Thủy điện Thác Mơ lọt vào danh sách TOP 50 công ty niêm yết tốt nhất hiện đầu tư nhà máy điện mặt trời

(Tổ Quốc) - Không chỉ sản xuất điện từ thủy năng, công ty này còn đầu tư nhà máy điện mặt trời với giá trị 862 tỷ đồng, tổng công suất 50MWp.

Trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất do Fober công bố lần thứ 10 hồi tháng 8 năm nay, ngoài những tên tuổi quen thuộc trong ngành tài chính ngân hàng như Vietcombank, MB, ACB,... hHàng tiêu dùng PNJ, Masan, Thế giới di động, Vinamilk,.... vật liệu xây dựng Hòa Phát, thép Nam Kim, Vicostone,... còn xuất hiện 1 cái tên khá lạ, đó là công ty cổ phần Thủy Điện Thác Mơ.

Công ty cổ phần thủy điện Thác Mơ niêm yết cổ phiếu tại HOSE vào năm 2009 (mã cổ phiếu TMP) với số vốn điều lệ là 700 tỷ đồng.

Cơ cấu cổ đông hiện nay, cổ đông Nhà nước là Tổng công ty phát điện 2 nắm giữ 36.341.500 cổ phần tương ứng với 363,415 triệu đồng, chiếm 51,92% vốn điều lệ. Cổ đông khác nắm giữ 33.658.500 cổ phần tương ứng với 336,585 triệu đồng, chiếm 48,08% vốn điều lệ.

Công trình Thủy điện Thác Mơ được xây dựng trên dòng chính sông Bé, thuộc địa phận thị xã Phước Long, huyện Bù Đăng và huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, cách TP. Hồ Chí Minh 148 km về phía Bắc Đông Bắc.

Thủy điện Trị An và thủy điện Thác Mơ là 2 công trình thủy điện lớn trên lưu vực sông Đồng Nai.

Thủy điện Thác Mơ lọt vào danh sách TOP 50 công ty niêm yết tốt nhất đang kinh doanh ra sao? - Ảnh 1.

Công trình thủy điện Thác Mơ

Công trình Thủy điện Thác Mơ chính thức được khởi công xây dựng vào năm 1991 và khánh thành vào năm 1995 với 2 tổ máy phát loại 75 MW. Đến năm 2017 hoàn thành xây dựng mở rộng nhà máy thủy điện Thác Mơ (tăng thêm 01 tổ máy loại 75 MW).

Đầu năm 2021, Thủy điện Thác Mơ đưa vào khánh thành nhà máy điện mặt trời Thác Mơ công suất 50MWp. Nhà máy có tổng công suất 50MWp, với tổng mức đầu tư 862 tỉ đồng, được xây dựng trên địa bàn xã Đức Hạnh (huyện Bù Gia Mập) và phường Thác Mơ (TX Phước Long), trên diện tích 57ha.

Đây là một trong số các dự án nhà máy điện mặt trời đầu tiên được UBND tỉnh Bình Phước cấp phép chủ trương đầu tư. Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 8/2020.

Như vậy, từ 2021, công ty vận hành song song 02 nhà máy: Nhà máy Thủy điện công suất 150 MW và Nhà máy điện Mặt trời 50MWp.

Thủy điện Thác Mơ lọt vào danh sách TOP 50 công ty niêm yết tốt nhất đang kinh doanh ra sao? - Ảnh 2.

Toàn cảnh Nhà máy Điện mặt trời Thác Mơ. Nguồn ảnh: EVNGENCO2.

Đến cuối năm 2021, TMP có tổng tài sản đạt 1.990 tỷ đồng, trong đó chiếm tới 62% là tài sản cố định, phù hợp với đặc thù kinh doanh của công ty.

Về cơ cấu nguồn vốn, công ty chủ yếu kinh doanh bằng vốn chủ sở hữu, nợ phải trả chiếm chưa tới 30% tổng nguồn vốn. Trong đó, công ty chủ yếu sử dụng vốn vay dài hạn từ các tổ chức tài chính.

Nợ phải trả trong năm 2021 tăng so với năm 2020 là do TMP tiếp tục nhận giải ngân vốn vay thương mại chi trả đầu tư dự án nhà máy điêṇ măṭ trời Thác Mơ 50MWp.

Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh, điện mặt trời dự kiến sẽ đem lại khoảng 22% doanh thu, tương đương 126 tỷ đồng cho công ty trong năm 2022.

Kết quả kinh doanh 2021 tăng trưởng tích cực nhờ mưa nhiều và nhà máy điện mặt trời đi vào hoạt động

Năm 2021, sản lượng điện sản xuất của TMP là 734 triệu kWh, đạt 108% so với kế hoạch đề ra, và tăng tới gần 50% so với sản lượng năm 2020.

Lý giải cho sự tăng trưởng này, công ty cho biết, có 2 nguyên nhân:

(1) Nhà máy thủy điện: Lưu lượng nước về trong năm tốt hơn dự báo. Lưu lượng nước về trung bình trong năm là 115 m3/s, bằng 121% kế hoạch năm và bằng 172% năm 2020.

(2) Nhà máy điện mặt trời 50MWp: Được đưa vào vận hành đủ 12 tháng (nhà máy hòa lưới điện quốc gia vào ngày 10/12/2020). Sản lượng của TMP tăng có sự góp phần của sản lượng nhà máy điện mặt trời. Trong năm, nhiều thời điểm nhà máy điện mặt trời phải điều tiết cắt giảm công suất do hệ thống thừa nguồn phát vào cao điểm nắng.

Do sản lượng nhà máy đạt vượt kế hoạch, doanh thu, chi phí và lợi nhuận trong năm của TMP cũng vượt kế hoạch và cao hơn cùng kỳ năm 2020.

Thủy điện Thác Mơ lọt vào danh sách TOP 50 công ty niêm yết tốt nhất đang kinh doanh ra sao? - Ảnh 3.

Tổng hợp từ BCTC của DN

Điều đáng nói, các hệ số sinh lời của công ty những năm gần đây đều ở mức cao. Năm 2018, hệ số ROS đạt tới 58%, có nghĩa là cứ 100 đồng doanh thu bán ra, công ty thu về 58 đồng lãi ròng sau thuế. Hiệu quả sử dụng tài sản và vốn chủ sở hữu cũng cao khi hệ số ROA và ROE đều trên 10%, thậm chí còn đạt tới 38% và 30% năm 2018

Thủy điện Thác Mơ lọt vào danh sách TOP 50 công ty niêm yết tốt nhất đang kinh doanh ra sao? - Ảnh 4.

 Nhờ kinh doanh hiệu quả, Thủy điện Thác Mơ đã chi 210 tỷ đồng trả cổ tức năm 2021, tỷ lệ 30% bằng tiền mặt, tương đương mỗi cổ phiếu nhận được 3.000 đồng.


An Vũ

Nhịp sống kinh tế

Tin mới