• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thế giới năm 2022: Các sự kiện nổi bật nhất ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế

Thế giới 31/12/2022 09:47

(Tổ Quốc) - Có thể nói, năm 2022 là một bước ngoặt làm thay đổi các mối quan hệ quốc tế. Trật tự thế giới thay đổi mạnh mẽ sau khi Liên bang Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" vào Ukraine. Tình hình thế giới trở nên căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Chiến dịch của Nga ở Ukraine làm thay đổi trật tự thế giới

Các biện pháp bao vây và trừng phạt toàn diện của phương Tây chống Nga đã làm suy yếu tất cả các nền tảng của trật tự thế giới, thúc đẩy Nga thực hiện chính sách "xoay trục sang phía Đông". Chiến lược "xoay trục sang phía Đông" của Moscow không chỉ là một phản ứng trước những thách thức địa-chính trị từ phương Tây, mà còn là một xu hướng dẫn đến hình thành một thế giới mới đa cực, trong đó Nga, Trung Quốc và các nước phương Đông là những trung tâm quyền lực đang nổi lên có một vị trí đặc biệt.

Các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh ngày càng hiểu rằng trật tự đơn cực sau Chiến tranh Lạnh đã không đem lại hoà bình và ổn định, thế giới trở nên hỗn loạn.

Các cường quốc Nga, Trung Quốc và Ấn Độ không chấp nhận bị loại ra ngoài lề hệ thống an ninh toàn cầu. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và khối các nền kinh tế mới nổi (BRICS) được thành lập theo sáng kiến của Moscow và Bắc Kinh đang thu hút sự tham gia đông đảo của nhiều quốc gia.

Thế giới năm 2022: Các sự kiện nổi bật nhất ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế - Ảnh 1.

SCO gồm 9 nước thành viên chính thức: Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Pakistan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan. Đến nay, 12 nước đã đệ đơn hoặc tỏ ra quan tâm gia gia nhập tổ chức này. Khối BRICS gồm các nền kinh tế lớn (Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) cũng đang thu hút sự tham gia của các nước tiềm năng như Argentina, Iran, Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập.

Đây là những tổ chức khu vực lớn nhất thế giới. SCO chiếm khoảng 60% diện tích Eurasia, 40% dân số thế giới và hơn 30% GDP toàn cầu. Trong khi đó, BRICS chiếm 40% dân số thế giới và một phần tư GDP thế giới. Với tiềm năng to lớn như vậy, SCO và BRICS ngày càng đóng vai trò quan trọng không chỉ về kinh tế, mà còn trong hệ thống an ninh và chính trị toàn cầu.

Đảng Cộng hoà Mỹ giành lại quyền kiểm soát hạ viện

Ngày 8/11, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đã được tổ chức tại Mỹ, trong đó toàn bộ Hạ nghị sĩ (435 dân biểu), 1/3 Thượng viện (35 thượng nghị sĩ) và hơn một nửa số thống đốc bang đã được bầu lại. Đảng Cộng hòa đã giành lại quyền kiểm soát Hạ viện với 218 ghế. Đảng Dân chủ không chỉ giữ được Thượng viện mà còn giành lại một ghế từ tay đảng Cộng hòa tại Pennsylvania, một trong những bang quan trọng của nước Mỹ.

Thế giới năm 2022: Các sự kiện nổi bật nhất ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế - Ảnh 2.

Với kết quả này, Tổng thống Joe Biden đã tránh được một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, trong khi đối thủ tiềm năng của ông trong cuộc tranh cử năm 2024, Donald Trump đã không được người dân Mỹ ủng hộ.

Các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, mặc dù chủ yếu mang ý nghĩa nội bộ, nhưng có thể có tác động đến cuộc khủng hoảng Ukraine, vì đảng Cộng hòa chủ trương cắt giảm viện trợ tài chính và quân sự cho Kiev. Tuy nhiên, cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ vẫn nhất trí sẽ tiếp tục đường lối thắt chặt các biện pháp trừng phạt Nga.

Quan hệ giữa Mỹ và châu Âu

Sự rạn nứt bắt đầu xuất hiện trong quan hệ giữa Mỹ và châu Âu do cuộc khủng hoảng năng lượng và các tranh chấp thương mại. Do thực hiện các biện pháp trừng phạt Nga, châu Âu đã mất đi các nguồn năng lượng giá rẻ và ổn định của Nga, làm cho giá năng lượng tăng vọt, đẩy nền kinh tế châu Âu vào suy thoái, khủng hoảng, lạm phát, thất nghiệp cao chưa từng có, đời sống của người dân khó khăn. Nhiều cuộc biểu tình đã bùng nổ và lan rộng ở châu Âu.

Các chuyên gia kinh tế tính toán rằng, năm 2022 châu Âu EU thiệt hại 1 nghìn tỷ euro do giá năng lượng tăng vọt. Mỹ đang thúc giục châu Âu cắt đứt mọi hoạt động thương mại với Nga càng làm cho tình hình trở nên trầm trọng hơn.

Thế giới năm 2022: Các sự kiện nổi bật nhất ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế - Ảnh 3.

Có thể nói, năm 2022 là năm suy thoái của châu Âu. Khi cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng, thị trường tài chính trở nên hỗn loạn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự liên kết của hệ thống và tình hình sẽ còn nguy hiểm và khó kiểm soát hơn. Vai trò và vị trí của châu Âu sẽ suy giảm trong một trật tự thế giới mới.

Nhiều quan chức hàng đầu của EU đã bắt đầu tỏ ra bất bình với Washington về giá dầu cao và cáo buộc Mỹ kiếm bộn tiền từ cuộc xung đột Ukraine, trong khi các nước EU phải gánh chịu hậu quả. Nội bộ các nước châu Âu cũng bắt đầu chia rẽ do khó khăn và khủng hoảng kinh tế.

Căng thẳng ở eo biển Đài Loan và bán đảo Triều Tiên

Đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc từ sau cuộc chiến thương mại năm 2018 đến nay ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Ngày 2/8/2022, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm đảo Đài Loan đã gây ra phản ứng gay gắt của Bắc Kinh. Trung Quốc lên án mạnh mẽ chuyến đi và coi đây là sự ủng hộ của Mỹ đối với độc lập của Đài Loan. Ngay sau khi bà Pelosi rời Đài Bắc, Quân đội Trung Quốc đã tiến hành tập trận quy mô lớn tại vùng biển xung quanh Đài Loan. 

Đồng thời, Bắc Kinh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hai quỹ của Đài Loan, cá nhân bà Pelosi và những người thân của bà. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng vấn đề Đài Loan là "lằn ranh đỏ" không thể vượt qua trong quan hệ Trung-Mỹ. Cuộc gặp của hai ông Joe Biden - Tập Cận Bình ngày 4/11/2022 đã làm dịu bớt phần nào không khí đối đầu, nhưng trên thực tế, căng thẳng vẫn không lắng xuống sau khi Mỹ thông qua gói viện trợ cho Đài Bắc.

Thế giới năm 2022: Các sự kiện nổi bật nhất ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế - Ảnh 4.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang. Đáp lại các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, Bình Nhưỡng đã gia tăng các vụ phóng tên lửa. Từ đầu năm đến nay, Triều Tiên đã thực hiện hơn 30 vụ phóng tên lửa, trong đó có các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tầm trung loại Hwaseong-12 tầm bắn 4.500 km có thể vươn tới lãnh thổ nước Mỹ.  

Đầu tháng 9, Triều Tiên đã thông qua sắc lệnh "Chính sách về vũ khí hạt nhân" khẳng định Triều Tiên là quốc gia hạt nhân và nhà lãnh đạo Kim Jong-un có quyền đưa ra bất kỳ quyết định nào liên quan đến vũ khí hạt nhân.

Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc

Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 10/2022 đã bầu ra Ủy ban Trung ương mới và ông Tập Cận Bình làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba.

Đồng thời, tên tuổi của ông Tập Cận Bình không chỉ được đặt ngang hàng với các nhà lãnh đạo tiền bối của Trung Quốc mới như Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, mà tư tưởng của ông về chủ nghĩa xã hội còn được ghi rõ trong hiến pháp nước này.

Thế giới năm 2022: Các sự kiện nổi bật nhất ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế - Ảnh 5.

Vai trò của ông Tập Cận Bình và tư tưởng của ông về Chủ nghĩa Xã hội đặc sắc Trung Quôc thời đại mới còn được gọi là "Chủ nghĩa Mác của thế kỷ 21" đã được khẳng định tại Đại hội trên. Ông tuyên bố sẽ tiếp tục xây dựng quân đội để đạt được sức mạnh đẳng cấp thế giới vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Quân Giải phóng (1/8/1927-2027). Về vấn đề Đài Loan, Chủ tịch Trung Quốc nói Bắc Kinh chủ trương thống nhất bằng hòa bình, nhưng không loại trừ giải pháp sử dụng vũ lực.

Các nhà phân tích chính trị nhận xét rằng, năm 2021 thế giới phải vật lộn với đại dịch Covid-19, năm 2022 phải đối mặt cuộc xung đột Ukraine và hậu quả nặng nề của nó, thì năm 2023 vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ những căng thẳng mới, tình hình thế giới sẽ còn phức tạp.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai

NỔI BẬT TRANG CHỦ