• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức kiểm tra liên ngành về công tác phòng, chống bạo lực gia đình

Văn hoá 05/05/2020 16:37

(Tổ Quốc) - Triển khai Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình; Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW "Về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước"; Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội là những điểm tin văn hóa, gia đình nổi bật tại Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức kiểm tra liên ngành về công tác phòng, chống bạo lực gia đình - Ảnh 1.

Ảnh minh họa/Chinhphu.vn

5 nội dung trọng tâm trong quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch Triển khai Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn năm 2020.

Kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình; phát huy tối đa hiệu quả, hiệu lực của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản quy phạm pháp luật về gia đình.

Theo đó, 5 nội dung trọng tâm sẽ được triển khai thực hiện gồm: Triển khai Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng dẫn; Phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông trọng điểm, chiến dịch truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với tình hình địa phương; Tổ chức kiểm tra liên ngành về công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương, chú trọng phối hợp thực hiện hiệu quả các mô hình tại cơ sở; Tổ chức thực hiện có hiệu quả "Bộ chỉ số theo dõi và đánh giá việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020"; Tổng hợp, thống kê số liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình theo định kỳ, báo cáo kết quả thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư "Về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước"

Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư, công tác xây dựng gia đình đã trở thành một trong những nội dung quan trọng trong chương trình hoạt động của các cấp ủy đảng và chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội và đã đạt được một số thành tựu nhất định, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, nhất là đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi.

Kết quả, phong trào xây dựng gia đình văn hoá ngày càng phát triển mạnh mẽ ở khắp các địa phương trên toàn tỉnh. Bên cạnh số lượng gia đình văn hóa ngày càng tăng, vấn đề chất lượng cũng được các gia đình quan tâm thể hiện qua các đợt bình xét công nhận được tổ chức hàng năm ở các địa phương. Toàn tỉnh hiện có 290.392 gia đình, trong đó đăng ký xây dựng gia đình văn hóa là 271.936 gia đình, đạt tỷ lệ 93,64%; đến cuối năm 2019 có 252.690 gia đình được công nhận gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 92,9% so với số đăng ký.

Công tác bình đẳng giới trong gia đình thường xuyên được chú trọng, lồng ghép tuyên truyền phòng ngừa, ứng phó bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vào hoạt động công tác gia đình thông qua các Chương trình, Đề án, Kế hoạch của ngành như: Đề án "Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam", Chương trình hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3. Giáo dục bình đẳng giới đã làm thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng, gia đình và xã hội từng bước thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới, sự quan tâm chia sẻ và cách ứng xử với phụ nữ, trẻ em gái trong mỗi gia đình tại cộng đồng và trong cơ quan, tổ chức doanh nghiệp đã có những chuyển biến rõ rệt, vị thế của người phụ nữ trong xã hội ngày càng được nâng cao.

Công tác giáo dục đời sống gia đình cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ năm 2010, Sở Văn hóa và Thể thao triển khai rộng khắp Đề án "Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam". Đề án còn được triển khai thông qua các cuộc họp thôn, tổ dân phố được tổ chức 1 tháng 2 lần, người dân được tuyên truyền về Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật PCBLGĐ; được tuyên truyền về các mối quan hệ trong gia đình như: vợ và chồng, cha mẹ và con cái, ông bà và con cháu, anh chị em trong gia đình; về các tiêu chuẩn của gia đình văn hoá... Các gia đình đã tiếp thu và xây dựng những giá trị nhân văn mới mà tiêu biểu là quyền bình đẳng giới và quyền trẻ em. Trách nhiệm giữa vợ và chồng trong việc chăm lo đời sống gia đình được chia sẻ và tôn trọng. Sự bình đẳng giữa nam và nữ trong các gia đình có sự thay đổi đáng kể, mức sống của các gia đình ngày càng được nâng cao…

Nhìn chung, công tác chỉ đạo, quán triệt Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh được triển khai rộng khắp và đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở và đến từng cán bộ, đảng viên góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về công tác gia đình, về xây dựng gia đình hạnh phúc. Chất lượng sống của nhiều gia đình được nâng cao, nhiều gia đình thoát nghèo; các hộ gia đình nghèo, gia đình ở vùng xa, vùng sâu được tiếp cận các phúc lợi xã hội về y tế, giáo dục, văn hóa. Từ đó, đời sống tinh thần được cải thiện tốt; chất lượng gia đình văn hóa được nâng lên từng năm tương ứng với tỷ lệ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa.

Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội

Theo Báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, sau 05 năm thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư (Khóa XI) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội (Chỉ thị 41) đã góp phần nâng cao vai trò của tổ chức Đảng trong trong công tác lãnh đạo, định hướng cho các cấp chính quyền triển khai hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn.

Ngay sau khi Chỉ thị 41 được ban hành, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã tổ chức triển khai sâu rộng đến từng Đảng ủy, Đảng bộ, chi bộ và cán bộ, đảng viên. Cụ thể: Tổ chức các hội nghị, các cuộc họp của tổ chức Đảng để học tập, quán triệt và triển khai Chỉ thị 41 cùng với các nội dung quản lý nhà nước liên quan đến tổ chức và quản lý lễ hội trong hệ thống cơ quan Nhà nước, từng địa phương và tổ chức cơ sở Đảng; Tuyên truyền giới thiệu về nguồn gốc, giá trị, nội dung và ý nghĩa lịch sử văn hóa của các lễ hội; Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; Lồng ghép việc truyển khai, tuyên truyền Chỉ thị 41 vào các chương trình, hoạt động khác thông qua các hội nghị tập huấn và triển khai xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nâng cao hiệu quả thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trong việc cưới, tang và lễ hội.

Nhờ đó, hệ thống lễ hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được diễn ra theo đúng quy định của pháp luật; thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; phù hợp với thuần phong mỹ tục, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; vừa có ý nghĩa giáo dục, vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần lành mạnh của nhân dân. Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã thiết thực triển khai Chỉ thị 41 bằng việc yêu cầu các ngành, các cấp tham mưu giảm tần suất, thời gian tổ chức, nhất là những lễ hội có quy mô lớn như: các lễ hội đua ghe, lễ hội cầu ngư, xuân tế và thu tế… các sinh hoạt tín ngưỡng và những hoạt động vui chơi giải trí trong lễ hội phải lành mạnh, có chọn lọc.

Công tác thực hiện nếp sống văn minh trong quản lý và tổ chức lễ hội ở các địa phương đã được chú trọng; tình trạng buôn bán, chèo kéo trong các hoạt động lễ hội được từng bước khắc phục; đã thực hiện nghiêm việc quản lý đốt vàng mã, nghiêm cấm việc đốt, rải vàng mã không đúng quy định trong các dịp diễn ra lễ hội.

Trong những năm qua, Thừa Thiên Huế đã tăng cường các biện pháp giữ gìn, bảo vệ di tích; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không giết thịt và bán thịt thú rừng, đảm bảo vệ sinh cảnh quan môi trường tại các lễ hội.

Công tác thanh tra lễ hội được Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các ngành liên quan, chính quyền địa phương tổ chức thường xuyên nhằm quản lý chặt chẽ các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hoá trong lễ hội. Qua công tác kiểm tra đã nhắc nhở, tuyên truyền các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại thành phố Huế không nâng giá, ép giá khách du lịch trong những ngày cao điểm vào dịp lễ hội. Tình trạng kinh doanh đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch trong khu vực di tích, khu vực lễ hội đã được hạn chế.

Nhìn chung, sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 41, Thừa Thiên Huế đã có những biện pháp thiết thực để triển khai có hiệu quả các nội dung của Chỉ thị trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống lễ hội. Nhờ đó, các cấp các ngành và địa phương đã thể hiện được vai trò trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Đồng thời, việc triển khai thực hiện đúng tinh thần của Chỉ thị đã góp phần quan trọng trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, để hệ thống lễ hội ở Thừa Thiên Huế diễn ra đúng với đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh, tín ngưỡng tốt đẹp cho người dân.

Thanh Thủy (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ