• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thanh Hóa: Lao động phổ thông nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp chiếm tỷ lệ cao

Pháp luật 30/11/2021 09:00

(Tổ Quốc) - Ông Nguyễn Xuân Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa cho biết, từ đầu năm đến ngày 12/11, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận hơn 18.000 hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động. Trong tổng số người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp thì nhóm lao động phổ thông (không có bằng cấp, chứng chỉ nghề chuyên môn) chiếm tỷ trọng cao nhất (65,27%).

Sau hơn 11 năm thực hiện, chính sách Bảo hiểm thất nghiệp ở nước ta đã thực hiện tốt vai trò là "điểm tựa" an sinh cho người lao động khi mất việc làm. Bảo hiểm thất nghiệp đã chứng minh hiệu quả trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khi thời gian qua, đã hỗ trợ nhiều lao động mất việc làm, giúp người lao động có khả năng cũng như cơ hội quay lại thị trường lao động nhanh hơn nhờ tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề miễn phí. 

Thanh Hóa: Hàng nghìn lao động mất việc làm được nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp  - Ảnh 1.

Người lao động đến giao dịch tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa - Ảnh: Việt Hùng

Báo Điện tử Tổ Quốc đã phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa:

-Xin ông cho biết về công tác thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa từ đầu năm 2021 đến nay?

+Trung tâm đã thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động đến đăng ký nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng luật định, đồng thời bám sát theo các văn bản hướng dẫn để thực hiện chế độ cho người lao động đúng, đủ, kịp thời. 

Từ đầu năm đến ngày 12/11, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận hơn 18.000 hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động. Trong số này, Trung tâm đã đánh giá, phân loại và giải quyết cho hầu hết hết các hồ sơ. Trong tổng số người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp thì nhóm lao động phổ thông (không có bằng cấp, chứng chỉ nghề chuyên môn) chiếm tỷ trọng cao nhất (65,27%). Số lao động trên chủ yếu thuộc lĩnh vực giầy da, may mặc, kỹ thuật viên điện tử, thợ lắp ráp... và một số lao động có tay nghề cao của một số nhà máy từ các địa phương trở về. 

Thanh Hóa có khoảng trên 300.000 người lưu trú ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, phần lớn là lao động trẻ tập trung ở nhóm tuổi 15 - 35, chiếm 65%. Người lao động chủ yếu làm việc trong nhà máy, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao với các lĩnh vực như điện tử, may mặc, giày da hoặc hành nghề tự do. Thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên số lao động trở về Thanh Hóa và có nhu cầu việc làm tại quê nhà lên đến hàng chục nghìn người.

Trên cơ sở thu thập thông tin việc làm trống trong thời gian qua, Trung tâm đã và đang tư vấn, hỗ trợ cho người lao động trên địa bàn tỉnh nói chung và lao động từ các tỉnh phía Nam đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trở về Thanh Hóa tìm kiếm việc làm mới. Bằng nhiều hình thức, trung tâm tư vấn, kết nối người lao động với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trên cơ sở việc làm, phù hợp với trình độ, kinh nghiệm và nguyện vọng của người lao động trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay.

-Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa đã thực hiện phòng chống dịch Covid-19 như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?

+Để hỗ trợ người lao động trong mùa dịch, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hoá đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhằm đảm bảo an toàn cho cán bộ, tổ chức, cá nhân đến giao dịch.

Trung tâm Dịch vụ việc làm cũng đã linh hoạt các phương án bằng cách tiếp nhận hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường bưu điện. Trong trường hợp hồ sơ của người lao động chưa đầy đủ theo quy định, Trung tâm đều liên lạc để tạo điều kiện cho người lao động tiếp tục bổ sung để người lao động nhanh chóng được hưởng trợ cấp thất nghiệp. 

Đối với những trường hợp người lao động trực tiếp đến Trung tâm Dịch vụ việc làm để nộp hồ sơ sẽ được hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống sự lây lan của dịch bệnh như đo thân nhiệt, đeo khẩu trang kháng khuẩn, khai báo y tế, thực hiện giãn cách... 

Đối với hệ thống liên thông 1 cửa thì chúng tôi có làm vách ngăn để người lao động và cán bộ thực hiện đều cảm thấy yên tâm...

Thanh Hóa: Lao động phổ thông nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp chiếm tỷ lệ cao
 - Ảnh 2.

Ảnh: Nam Nguyễn

-Xin ông cho biết kế hoạch thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian tới nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người lao động?  

+ Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hoá sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ nhằm đảm bảo an toàn cho cán bộ, tổ chức, cá nhân đến giao dịch. Hiện tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện tiêm phủ vaccine cho người dân nên thời gian tới Trung tâm Dịch vụ việc làm sẽ thực hiện tiếp nhận hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trực tiếp tại đơn vị và thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch. Ngoài địa điểm chính, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh còn bố trí 6 điểm văn phòng đại diện tại các huyện trong tỉnh để tiếp nhận đăng ký và nhận hồ sơ giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. 

Ngoài ra, đối với tư vấn, giới thiệu việc làm, chúng tôi sử dụng hội trường 600 chỗ người để tư vấn lần lượt từng nhóm người lao động với số lượng 50 người/nhóm; tổ chức các hội nghị, phiên giao dịch việc làm online; phối hợp với UBND và phòng LĐTBXH các huyện để tổ chức các hội nghị tư vấn giúp người lao động sớm trở lại thị trường lao động.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu thập thông tin về thị trường lao động để nắm bắt, cập nhật tình hình biến động lao động, khai thác vị trí việc làm trống để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và cung cấp thông tin về thị trường lao động cho người sử dụng lao động, góp phần điều tiết thị trường lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

-Xin cảm ơn ông!

Hà Giang - Việt Hùng

NỔI BẬT TRANG CHỦ