• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thành lập ngân hàng mô: Rộng cửa cho khu vực kinh tế tư nhân

Sức khỏe 10/08/2016 21:27

(Tổ Quốc) - Sau gần 10 năm Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người được thông qua và có hiệu lực (1/7/2007), vấn đề có hay không việc cho phép tư nhân thành lập ngân hàng mô vẫn là chủ đề gây tranh cãi trên nghị trường Quốc hội khi thảo luận về nội dung hết sức nhạy cảm này.

Tinh thần xã hội hóa công tác y tế, cho phép tư nhân được thành lập ngân hàng mô đã được hiện thực hoá tại Nghị định 118/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 56/2008/NĐ-CP ngày 29-4-2008 về tổ chức hoạt động của ngân hàng mô, có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 9 năm 2016.

Hình ảnh Ca ghép đa tạng ngày 27/7/2016 từ người cho chết não đã hồi sinh sự sống cho 4 người khác (Ảnh: laodong.com.vn)

Cụ thể tại Nghị định mới này nêu rõ, ngân hàng mô được cấp giấy phép hoạt động khi đáp ứng một số điều kiện như: có quyết định thành lập ngân hàng mô; hoặc ngân hàng mô có tên trong văn bản của cơ quan có thẩm quyền quy định cơ cấu tổ chức của cơ sở y tế đối với ngân hàng mô của nhà nước; giấy chứng nhận doanh nghiệp đối với ngân hàng mô tư nhân.

Để được cấp giấy phép hoạt động ngân hàng mô, cơ sở tư nhân phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị y tế… Chẳng hạn, đơn vị có buồng kỹ thuật, phòng thí nghiệm diện tích tối thiểu 12 m2; người quản lý chuyên môn phải đủ điều kiện theo quy định; tối thiểu một bác sĩ hoặc cử nhân xét nghiệm, 2 kỹ thuật viên y hoặc điều dưỡng và đều có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh… và những điều, khoản khác về lĩnh vực kiến thức chuyên môn và các vấn đề liên quan được nêu cụ thể trong toàn văn Nghị định.

Nghị định cũng quy định điều kiện riêng để cấp giấy phép hoạt động đối với ngân hàng giác mạc (ngân hàng mô chỉ hoạt động về giác mạc).

Cụ thể, về cơ sở vật chất, ngoài điều kiện như đối với cơ sở vật chất ngân hàng mô nêu trên, thì ngân hàng giác mạc phải có đủ trang thiết bị quy định; người lấy giác mạc phải có trình độ từ trung cấp trở lên, được đào tạo về lấy và bảo quản, vận chuyển giác mạc.

Theo Nghị định mới, nếu ngân hàng mô đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định của Nghị định cũ (Số 56/2008/NĐ-CP ngày 29-4-2008 của Chính phủ) quy định về tổ chức, hoạt động của ngân hàng mô và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người thì được tiếp tục hoạt động đến hết ngày 30-6-2017. Từ 1-7-2017, ngân hàng mô phải được cấp giấy phép hoạt động theo các điều kiện, thủ tục quy định tại nghị định này.

Hiện nay, nhu cầu được hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người tại Việt Nam là rất lớn và ngày càng gia tăng. Có thể nói việc cho phép tư nhân thành lập ngân hàng mô là bước tiến đáng kể, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của việc chữa bệnh cứu người, giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Song, đây là lĩnh vực hoàn toàn mới cả với nhiều quốc gia khác trên thế giới, và chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý, nên các cơ quan Chính phủ sẽ hướng dẫn lộ trình, có bước đi phù hợp và quy định chặt chẽ khi thi hành.

Linh Thùy (tổng hợp)

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ