• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thủ tướng: Bình Thuận tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thời sự 31/08/2022 10:19

(Tổ Quốc) - Thủ tướng đề nghị Bình Thuận quyết tâm phát triển kinh tế dựa trên 3 trụ cột mà tỉnh đã xác định. Tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tối 30/8, tại thành phố Phan Thiết, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận.

Vùng đất tự hào về thiên nhiên và truyền thống văn hóa, lịch sử

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng nêu rõ, Bình Thuận là vùng đất tự hào về thiên nhiên và truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng hào hùng. 

Sau 30 năm tái lập tỉnh, với tinh thần đoàn kết, đổi mới, quyết tâm thay đổi tư duy, tìm chọn hướng đi phù hợp, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã vượt qua khó khăn, gian khổ, vươn lên, chuyển mình mạnh mẽ và có những kết quả hết sức cụ thể. Tỉnh đã biết tận dụng các tiềm năng, biến khó khăn thành lợi thế, biến thách thức thành cơ hội, lấy phát triển du lịch và công nghiệp năng lượng làm đột phá, xây dựng hệ thống thủy lợi bảo đảm nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân làm nền tảng. 

Thủ tướng: Bình Thuận tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận - Ảnh: Nhật Bắc

Bình Thuận đã có sự phát triển vượt bậc, từng bước rút ngắn chênh lệch về trình độ phát triển với các tỉnh khu vực Duyên hải miền Trung và miền Đông Nam Bộ. Từ một tỉnh có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, y tế, giáo dục rất khiêm tốn; với hỗ trợ của Trung ương và sự quyết tâm, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo của các thế hệ lãnh đạo qua các thời kỳ; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, đến nay Bình Thuận đã và đang hoàn thiện các hệ thống giao thông chiến lược và là điểm thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bộ mặt đô thị, nông thôn có sự thay đổi đáng kể, ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn. 

Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Từ một tỉnh vốn rất khó khăn, thiên tai liên tiếp xảy ra, nắng hạn kéo dài, tỷ lệ hộ nghèo đói năm 1992 chiếm hơn 32,4%, nhưng đến nay toàn tỉnh không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,15% (năm 2021), đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình có công với cách mạng được chăm lo ngày càng tốt hơn; một bộ phận nhân dân trước kia khó khăn nay đã vươn lên khá giả, làm giàu.

Các lĩnh vực văn hoá, xã hội được chăm lo; các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị không ngừng được củng cố; các phong trào thi đua yêu nước triển khai mạnh mẽ; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, phát huy và ngày càng được tăng cường; lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố và tăng cường nhiều hơn. 

Thủ tướng: Bình Thuận tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn - Ảnh 2.

Thủ tướng cùng các đại biểu tại Lễ kỷ niệm - Ảnh: Nhật Bắc

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích nổi bật mà tỉnh đã đạt được trong 3 thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội chưa được đầu tư đồng bộ để tạo động lực phát triển mạnh mẽ, tạo nguồn lực, xung lực để phát triển với tốc độ cao hơn, nhất là hạ tầng y tế, hạ tầng giáo dục. Tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn chậm. Liên kết vùng, liên kết nội tỉnh còn hạn chế. Môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh chưa có bước đột phá; các chỉ số về cải cách hành chính, mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và chuyển đổi số còn rất khiêm tốn; vẫn còn để xảy ra tình trạng vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước phải xem xét, xử lý...

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Với những tiềm năng, lợi thế và những nét độc đáo từ thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng của địa phương, những thành tựu 30 năm qua đã tạo nên vị thế và tiềm lực mới cho Bình Thuận. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận cần kế thừa, phát huy tối đa thành quả đã đạt được, đã cố gắng rồi, phải cố gắng nhiều hơn nữa, đã đoàn kết càng phải đoàn kết hơn nữa, đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa. Lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng và đột phá, góp phần cùng cả nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả trong tình hình mới. 

Trong đó, Thủ tướng lưu ý 6 việc trọng tâm. Thứ nhất, tiếp tục giữ gìn, củng cố và vun đắp cho sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận; phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm và sự nỗ lực của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân. Đây chính là một trong những nguồn lực quan trọng nhất để tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Góp phần xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xác định con người là yếu tố quan trọng nhất, là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực cho sự phát triển, phát huy tối đa trí tuệ, năng lực, phẩm chất, đạo đức con người Việt Nam.

Hai là, quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm của đất nước. Quyết tâm phát triển kinh tế dựa trên 3 trụ cột mà tỉnh đã xác định.

Tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, quyết tâm đưa Khu du lịch quốc gia Mũi Né thành điểm đến hàng đầu khu vực. Khuyến khích phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi, điện mặt trời hợp lý, điện khí LNG và năng lượng Hydrogen, đưa Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng tầm quốc gia. Từng bước phát triển công nghiệp, nông nghiệp chế biến gắn với các sản phẩm lợi thế của địa phương. Chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy "phát triển sản xuất nông nghiệp" sang tư duy "phát triển kinh tế nông nghiệp", nông nghiệp sản xuất lớn, nông nghiệp sạch, công nghệ cao, hiện đại, bền vững, giá trị gia tăng cao, xây dựng thương hiệu, chế biến sâu, vươn ra thị trường quốc tế, nhất là đối với các sản phẩm lợi thế của địa phương. Phát triển mạnh kinh tế biển. Khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, không gian biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học biển.

Thủ tướng: Bình Thuận tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn - Ảnh 3.

Chương trình nghệ thuật tại buổi lễ - Ảnh: Nhật Bắc

Ba là, khẩn trương xây dựng Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, xác định rõ cơ hội nổi trội, tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh cùng các giải pháp thực hiện phù hợp điều kiện, hoàn cảnh địa phương để phát triển nhanh, bền vững. Đẩy mạnh liên kết vùng, nội vùng, phát huy hiệu quả hơn vị trí địa lý thuận lợi do sát vùng kinh tế trọng điểm phía nam. 

Bốn là, cần chú ý bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, tuyệt đối không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Giữ gìn và phát triển, phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc trong tỉnh. Không ngừng chăm lo phát triển y tế, giáo dục, đào tạo. Thực hiện tốt chính sách người có công, gia đình chính sách, người yếu thế, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Tăng cường quản lý tài nguyên, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường, bảo đảm người dân được sống trong môi trường trong lành, an toàn, văn minh và hiện đại.

Năm là, tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Nắm chắc tình hình, kịp thời giải quyết hiệu quả những bức xúc của người dân từ sớm, ngay từ cơ sở. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu nại, tố cáo, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Sáu là, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống các loại dịch bệnh, nhất là dịch COVID-19; triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh tiêm vaccine, đảm bảo an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả.

Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ