Thế giới ấn tượng nhiều sự kiện đa phương tầm vóc
Năm 2018, Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế quan trọng như Diễn đàn Nghị viện Châu Á-Thái Bình Dương (APPF) lần thứ 26 (có sự tham gia của 22 đoàn nghị viện với tổng số hơn 300 người trong đó có 7 đoàn cấp Chủ tịch, 10 đoàn cấp Phó Chủ tịch… và thông qua Tuyên bố APPF Hà Nội "Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á – Thái Bình Dương"; Hội nghị thượng đỉnh tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) lần thứ 6 và Hội nghị cấp cao Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) lần thứ 10 (có sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu, 200 tập đoàn, doanh nghiệp và gần 300 phóng viên các cơ quan báo chí.)
Đặc biệt, WEF ASEAN 2018 diễn ra vào tháng 9/2018 tại Hà Nội đã được Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab và Chủ tịch WEF Borge Brende đánh giá là sự kiện thành công nhất trong lịch sử 27 năm qua của diễn đàn này trên một số khía cạnh, trong đó nội dung rất phù hợp với các nước ASEAN và Việt Nam trong bối cảnh các nước đều phải vươn lên trong cuộc Cách mạng 4.0.
Hội nghị WEF ASEAN năm 2018 diễn ra từ ngày 11 – 13/9/2018 với chủ đề "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4". Hội nghị đã thu hút hơn 1.000 đại biểu tham dự, trong đó có 07 Tổng thống và Thủ tướng, 02 Phó Thủ tướng, 60 đại biểu cấp Bộ trưởng và hơn 800 lãnh đạo lãnh đạo tập đoàn hàng đầu thế giới và khu vực.
Theo thông tin mà Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab cung cấp cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tính đến trưa ngày 13/9/2018 (ngày cuối diễn ra sự kiện), đã có 7.890 bài viết đưa tin về WEF ASEAN 2018, so với WEF ASEAN 2017 chỉ có khoảng hơn 2.000 bài viết; 7 triệu lượt người tham gia tương tác trên mạng xã hội về WEF ASEAN 2018; 13.000 lượt bài viết, comment trên facebook và 90 nghìn lượt người xem trực tuyến các phiên thảo luận khác nhau.
Thành công của những sự kiện đó cho thấy vai trò, vị thế và uy tín của đất nước ta đã tăng đáng kể, đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác, kinh doanh cho doanh nghiệp Việt Nam.
Sôi nổi quan hệ hữu nghị và hợp tác
Hình ảnh Việt Nam tại các tổ chức đa phương cũng được không ngừng nâng cao. Tháng 5/2018, Nhóm nước Châu Á-Thái Bình Dương đã chính thức thông qua đề cử Việt Nam là đại diện duy nhất của Nhóm ứng cử làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Tháng 12/2018, Việt Nam cũng lần đầu tiên trúng cử vào Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL).
Lần đầu tiên Việt Nam chuyển từ cử một số cán bộ, chiến sỹ sang cử một đơn vị (một bệnh viện dã chiến cấp II) tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan, cũng như xúc tiến các cuộc diễn tập chung, tìm kiếm cứu nạn, giao lưu hữu nghị giữa Việt Nam với Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc… cả ở kênh song phương và trong khuôn khổ ASEAN.
Đoàn Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam triển khai tới Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS)
Năm 2018, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện 28 chuyến thăm nước ngoài và dự các hội nghị quốc tế lớn, đón 33 đoàn lãnh đạo cấp cao các nước thăm và dự các hoạt động quan trọng tại Việt Nam cùng hàng trăm cuộc tiếp xúc cấp cao bên lề các hội nghị đa phương quan trọng. Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với Australia lên Đối tác chiến lược – đánh dấu Đối tác chiến lược thứ 11 của Việt Nam trong các nước G20. Việt Nam cũng thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện với Hungary- một đối tác rất quan trọng tại khu vực Trung- Đông Âu trong lĩnh vực viện trợ phát triển.
Loạt dấu ấn về kinh tế, văn hóa, thể thao, du lịch
Cùng 10 quốc gia thành viên khác, Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và là một trong 7 nước phê chuẩn hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đầu tiên trên thế giới. TTXVN từng đăng tải nhận định của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, Hiệp định CPTPP mang lại cơ hội mở rộng quan hệ thương mại với các thị trường mới đầy tiềm năng ở châu Mỹ, đồng thời nâng cấp và làm sâu sắc thêm mối liên hệ cộng hưởng với các thị trường còn lại, trong đó có nhiều đối tác chiến lược quan trọng.
Việt Nam là một trong 7 nước phê chuẩn hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đầu tiên trên thế giới.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đang hoàn tất các bước kỹ thuật cuối cùng để ký chính thức và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) - là hiệp định thương mại toàn diện về mở cửa thị trường đầu tiên của EU với một quốc gia đang phát triển tại châu Á. Một tin vui lớn đối với EVFTA là ngày 17/10/2018, Ủy ban châu Âu (EC) đã đệ trình Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Việt Nam để chờ xét duyệt.
Trong báo cáo Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam: Góc nhìn từ Việt Nam, do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố hôm 8/10/2018 tại Brussels (Bỉ) thì gần như tất cả doanh nghiêp châu Âu mong đợi EVFTA sẽ được thông qua và thực thi vào năm 2019, hoặc sớm nhất có thể.
Trong năm qua, ngoại giao văn hóa và thể thao cũng đã góp phần không nhỏ nâng cao vị thế của Việt Nam. Việc công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng và "Hoàng hoa sứ trình đồ" được UNESCO công nhận đã làm phong phú thêm các di sản văn hóa thế giới của Việt Nam.
Những nỗ lực đó đã góp phần nâng số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam năm nay lên con số kỷ lục trên 15 triệu lượt người.
Đồng thời, việc cả ba đội bóng U23, Olympic và Đội tuyển quốc gia Việt Nam gặt hái được những thành tích lớn như: Á quân U23 châu Á, top 4 đội mạnh nhất ASIAD, Vô địch AFF Cup, cùng với sự tỏa sáng của nhiều nhan sắc Việt Nam trên các đấu trường quốc tế như Miss Universe, Miss Earth, Miss World, Miss Supranational... cũng là những tin vui có sức lan tỏa mạnh mẽ và góp phần đưa hình ảnh nước nhà lan tỏa hơn đối với bạn bè quốc tế.
Kim Quý