Tận dụng lợi thế có 3 mặt giáp biển, địa phương này phát triển kinh tế biển ra sao?

(Tổ Quốc) - Tỉnh duy nhất có 3 mặt giáp biển, hiện dẫn đầu cả nước về nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản trong nhiều năm.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Cà Mau, Cà Mau là tỉnh ven biển duy nhất của Việt Nam có 3 mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển 254 km. Vùng biển Cà Mau rộng trên 71.000 km2, tiếp giáp với vùng biển của các nước: Thái Lan, Malaysia, Indonesia.

Biển Cà Mau có vị trí nằm ở trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á nên có nhiều thuận lợi giao lưu, hợp tác kinh tế bằng đường biển với các nước trong khu vực. Cùng với đó, tỉnh cũng có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế biển, khai thác dầu khí và tài nguyên khác trong lòng biển.

Nhận thức được vị trí, tiềm năng, lợi thế của mình, thời gian qua tỉnh Cà Mau luôn chú ý quy hoạch, đầu tư phục vụ khai thác các tiềm năng, lợi thế. Cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá, các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá từng bước được đầu tư; hạ tầng phục vụ du lịch đã có bước cải thiện đáng kể, dịch vụ du lịchk hu vực ven biển đang được tập trung đầu tư phát triển, một số khu du lịch ven biển đã được hình thành và đi vào hoạt động.

Cổng thông tin điện tử tỉnh Cà Mau cho biết, thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Cùng với đó, Cà Mau hiện dẫn đầu cả nước về nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản trong nhiều năm.

Tổng sản lượng thủy sản năm 2021 ước đạt 613.700 tấn, đạt 99% so kế hoạch, tăng 3,6% so cùng kỳ. Trong đó, có 218.400 tấn tôm, đạt 97,1% so kế hoạch, tăng 4% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt 1,028 tỷ USD. Trong năm 2021, Cà Mau là tỉnh duy nhất cả nước có kim ngạch xuất khẩu thủy sản vượt 1 tỷ USD.

Tận dụng lợi thế có 3 mặt giáp biển, địa phương này phát triển kinh tế biển ra sao? - Ảnh 1.

5 địa phương có kim ngạch xuất khẩu thủy sản lớn nhất năm 2021.

Thời gian qua, dù chưa hết quý 3/2022, kim ngạch thủy sản của tỉnh Cà Mau đã đạt gần 800 triệu USD. UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh có nhiều triển vọng 3 năm liên tiếp xuất khẩu thủy sản đạt trên 1 tỷ USD.

Bên cạnh tiềm năng về nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản, Cà Mau còn có tiềm năng về phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo nhờ lợi thế về khí hậu và đường bờ biển dài.

Cụ thể, Cà Mau hiện có 16 dự án điện gió trong quy hoạch được phê duyệt với tổng công suất 1.000 MW, đã đầu tư hoàn thành 3 dự án đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất 100 MW, đồng thời tỉnh đã đề xuất bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 24 dự án điện gó với tổng công suất 12.000 MW.

Theo kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Cà Mau phấn đấu đến năm 2030, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân tăng 7%/năm.

Trong đó, các ngành kinh tế biển, thuần biển đóng góp khoảng 40 - 45% tổng thu ngân sách của tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người giai đoạn 2026 - 2030 đạt khoảng 4.500 - 4.700 USD. Phấn đấu tổng sản lượng thủy sản đến năm 2030 đạt trên 7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 7 tỷ USD.

Minh Tiến

Tin mới