Thị trường ngày 7/8: Giá vàng lập kỷ lục mới hơn 2.069 USD, gạo và đường tăng mạnh

Minh Quân | 07-08-2020 - 07:22 AM

(Tổ Quốc) - Phiên giao dịch 6/8, giá vàng tiếp tục tăng lên mức cao mới trong lịch sử. Nhiều mặt hàng khác như quặng sắt, cao su, gạo, đường… cũng cao nhất nhiều tháng. Riêng dầu ngừng tăng dù vẫn quanh mức cao nhất 5 tháng.

Thị trường phiên này chịu tác động từ các yếu tố sau: Tỷ giá USD thấp nhất trong 2 năm, kinh tế Mỹ có nhiều dấu hiệu cho thấy sự hồi phục mong manh trong khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến xấu.

Dầu giảm khỏi mức cao nhất 5 tháng vì lo ngại về triển vọng nhu cầu

Giá dầu giảm khỏi mức cao nhất trong vòng 5 năm của phiên liền trước do tâm lý lo ngại về nhu cầu nhiên liệu, mặc dù có thông tin về việc Iraq sẽ cắt giảm nguồn cung.

Kết thúc phiên, dầu Brent giảm 8 US cent xuống 45,09 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 24 US cent xuống 41,95 USD/thùng, kết thúc chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp.

Lúc đầu phiên, giá dầu tăng sau khi Iraq thông báo kế hoạch sẽ cắt giảm sản lượng thêm khoảng 400.000 thùng/ngày trong tháng 8 này để bù đắp cho việc sản lượng vượt quá mức cam kết trong thời gian qua. Thông tin này, cộng với việc dự trữ dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến đã hỗ trợ tích cực cho mặt hàng dầu mỏ.

Tuy nhiên, sau đó giá quay đầu giảm vì thị trường tiếp tục lo ngại rằng nhu cầu đang và sẽ còn tiếp tục giảm do kinh tế suy thoái vì đại dịch Covid-19. Đồng USD tăng khoảng 1% trong phiên vừa qua cũng cản trở giá dầu tăng.

JPMorgan đã hạ dự báo về nhu cầu dầu trong nửa cuối năm 2020 với mức giảm 1,5 triệu thùng/ngày, tuy nhiên đã nâng dự báo giá dầu Brrent trung bình trong cả năm nay lên 42 USD/thùng, từ mức 40 USD dự báo trước đây.

Vàng tăng tiếp do dự báo kinh tế hồi phục mong manh, đã tăng 35% kể từ đầu năm

Liên tiếp phá vỡ các kỷ lục vừa xác lập, giá vàng tiếp tục tăng lên mức cao mới trong phiên vừa qua bởi dự báo thị trường tiền tệ sẽ có phản ứng mạnh hơn giữa bối cảnh số ca nhiễm vius Covid-19 vẫn tăng, tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ.

Trong phiên vừa qua, giá vàng giao ngay có thời điểm đạt mức cao nhất mọi thời đại, 2.069,21 USD/ounce (tăng 0,8%), sau đó kết thúc phiên ở mức 2.055,87 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 12/2020 tăng 1% lên 2.069,4 USD/ounce.

"Có nhiều tín hiệu cho thấy nền kinh tế (Mỹ) đang hồi phục), nhưng cũng có một số tín hiệu cho thấy sự hồi phục là mong manh, nhất là việc không rõ các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ làm thế nào để có thể tiếp tục trụ vững được", Jeffrey Christian, nhà quản lý của CPM Group cho biết. Theo ông này, "Sẽ còn một chặng đường rất dài ở phía trước cho đến khi nền kinh tế hồi phục vững chắc".

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo các dấu hiệu đều cho thấy vàng đã được mua vào quá mức, và có khả năng sẽ điều chỉnh giá sâu bất cứ lúc nào.

Quặng sắt tăng do lạc quan về nhu cầu của Trung Quốc

Giá quặng sắt kỳ hạn trên sàn Đại Liên tăng lên mức cao kỷ lục mới của năm 2020 trong bối cảnh giá quặng sắt tại Singapore cũng tăng phiên thứ 8 liên tiếp. Lý do bởi có thêm những dấu hiệu cho thấy nhu cầu thép ở Trung Quốc tiếp tục được cải thiện.

Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Singapore tăng 2,9% lên 910 CNY (131 USD)/tấn.

Thị trường ngày 7/8: Giá vàng lập kỷ lục mới hơn 2.069 USD, gạo và đường tăng mạnh - Ảnh 1.

Đồng giảm do khả năng thị trường sẽ dư cung

Giá đồng giảm trong phiên vừa qua do các nhà đầu tư nghi ngờ liệu nhu cầu tăng có đủ mạnh để duy trì mức giá hiện nay hay không. Tháng 7 vừa qua, giá đồng đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 năm, 6.633 USD/tấn, sau khi chạm mức thấp chỉ 4.371 USD/tấn hồi tháng 3.

Kể từ đầu tháng 8, giá đồng đi ngang. Phiên 6/8, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London có giá 6.482 USD/tấn, giảm 0,2% so với phiên trước đó.

Nhà phân tích Carsten Menke của Julius Baer cho biết: "Thị trường không biết sẽ đi về đâu khi các nước ngoài Trung Quốc đều có tăng trưởng âm",

Virus Covid-19 đã không làm gián đoạn nguồn cung nhiều như lo ngại, và có nguy cơ thị trường sẽ dư thừa đồng từ nay đến cuối năm. Ông Baer cho rằng giá đồng ở mức hiện tại là hợp lý, và trong thời gian tới sẽ duy trì ở mức 6.250 USD/tấn.

Nhu cầu khí gas thế giới sẽ giảm 4% trong năm 2020 do Covid-19

Đại dịch Covid-19 dự báo sẽ khiến nhu cầu khí tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng trên toàn cầu giảm khoảng 4% trong năm 2020 so với mức cao kỷ lục của năm 2019, đó là dự báo của International Gas Union vừa đưa ra ngày 6/8.

Tuy nhiên, tổ chức này cho rằng nhu cầu có thể hồi phục về mức như trước khi xảy ra dịch Covid-19 trong vòng 2 năm tới, khi kinh tế thế giới hồi phục.

Đường thô cao nhất 5 tháng

Giá đường thô tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng do các quỹ đầu cơ tích cực mua nông sản vào khi đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm so với rổ các đồng tiền chủ chốt.

Kết thúc phiên giao dịch, đường thô kỳ hạn tháng 10 tăng 0,4 US cent (3,2%) lên 12,94 US cent/lb, cao nhất trong vòng 5 tháng gần đây. Đường trắng giao cùng kỳ hạn cũng tăng 8,5 USD (2,3%) lên 377,7 USD/tấn.

Thị trường đường đang được hưởng lợi khi có dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ ở Ấn Độ - nước sử dụng nhiều đường nhất thế giới – đang trở lại mức trước khi xảy ra dịch Covid-19, trong khi sản lượng ở Thái Lan và Liên minh Châu Âu vẫn có nguy cơ bị thu hẹp lại.

Theo công ty nhà môi giới và tư vấn StoneX, cán cân cung ứng đường toàn cầu trong niên vụ 2020/21 dự báo sẽ thiếu hụt 1,3 triệu tấn, trái với dự báo hồi tháng 6 là dư thừa 0,5 triệu tấn.

Czarnikow dự báo Thái Lan sẽ ép khoảng 65 triệu tấn mía trong vụ tới, ít hơn một nửa so với năm 2018/19 do nhiều nông dân đã chuyển từ trồng mía sang trồng sắn.

Cà phê arabica giảm, robusta biến động trái chiều giữa các thị trường

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 trên sàn New York giảm 4,55 cent, tương đương 3,7%, xuống 1,17 USD/lb, mất đi gần như toàn bộ mức tăng có được trong thời gian gần đây. Các nhà sản xuất đường, nhất là Brazil, tiếp tục bán mạnh mặt hàng này sau khi giá tăng gần đây, tranh thủ lúc đồng real không tăng giá so với USD (tuần này real là một trong số rất ít đồng tiền không tăng giá so với USD).

Robusta cũng giảm giá trong phiên vừa qua, theo đó hợp đồng kỳ hạn tháng 9 giảm 11 USD (0,8%) xuống 1.368 USD/tấn, mặc dù thị trường lo ngại nguồn cung robusta sẽ bị thắt chặt do dịch Covid-19 ở khu vực trồng cà phê chủ chốt của Việt Nam đang diễn biến phức tạp.

Giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam tuần này tăng vì một số nơi ở Tây Nguyên bị phong tỏa nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19. Cà phê nhân xô hiện có giá bán 33.000 – 33.500 đồng (1,42 – 1,45 USD)/kg; so với 33.000 – 33.200 đồng cách đây một tuần. Cà phê robusta xuất khẩu (loại 2, 5% đen – vỡ) hợp đồng kỳ hạn tháng 11 có giá cộng 70 USD/tấn so với giá trên sàn London, trong khi hợp đồng kỳ hạn tháng 9 giá cộng 130 USD/tấn.

Tại Indonesia, cà phê robusta Sumatran tại Lampung giá chào cao hơn 180hown190 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 8 trên sàn London, giảm so với 240 USD/tấn cách đây một tuần.

Gạo Ấn Độ và Thái Lan vững, gạo Việt Nam cao nhất 2 tháng

Tuần này, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên mức cao kỷ lục 2 tháng do nguồn cung ít đi, trong khi gạo Thái Lan vững giá do nội tệ mạnh lên mặc dù nhu cầu yếu, gạo Ấn Độ cũng không đổi so với tuần trước.

Cụ thể, gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam hiện có giá 470 USD/tấn, mức cao nhất kể từ giữa tháng 6 và tăng so với 440 – 450 USD/tấn cách đây một tuần; gạo cùng loại của Thái Lan giá 463 – 485 USD/tấn (so với 465 – 483 USD/tấn một tuần trước); trong khi gạo đồ 5% tấm có giá vững ở 380 – 385 USD/tấn.

Thị trường Thái Lan vẫn lo ngại nguồn cung sụt giảm do hạn hán hồi đầu năm. Thực tế là vụ lúa phụ đang thu hoạch song lượng cung trên thị trường cũng không nhiều. Trong khi đó, Việt Nam đã kết thúc vụ thu hoạch, nguồn cung còn rất ít. Xuất khẩu gạo Ấn Độ đang gặp khó khăn do sự hạn chế về số lượng container và công nhân tại các nhà máy xay xát cũng như ở cảng xuất khẩu gạo lớn nhất nước này do số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng mạnh.

Cao su tăng phiên thứ 4 liên tiếp

Giá cao su tại Nhật Bản tiếp tục tăng trong phiên vừa qua, kết thúc ở mức cao nhất trong vòng 5 tháng do giá ở Thượng Hải tăng và những dấu hiệu về sự hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc.

Kết thúc phiên này, cao su kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Osaka tăng 2,5 JPY (1,5%) lên 172,8 JPY/kg, cao nhất kể từ 5/3. Cao su kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Thượng Hải tăng 2,7% lên 12.450 CNY/tấn.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 7/8

Thị trường ngày 7/8: Giá vàng lập kỷ lục mới hơn 2.069 USD, gạo và đường tăng mạnh - Ảnh 2.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM