Thời đại của ông Joe Biden: Tiếp nhận di sản "đáng ngạc nhiên" từ Trump, rót đô la và "thắp lửa" không gian?

Trang Ly | 01-03-2021 - 20:45 PM

(Tổ Quốc) - Giữa những khó khăn chồng chất, vị tân tổng thống Mỹ Joe Biden có thể được "tha thứ" nếu ông ấy KHÔNG suy nghĩ về không gian...

Sự trùng hợp của biểu tượng Mặt Trăng trong phòng Tổng thống: Số phận di sản của Trump đi về đâu? - Ảnh 1.

Khi tàu Apollo 17 đổ bộ Mặt Trăng thành công và thu thập mẫu vật liệu có tên 76015,143 - không nhiều người lưu tâm đến sự kiện một thượng nghị sĩ mới được bầu tại bang Delaware vào tháng 12/1972.

Thượng nghị sĩ đó là Joseph Robinette Biden, Jr. (hay Joe Biden) - Còn phi hành gia đi bộ trên Mặt Trăng là Jack Schmitt và Gene Cernan; khối đá thu được là một mẫu 3,9 tỷ năm tuổi, nặng 332 gram, được thu thập ở Thung lũng Taurus-Littrow của Mặt Trăng.

Tính đến nay (tháng 1/2021), Jack Schmitt 85 tuổi - Gene Cernan đã qua đời - Joe Biden là đương kim tổng thống thứ 46 của Mỹ và khối đá 76015,143 đang nằm trên giá đỡ trong Phòng Bầu dục mới được trang trí lại của ông, sau khi đích thân ông Biden yêu cầu "mượn" một mẫu vật Mặt Trăng từ NASA để trưng bày trong căn phòng quyền lực.

Đó là một dấu hiệu tốt. Ít nhất là đối với những người yêu thích khám phá không gian nói chung và đối với những nhà khoa học NASA nói riêng mong muốn các chương trình khám phá không gian tiếp tục khởi sắc trong nhiệm kỳ của tân tổng thống và hành trình Mỹ đưa người đổ bộ Mặt Trăng những năm 2020 không bị gián đoạn.

Sự trùng hợp của biểu tượng Mặt Trăng trong phòng Tổng thống: Số phận di sản của Trump đi về đâu? - Ảnh 2.

Khối đá Mặt Trăng của NASA được trang trí trong Phòng Bầu dục của ông Biden. Ảnh: Alex Brandon / AP

Trong bối cảnh nước Mỹ đang gặp khó khăn về kinh tế và dịch bệnh, liệu vị tân tổng thống ấy có còn ưu tiên cho chương trình vũ trụ như người tiền nhiệm đã làm? Và liệu những thành tựu vũ trụ huy hoàng "vang bóng một thời" có làm lu mờ những nỗ lực tương lai?

Cùng theo dõi bài bình luận, phân tích của cây viết Jeffrey Kluger thuộc Tạp chí TIME (Mỹ) về những dự đoán chính sách của ông Biden với vai trò là ông chủ Nhà Trắng trong bài viết đăng hồi cuối tháng 1/2021, tựa đề "The Biden Presidency Could Fundamentally Change the U.S. Space Program". Mời độc giả theo dõi.

"Tôi không nghĩ rằng việc Tổng thống Biden đặt một khối đá Mặt Trăng mang tính biểu tượng như thế trong văn phòng của mình rồi sau đó lại "quay lưng" với một chương trình Mặt Trăng trong tương lai" - John Logsdon, Giáo sư danh dự tại Viện Chính sách Không gian thuộc Đại học George Washington (Mỹ), cho biết.

Trước đó, Washington Post cho biết, Tổng thống Biden đã chọn khối đá Mặt Trăng đặt trong phòng làm việc của mình với hy vọng nó có thể "nhắc nhở người Mỹ về tham vọng và thành tựu vũ trụ vĩ đại của các thế hệ đi trước".

Thực ra, chính sách quốc gia không hẳn được xây dựng trên những biểu tượng như vậy. Và tổng thống mới có thể được "tha thứ" nếu ông ấy KHÔNG suy nghĩ về không gian. Nhiệm kỳ của ông Biden bắt đầu giữa cuộc khủng hoảng của một đại dịch toàn cầu, với một nền kinh tế đầy khó khăn, khí hậu khủng hoảng và những bất bình đẳng chủng tộc dai dẳng... Tất cả những điều đó khiến bạn không có nhiều chỗ để mơ mộng về các vì sao.

Tuy nhiên, giữa những khó khăn mà chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump để lại, vẫn có một "di sản" đáng khen ngợi: Đó là chương trình vũ trụ Mỹ đang hoạt động trơn tru một cách đáng kinh ngạc. Thành tựu ấn tượng mà NASA mới đạt được đó là đưa tàu thám hiểm tân tiến nhất, trang bị khoa học tinh vi nhất Perseverance đổ bộ sao Hỏa thành công ngày 18/2/2021. Perseverance mang theo chiếc Ingenuity - trực thăng sao Hỏa đầu tiên trong lịch sử nhân loại, sẽ thử nghiệm chuyến bay chạy bằng năng lượng đầu tiên trên Hành tinh Đỏ.

Chưa kể, NASA thực sự nghiêm túc với chương trình Mặt Trăng thế kỷ mới - Đó là Chương trình Artemis nhằm mục đích đưa phi hành đoàn (2 người, 1 nam, 1 nữ) đổ bộ vệ tinh tự nhiên của Trái Đất sớm nhất là vào năm 2024.

Sự trùng hợp của biểu tượng Mặt Trăng trong phòng Tổng thống: Số phận di sản của Trump đi về đâu? - Ảnh 3.

NASA đang ngày đêm làm việc để thực hiện mục tiêu: Đưa 2 người (1 nam, 1 nữ) đổ bộ Mặt Trăng năm 2024. Ảnh: NASA

Chưa hết, ngành công nghiệp vũ trụ tư nhân Mỹ cũng đang phát triển rất mạnh. SpaceX của Elon Musk vừa tạo nên kỷ nguyên mới của ngành du hành vũ trụ Mỹ khi đưa hai phi hành đoàn lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) thành công trên tàu Crew Dragon vào ngày 30/5/2020 - kết thúc một thập kỷ "tầm gửi" vào Nga cho những chuyến bay đưa người lên ISS tiêu tốn hàng chục triệu USD cho "một cái ghế". "Gã khổng lồ" Boeing chuẩn bị tiếp bước vào cuối năm 2021 với phương tiện Starliner.

Hội đồng Vũ trụ Quốc gia (NSC) - một ban cố vấn chi nhánh hành pháp được thành lập lần đầu tiên dưới thời Tổng thống Dwight Eisenhower (nhiệm kỳ 1953 đến 1961) và bị bỏ rơi sau nhiệm kỳ tổng thống của George H.W. Bush (nhiệm kỳ 1989 đến năm 1993) - đã được tái lập dưới thời ông Trump. Còn nữa, ông Trump còn ký sắc lệnh thành lập Lực lượng Không gian (Space Force) như là nhánh thứ sáu của quân đội Mỹ.

Sự trùng hợp của biểu tượng Mặt Trăng trong phòng Tổng thống: Số phận di sản của Trump đi về đâu? - Ảnh 4.

Không giống như rất nhiều chính sách của cựu Tổng thống Trump - từng gây ra những cuộc tranh luận dữ dội - định hướng chương trình không gian dưới thời của tổng thống thứ 45 này nhận được sự ủng hộ rộng rãi - đặc biệt là sáng kiến ​​về Chương trình Mặt trăng Artemis.

Các cuộc thăm dò năm 2020 cho thấy, 80% người Mỹ tin rằng du hành vũ trụ hỗ trợ khám phá khoa học; 78% có ấn tượng tốt về NASA; 73% cho biết NASA góp phần vào lòng tự hào và lòng yêu nước; và 71% cho biết NASA không chỉ là một cơ quan đáng mơ ước mà còn là một cơ quan rất cần thiết đối với Mỹ. Và không có kết quả của cuộc thăm dò dư luận nào nằm ngoài sự chú ý của ông Biden.

"Quốc hội Mỹ cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ của mình về các chương trình khám phá vũ trụ của quốc gia. Cả các ngành công nghiệm Mỹ cũng thấy được tầm quan trọng và tiềm năng tương lai của khai phá vũ trụ. Hãy chờ xem chính quyền của tân tổng thống sẽ nhìn nhận và hành động như thế nào để đem lại lợi ích quốc gia cho Mỹ" - Waleed Abdalati, một nhà khoa học môi trường của Đại học Colorado, Mỹ cho biết.

Khách quan mà nói, đối với Washington, mọi thứ phức tạp hơn vẻ bề ngoài của chúng. Việc đưa người lên Mặt Trăng vào năm 2024 luôn là mục tiêu quá tham vọng, đặc biệt là với phần lớn phần cứng chưa được thiết kế và chế tạo, chưa nói đến việc thử nghiệm.

Sự trùng hợp của biểu tượng Mặt Trăng trong phòng Tổng thống: Số phận di sản của Trump đi về đâu? - Ảnh 5.

Nhiều nhà phê bình cho rằng Lực lượng Không gian (Space Force) là một sự lãng phí - rất nhiều tiền và nhân sự đã được chi cho một bộ máy hành chính mới khổng lồ, được giao nhiệm vụ bảo vệ các vệ tinh quân sự và các tài sản không gian khác mà (trong khi) Không quân Mỹ đang làm rất tốt.

Đến nay, ông Biden vẫn chưa nói gì về việc liệu vị tân tổng thống có nhận thấy giá trị nào khi tiếp tục duy trì Hội đồng Vũ trụ Quốc gia (NSC) hay không; và với trọng tâm là giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu ở đây - ngay trên hành tinh của chúng ta - thì hoàn toàn có khả năng các sáng kiến ông Biden ​​đưa cho NASA sẽ ưu tiên khoa học Trái Đất hơn là thám hiểm vũ trụ.

Thông thường, những tiên lượng về các quyết định chính sách trong nhiệm kỳ tổng thống được dựa trên những gì tân tổng thống đã nói trong chiến dịch tranh cử. Và khi nói đến không gian, ông Biden không nói nhiều.

Khi SpaceX thành công trong việc đưa người lên ISS hồi tháng 5/2020, ông Biden nói: "Ngày nay, trong việc nâng tầm tham vọng và trí tưởng tượng của chúng ta lên bầu trời, Mỹ đã một lần nữa định hình lại tương lai của du hành vũ trụ. Chúng tôi ủng hộ công việc của NASA để đưa người Mỹ trở lại Mặt Trăng và đi xa hơn nữa đến sao Hỏa, thực hiện bước đệm tiếp theo trong khám phá Hệ Mặt trời của chúng ta".

Tổng thống Biden năm nay 78 tuổi. Có nghĩa là ông sẽ luôn nhớ về "kỷ nguyên vàng" của NASA - với các sứ mệnh Mercury, Gemini và Apollo trong những năm 1960 và 1970, với những quả tên lửa đẩy ngày càng mạnh hơn, làm bùng nổ những tham vọng vũ trụ ngày càng lớn hơn của người Mỹ và đỉnh cao là trải nghiệm siêu việt trong các chuyến đi bộ lên Mặt Trăng.

Khi được cùng dân chúng Mỹ tận hưởng những thành tựu đó trong thế kỷ 20, có thể bạn sẽ chẳng bận tâm đến điều khác.

"Tổng thống Biden là một thanh niên trẻ trong thời kỳ Apollo. Tôi chắc rằng, các sứ mệnh vĩ đại của NASA đã đoàn kết đất nước như thế nào, tôn vinh lòng tự tôn dân tộc như thế nào. Tôi cũng chắc rằng, ông ấy nhớ Apollo 8 [sứ mệnh quỹ đạo Mặt Trăng đầu tiên] đã cứu năm 1968 như thế nào" - Alan Stern, người đứng đầu sứ mệnh New Horizons của NASA đến sao Diêm Vương, kiêm cựu lãnh đạo Ban giám đốc sứ mệnh khoa học của NASA cho biết.

Đón đọc kỳ tới: "Vấn đề đầu tiên là tiền đâu" - Câu nói cửa miệng lại thành vấn đề hóc búa của cả Trump và Biden.

Chuyển ngữ từ: TIME MAGAZINE

* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM