• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Thời sự 08/04/2019 12:30

(Tổ Quốc) - Ngày 7/4, tại Cung Văn hóa tỉnh, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Lễ công bố và đón nhận Quyết định số 269/QĐ-TTg ngày 8/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018.

Thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao bằng công nhận Thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2018

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia đã tới dự và trao Quyết định cho lãnh đạo thành phố Hòa Bình.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình biểu dương đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hòa Bình trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới có những cách làm sáng tạo, khơi dậy sức dân để về đích trước 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hòa Bình lần thứ 22, nhiệm kỳ 2015-2020, tạo động lực phát triển toàn diện kinh tế- xã hội.

UBND tỉnh yêu cầu các xã sau khi đạt chuẩn nông thôn mới sẽ tiến hành xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, có sản phẩm hàng hóa chủ lực có sức cạnh tranh cao. Đồng chí Quách Tùng Dương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hòa Bình cho biết: Bằng sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, phát huy nội lực thành phố, sau 8 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn bộ 7/7 xã thuộc thành phố gồm Dân Chủ, Thống Nhất, Sủ Ngòi, Hòa Bình, Yên Mông, Thái Thịnh, Trung Minh được UBND tỉnh công nhận đạt danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có xã Thái Thịnh thuộc vùng hồ Hòa Bình đặc biệt khó khăn về cơ sở hạ tầng và không có đồng ruộng.

Để đạt kết quả này, thành phố đã tập trung thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ khâu quy hoạch, thực hiện quy hoạch, huy động nguồn lực, đến thực hiện các tiêu chí, ưu tiên đầu tư cho các xã khó khăn, đặc biệt tập trung đầu tư xây dựng các công trình điện, đường, trường, trạm.

Tổng nguồn vốn huy động đầu tư cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố trong 8 năm thực hiện trên 800 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Trung ương 66 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh 95 tỷ đồng; vốn ngân sách thành phố 215 tỷ đồng; từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế khác 70 tỷ đồng; vốn huy động nhân dân gần 95 tỷ đồng với 51 tỷ tiền mặt, gần 20 tỷ đồng quy đổi từ ngày công lao động và trên 23 tỷ đồng quy đổi từ nhân dân hiến đất, vật liệu…Nhờ đó, đến nay, hệ thống giao thông tại 7/7 xã trên địa bàn thành phố được bê tông hóa; 100% xã có hạ tầng, hệ thống thủy lợi, điện, nhà ở dân cư đạt tiêu chuẩn; 7/7 xã có nhà văn hóa và khu thể thaao xã, 58/58 xóm có nhà văn hóa, khu thể thao đảm bảo theo quy định.

Bài học kinh nghiệm rút ra là thành phố Hòa Bình chủ động lồng ghép các chương trình, dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng trên cùng một địa bàn; coi trọng việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt đối với các thiết chế văn hóa. Trong phát triển sản xuất, thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển vùng sản xuất rau tập trung, phát triển nuôi trồng thủy sản.

Thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chụp ảnh cùng lãnh đạo tỉnh Hòa Bình

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thành phố Hòa Bình chuyển đổi mạnh cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, dần hình thành các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm. Các xã đã lập các dự án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân dựa trên tiềm năng và lợi thế của mỗi địa phương, dần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tạo ra sản phẩm lợi thế, đặc sản vùng như dự án chăn nuôi bò, dự án phát triển sản xuất rau màu, trồng nấm Linh Chi, trồng ổi, nhãn, nuôi cá lồng vùng lòng hồ…

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có trên 100 mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế, quy hoạch 120 ha lúa chất lượng cao, trên 1000 lồng cá, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm 150.000 con… Nhờ đó, đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn thành phố đạt 57 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,31%, 91 % lao động khu vực nông thôn có việc làm và thu nhập ổn định. Thành phố không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã trao Bằng khen của UBND tỉnh cho 10 tập thể và 20 cá nhân của thành phố Hòa Bình đạt thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới

Trước đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đến kiểm tra và dự lễ hợp long công trình cầu Hòa Bình 3. Đây là dự án trọng điểm của thành phố Hòa Bình được khởi công vào năm 2016 với tổng mức đầu tư gần 435 tỷ đồng. Cầu Hòa Bình 3 sẽ giúp giảm tải lực cho cầu Hòa Bình 1 đang được cho quá tải trong thời gian gần đây./.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ