Tiền khéo, tiền khôn 2022: Gameshow góp phần thay đổi nhận thức, hành vi, giảm thiểu rủi ro cho người dân khi sử dụng dịch vụ tài chính

(Tổ Quốc) - Theo Vụ trưởng Vụ truyền thông NHNN, do tác động của dịch Covid - 19 lên mọi mặt đời sống xã hội và cũng chính sự phát triển nhanh chóng của khu vực tài chính với nhiều sản phẩm dịch vụ đa dạng đã đặt ra yêu cầu trang bị, phổ biến kiến thức và kỹ năng tài chính ngân hàng cho mọi tầng lớp người dân.

Ngày 27/1/2022, tại Hà Nội, Vụ Truyền thông (NHNN) phối hợp VTV3 - Ban Sản xuất các chương trình giải trí Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã tổ chức họp báo ra mắt chương trình "Tiền khéo, tiền khôn năm 2022".

Tham dự họp báo có Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh. Về phía VTV có ông Đỗ Thanh Hải - Phó Tổng giám đốc. Ngoài ra, về phía NHNN còn có lãnh đạo Vụ Truyền thông, đại diện các Vụ (Thanh toán, Chính sách tiền tệ, Tín dụng các ngành kinh tế), Viện Chiến lược phát triển ngân hàng, Văn phòng, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng. Về phía các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTM) có đại diện Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, HDBank, VietBank, VPBank, Bac A Bank.

Nhằm thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và các đề án của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo an toàn hoạt động và nâng cao niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng, sau khi nghiên cứu kinh nghiệm từ các chương trình giáo dục tài chính quốc tế, nghiên cứu các điều kiện thực tiễn tại Việt Nam, thực hiện chủ trương của Ban Lãnh đạo NHNN và Đài Truyền hình VN, Vụ Truyền thông và VTV3 – Ban Sản xuất các chương trình giải trí Đài Truyền hình Việt Nam đã phối hợp thực hiện chương trình "Tiền khéo, tiền khôn" với thông điệp "Kiến thức – kỹ năng tài chính thông minh". Đây là một chương trình được thực hiện theo format trò chơi truyền hình (gameshow) có hình thức gần gũi, hấp dẫn, hứa hẹn có sức lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng.

Phát biểu tại họp báo, bà Lê Thị Thúy Sen - Vụ trưởng Vụ Truyền thông cho biết, việc giáo dục, phổ biến kiến thức tài chính - ngân hàng đã và đang trở thành một trong những chính sách ưu tiên dài hạn không chỉ tại Việt Nam mà còn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, do tác động của dịch Covid - 19 lên mọi mặt đời sống xã hội và cũng chính sự phát triển nhanh chóng của khu vực tài chính với nhiều sản phẩm dịch vụ đa dạng đã đặt ra yêu cầu trang bị, phổ biến kiến thức và kỹ năng tài chính ngân hàng cho mọi tầng lớp người dân. Việc này sẽ góp phần cải thiện nhận thức và thay đổi hành vi của người dân, để tạo nên một xã hội có thói quen/ tư duy/hành động phù hợp liên quan tới ngân hàng trong mọi vấn đề của cuộc sống. Việc trang bị, phổ biến kiến thức tài chính-ngân hàng cũng giúp tăng tiết kiệm trong dân cư, khuyến khích người dân gửi tiền vào ngân hàng, giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính, từ đó, giảm thiểu chi phí cho xã hội, góp phần tạo nguồn kênh dẫn vốn chính thức cho nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Tiền khéo, tiền khôn 2022: Gameshow góp phần thay đổi nhận thức, hành vi, giảm thiểu rủi ro cho người dân khi sử dụng dịch vụ tài chính - Ảnh 1.

Vụ trưởng Vụ truyền thông NHNN Lê Thị Thúy Sen phát biểu tại họp báo

Mặt khác, theo bà Lê Thị Thúy Sen, một trong những vấn đề khó khăn trong hoạt động truyền thông của ngành Ngân hàng là các kiến thức, thông tin liên quan đến hoạt động ngân hàng mang tính chuyên ngành cao, nhiều nội dung thông tin có thể khó hiểu đối với công chúng. Bên cạnh đó, thông tin liên quan đến hoạt động ngân hàng mang tính chất nhạy cảm, có tính lan truyền, tác động lớn trong xã hội, nếu không xử lý tốt các sự cố có thể ảnh hưởng đến sự an toàn hệ thống và niềm tin của Nhân dân. Do vậy, trong quá trình triển khai truyền thông cần đảm bảo dễ hiểu - dễ nhớ - dễ lan tỏa - dễ thực hiện. Để làm được điều này, nội dung và hình thức truyền thông cần có sự đổi mới, sáng tạo, nắm bắt xu hướng truyền thông hiện đại và tính ứng dụng cao. Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông cần xác định rõ đối tượng, mục tiêu, phương thức tổ chức thực hiện và giám sát, đánh giá kết quả.

Với nhiều đổi mới, "Tiền khéo tiền khôn năm 2022" được xây dựng căn cứ theo nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng và đặc biệt trên cơ sở nắm bắt các vấn đề mà người dân, doanh nghiệp quan tâm. Theo đó, những thông tin, kiến thức tài chính – ngân hàng được truyền tải đến với công chúng thông qua các câu hỏi đơn giản, dễ hiểu, gần gũi và thiết thực với đời sống hàng ngày, giúp khán giả dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các kiến thức, kỹ năng tài chính ngân hàng. Chẳng hạn như các thông tin về tính năng, lợi ích của các loại thẻ ngân hàng và các phương thức thanh toán hiện nay, những lưu ý để đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán, các cách thức tiếp cận vốn ngân hàng, lưu ý khi gửi tiết kiệm… Qua đó góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế tín dụng đen, thúc đẩy tài chính toàn diện.

Tại họp báo, bà Anna Szalwicki, đại diện cho Quỹ hợp tác Quốc tế German Sparkassenstiftung DSIK, Phó Điều phối viên khu vực Đông Nam Á nhận định, Việt Nam đang trên đà phát triển kinh tế mạnh mẽ trong những năm gần đây, vì vậy, việc tập trung giáo dục về tài chính toàn diện cho toàn dân là rất cần thiết. Đặc biệt, bà Anna Szalwicki đánh giá rất cao các chương trình Giáo dục tài chính như "Tiền khéo, Tiền khôn, "Tay hòm chìa khóa" do NHNN và VTV phối hợp thực hiện. "Các chương trình này đã sử dụng các hình thức truyền thông đa dạng, sáng tạo, giúp các kiến thức, thông tin khô khan về tài chính ngân hàng trở nên đơn giản và được người dân nắm bắt một cách dễ dàng. Đây là một giải pháp mới, tiên phong trong việc sử dụng hình thức trò chơi truyền hình để phổ biến kiến thức tài chính - ngân hàng cho người dân tại Việt Nam" - bà nói.

Về định hướng truyền thông, trong đó có giáo dục tài chính, bà Lê Thị Thúy Sen chia sẻ, NHNN tiếp tục thực hiện truyền thông theo cách mới, sáng tạo, đột phá, tạo sự thay đổi về cách thức truyền thông chính sách của Ngân hàng Trung ương, góp phần thay đổi nhận thức, hành vi, giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng dịch vụ tài chính. NHNN sẽ tiếp tục triển khai các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo dục tài chính cộng đồng theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Theo bà Sen, nhóm công chúng mục tiêu là người dân ở vùng sâu, vùng xa, phụ nữ nghèo, nông thôn, giới trẻ, các đối tượng yếu thế trong xã hội để truyền thông về các sản phẩm dịch vụ, ngân hàng, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng…Nội dung các chương trình sẽ tiếp tục bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, và các vấn đề người dân, doanh nghiệp quan tâm…

Đồng thời, Vụ trưởng Vụ Truyền thông cũng cho biết thêm, hoạt động truyền thông ngành Ngân hàng thời gian tới sẽ đa dạng hóa hơn nữa các hình thức truyền thông, kênh truyền thông, đặc biệt là ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động truyền thông, xu hướng truyền thông hiện đại và đẩy mạnh truyền thông nội bộ. NHNN tiếp tục đẩy mạnh truyền thông các chương trình đã tạo ấn tượng tốt với công chúng để truyền tải chính sách, trong đó có chương trình "Tiền khéo Tiền khôn" trên giờ vàng VTV3 hoặc tiếp tục thực hiện chương trình "Tay hòm chìa khóa" trên VTV1…

"Tiền khéo tiền khôn 2022" sẽ phát sóng vào 20h30-21h15 Thứ Hai hàng tuần trên kênh VTV3. Số đầu tiên năm 2022 dự kiến sẽ ra mắt vào ngày 7/2/2022 (mùng 7 Tết).

Thanh Bình

Tin mới