Theo tờ Borgen Magazine – tạp chí chuyên về xóa đói giảm nghèo toàn cầu, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Dù vậy, Việt Nam vẫn có thể làm được nhiều điều hơn nữa, đặc biệt là thông qua phát triển giáo dục, nâng cao trình độ cho người nghèo để họ tự thoát nghèo.
Tờ Borgen Magazine nhận định có một mối quan hệ rất rõ ràng giữa giáo dục và sự nghèo đói. Ở nhiều nơi, tỷ lệ người nghèo cao tương ứng với tỷ lệ giáo dục trung học và đại học thấp. Đặc biệt, giáo dục đại học đã cho thấy vai trò lớn khi làm tăng cơ hội thoát nghèo của một số người. Tại Việt Nam, những mối tương quan này đặc biệt rõ ràng khi chứng kiến nhiều đứa trẻ buộc phải nghỉ học để chăm sóc các em nhỏ hoặc giúp đỡ gia đình. Và để thúc đẩy công cuộc xóa đói giảm nghèo hơn nữa, việc cho các em nhỏ có đầy đủ cơ hội học tập là một trong những biện pháp căn cơ.
Tiến bộ lớn trong xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam
Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong công cuộc xóa đói giảm nghèo suốt thập kỷ qua. Căn cứ vào chuẩn nghèo dành cho quốc gia thu nhập trung bình thấp (LMIC) của Ngân hàng Thế giới (3,20 USD/ngày tính theo ngang giá sức mua năm 2011), tỷ lệ nghèo đã giảm từ 16,8% năm 2010 xuống còn 5% vào năm 2020, có nghĩa là 10 triệu người đã thoát nghèo, số người nghèo đã giảm xuống còn 5 triệu người vào năm 2020.
Đặc biệt, tình trạng nghèo kinh niên ở một số nhóm dễ bị tổn thương nhất của Việt Nam, bao gồm các hộ gia đình thiểu số và nông thôn, đã giảm 50% hoặc hơn.
Mặc dù nguy cơ rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực ở Việt Nam hiện được coi là "thấp", Ngân hàng Thế giới lưu ý rằng vẫn còn một số thách thức. Ví dụ, khoảng 13,6 triệu người Việt Nam vẫn "dễ bị tổn thương về mặt kinh tế", nghĩa là họ phải sống dựa vào các nghề có thu nhập thấp và phải đối mặt với tình trạng bất ổn tài chính. Do đó, Ngân hàng Thế giới đã ưu tiên các chiến lược nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế công bằng.
Xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam bằng giáo dục
Mặc dù rõ ràng rằng giáo dục đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến chống đói nghèo nhưng vẫn còn đó một số rào cản. Cụ thể, một gia đình cần một khoản thu nhập phù hợp để cho con cái đi học. Ngoài học phí, đồng phục, đồ dùng và các nhu yếu phẩm khác là những chi phí mà nhiều gia đình nghèo và dễ bị tổn thương không thể chi trả được.
Rào cản tài chính này cũng khiến nhiều học sinh nghèo không thể đến trường, hoặc đã được đi học ở những lớp thấp không thể tiếp tục theo học các lớp cao. Và tình trạng này khiến thế hệ sau của các gia đình tiếp tục sống trong cảnh nghèo đói. Ngược lại, những gia đình có điều kiện cho con đi học sẽ giảm thiểu nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói.
Tình trạng này dù đã được cải thiện đáng kể ở Việt Nam nhưng vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn. Ví dụ, 80% học sinh của 20% hộ gia đình giàu nhất vẫn được tiếp tục đi học ở lứa tuổi 19. Con số này với 20% hộ gia đình nghèo nhất chỉ là 20%.
Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực cải thiện chất lượng giáo dục ở cấp quốc gia, các tổ chức như Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF cũng đang nỗ lực hỗ trợ và phối hợp để đảm bảo rằng trẻ em nghèo và có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng.
Theo các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc, UNICEF đặt mục tiêu đưa giáo dục ở Việt Nam trở nên toàn diện hơn bằng cách cải thiện chương trình học tập dựa trên phát triển kỹ năng và lấy cá nhân làm trung tâm. Các chương trình của UNICEFF bao gồm Giáo dục cho thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn - tập trung vào việc mở rộng cơ hội việc làm cho thanh niên bằng cách cung cấp đào tạo nghề và hướng nghiệp và chương trình Giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật – hỗ trợ học sinh khuyết tật có thể tham gia và phát triển trong hệ thống giáo dục.
Lợi ích của giáo dục
Không chỉ mang lại kiến thức, giáo dục còn mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Câu chuyện thực từ người trẻ ở Việt Nam
Trong một cuộc phỏng vấn với Dự án Borgen và tờ Borgen Magazine, một phụ nữ trẻ Việt Nam đã thảo luận về mối quan hệ giữa giáo dục và xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam. Người được phỏng vấn chuẩn bị lấy bằng Thạc sĩ và lớn lên ở khu vực đô thị lớn nhất Việt Nam, do đó, cô hiểu rõ hơn về sự chênh lệch giàu nghèo giữa các khu vực tại Việt Nam và sự khác biệt giữa giáo dục ở Việt Nam và các nước phát triển.
Theo chia sẻ của cô gái này, tại nhiều khu vực ở Việt Nam, một số học sinh ngừng đi học ở độ tuổi khoảng 15, khi việc gia nhập lực lượng lao động là hợp pháp. Cô cũng giải thích rằng, tại một số vùng sâu vùng xa, nhiều trẻ em không được đi học do đi lại khó khăn, sự hỗ trợ của chính phủ đã có nhưng chưa đủ và các gia đình thì không có khả năng chi trả ngay cả những nhu cầu cơ bản.
Con đường phía trước
Hiện nay chính phủ Việt Nam cùng với UNICEF và nhiều tổ chức nhân đạo khác đang nỗ lực trao cơ hội giáo dục đến nhiều trẻ em hơn. Mặc dù con đường phía trước còn dài nhưng tất cả đều đang dần dần gặt hái được thành công bước đầu.