• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thủ tướng: Đảm bảo an ninh lương thực trong mọi hoàn cảnh

Thời sự 18/03/2020 10:27

(Tổ Quốc) - Thủ tướng nhấn mạnh, đóng góp vào an ninh lương thực thế giới là cần thiết, nhưng trước hết phải lo cho gần 100 triệu dân nước ta. Đây là mặt hàng thiết yếu, cần thiết, ổn định trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Thủ tướng: Đảm bảo an ninh lương thực trong mọi hoàn cảnh - Ảnh 1.

Thủ tướng yêu cầu phải đảm bảo an ninh lương thực trong mọi hoàn cảnh (Nguồn: VGP)

Sáng 18/3 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”.

Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các ban, bộ, ngành, địa phương đã tổ chức nhằm đánh giá tổng thể kết quả và tác động của Đề án sau 10 năm thực hiện; chỉ ra những mặt được, chưa được, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm, đồng thời lắng nghe ý kiến của các ngành, địa phương, cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính trị-xã hội, cộng đồng doanh nghiệp về vấn đề quan trọng này.

Sau 10 năm thực hiện, Đề án đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thế: 12 chỉ tiêu đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra, trong đó đáng chú ý điện tích đất lúa cả nước năm 2018 đạt trên 4,159 triệu ha (vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết là 3,76 triệu ha); sản lượng lúa năm 2019 đạt 43,4 triệu tấn (vượt mục tiêu đề ra 41-43 triệu tấn); xuất khẩu gạo năm 2019 đạt 6,34 triệu tấn (vượt mục tiêu đề ra 4 triệu tấn).

Giai đoạn 2009-2019, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng 4,3 lần, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần xuống còn 1,8 lần.

Nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá cao (đạt 2,61%/năm). Năng suất lúa của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á đạt 5,6 tấn/ha, gần gấp đôi so với Thái Lan và gấp 1,5 lần so với Ấn Độ; năng suất cà phê cao gấp 1,5 lần so với Brazil, gấp 3 lần so với Colombia, Indonesia; năng suất hồ tiêu gấp 3 lần so với Indonesia và 1,3 lần của Ấn Độ; năng suất cá tra bình quân đạt 209 tấn/ha, cao nhất thế giới...

Giá trị và sản lượng nhiều nông sản đều tăng mạnh (giai đoạn 2009-2019, lương thực bình quân đầu người tăng từ 497 kg/năm lên trên 525 kg/năm; sản lượng rau quả tăng trưởng nhanh 80,5%, từ 9,75 triệu tấn lên 17,6 triệu tấn; sản lượng trái cây tăng từ 6 triệu tấn lên 12,6 triệu tấn).

Xuất khẩu hàng nông sản được tiếp tục đẩy mạnh, có 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, bình quân mỗi năm xuất khẩu khoảng 5-7 triệu tấn gạo...

Dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chưa cao, chưa bền vững nên quy hoạch sử dụng đất cho sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương không ổn định, có tình trạng "được mùa - mất giá", giải cứu nông sản; Cơ chế chính sách về đất đai còn bất cập...

Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán, lũ lụt đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất lương thực...

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý tình hình Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đồng thời yêu cầu lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố dự hội nghị, trong đó có hơn 40 Ủy viên Trung ương dự hội nghị ở các đầu cầu địa phương, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ chống dịch.

Thủ tướng: Đảm bảo an ninh lương thực trong mọi hoàn cảnh - Ảnh 2.

Nguồn: VGP

Về hội nghị đánh giá 10 năm thực hiện Đề án an ninh lương thực quốc gia đến năm 2020, Thủ tướng cho rằng, đây là lúc nhìn lại toàn diện, đánh giá một cách căn bản, rút ra các vấn đề lớn về an ninh lương thực của đất nước. Sản phẩm sau hội nghị, sắp tới, Chính phủ sẽ trình Bộ Chính trị Dự thảo Kết luận của Bộ Chính trị về an ninh lương thực, trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết về an ninh lương thực quốc gia thời gian tới.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu dự họp đánh giá những mặt được, chưa được sau 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị, đồng thời nhìn rộng ra kết quả sau hơn 30 năm đổi mới. Trước đây Việt Nam là đất nước thiếu ăn, nhưng đến nay, lương thực bình quân đầu người đạt trên 525kg, là 1 trong 3 nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu lương thực, cụ thể là gạo, đạt từ 6,5 đến 7 triệu tấn/năm. Với việc Việt Nam ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và công tác nghiên cứu vào sản xuất nông nghiệp, nước ta đã có thương hiệu gạo ngon nhất thế giới được công nhận trong năm 2019. Cùng với đó, đời sống người nông dân được cải thiện tốt, lợi nhuận người trồng lúa đạt tối thiểu 30% so với giá thành sản xuất.

Cho rằng cần thẳng thắn thảo luận về những yếu kém của sản xuất nông nghiệp, trong đó có an ninh lương thực, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam xuất khẩu gạo thuộc top đầu thế giới, nhưng xếp hạng về an ninh lương thực chỉ ở mức trung bình, đứng thứ 57/113 quốc gia. Đời sống nông dân nước ta khá hơn trước nhưng vẫn còn nghèo.

Thủ tướng cũng đặt vấn đề, trong diện tích đất sản xuất nông nghiệp hiện nay thì giữ lại diện tích đất lúa bao nhiêu là phù hợp; những hạ tầng nào cần tiếp tục đầu tư trong sản xuất nông nghiệp; vấn đề công nghiệp chế biến và thất thoát sau thu hoạch giải quyết ra sao; sản lượng lớn nhưng xuất khẩu lương thực đạt hiệu quả đến đâu; vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã trong các vấn đề này...

Thủ tướng đề nghị các đại biểu, trong đó có các nhà khoa học nêu giải pháp sắp tới, đồng thời cho rằng, phải đảm bảo an ninh lương thực trong bất cứ hoàn cảnh nào. 

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh, đóng góp vào an ninh lương thực thế giới là cần thiết, nhưng trước hết phải lo cho gần 100 triệu dân nước ta. Đây là mặt hàng thiết yếu, cần thiết, ổn định trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Cách đây vài hôm khi có một số cá nhân từ nước ngoài vào Việt Nam bị nhiễm Covid-19, thị trường đã có sự nhốn nháo, nhất là có tình trạng mua lương thực dự trữ. Thủ tướng khi đó đã phải điện thoại chỉ đạo lãnh đạo Tổng Công ty lương thực miền Bắc đưa lương thực bán đầy đủ cho dân, bán đến 11h đêm để bình ổn. 

"Điều đó cho thấy nếu chúng ta không có lương thực thì thực hiện làm sao được điều này?. Cho nên dự trữ lương thực, ổn định trong mọi điều kiện rất quan trọng. Đây là mặt hàng chính yếu, chiến lược và không được coi thường. Cho nên chúng ta sống trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tương tác với thế giới ảo, nhưng chúng ta không được ảo. An ninh lương thực luôn luôn là vấn đề hệ trọng với mọi quốc gia, nhất là trong bối cảnh bất ổn chính trị, biến đổi khí hậu liên tục xảy ra, đặc biệt là an ninh phi truyền thống như bệnh tật xảy ra...", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 10 năm triển khai Kết luận 53 của Bộ Chính trị, toàn ngành nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng 2,61%/năm.


Hà Giang (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ