Tháng 5, Quốc hội sẽ xem xét chủ trương đầu tư đường các "siêu dự án" đường vành đai 3 TP HCM, vành đai 4 vùng Thủ đô

(Tổ Quốc) - Dự kiến, tại kỳ họp thứ 3 vào ngày 23/5 tới, Quốc hội sẽ xem xét chủ trương đầu tư đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và vành đai 3 TP HCM.

Vào ngày 19/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3 của Quốc hội. Theo Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, tại kỳ họp, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án gồm vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, vành đai 3 TP.HCM, đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Đối với hồ sơ tài liệu của 5 dự án đã được Chính phủ gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi các cơ quan của Quốc hội thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, nếu đủ điều kiện sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.

Đáng chú ý, có 2 dự án quan trọng quốc gia là đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và vành đai 3 TP HCM đã được Bộ Chính trị cho ý kiến. Dự kiến chương trình đã bố trí 2 nội dung này để Quốc hội xem xét.

Trong đó, dự án vành đai 3 TP HCM được đầu tư theo hình thức đầu tư công, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, trong đó có hơn 41.500 tỷ đồng chi cho giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư và gần 26.000 tỷ đồng cho cho xây dựng và thiết bị.

Đối với đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 94.127 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn của dự án bao gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn của nhà đầu tư và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Thời gian thực hiện dự kiến giai đoạn 2021-2028.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (cơ quan chủ trì thẩm tra) Vũ Hồng Thanh cho biết, còn rất nhiều quan ngại về 3 dự án còn lại là Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Ông Thanh lý giải, vì ba dự án này đều chuyển từ phương thức đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công, mà vốn đầu tư công thì chưa phân bổ cho các dự án này. Mặt khác, các dự án trên chưa đáp ứng được điều kiện để bố trí vốn theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

"Chúng tôi rất e ngại là đưa ra Quốc hội thì đại biểu các địa phương khác có ủng hộ hay không, vì nhiều nơi có dự án đã chuẩn bị đầu tư xong mà vẫn không được bố trí vốn theo tinh thần Nghị quyết 43, trong khi đó việc điều hoà vốn theo Nghị quyết 43 còn đang lúng túng", ông Thanh phát biểu.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nhấn mạnh, các dự án này đều dùng cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 43, nhưng phạm vi Nghị quyết này chỉ khuôn lại trong hai năm 2022-2023, mà các dự án này kéo dài đến tận giai đoạn 2025-2026, nên đề nghị cần cân nhắc xem xét kỹ càng.

Bày tỏ nhất trí với Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường phân tích, 3 dự án nêu trên được Chính phủ trình trên cơ sở đề xuất của Bộ Giao thông - Vận tải, vốn cho mỗi dự án đều rất lớn mà nguồn thì đều dựa vào Nghị quyết 43, vào vốn đầu tư công còn lại, vào số tăng thu ngân sách.

Hơn nữa, theo Chủ nhiệm Cường, chủ trương dùng PPP dẫn dắt đầu tư công đã được nêu rõ, mà 2 trong ba dự án đã có nhà đầu tư theo hình thức PPP. Mặt khác, đây đều là các dự án có thể thu hồi vốn tốt thì sao lại chuyển hết sang đầu tư công. "Nên tiếp tục làm theo PPP, giảm áp lực cho ngân sách", ông Cường nêu quan điểm.

Về vấn đề này, cho rằng khó có thể cân đối được vốn cho cả 5 dự án, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đồng tình trình Quốc hội 2 dự án đã đủ điều kiện.

Kỳ họp thứ 3 dự kiến khai mạc vào ngày 23/5, kéo dài 20 ngày

Về chương trình, theo Tổng thư ký Bùi Văn Cường, với dự kiến tổng thời gian làm việc 20 ngày, Quốc hội sẽ họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 23/5, dự kiến bế mạc vào 17/6.

Cũng theo ông Cường, báo cáo Chính phủ đề nghị bổ sung 3 dự án Luật đường bộ; Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở.

Tổng thư ký Quốc hội đã thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về 3 dự án luật này; khẩn trương chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng 3 luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung các dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Với đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công an nhân dân, tổng thư ký Quốc hội nêu rõ đã thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc quyết định chưa xem xét việc bổ sung dự án luật này vào chương trình năm 2022 để Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao và cơ bản đồng tình với Tờ trình và dự kiến nội dung chương trình kỳ họp. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, không bổ sung thêm các nội dung khác vì không còn đủ thời gian để chuẩn bị.

Giang Anh

Tin mới