loại thuốc chống độc tố và vaccine chống lại các bệnh khác như bạch hầu, uốn ván, bệnh than, bệnh tả, bệnh dịch hạch, bệnh thương hàn, bệnh lao… trong suốt những năm 1930.

Đến giữa thế kỷ 20 là thời kỳ cực thịnh cho nghiên cứu và phát triển vaccine. Các phương pháp nuôi cấy virus trong phòng thí nghiệm đã dẫn đến những khám phá và đổi mới nhanh chóng, bao gồm tạo ra các loại vaccine khác trong đó có vaccine phòng bệnh bại liệt. Sở, quai bị và rubella cũng đã có thuốc ngừa, giảm rất nhiều gánh nặng bệnh tật.

Những tiến bộ vượt bậc về công nghệ vaccine đã giúp con người có nhiều cơ hội hơn chống lại bệnh đậu mùa. Tới những năm 1980, nó trở thành căn bệnh đầu tiên trong lịch sử bị con người xóa sổ. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà vaccine đậu mùa không còn được sản xuất. Thay vào đó, chúng vẫn được các quốc gia lưu trữ phòng nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát, có thể do khủng bố.

Đầu năm 2003, Chính phủ Mỹ đã tiến hành chương trình tiêm chủng cho 500.000 chuyên gia chăm sóc sức khỏe tình nguyện trên khắp đất nước. Đây chính là lực lượng đầu tiên sẽ phản ứng trong trường hợp nước Mỹ bị tấn công khủng bố sinh học bằng virus đậu mùa, vốn đã "tuyệt chủng" ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, cuối cùng chỉ có hơn 40.000 người tiêm chủng.

Bên cạnh những công nghệ của quá khứ, sản xuất vaccine hiện nay đang được áp dụng rất nhiều công nghệ mới, trong đó có công nghệ DNA tái tổ hợp. Ngoài ra, vaccine cũng không còn được dùng để đặc trị các bệnh truyền nhiễm. Công nghệ mới mở ra tiềm năng chữa trị các bệnh khác, bao gồm cả ung thư hay dị ứng di truyền….

Đại dịch Covid-19 đã cho thấy con người tiến xa như thế nào trong việc phát triển vaccine phòng dịch. Chỉ trong vòng vài tháng, nhiều công ty đã cho ra đời vaccine chống Covid-19. Chúng vượt qua các thử nghiệm và được sản xuất hàng loạt nhằm ngăn chặn đại dịch tồi tệ này. Tuy nhiên, năng lực sản xuất vaccine hiện tại vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu tiêm phòng của hơn 7 tỷ người trên toàn cầu.

Ngoài ra, tình trạng phân phối không đều vắc xin giữa những nước giàu và những nước nghèo cũng đang khiến tốc độ tiêm chủng bị kéo lùi. Trong khi một số quốc gia tính tới việc tiêm liều vắc xin tăng cường, các nước khác lại có tỷ lệ tiêm chủng chỉ 1 con số. Thậm chí, ở châu Phi, tỷ lệ này còn thấp hơn nữa.

Linh Anh

Tin mới