• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tiến sĩ Giáo dục Vũ Thu Hương nhiều lần bị xuyên tạc phát ngôn, phía luật sư lên tiếng về vụ việc

Pháp luật 22/10/2021 11:54

(Tổ Quốc) - Nữ Tiến sĩ nổi tiếng nhiều lần bị xuyên tạc, giả mạo phát ngôn ở cả những lĩnh vực không liên quan đến giáo dục.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội là một chuyên gia giáo dục vô cùng tâm huyết với nền giáo dục của Việt Nam. Những hoạt động, bài viết, quan điểm... của bà luôn nhận được sự yêu mến, trân trọng và có sức lan tỏa tới thầy cô, học sinh và các bậc cha mẹ.

Thời gian trước, nữ Tiến sĩ gặp phải tình trạng bị xuyên tạc, giả mạo phát ngôn. Theo đó một số trang báo, tạp chí điện tử online, trang facebook, fanpage, blog,... đã tự ý sử dụng hình ảnh, và thông tin cá nhân của Tiến sĩ Vũ Thu Hương để đăng tải gắn liền với những nội dung giả mạo, bịa đặt, xuyên tạc không đúng với sự thật khách quan và chia sẻ, lan truyền những thông tin này gây bức xúc, xôn xao trong dư luận. Điều này ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bà Hương.

Tiến sĩ Giáo dục Vũ Thu Hương nhiều lần bị xuyên tạc phát ngôn, phía luật sư lên tiếng về vụ việc - Ảnh 1.

Một trang tin giả mạo phát ngôn của nữ Tiến sĩ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, cuộc sống của bà.

Nữ Tiến sĩ sau đó đã có Đơn trình báo, Đơn kêu cứu gửi đến Cơ quan cảnh sát điều tra và các Sở, ban, ngành có thẩm quyền để giải quyết theo đúng quy định pháp luật. Hiện tại, các cơ quan đã có phản hồi tiếp nhận Đơn của bà và đang trong quá trình giải quyết.

Để làm rõ hành vi và trách nhiệm pháp lý của những trang tin tự ý sử dụng hình ảnh, và thông tin cá nhân của Tiến sĩ Vũ Thu Hương để đăng tải những nội dung giả mạo, xuyên tạc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phan Thị Lam Hồng – Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội.

- Thưa Luật sư, pháp luật hiện hành quy định như thế nào về hành vi tự ý sử dụng hình ảnh cá nhân? Một số trang báo, tạp chí điện tử online, trang facebook, fanpage, blog… có quyền tự ý sử dụng hình ảnh khi chưa có sự đồng ý của bà Hương hay không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 về quyền của cá nhân đối với hình ảnh: "Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác" thì việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Do đó, việc một số trang báo, tạp chí điện tử online, trang facebook, fanpage, blog… tự ý sử dụng hình ảnh khi chưa có sự đồng ý của bà Hương là hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật, cụ thể là vi phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh.

- Theo thông tin bà Hương cung cấp thì cùng với việc tự ý sử dụng hình ảnh của cá nhân bà Hương, một số trang báo, tạp chí điện tử online, trang facebook, fanpage, blog… còn giả mạo phát ngôn của bà Hương. Luật sư có quan điểm như thế nào đối với hành vi này?

Theo quy định tại khoản 8 Điều 9 Luật Báo chí thì các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động báo chí trong đó có: "Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án".

Tại điểm b, khoản 3 Điều 16 Luật An ninh mạng năm 2018 quy định về phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống thì thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm:

- Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;

- Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Do đó, việc một số trang báo, tạp chí điện tử online, trang facebook, fanpage, blog… đăng tải nội dung giả mạo, bịa đặt, xuyên tạc không đúng với sự thật khách quan và chia sẻ, loan truyền những thông tin này là hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật, xâm phạm danh dự, nhân phẩm của bà Hương.

- Vậy Luật sư có thể cho biết một số trang báo, tạp chí điện tử online, trang facebook, fanpage, blog… sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý như thế nào đối với hành vi trên?

Tùy tính chất, mức độ hành vi vi phạm, một số trang báo, tạp chí điện tử online, trang facebook, fanpage, blog… có thể bị xử lý bởi các chế tài sau:

Thứ nhất, chế tài xử phạt hành chính:

Một là, theo quy định tại điểm b khoản 5 và khoản 10 Điều 8 Nghị định số 119/NĐ-CP ngày 07/10/2020 thì phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định về đăng, phát nội dung thông tin trên báo chí, bản tin, đặc san sau đây: "Đăng, phát thông tin có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân" đồng thời buộc cơ quan báo chí cải chính, xin lỗi và gỡ bỏ thông tin sai sự thật, thông tin vi phạm quy định pháp luật đã đăng, phát trên báo điện tử, tạp chí điện tử, báo nói, báo hình.

Hai là, theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 100 và điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 thì hành vi chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm của các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi vi phạm của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội.

Các biện pháp khắc phục hậu quả:

- Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật đối với hành vi vi phạm;

- Buộc thu hồi tên miền do thực hiện hành vi vi phạm.

Thứ hai, chế tài xử lý hình sự:

Một là, truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống quy định Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể:

- Người nào bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm;

- Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm;

- Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm;

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Hai là, truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân quy định Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể:

Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Như vậy, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm thì một số trang báo điện tử, mạng xã hội có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các quy định nêu trên.


Thanh Hương

NỔI BẬT TRANG CHỦ