Thêm hai quốc gia Đông Nam Á sau Singapore công bố kết quả tăng trưởng quý 2: Cao hay thấp so với Việt Nam, lý do phía sau là gì?

(Tổ Quốc) - Mới đây, đã có thêm 2 quốc gia trong khối ASEAN-6 công bố kết quả tăng trưởng quý 2. Tốc độ tăng trưởng quý 2 đạt 11,8% ở Philippines, và 7,1% ở Indonesia.

Theo dữ liệu được cơ quan thống kê Singapore (Department of Statistics Singapore), GDP Singapore đã tăng trưởng 14,3% so với cùng kỳ trong quý 2/2021. Đây là mức tăng cao nhất kể từ quý 2/2010. Khi được công bố, con số này không gây quá nhiều bất ngờ, do quý 2/2020, GDP Singapore tăng trưởng âm 13,3% so với cùng kỳ 2019 vì đóng cửa nền kinh tế hàng tháng, hầu hết các cơ sở làm việc đều đóng cửa.

"Hoạt động của nền kinh tế Singapore trong nửa đầu năm 2021 mạnh hơn dự kiến", Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cho biết. "Tình hình Covid-19 cũng đã ổn định, trong bối cảnh chương trình tiêm chủng của chúng tôi tiếp tục có tiến triển tốt. Nếu kinh tế toàn cầu không có biến động quá lớn, kinh tế Singapore dự kiến ​​sẽ tiếp tục phục hồi dần dần trong nửa cuối năm, phần lớn được hỗ trợ bởi các lĩnh vực hướng ngoại".

Thêm hai quốc gia Đông Nam Á sau Singapore công bố kết quả tăng trưởng quý 2: Cao hay thấp so với Việt Nam, lý do phía sau là gì? - Ảnh 1.

Ảnh: Singapore/KUA CHEE SIONG/The Straits Times

Mới đây, đã có thêm 2 quốc gia trong khối ASEAN-6 công bố kết quả tăng trưởng quý 2. Tốc độ tăng trưởng quý 2 đạt 11,8% ở Philippines, và 7,1% ở Indonesia.

Kết quả tăng trưởng quý 2 của Philippines cơ quan thống kê của nước này công bố hôm 10/8, đánh dấu sự kết thúc của cuộc suy thoái kéo dài 15 tháng do đại dịch gây ra. Song, các nhà phân tích cho biết, các biện pháp lockdown đang được áp dụng tại thủ đô nước này, nhằm chống lại sự lây lan của biến thể Delta, có thể gây ra tác động tiêu cực lên triển vọng trong nửa cuối năm nay.

Thêm hai quốc gia Đông Nam Á sau Singapore công bố kết quả tăng trưởng quý 2: Cao hay thấp so với Việt Nam, lý do phía sau là gì? - Ảnh 2.

Ảnh: Philippines/Redsvn.net

Cũng như Singapore, Philippines phục hồi từ mức giảm 17% trong quý 2 năm trước. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất kể từ quý 4/1988. Kinh tế Philippines được củng cố bởi sự phục hồi trong chi tiêu hộ gia đình, một động lực kinh tế quan trọng ở quốc gia 109 triệu dân. 

Bà Sian Fenner, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Oxford Economics cho biết: "Mặc dù tác động kinh tế của các biện pháp hạn chế và đóng cửa gần đây sẽ không lớn như năm ngoái, nhưng chúng tôi dự báo những hạn chế mới nhất và sự gia tăng số ca dương tính sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và làm giảm sự phục hồi trong chi tiêu hộ gia đình và dịch vụ trong quý thứ ba".

Còn Indonesia, tốc độ tăng trưởng quý 2 đạt 7,07%. Đây cũng là quý đầu tiên tăng trưởng trở lại sau 5 quý suy giảm, theo cơ quan thống kê Indonesia. Xuất khẩu của Indonesia tăng vọt, tiêu dùng và đầu tư cũng phục hồi, với việc tăng chi tiêu chính phủ làm động lực thúc đẩy.

Tuy nhiên, theo Nikkei, cơ quan thống kê và các chuyên gia kinh tế tại quốc gia này cũng thừa nhận rằng, tốc độ tăng trưởng cao của quý 2 tại Indonesia là do cơ sở thấp, vì quý 2 năm ngoái, họ tăng trưởng âm 5,3%.

Quý 2/2021, Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,6%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,28%; khu vực dịch vụ tăng 4,30%. Tiêu dùng cuối cùng tăng 3,18% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 6,05%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 29,81%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 28,53%.

Con số tăng trưởng này của Việt Nam, tuy thấp hơn tương đối với các nước, nhưng dựa trên mức nền quý 2/2020 vẫn tăng trưởng dương 0,4%.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, có thể nhìn nhận, con số tăng trưởng quý 2 và 6 tháng đầu năm chưa thể hiện được tác động chính yếu của đợt dịch lần thứ tư, bắt đầu tác động mạnh từ tháng 6. Tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ ba, diễn ra vào thời điểm Tết Nguyên đán cũng không lớn do chúng ta kiểm soát được tốt.

Mặt khác, mặc dù Covid-19 vẫn hoành hành, nhưng sự phục hồi nhờ các gói kích thích và vaccine của nhiều nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam, tăng sức mua hàng xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu của Việt Nam tăng kỷ lục 29% chỉ trong 6 tháng. Sự hồi phục sức mua sau Tết tăng cao, khiến nhập khẩu cũng tăng mạnh, thậm chí còn mạnh hơn xuất khẩu. Nhập khẩu vừa để phục vụ chế biến xuất khẩu, vừa phục vụ tiêu thụ nội địa như nhập khẩu điện tử, mặt hàng tiêu dùng.

Các chuyên gia kinh tế đồng thuận rằng, tăng trưởng nửa cuối năm sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, và chỉ có thể được cải thiện nếu chúng ta kiểm soát tốt được dịch bệnh. Đặc biệt, thách thức lớn với Việt Nam thời gian tới là duy trì hoạt động sản xuất cho xuất khẩu, trong bối cảnh các đơn hàng từ các thị trường chính yếu vẫn đang tăng mạnh.

Thái Quỳnh

Tin mới