• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn: “Hy sinh cá nhân để có bữa cơm tất niên sum họp”

Văn hoá 27/01/2017 14:13

(Tổ Quốc) -Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn đã trò chuyện về bữa cơm tất niên, một trong những nghi lễ văn hóa độc đáo của người Việt.

PV: Thưa ông, bữa cơm tất niên ngày 30 Tết có ý nghĩa như thế nào trong văn hóa của người Việt Nam?

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn: Bữa cơm tất niên là nghi thức tiễn biệt năm cũ, sửa soạn đón năm mới, mời ông Công, ông Táo về trần thế tiếp tục cai quản việc bếp núc. Nếu như ngoài trời là cúng vị quan trực, cúng tất niên trong nhà là mời tổ tiên về chứng giám năm cũ qua đi và đón mừng năm mới với tràn đầy sự hy vọng về những điều hành thông, tốt đẹp.

Bên cạnh ý nghĩa tín ngưỡng, bữa cơm tất niên có giá trị văn hóa gần với gia đình, là cơ hội để sum họp đông đủ các thành viên trong gia đình mình sau một năm đi làm ăn xa. Trong bữa bữa tất niên ngày xưa, những người họ hàng còn đến dự và coi đây như một mái ấm của gia đình.

Với những ý nghĩa đặc biệt như thế chúng ta cần phải tôn trọng và phát huy.

Bữa cơm cúng tất niên của một gia đình. Ảnh  minh họa: Vietnamnet

PV: Vậy một bữa cơm tất niên đầy đủ cần những gì, thưa ông?

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn: Đây là ngày mà các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau sum họp lại để ăn cơm buổi tất niên. Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải đầy đủ các thành viên trong gia đình.

Ngoài ra, bữa cơm tất niên không thể thiếu một con gà cúng, nếu năm đó bị dịch bệnh thì có thể thay thế bằng thủ lợn hoặc những đồ vật dâng cúng khác bằng thịt, có măng và những món ngon của gia đình khi ăn Tết. Thêm vào đó là mâm ngũ quả theo quan niệm văn hóa của người phương Đông.

Người đàn ông lớn tuổi nhất trong nhà thường là người thắp hương và đọc bài văn khấn, các thành viên khác làm lễ vái. Nội dung chính là mời thần linh, gia tiên về ăn Tết cùng gia đình.

PV: Vậy còn những điều gì cần tránh trong bữa cơm tất niên này, thưa ông?

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn: Mình phải có tấm lòng thành, tất cả thành viên trong gia đình tụ họp chuẩn bị đồ cúng và khấn vái, không được qua loa, xuề xòa. Nếu không sẽ dễ dẫn đến lục đục trong gia đình trong năm mới, tài lộc hạn hẹp.

Cần phân biệt rõ 2 nơi cúng khác nhau. Theo quan niệm dân gian, cúng tất niên bao giờ cũng có hai điểm cúng. Đầu tiên, cúng ngoài trời để cho quan hành khiển, để cho tất cả các vị thần trực cũ sẽ đi và người khác trực sẽ đến. Cúng trong nhà, là mời tổ tiên về, các vị thần nhà, thổ công, thổ địa… .

Với nhà chung cư, nếu cẩn thận thì có thể xuống tầng 1 để cúng còn không, có thể cúng ở trên nhà, ngoài lan can.

PV: Hiện nay, nhiều gia đình có xu hướng đi du lịch trong dịp Tết, điều này đồng nghĩa với sẽ không có bữa cơm tất niên sum vầy ở nhà. Ông có suy nghĩ gì về xu hướng này?

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn: Có hai luồng ý kiến, lớp người nhiều tuổi thì rất mong ngày tết con cháu về để đoàn tụ, sum họp. Đặc biệt là những người con làm ăn xa về ăn Tết với gia đình. Bố mẹ già như trái chín cây, cái quý không phải là tiền của đem về mà là tình cảm.

Tôi đồng ý với nhà thơ Trần Đăng Khoa khi ông viết trên mạng xã hội “Con cái về là mang mùa xuân về”.

Thế nhưng có ý kiến cho rằng, cũng nên chiều con cái bởi nếp sống bây giờ đã khác, con cái phải đi du lịch.

Theo tôi đi du lịch cũng được, không cấm nhưng trong bữa tất niên thì nên ở nhà với bố mẹ vì mong mãi cả năm mới có dịp tụ hội đông đủ. Sau đó mùng 2 Tết, đi du lịch cũng không sao. Hy sinh cái tôi cá nhân để gặp bố mẹ thì lúc đó sẽ hay hơn. Vừa kết hợp du lịch, vừa kết hợp ở nhà với bố mẹ thì sẽ hài hòa cả nhu cầu của lớp trẻ cũng như nhu cầu của người già.

Tôi nghĩ sẽ rất hay nếu con cái có điều kiện có thể mời bố mẹ cùng đi du lịch. Không để bố mẹ già vò võ suốt cả năm, chỉ ao ước con về dịp Tết chúng lại đi du lịch cả. Như thế buồn lắm.

PV: Cảm ơn Tiến sĩ, chúc ông năm mới Đinh Dậu sức khỏe và may mắn!

Tạ Nam

NỔI BẬT TRANG CHỦ